Ngày xưa – trước 1975 – dân mình rất hay khi dùng chữ “Tết”. Tết là lễ, là hội, là niềm hân hoan vui sướng đến cho mọi người, mọi tầng lớp nam – phụ – lão – ấu. Truyền thống Việt Nam chỉ có Tết Ta, Tết Tây, Tết Ðoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) và Tết Trung Thu (rằm tháng 8 âm lịch). Xem ra, xưa kia  ở miền Nam, tuổi nhỏ được đặt vào hàng “quan trọng”, có một cái Tết riêng, cũng đúng thôi, vì thiếu nhi thiếu niên là tương lai lâu dài bền vững của đất nước mà!

Xưa, Tết Trung Thu gắn liền với bánh trung thu và… lồng đèn. Lồng đèn, đủ loại, rực rỡ đầy màu sắc bởi giấy kính hoặc giấy bóng mờ dán trên khung tre cột lại bằng dây kẽm mỏng – bày bán ở khắp tiệm bánh và tiệm tạp hóa, tiệm sách, chợ lớn, chợ nhỏ… trông vui mắt với đủ loại hình đồ vật, con vật: cá chép, rồng, gà, bướm, thỏ, ngôi sao, đèn kéo quân… thậm chí là lon sữa bò khoét nắp…

Lồng đèn mà không có ngọn nến lung linh thì còn gì ý nghĩa, đèn cầy nhỏ xíu đủ màu dài chừng 1 tấc được đặt vào một lò xo quấn bằng dây kẽm gắn vào nẹp tre ở đáy lồng đèn.

Tôi nhớ một tuần trước Trung Thu, tôi được ba tôi chở vào hãng Shell của ba – số 15 đường Thống Nhất  (bây giờ là đường Lê Duẩn) – để lãnh quà Trung Thu cho các con dưới 15 tuổi của nhân viên. Hãng của ba tôi, trong mắt tôi thuở đó. Chao ôi, cái tòa nhà gì mà lớn và đẹp quá, bởi màu trắng kiêu sa và lối kiến trúc Âu châu được nhấn mạnh bởi những cái cột tròn to đùng bề thế vững chãi.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Năm đó tôi 13 tuổi, tất nhiên là như mấy năm trước, tôi phải “hỏi ý kiến” mấy đứa em trước khi đi để biết mà lãnh đúng cái lồng đèn nó thích – cá chép, gà, bướm, thỏ, máy bay, tàu thủy hay cái gì khác- và phải hỏi thêm “nguyện vọng 2” của mỗi đứa, nếu “yêu cầu 1” không có hoặc hết. Cẩn thận vậy mà vẫn bị “dỗi hờn, phụng phịu, giọt ngắn giọt dài” vì không đúng màu, không đúng kiểu… Tụi nó nào biết tôi gần “xệ cánh tay” vì cố giữ nguyên vẹn lồng đèn của tụi nó không bị rách, sờn hay méo mó… suốt đường về nhà.

Mỗi đứa con của nhân viên được 1 lồng đèn, 1 bánh Trung Thu và 1 bánh dẻo của các hãng bánh tiếng tăm lâu đời: Ðồng Khánh, Tân Tân, Ðông Hưng Viên, Long Xương…

Thắm Nguyễn

Tối ngày rằm tháng 8 vui lắm, khi mặt trời tắt hẳn, khoảng 7 giờ tối, học bài làm bài xong; không hẹn mà trẻ con trong xóm, đương nhiên là có tôi, cùng nhau “xuống đường” với cái lồng đèn của mỗi đứa, cùng thắp nến, dạo khắp hẻm hóc của phố phường. Ðẹp làm sao hình ảnh của đàn con nít, áo thun rách, xà lỏn xệ, dép lộn chân, tung tăng cầm lồng đèn, vừa đi vừa hát:

… đèn ông sao với đèn cá chép,

đèn thiên nga với đèn bươm bướm

đèn xanh lơ với đèn tim tím,

đèn xanh lam với đèn trắng trắng

Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu …

… tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh …

 em rước đèn mừng đón chị Hằng …

Những nụ cười bé con hắt lên bởi ánh nến lung linh trong bóng đêm được soi sáng dưới ánh trăng rằm làm tôn lên cái đẹp thơ ngây của mỗi đứa.  Những đôi mắt thánh thiện trong veo ngó nhìn vầng trăng tròn vành vạnh có bóng cây đa; tin tưởng tuyệt đối rằng “chị Hằng Nga” và “chú Cuội” đang dõi trông chúng và… cùng chơi Trung Thu với chúng.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Niềm vui sẻ chia không chỉ với trẻ thơ, mà cả với người lớn trong Tết Trung Thu. Gần 9 giờ tối, sau khi thỏa thích nô đùa, la hét; áo quần xộc xệch ướt đẫm mồ hôi, các “boys” các “girls” trở về nhà mình  rạng ngời trên nét mặt để “ăn” Trung Thu.

Mỗi nhà, cha mẹ bày mâm cỗ, trước cúng Ðất Trời, sau cùng quây quần ăn Tết Trung Thu. Tùy mỗi nhà mà mâm cỗ được bày biện nhiều món đẹp mắt, trung tâm là bánh Trung Thu, bánh dẻo, ngoài ra còn có trái cây, mứt, chè, trà, nước ngọt, mà hồi đó tôi thích nhất là xá xị hiệu con nai của hãng Phương Toàn … Mâm cỗ nhà tôi năm nào cũng có thêm chuối cau dẻo thơm và khoai môn bùi ngọt.

Vậy đó, Tết Trung Thu xưa ấm áp chan hòa trong tình hàng xóm, nghĩa hương lân trên nền tảng một xã hội nhân hòa, tương thân tương ái. Và tuổi hoa niên thuở đó vô tư ăn học, thỏa sức nô đùa, nuôi dưỡng ước mơ và lớn lên trong xứ sở nhân văn, quê hương hiền hòa chan chứa tình người bao la, thì làm sao không thành người hữu dụng cho một đất nước mạnh giàu? Tiếc rằng cõi thần tiên đó của lứa chúng tôi biến mất quá sớm…

Chắc chắn rằng tuổi nhỏ bây giờ không có được Trung Thu đẹp và hồn nhiên như Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi của ngày xưa đó. Vì còn đâu tuổi thơ vô tư, hồn nhiên chỉ biết gắng công học hành để lớn lên thành tài xứng công cha mẹ nuôi dưỡng, thầy cô dạy dỗ; giúp ích cho đất nước mạnh giàu, xã hội văn minh, nhân hòa, nhân ái.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Trẻ con xứ Việt bây giờ thực dụng, “già trước tuổi”, rồi đầy rẫy cái xấu xa ngoài xã hội sẵn sàng cám dỗ và đón nhận sự lầm lạc của trẻ nhỏ và biến chúng , cũng như người lớn, thành những tâm hồn thực dụng và chai đá chỉ biết “chụp giựt” cho riêng mình; bởi chung quanh đều như thế …

Mùa Trung Thu sau chót mà lứa chúng tôi được vui, được chơi, được thỏa thích là Trung Thu năm 1974; sau đó và đến tận bây giờ thì Trung Thu không còn ý nghĩa gì nữa với tuổi thơ và với mọi người; chỉ còn là dịp trao đổi, mua bán đổi chác của vòng danh lợi, chốn quan trường; một cái Tết đã biến mất trong ngôn từ người Việt!

… Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó, bên mái tranh chiều ngồi ngắm áng mây trôi …

… Xin trả tôi về miền quê  hương nhỏ bé, có lũy tre vàng bờ lúa sát chân đê…

… Xin trả tôi về thời xa xưa lộng gió, bên khóm hoa cà rượt đuổi bướm tung tăng …

… Xin trả tôi về ngày xưa trong mùa lúa, bên ánh lửa hồng mẹ thức nấu ngô khoai …

… Xin trả tôi về vùng thơ ngây thuở đó, chưa biết ưu sầu vì kiếp sống bôn ba …

Xin trả tôi về với tuổi thơ vô tư và vui sướng biết bao của ngày xưa đó, của mùa Trung Thu năm đó – Xin được trả tôi về …

HX