Những nút thắt của dân tộc Inca (Inca knots) có tên là “quipu” hay “khipu”, một loại ký tự dùng để ghi chép và chuyển tải dữ kiện. Không có chữ viết, người Inca và những bộ tộc sinh sống trong vùng Andean (lãnh thổ Peru ngày nay) đã dùng loại ký tự vô cùng giản dị, dễ vận chuyển và rất chính xác để “nói chuyện”, trao đổi tin tức.

Khipu bao gồm nhiều màu sắc, số dây và đôi khi cả mấy trăm nút thắt nhiều kiểu loại giữa những khoảng cách khác nhau để ghi nhận ngày tháng, số lượng, trương mục, kể chuyện và chuyển tải dữ kiện, ý tưởng trừu tượng, kể cả thi phú.

Ngày trước, khipu chỉ là dụng cụ đơn giản “ghi chép” thay cho chữ viết. Tuy nhiên, ngày nay, người ta tìm ra khá nhiều điều mới lạ về khipu và hiểu thêm về cách sử dụng loại ký tự này.

Khipu được phân loại và sắp xếp theo hình dạng, màu sắc, số lượng dây, số nút thắt… Chuỗi khipu thông thường là một sợi dây chính bằng cô tông hoặc bằng len. Chuỗi khipu lớn nhất có đến cả 1,500 sợi dây và cách thắt nút biểu hiện các ý tưởng, dữ kiện khác nhau. Như thế, cách thắt nút, vị thế của nút thắt trên sợi dây và thứ tự của các nút thắt chuyển tải nhiều ý niệm/dữ kiện riêng. Phương thức chế tạo chuỗi khipu dựa trên hệ thống “điểm”; số “điểm” cao nhất là 10,000, in hệt như phép tính theo toán pháp ta dùng ngày nay. “Chìa khóa” để tính điểm trên chuỗi khipu là sợi dây xa sợi chính nhất.

Mỗi loại nút thắt có ý nghĩa riêng. Chẳng hạn như cách xoay sợi dây trong mỗi nút thắt, có thể là số 1-9; một nút thắt hình số 8 (∞) là một biểu tượng riêng/trị giá riêng; nút thắt “granny” tương đương với số 10 trong khi một sợi dây không nút thắt có trị giá zero. Những sợi dây “phụ” có thể được thêm vào các sợi dây riêng rẽ để bổ túc ý nghĩa cho sợi dây ấy. Một chuỗi khipu có thể được “nối” với các chuỗi khipu khác theo một thứ tự riêng biệt để ghi nhận các dữ kiện/ý tưởng gom chung với nhau. Màu sắc của sợi dây cũng mang ý nghĩa riêng.

Ngoài việc chuyển tải dữ kiện trên khipu, để “chắc ăn” hơn, người Inca còn sử dụng cách “truyền khẩu”. Những người có trí nhớ đặc biệt được tuyển làm công việc “ghi nhớ” và giải thích mỗi loại khipu. Họ được gọi là the khipu kamayuq (quipucamayos) và được trọng vọng, đãi ngộ xứng đáng. Các “bộ nhớ” này “chuyển” dữ kiện cho con cháu qua cách kể chuyện. Ðại khái, đây là một nghề “cha truyền con nối”. Tuy nhiên, các hình phạt nặng nề được dùng cho “bộ nhớ” nào không còn minh mẫn, chính xác.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Tại Cuzco, thủ phủ của tộc Inca, the khipu kamayuq là các tay chuyên nghiệp, ngoài việc duy trì các dữ kiện của công chúng; họ dùng khipu như một dụng cụ giúp gợi nhớ hoặc để có thể nhắc lại các câu chuyện, huyền thoại và thi phú trong văn hóa cổ truyền của tộc Inca.

Tại các tỉnh thành, khipu là phương tiện dùng kiểm kê dân số, bao nhiêu nam, nữ, hôn nhân, số trẻ em ra đời… Hoàng gia Inca dùng khipu để ghi chép các cuộc chinh phục, chiếm cứ đất đai và cả việc sanh nở của vua chúa.
Khipu cũng là dụng cụ ghi chép các con số trong trương mục, kiểm kê hàng hóa, tài vật, thuế má, diện tích và số lượng đất đai, gia súc, lực lượng quân số, vũ khí, thiên văn, khí hậu và cả ngày tháng. Ðặc biệt là loại khipu dùng trong mục đích buôn bán/trao đổi thường được “dùng” chung với người “kể chuyện”, nghĩa là chuỗi khipu đi cùng với con người, mô tả chi tiết truyền miệng, “chaski”, một hình thức người đưa tin (Inca postal messengers).

Tài liệu (sử sách) quý giá như thế nên sau mỗi cuộc chiến tranh đẫm máu, kẻ thắng thường tìm cách phá hủy “di sản” tinh thần của người thua. Việc “chuyển giao” giữa các hoàng triều cũng không ngoại lệ.  Khi Atawalpa chiếm được lãnh thổ, cũng ra tay xóa sổ lịch sử Inca, phá hủy các dấu vết về các triều đại trước bằng cách thiêu hủy các chuỗi khipu. Mất mát như thế nên lịch sử của tộc Inca tỏn mỏn dần. Tệ hại hơn nữa khi bị dân Tây Ban Nha chiếm đất rồi cai trị, các chuỗi khipu quý giá còn sót lại chịu thêm một cuộc phá hủy quy mô nữa. Hậu quả là ngày nay, di sản thế giới chỉ còn mấy trăm chuỗi khipu. Tuy nhiên, cư dân Andean sinh sống trong rừng núi vẫn còn dùng khipu để kiểm kê / đếm số gia súc.

Khi lang thang bên Peru, Dế Mèn có dịp đến thăm một viện bảo tàng nhỏ nhỏ tại Cusco và được nhìn ngắm một số khipu trưng bày ở đó. Cũng tại thành phố miền núi ấy, đại học Harvard đã và đang thực hiện nhiều chương trình khảo cổ với sự giúp đỡ của chính phủ sở tại.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Gần đây, Harvard công bố kết quả một cuộc nghiên cứu về khipu. Người phụ trách là một sinh viên năm thứ nhất ban cử nhân về kinh tế, Manny Medrano. Dưới sự hướng dẫn của chuyên viên kỳ cựu, học giả tên tuổi về nhân chủng học trước thời Columbia* và là giáo sư tại đại học Harvard, Tiến Sĩ Gary Urton, chàng sinh viên trẻ tuổi đã có dịp thi thố tài năng và làm ngạc nhiên những chuyên viên nghiên cứu trong nghề. Họ giải mã được những chi tiết ẩn giấu trong những chuỗi khipu cổ xưa đã  giúp thế giới hiểu được phần nào sinh hoạt hàng ngày của con người sống trong nền văn minh Andean.

Đôi nét về lịch sử Inca

Thế kỷ XV – XVI là thời kỳ rực rỡ nhất của hoàng triều Inca với một hệ thống sinh hoạt xã hội phức tạp nhất tại châu Mỹ. Di tích nổi tiếng nhất là những lâu đài đá trong rừng Machu Picchu. Người Inca không để lại dấu tích gì về chữ viết ngoài lịch sử “truyền khẩu” và những chuỗi khipu.

Hầu hết lịch sử chúng ta đọc ngày nay được/bị viết bởi người Tây Ban Nha, tất nhiên là dưới cái nhìn của một thực dân. Năm 2002, giáo sư Urton khởi đầu chương trình nghiên cứu và lưu trữ các dữ kiện về khipu tại Harvard: the Khipu Database Project. Ông tìm kiếm, thăm viếng khắp nơi, từ các viện bảo tàng đến các phòng triển lãm tư nhân, nơi có trưng bày khipu để thu góp hình ảnh, tài liệu. Nhờ vậy, trong kho dữ liệu kia ngày nay đã có tài liệu về hơn 900 chuỗi khipu.

Tìm hiểu về khipu, các chuyên gia cho rằng các chuỗi dây thắt nút ấy dùng để kiểm kê dân số cũng như đo đếm tài sản hoặc ngày tháng theo lịch Inca. Tình cờ ông Urton được ngắm 6 chuỗi khipu của tư nhân, bện thắt từ thế kỷ XVII, được khám phá từ vùng Santa River Valley, phía tây bắc của Peru.

Nhìn ngắm nhưng không hiểu chi nhiều về những chuỗi khipu ấy cho đến khi nhà nhân chủng học được cơ may đọc một cuốn sách về kiểm kê dân số của người Tây Ban Nha, ghi chép về địa phương kể trên trong cùng thời điểm ấy. Các chi tiết, con số từ sách vở xem ra ăn khớp với các chuỗi khipu tìm thấy!

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Hứng thú quá, ông Urton kể lại câu chuyện nọ với học trò trong mùa Xuân 2016. Nghe chuyện, chàng sinh viên Medrano đâm ra say mê và tình nguyện góp sức theo đuổi chương trình nghiên cứu ấy vào mùa Hè kế tiếp.

Từ Khipu Database, anh chàng Medrano mày mò ghi chép và dùng Microsoft Excel để làm một bản thống kê bỏ túi với biểu đồ và bảng tóm tắt. Manny Medrano gốc Mễ Tây Cơ, thông thạo ngôn ngữ Tây Ban Nha nên đọc sách vở tài liệu viết bằng tiếng Tây Ban Nha vô cùng dễ dàng, lại thêm “nghề” tính toán ghi chép các con số, dữ liệu của một sinh viên ban kinh tế học cộng với sự tò mò, say mê nên việc tìm hiểu thêm phần dễ dàng.

Manny Medrano nhận ra rằng cách thắt nút trên mỗi sợi dây xem ra tương đương với vị thế xã hội của 132 nhân vật được liệt kê trên tài liệu kiểm kê dân số. Màu sắc của sợi dây “kể” tên gọi của các nhân vật này. Các giả thuyết này được đưa ra bàn luận và chứng nghiệm bởi các chuyên viên nghiên cứu khác. Và họ đồng thuận: cách các sợi dây được kết nối với sợi chính là biểu tượng tầng lớp xã hội của con người trong tầng lớp ấy. Màu sắc của sợi dây đi song song với tên gọi như sách vở tường trình. Lập thuyết này căn bản dùng trong việc giải mã những chuỗi khipu kế tiếp! Nói cách khác, có thể hiểu công trình nghiên cứu của Manny Medrano đã “mở lối” cho các cuộc nghiên cứu về khipu sau đó.

Theo các chuyên viên, hứng khởi nhất là việc con người ngày nay hiểu thêm phần nào về nếp sống xa xưa của dân địa phương. Người Inca không có chữ viết, ngôn ngữ cũng bị mai một theo thời gian nhưng những chuỗi khipu kia sẽ nói giùm họ về lịch sử một thời vàng son của dân tộc Inca!

TLL

* Các chương trình khảo cổ về nhân chủng tại châu Mỹ thường được chia thành từng giai đoạn. Thời Columbia đánh dấu bằng việc ông Columbus “lạc đường” đến châu Mỹ rồi mang theo đoàn quân Tây Ban Nha. Giai đoạn trước đó được gọi là “Tiền-Columbia” hay “Pre-Colombian Period”, lúc cư dân châu Mỹ chưa chịu sự cai trị của người châu Âu.