“Tôi sinh ra ở Hải-Phòng miền Bắc Việt-Nam, nhưng lớn lên tại Sài-Gòn, được nuôi dưỡng bởi cái tánh khí bình dị, cái tinh thần mộc mạc của miền Nam và có cả một thời mơ mộng, cả một tuổi trẻ với bao mộng ước đầu đời, khát khao. Hỏi nếu vì lý do nào đó phải rời xa nơi chốn ấy thì làm sao không khỏi đau lòng, không khỏi xót xa cho được. Trong nỗi nhớ thương tận cùng, tôi đã viết một số ca khúc cho Sài-Gòn và sáng tác gần đây nhất có tựa đề “Biết bao giờ trở lại” đã một lần nữa nói lên nỗi gắn bó của tôi với Sài-Gòn sẽ là mãi mãi”

(Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên)

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên 

Hiệp định Genève được ký kết chia đôi nước Việt-Nam ở vĩ tuyến 17 đã khiến hằng triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam để sinh sống và lập nghiệp. Cùng với gia đình, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên rời xa chốn cũ và dừng chân nơi Sài-Gòn đô hội. Tiệm sách Thanh Bình ở Hải-Phòng được tái hoạt động nơi miền đất mới, ấm áp và chan hòa. Vì được lớn lên giữa hai mùa lụa là mưa nắng và quen dần với nét mộc mạc, bình dị của người phương Nam nên ở anh, Sài-Gòn đã là một phần trong máu thịt và trong suy nghĩ. Những tưởng cuộc sống cứ êm đềm trôi xuôi như sông dài xuôi dòng ra biển rộng nhưng một ngày tháng Tư ập đến và Sài-Gòn lâm lụy từ đó. Người dân hoang mang tột cùng, bỏ lại nhà cửa và tìm mọi cách để ra đi. Đối với người di cư đã một lần xa quê rồi thêm một lần bỏ xứ khiến cho bao niềm thương cứ nặng trĩu trong tim, nỗi nhớ cứ vấn vương trong lòng ..

Xem thêm:   Thứ tự

“Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại

Sài-Gòn ơi sao em còn mãi trong tim tôi

Ôi những con đường ngày nào còn nghe lá rơi

Nụ cười còn tươi nét môi hay áo màu phai úa rồi”

Những con đường rợp lá me bay ghi dấu từng buổi sáng nắng tươi hay những chiều mưa muộn. Từng vòng xe quay đều của đám học trò lúc tan trường rộn rã cũng như ngày bãi trường báo hiệu ngày chia tay là kỷ niệm khó phôi phai của một thời cắp sách. Nơi đây, mối tình đầu đời cũng ươm mầm và nảy nở. Nhưng khi nước đã tràn bờ, dòng sông xưa không còn phẳng lặng và kẻ ngậm ngùi ở lại, người ra đi mang theo nỗi sầu viễn xứ. Miền quê cũ đã thật xa từ dạo đó khi chấp nhận cuộc đời phiêu bạt, mơ hồ như khói sương và vấn vương mắt lệ nhạt nhòa…

“Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại

Hỏi lòng nhau cơn mưa nào xoá đi thương đau

Bao tháng năm dài miệt mài đời như khói sương

Nghìn trùng dòng sông vấn vương để nhớ thương lệ mắt buồn”

Ở một nơi cách xa nửa vòng trái đất nhưng sao lòng vẫn bâng khuâng nhớ về chốn cũ, những con đường và những hàng quán đã in sâu một thời hoa mộng. Phố xá nơi đây thênh thang nhưng lạnh lẽo và cô quạnh. Năm tháng qua mau, bốn mùa cũng đi về vội vã. Mỗi khi thấy chiếc lá thu lìa cành chợt thấy xót xa nhiều hơn cho cuộc sống ly hương và thân phận chùm gởi. Cánh chim trời cứ mải miết bay, xa miền nắng ấm và dừng chân nơi bến bờ xa lạ …

Xem thêm:   50 năm tiếng Việt trên đất mới

‘Tôi vẫn mơ thành phố cũ lối xưa đi về

Dù hồn nghe tái tê, tìm đâu thấy những cơn mộng mê

Một ngày nào đó như cánh chim bạt gió

Có nghe mùa thu qua xót xa tình phôi pha”

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và phu nhân trong chuyến du lịch miền Đông Nam Á, không phải là Việt-Nam

Ngày nào tay trong tay và đắm say một tình yêu chưa gợn nét buồn. Phố phường như cũng rộn vui với đôi nhân tình trẻ. Hàng cây, bóng nắng như sớt chia niềm vui, nỗi buồn của lứa tuổi thanh xuân, chập chững vào đời với bao hoài bão. Chiến cuộc chao đảo gây ra bao hệ lụy. Miền quê hương yêu dấu dù đã xa xôi nhưng góc trời Sài-Gòn vẫn mãi mãi còn đây, trong trái tim và trong từng suy nghĩ …

“Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại

Để cùng em rong chơi tìm những cánh sao rơi

Cho tiếng hát buồn ngày nào nhịp vang phố vui

Nụ cười về trên nét môi, hạnh phúc tôi một góc trời”

Tình yêu trong âm nhạc Ngô Thụy Miên là điều rất thiêng liêng dẫu sung sướng trong hạnh phúc hay khổ đau trong niềm tuyệt vọng. Có nếm trải thương đau thì người ta mới biết trân trọng hạnh phúc cũng giống như sống qua ngày mưa buồn mới biết tận hưởng những ngày nắng ấm. Giờ đây, Sài-Gòn đã bị thay tên và đổi chủ nhưng lối nhỏ đường quen, cây xanh bóng mát, hàng quán hẹn hò là những kỷ niệm ngọt ngào và sẽ không bao giờ phôi phai theo năm tháng. Sài-Gòn dù xa nhưng vẫn thật gần trong lòng người xa xứ, lìa quê.

Xem thêm:   Những cú gọi không người trả lời

TV (02.03.2025)