Trong cuốn Truyện Cổ Nước Nam (Quyển Thượng) của cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc chép truyện Cái Cân Thủy Ngân như sau:

“Xưa có một nhà làm nghề buôn bán, âm mưu chế ra 1 cái cân rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán cân vào đàng móc. Khi cân hàng mua của ai thì lại dốc cán cân vào đàng quả. Như vậy 1 cái cân vừa nặng, vừa nhẹ được, và bao giờ phần lợi cũng về mình. Vì buôn bán điên đảo như thế, mà không bao lâu nhà ấy trở nên giàu có. Trời cho, lại sinh ra 2 đứa con trai mặt mũi khôi ngô, học hành thông thạo. Thiên hạ ai nấy đều khen là nhà có đại hồng phúc.

Một hôm, hai vợ chồng ngồi bàn với nhau rằng: “Nhà ta bây giờ đã giàu có hơn người nhiều, lại sanh 2 đứa con khôn ngoan, giỏi giang. “Một mặt người bằng mười mặt của,” thôi thì bây giờ ta đem phá bỏ cái cân điên đảo kia đi, để dành cái đức lại cho con về sau.”

Bàn xong hai vợ chồng thuận tình sửa cái lễ sám hối trên thì cúng Phật, dưới thì cúng ông bà, ông vải. Rồi đem cái cân ra chẻ. Thì khi chẻ ra, ghê thay, thấy trong cán cân có đọng một cục máu đỏ hon hỏn. Từ đó, hai vợ chồng bảo nhau ăn ở tu nhân tích đức, tránh điều dữ, làm điều lành.

Nhưng cách đó vài năm, bỗng 1 hôm một đứa con lăn ra chết, và không bao lâu, đứa kia cũng lăn ra chết nốt. Hai vợ chồng kêu gào khóc lóc, rất là thảm thiết nghĩ rằng mình đã có bụng cải ác vi thiện mà Trời không chứng quả. Hai vợ chồng rầu rĩ khổ sở, cứ ngồi than dài thở vắn trong mấy tháng trời, không buồn động đến việc gì nữa.

Một đêm, hai vợ chồng nằm mơ thấy có ông Bụt đến bảo rằng: “Vợ chồng mày hãy nên lo toan làm ăn tu tỉnh lại. Chớ vội ngồi vậy mà trách Trời không có mắt. Trời thương chúng mày lắm đó! Trước Trời thấy chúng mày buôn bán lọc lừa, Trời đã sai 2 con quỷ xuống đầu thai làm con để phá tan cho hết những của phi nghĩa chúng mày chắt bóp nhặt nhạnh bao nhiêu năm. May mà chúng mày sớm biết hối hận,
cải tà quy chánh, tránh dữ làm lành, Trời mới sai bắt 2 con quỷ ấy về. Đừng thương tiếc chúng nó làm chi nữa. Chúng mày cứ ăn ở ngay lành rồi Trời lại đền cho 2 đứa con khác để ngày sau mà nhờ.”

Xem thêm:   Biết bao giờ trở lại

Hai vợ chồng biết thế, không thương khóc con nữa, lại lo làm ăn như cũ, và lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm cố gắng làm bao nhiêu điều từ thiện, phúc đức. Quả nhiên, sau lại sinh được 2 đứa con trai khác. 2 đứa cùng hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt và sau lớn lên, làm cho cha mẹ được vẻ vang vui sướng về cái cảnh già.”

Truyện có tính giáo dục, răn dạy người nghe sống ở đời làm ăn cần phải ngay thẳng, thật thà, đừng ăn gian, gạt gẫm người khác thu lợi bất chính.

Tuy nhiên, thực tế “Buôn gian bán lận” thường xuyên xảy ra, nên không lạ gì người xưa tuy đúc rút kinh nghiệm “Phi thương bất phú” nhưng vẫn không coi trọng người làm nghề thương mại, xếp thương mại ở hàng cuối các nghề trong xã hội.

Thập niên 80 (trên ti-vi thì luôn nói là “thời kỳ quá độ,” dân thì nói là “thời kỳ quá khổ,”) ở Việt Nam đi chợ mua một ký lô, đem về nhà cân lại còn 900 gram thì coi như người bán đã “nhân đạo” lắm rồi. Thông thường, “máy chém” phải “chém” một ký lô còn 800 gram, mua một ký gạo (4 lon sữa bò) về đong lại thấy có 3 lon rưỡi. Nếu người mua phàn nàn người bán cân thiếu, người bán trơ trẽn lớn tiếng: “Mua giá đó mà đòi cân đủ hả? Muốn rẻ mà muốn cân đủ thì lên ti-vi mua chớ ở đây không có bán.”

Tuần rồi, có cậu trai trẻ kia lên mạng xã hội phàn nàn tiệm bán bánh cuốn (ở Little Sài Gòn, Quận Cam) bán hộp bánh cuốn 2 lbs (32 oz or 907 gram) về nhà cậu cân lại thấy hộp bánh có 850 gram.

Xem thêm:   Thứ tự

Tôi thật ngạc nhiên khi thấy “trận mưa đá” tới tấp ném cậu trẻ dám phàn nàn tiệm bánh cuốn cân thiếu. Nào là “Có 3 oz bộ nhiều lắm sao mà cũng đem lên mạng nói.” Trời, 3 oz là 85 gram, bằng 9.3% giá trị hộp bánh, bằng 3 bịch bột rau câu Thailand (mỗi bịch 25 gram,) sao lại không nhiều? Một bà nói “Nếu bạn đi chợ mua thịt heo xay coi người ta bốc có chính xác mỗi bịch 1 lb hay không mà tính kỹ quá. Có chút xíu mà so đo thì đi chợ bị rớt tiền cũng vậy hà.” Bà này chắc chưa từng đi chợ mua thịt heo xay nên không biết rằng người bán thịt heo cân và tính tiền chính xác trên trọng lượng gói thịt, dư thì tính thêm tiền mà ít hơn thì khách được tính giảm tiền. Các chợ không bao giờ lấy dư 1 xu tiền của khách hàng, trừ phi thỉnh thoảng người cashier có sự nhầm lẫn bấm 2 lần. Tôi đã nhiều lần vô chợ Việt Nam mua 2 trái chanh xanh, 3 trái cà chua, hoặc vài trái chuối xiêm xanh, thì cashier chợ vẫn cân và máy tính tự động cho ra số tiền đúng số cân, không bao giờ có chuyện tôi mua ít hơn 1 lb mà cashier vẫn bắt buộc tôi trả tiền ở đơn vị tính nhỏ nhứt là 1 lb.

Lại có người khác nói “Người ta đang bán hàng mà ai rảnh đâu lấy kéo cắt cho đủ 2 lbs nếu có người đang chờ phía sau?” Ừ, thì không có thời gian cân đúng 2 lbs cho khách thì tính tiền bớt lại giống như chợ bán thịt heo xay vậy đó, chớ sao lại bắt khách hàng phải trả số tiền mà khách không hề được nhận hàng?

Tóm lại, phần lớn ý kiến đều muốn vị khách trẻ kia “không được phàn nàn,” nhưng phải trả đủ tiền mà bị cân thiếu bánh cuốn, nếu phàn nàn là bị rủa “rớt mất tiền,” “keo kiệt, bủn xỉn,” giống y như vụ bị người khác lái xe phạm luật gây tai nạn mà đòi nạn nhân phải “bỏ qua” như tôi đã kể trong một bài viết trước đây vậy. Một số ít ý kiến phản biện bênh vực cậu khách hàng vậy chớ chủ tiệm bánh cuốn có bao giờ chịu cho khách hàng trả thiếu 10 cents hay không? Cân thiếu một người khách thì không bao nhiêu, nhưng từ sáng tới chiều bán cho 100 khách thì cộng lại chủ tiệm thu lợi bất chính bao nhiêu? Rồi một tháng là bao nhiêu, một năm, hoặc vài năm thì chủ tiệm được lợi bao nhiêu?

Xem thêm:   “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”

Doanh gia thương mại Mỹ đề cao tính công bằng, sòng phẳng, rõ ràng: phẩm chất đó, trọng lượng/khối lượng đó, giá đó, đồng ý thì mua, không trả giá lôi thôi, không quảng cáo sai sự thật về hàng hóa. Họ tự tin phẩm chất sản phẩm của họ đến mức sẵn sàng cho khách trả lại hàng hóa đã mua một cách dễ dàng, khách làm mất receipt vẫn trả được hàng, không phải như phần lớn các tiệm buôn chủ Việt luôn in chữ “NO RETURN” bự tổ bố trên receipt.

Người gốc Hoa ở quê tôi có cách lấy lòng khách rất đơn giản mà rất hiệu nghiệm. Bất kỳ họ bán món ăn gì, trừ phi là đã đóng gói sẵn, còn lại thì sau khi họ múc món đó ra gói đưa cho khách, người mua vừa giơ tay nhận thì họ kéo trở về, lại nhón thêm vô một tí ti như ý muốn nói rằng: “Úa (tôi) quý lứ lắm mới cho thêm đó” Người mua nào mà không thích cái cử chỉ ấy, tôi bảo đảm với quý vị rằng lần sau muốn mua món ăn đó thì người mua sẽ nghĩ ngay tới chú chệt/thím xẩm bán hàng đó liền. Vài hột đậu phộng rang (phá xa,) vài miếng cam thảo vụn… không làm họ lỗ vốn, nhưng người mua sẽ “nộp tiền” cho họ dài lâu.

TPT