Ôm đồm (hoarding) và tối giản (minimalism) là hai cách sống khác hẳn nhau, mỗi bên một đầu thái cực, ở giữa là một khoảng cách khá lớn nơi hầu hết bá tánh “cư ngụ” dựa trên nhân sinh quan và cách sinh sống cá nhân. Tạm hiểu là phía ôm đồm hay “cất giữ” có kẻ cất giữ một số vật dụng cũ kỹ và cũng có người cất giữ đủ mọi thứ kể cả chổi cùn rế rách. Ngược lại, bên “tay không” có người chẳng tha lôi thứ gì và cũng có người tha lôi ít nhiều vật dụng bên mình dựa trên nhu cầu sử dụng.

Ôm đồm quá mức được định nghĩa là việc “khuân vác, lưu giữ tất cả mọi thứ nhặt nhạnh được kể cả các món đồ phế thải lượm mót từ thùng rác”. Thấy món gì cũng cho rằng có thể “dùng được” bất kể vật ấy đã hư hỏng, sứt sẹo… như chiếc ghế chỉ còn ba chân đã long đinh, cái nồi thủng lỗ, đôi dép mòn vẹt. Tính ôm đồm quá mức dường như xuất phát từ một mất mát [tâm thần] rất sâu đậm và để lấp đầy khoảng trống ấy, người ta tom góp, lưu giữ vật dụng rồi chất đầy chung quanh?

Ngược lại, tối giản là cách sống giản dị đến mức tối thiểu, chỉ vừa đủ những món cần thiết cho đời sống hàng ngày. Theo bà Marie Kondo, phụ nữ Nhật Bản nổi tiếng về tài nghệ sắp xếp phòng ốc, món chi không dùng nữa thì hãy… cám ơn nó rồi đem cho những nơi nhận đồ dùng cũ để chia sẻ với những người khác; món đồ ấy lại có một “đời sống” thứ nhì từ chủ nhân mới!

Mùa đại dịch chưa chấm dứt nhưng ảnh hưởng trầm trọng của nó đã thay đổi khá nhiều quan niệm sống của cư dân thế giới. Những người chưa nhiễm bệnh hoặc thoát chết nhận ra rằng khi phải cấm cung trong nhà thì không gian chật hẹp ấy mang lại cảm giác “giam hãm”, “tù đày”. Càng nhiều đồ đạc chung quanh thì không gian sống càng bị thu hẹp, chật chội nên sinh ra khó chịu, bực bội chưa kể vấn nạn suy giảm / mất công ăn việc làm, buôn bán trì trệ nên lợi tức sa sút mang thêm nỗi lo âu. Người có lợi tức nhưng sinh hoạt hằng ngày bị thu hẹp trong khuôn khổ của ngôi nhà mang lại cảm giác tù túng, buồn nản trong khi kẻ mất công việc nên túng thiếu lại bị gò bó nên áp lực của đời sống trở nên nặng nề hơn. Kinh nghiệm từ mùa đại dịch thay đổi nhân sinh quan của con người, mang lại một số khái niệm sống mới mẻ. Khái niệm “tiết giảm”, “conscious consumption”, từ việc tiêu xài cho quần áo, giày dép đến sắm sửa đồ đạc trong nhà, xem ra phổ thông nhất và đang được cổ võ nồng nhiệt!

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Minimalism không phải là một danh tự mới mẻ, nhưng cách sống theo quan điểm ấy chỉ mới được bá tánh để ý đến từ vài năm nay khi cuộn phim tài liệu “Minimalism”, do Matt D’Avella sản xuất và quảng bá, cho thấy các lợi ích từ cách sống tối giản.

Ðể áp dụng lối sống tối giản, ta có thể phải thay đổi cách suy nghĩ, thói quen trong sinh hoạt kể cả việc sắm sửa, ăn mặc… nên dù ưa thích nhưng không mấy ai áp dụng thành công. Chẳng hạn phải vứt bỏ những vật dụng dù dư thừa và không dùng đến nhưng vô cùng quen thuộc chung quanh như cái bàn, cái ghế… Trong nhà có ba bốn cái bàn nhưng chỉ dùng một (bàn ăn) hoặc hai (bàn giấy); mấy thứ còn lại nên vứt bỏ vì không cần thiết.  Cả chục cái ghế đặt khắp nhà, ta chỉ cần hai hoặc ba cái để dùng hằng ngày; thảng hoặc khi có khách thăm viếng, có thể chỉ cần vài chiếc ghế nữa nhưng hầu như căn nhà nào cũng có cả chục cái ghế để bụi bám. Những món đồ đạc khác, vật dụng nhà bếp…những thứ cũ đã được thay thế bằng món mới nhưng vẫn lưu trữ.

Không thiếu các câu chuyện về sự tiếc rẻ nên người ta vẫn giữ vật cũ dù không còn sử dụng nữa. Có người lại mua phòng ốc lớn hơn, rộng hơn để có thể chất chứa, cất giữ những vật dụng đã cũ. Khi không thể mua nhà rộng hơn, người ta thuê các kho lẫm (storage space) để chứa đồ đạc cũ. Và cứ thế người ôm đồm có thể thuê đến mấy cái kho để chứa vật dụng cũ, không còn giá trị và không dùng đến nữa.

Thỉnh thoảng ta lại nghe những câu chuyện về người thuê thiếu nợ tiền thuê mướn nên chủ kho mang ra phát mại, bán đấu giá để lấy chỗ cho kẻ khác thuê!
Lưu luyến vật dụng cũ quả là một thứ “cảm xúc” nặng nề dẫn đến việc đa mang? Làm thế nào để ngưng lưu luyến, tiếc rẻ những vật dụng cũ?

Quyến luyến vật cũ ngoài việc tiếc rẻ còn liên quan đến sở thích cá nhân. Ngày trước, khái niệm tối giản được hiểu [ngầm] là sử dụng những vật dụng giản dị, đơn sơ và có thể là rẻ tiền để có thể thay đổi, vứt bỏ dễ dàng, không vướng mắc. Với khái niệm ấy, “dụng” (utility) là điểm chính. Tuy nhiên, năm người mười ý, con người không ai giống nhau hoàn toàn. Người ưa chuộng mỹ thuật, chọn lựa quần áo đồ dùng theo vẻ đẹp của chúng.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Cái nhìn của mỹ thuật đôi khi thay đổi theo thời gian. Kẻ thức thời sẽ nhanh chóng thay đổi vật dụng theo thời trang. Người “hoài cổ” lại thích cái đẹp xa xưa từ những món đồ cũ từ quần áo đến đồ đạc nên không muốn vứt bỏ dù vật cũ không còn dùng được nữa kể cả đồ đạc đã hư hỏng, quần áo đã chật đã rách. Dù phải sắm sửa vật dụng mới nhưng vẫn không vừa ý với kiểu cách “tân thời” nên việc thay đổi xem ra khó khăn, đòi hỏi ta chấp nhận những thứ “mới” kể cả sự cảm thụ về mỹ thuật. Do đó, lối sống tối giản [vứt bỏ những thứ không cần thiết] là cả một sự thử thách với người hoài cổ vì cái ‘đẹp” (aesthetic) và cái “dụng” (utility) không mấy khi đi đôi với nhau?!

Với những nhà thiết kế thì lối sống tối giản thu hút bá tánh qua nhiều lý do: Tiết kiệm tiền bạc là nguyên nhân chính. Ðây là yếu tố quan trọng với người trẻ mới vào đời, việc làm chưa mang lại lợi tức cao; sống giản dị, ít mua sắm sẽ tiết kiệm được ít nhiều tiền bạc. Yếu tố phổ thông kế tiếp dựa trên nhân sinh quan “không phí phạm”. Khi bận rộn làm việc kiếm sống, nhóm người này tiêu xài rất ít thời giờ tại nhà riêng, “nhà” do đó chỉ là nơi để ngủ, để tắm rửa, sửa soạn cho việc… ra đường nên phòng để trống, không sử dụng. Phòng ốc không dùng vẫn phải bảo trì điện nước, chùi dọn nên vừa phí tiền vừa phí sức. Và họ áy náy về sự “phí phạm” ấy; danh từ thời thượng là “conscious living” hay “lối sống hiểu biết”. Yếu tố thu hút lối sống tối giản sau cùng là cảm giác “nhẹ gánh”, ít vật dụng nên ít đa đoan; khỏi thắc mắc việc bảo trì, sắp xếp đồ đạc, quần áo.

Ðáp ứng với nhu cầu sống tối giản, gần đây, các tay thiết kế của thế hệ X và thế hệ Millennium đang xoay chuyển khái niệm tối giản. Họ chế tạo và trình bày những vật dụng giản dị, gọn gàng nhưng không thiếu các chi tiết mỹ thuật. Chiếc ghế không chỉ có bốn chân, chỗ ngồi và nơi dựa mà chân ghế là những đường cong hoặc chéo trau chuốt, chỗ ngồi bọc vải hoặc da với màu sắc hài hòa… Tạm hiểu là vật liệu, màu sắc, hoa văn, họa tiết được lựa chọn kỹ lưỡng trước khi chế tạo đồ dùng để thu hút khách hàng ưa chuộng thẩm mỹ [và bán được giá]. Vừa mắt thì dễ bán! Nôm na là “tối giản” không đồng nghĩa với sơ sài, xấu xí.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Khởi đầu phong trào thiết kế [kiểu] tối giản là việc dùng màu sắc, dễ nhìn dễ thấy nên dễ thu hút khách hàng. Vật dụng được chế tạo với màu sắc tươi tắn, cái máy pha cà phê có thể đun nước nóng có màu đỏ thẫm, cam vàng hoặc xanh tươi. Chiếc ghế nệm bọc vải với họa tiết dễ nhìn. Tường vách sơn màu hài hòa, sắc đậm nhạt khác nhau thay cho kiểu đơn điệu như trắng, kem, xám nhạt… những màu nền ấy tuy dễ trang trí nhưng buồn nản, nhìn chóng chán.
Kế tiếp là hình thể, vóc dáng của vật dụng, đồ đạc. Ðồ đạc kiểu Bắc Âu (Scandinavia) là thí dụ điển hình, đơn giản nhưng không sơ sài kém mỹ thuật, nhất là cách sử dụng các loại gỗ nhạt màu như birch, ash thay kiểu xưa cũ dùng gỗ sồi, gỗ mahogany sậm màu, nhiều vân.

Kiểu thiết kế mới cũng áp dụng “nhiều cách dùng” cho một vật thể. Cũng chiếc ghế kể trên ta có thể dùng vài lối khác nhau, chân ghế cao vừa đủ để có thể dùng chung với bàn ăn và cũng thấp vừa đủ để có thể dùng như ghế bành trong phòng khách. Nghĩa là một chiếc ghế vài cách sử dụng. Cái bàn ăn có thể dùng như chỗ làm việc với chiếc laptop…
Màu sắc, hình thể là mấy điểm chính của các tay thiết kế thời nay nhưng kích thước của vật dụng lại tùy thuộc vào kỹ thuật của nhà sản xuất. Họ chế ra các vật dụng lớn nhỏ khác nhau để người mua có thể lựa chọn vật dụng theo kích thước căn nhà, căn phòng của mình. Món đồ đạc có thể dễ nhìn trong phòng ốc của ngôi nhà nhưng lại kềnh càng, không vừa vặn với căn chung cư cá nhân.

Con người khi có thể thường lựa chọn nếp sống phù hợp với sở thích và túi tiền. Sống tối giản phản chiếu nhân sinh quan cá nhân và bá nhân bá tánh. Tuy nhiên, khuynh hướng sống tối giản mỗi ngày một phổ thông với người trẻ. Họ nói rằng khi buông bỏ những thứ không cần thiết, “hành trang” nhẹ đi rất nhiều, ngoài thời giờ làm việc cần thiết, ta có thể thụ hưởng đời sống một cách tích cực hơn, dùng thời giờ còn lại vào những thứ ưa thích như nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè, đi dạo… chưa kể việc tiết kiệm tiền bạc. Và đời sống như thế xem ra giàu có hơn, từ tâm thần đến túi tiền!?

TLL