1

Đôi mắt em lặng buồn

Nhìn thôi mà chẳng nói,

Tình đôi ta vời vợi

Có nói cũng không cùng.

Có lẽ, 4 câu thơ của Lưu Trọng Lư diễn tả đúng tâm trạng của tôi khi gặp lại anh, người mà tôi vẫn ngày thương đêm nhớ.

Đối với tôi lúc bấy giờ, từ ngữ an toàn hay nguy hiểm không còn quan trọng nữa. Chỉ vài phút ngắn ngủi trước đây tôi còn rưng rưng nước mắt khi nghe tiếng hát ai da diết, não nề từ hàng xóm vọng sang “Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười…” mà bây giờ tôi được ôm chặt lấy anh. Đây là niềm hạnh phúc tuyệt vời tôi vẫn hằng ao ước.

Hơn nửa tháng qua, sau lần chia tay chẳng biết có còn gặp lại nhau không tôi trông ngóng tin anh từng giây, từng phút. Nhưng rồi chuyến vượt biên thất bại, anh trở về sau khi cùng người bạn tù liều lĩnh thoát thân trên chiếc ghe nhỏ dưới lằn đạn truy đuổi của công an biên phòng. Như thế có nghĩa là anh sẽ tiếp tục sống lén lút trong tình trạng bất hợp pháp với nỗi âu lo không ngừng cùng viễn ảnh sẽ bị bắt trở lại khi thân phận kẻ trốn tù bị bại lộ và tôi sẽ triền miên mất ngủ vì tiếng chó sủa giữa đêm khuya với câu hỏi luôn làm tim tôi loạn nhịp “Nếu công an phường đến xét nhà thì phải làm sao”. Thế nhưng một điều nghịch lý đã xảy ra là sự thất bại đó đã mang đến cho chúng tôi nỗi vui mừng khôn tả. Một nỗi mừng vui bất chấp hậu quả. Anh nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi và nói “Anh sẽ không bao giờ rời xa em. Nếu hai đứa không được đi cùng anh sẽ ở lại. Hiểm nguy, nghèo khó thế nào anh cũng chấp nhận”. Rồi anh kể cho tôi nghe về chuyến đi vừa rồi với cách tổ chức thật lỏng lẻo, rời rạc không an toàn. Tiền chẳng có trong tay mà anh dám tuyên bố “Lần tới, nếu có đi anh phải là người tổ chức”. Tôi biết anh là người gan dạ và có bản lãnh nhưng với cái hầu bao trống rỗng thì làm sao có thể thực hiện được niềm mơ ước quá xa vời. Xa vời đến nỗi chưa đầy một năm sau chúng tôi quyết định làm đám cưới vì nhận ra điều mình mong muốn rất đỗi mơ hồ. 

Bảo Huân

2

Bước ra khỏi phòng, rẽ trái, tôi đi thật nhanh về phía trước rồi ngồi bệt xuống chân cầu thang, đặt tay lên ngực mà cảm nhận được nhịp tim mình đang đập thình thịch. Hít một hơi thật sâu, thở ra thật mạnh tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh. Thật khó để diễn tả chính xác tâm trạng của tôi lúc bấy giờ sau khi trải qua cảm giác lo lắng hồi hộp, xen lẫn một chút băn khoăn, áy náy.

Nhớ lại ánh mắt dịu dàng và giọng nói pha chút xúc động của cô Phước, trưởng phòng Tổ chức cán bộ khiến tôi bất ngờ:

Xem thêm:   Tây làm giàu ở ta

– Mừng cho em mà cũng tội cho anh bồ của em. Biết tin này chắc anh ấy sẽ rất buồn.

Tôi cúi đầu, vân vê đuôi tóc:

– Dạ… đành vậy. Ba má chỉ có một mình em mà em cũng gần 30 tuổi nên không thể tiếp tục chờ đợi anh ấy.

Cô cười hiền lành. Nụ cười cô thường dành cho tôi mỗi khi ký giấy giới thiệu để tôi dùng trong việc mua vé xe đò đi thăm anh ở trại tù cải tạo Chi Lăng, Châu Đốc và trại Vườn Đào, Mộc Hóa. Ngày tôi trở vào văn phòng vẫn luôn là ánh mắt ái ngại, cảm thông khi cô thấy tôi ngồi làm việc với chiếc khăn tay đẫm đầy nước mắt. Dù tôi và cô không cùng “chiến tuyến” nhưng trong cách cư xử của cô đối với một nhân viên như tôi vẫn có chút tình người.

Với giấy chứng nhận của cơ quan tôi đến Phường xin làm giấy ‘đăng ký kết hôn’(tờ hôn thú) và chuẩn bị cho đám cưới sắp đến.

Một số đồng nghiệp biết tin, họ bắt đầu xì xào, bàn tán “Nhỏ N sắp đám cưới với ‘thằng Ba Tàu’. Đó là cách họ nói về anh bằng thái độ thiếu thiện cảm. Mà cũng lạ, anh không hề tiếp xúc với ai, sao lại gây thù kết oán đến nỗi bị người ta tặng cho biệt danh như có chút gì miệt thị dù anh chẳng giống Tàu chút nào. Tôi thì thầm tâm sự với Dung, cô bạn thân làm cùng phòng có người yêu là Trung úy Không quân vừa được thả về sau hơn 3 năm tù. Cô nàng trợn mắt nhìn tôi, nghiêm giọng:

– Xét cho kỹ thì cái tội của anh chàng Ba Tàu này rất lớn là dám cướp người yêu của một chiến sĩ VNCH đang bị đày đọa trong trại tù cộng sản. Bộ bạn quên là dân mình rất thương lính ngụy hay sao?

Hai đứa nhìn nhau, nháy mắt cười thích thú vì đã qua mặt thiên hạ một cái vù mà chẳng ai biết.

3

Thời gian trước đó anh liên tục vắng nhà bởi những chuyến đi khắp nơi tìm bạn bè, người thân với hy vọng sẽ thực hiện được giấc mơ của mình. Nhưng không dễ dàng chút nào khi bạn của anh đa số không khá giả hoặc có tiền thì họ cũng chẳng dám phiêu lưu. Cuối cùng anh gặp được một người em họ là chủ lò đường ở Cầu Kè, Vĩnh Bình. Thế là anh quyết định về đó làm việc với ý định sẽ thuyết phục người em tổ chức vượt biên.

Ở Saigon tôi một mình lo toan mọi thứ. Việc đầu tiên là nhờ chị Tâm, bạn đồng nghiệp giúp tôi tìm nơi học giáo lý để rửa tội. Suốt thời gian anh giam thân nơi chốn ngục tù, tâm trạng tôi luôn lo lắng, bất an khi nghĩ đến anh với bao gian khổ, hiểm nguy rình rập nên thường đến nhà thờ cầu nguyện. Là người ngoại đạo nhưng tôi đặt tất cả niềm tin và lòng trông cậy vào Chúa và Mẹ Maria. Diễm phúc thay, các Ngài đã nhậm lời cầu xin tha thiết của tôi nên anh trở về an toàn dù phải trải qua biết bao gian nan, khó khăn. Để tạ ơn Chúa với tất cả tấm lòng thành, tôi mong muốn được trở thành con chiên của Chúa.

Xem thêm:   Lon thịt bò

Chị Tâm dẫn tôi đến gặp Cha Long Tiên, một linh mục thân thiết với gia đình chị và chị trình bày hoàn cảnh của tôi cùng sự thật về người chồng sắp cưới của tôi, một người tù vượt ngục đang trốn tránh pháp luật nên tất cả những gì anh đang có trong lý lịch hiện tại đều là giả tạo. Cha chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại nhìn tôi với ánh mắt hiền lành có chút dò xét. Hồng ân Thiên Chúa đã đổ tràn xuống khi Cha gật đầu ưng thuận cho tôi học giáo lý để rửa tội và nhận lãnh bí tích hôn phối mà không thắc mắc và hỏi han thêm một điều gì.

Ngày cưới đã đến, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng với đầy đủ những nghi lễ cần thiết. Đám cưới nghèo nên cô dâu không may áo cưới mà phải chọn một chiếc áo dài màu hồng đã đôi lần mặc qua. Chiếc khăn voan trắng đội đầu cũng mượn từ người bạn thân. Tất cả đều rất đơn sơ nhưng lòng tôi rộn rã niềm hạnh phúc. Tuy thế vẫn có một nỗi băn khoăn vương vấn trong lòng khi tôi tự hỏi tên chú rể không phải là tên thật của anh, vậy phép hôn phối có thành hay không?

4

Ngày cưới gần kề mà anh vẫn còn làm việc cho lò đường ở ven sông vùng Cầu Quan – Đại Ngãi. Theo lịch trình anh phải ở lại để chờ vận chuyển 10 tấn đường mía đến Sài Gòn nên không thể về sớm như đã hẹn với tôi từ hai tháng trước khi từ giã.

Thời điểm ấy -1980- chính sách ngăn sông cấm chợ được áp dụng triệt để. Một số hàng bị cấm chở đi thành phố như thịt, đường, gạo… nếu các trạm kiểm soát bắt được sẽ bị tịch thu hay phải “chung” tiền mới đi được. Trong ghe chở hàng kỳ này, 10 tấn đường anh mang đi là hàng cấm nên chất ở dưới cùng, kế đó là dừa khô lát và lớp trên cùng là trái cây, chỉ đóng thuế nhẹ khi qua trạm kiểm soát. Chủ ghe không cho ai biết có đường phía bên dưới để tránh các bạn hàng hoang mang, lo lắng nếu ghe bị khám xét. Còn anh chỉ là một người quá giang ghe về Saigon nên mọi người không để ý.

Khi đến Trà Ôn Vĩnh Long, nơi trạm kiểm soát đầu tiên ghe bị chận lại và người chủ ghe bị mời lên trạm chất vấn, truy tìm hàng cấm để làm tiền. Là một người điềm tĩnh và cứng rắn, chủ ghe kiên quyết trả lời “không có hàng cấm”. Công an giữ ghe lại, giằng co, đe dọa từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, họ đòi tốc hết trái cây lên để xét. Cuối cùng, chủ ghe chơi ván bài liều. Ông ra điều kiện với công an “Các anh tự bới móc trái cây, rau củ lên. Nếu không có hàng cấm mà những thứ này bị hư thì anh phải bồi thường cho bạn hàng”. Các bà quýnh quáng vì sợ bị thiệt hại nên nài nỉ chủ ghe chung tiền cho qua nhưng ông nhất định “không”. Lúc ấy, anh xuống sông nhởn nhơ bơi lội và sau đó lên ghe nằm đọc sách như người ngoài cuộc. Cuối cùng, công an không dám tốc hàng lên nên đành phải cho ghe qua trạm với giấy chứng nhận đã kiểm soát.

Xem thêm:   "Nhà bảo tàng Thi Đà Lạt"

Ghe đi ngày đêm đến Bình Chánh, trạm cuối trước khi đến cảng Sài Gòn. Công an chặn lại, hỏi buôn hàng gì và đòi giữ giấy tờ của tất cả bạn hàng trên ghe, khi nào quay về sẽ trả lại. Đến phiên mình, anh trình thẻ công nhân viên (giả) và ôn tồn giải thích “Tôi làm việc ở Chợ Lớn về quê thăm gia đình rồi quá giang ghe này về thành phố nên không trở lại.”

Tên công an thảy cho anh cái nhìn soi bói nhưng cuối cùng cũng trả lại giấy tờ. Đến cảng Sài Gòn, hàng hóa được chuyển lên bờ, lúc đó các bạn hàng đi chung mới biết ghe có chở đường và anh là “đầu dây mối nhợ” nếu có “sự cố” xảy ra. Họ nói với nhau trong lúc anh giả vờ không nghe thấy “Vậy mà khi công an đòi khám hàng cậu ta tỉnh bơ như không biết chuyện gì đang xảy ra. Hay thiệt”.

Giao đường cho các “mối” ở khu cầu Nhị Thiên Đường, Chợ Lớn xong anh mang khuôn mặt bơ phờ, áo quần xốc xếch vì bao nỗi lo âu giấu kín trong lòng, đến nhà anh chị Tám là bạn thân của tôi, cũng là nơi má anh cùng đứa cháu từ dưới quê lên tạm trú để chờ sáng mai sang đàng gái. Anh về sát giờ đi rước dâu, chỉ đủ thời gian đi hớt tóc. Vào giờ phút cuối mà chiếc xe Honda mượn được còn trở chứng nằm vạ dọc đường. Họa vô đơn chí, sửa xe xong chẳng còn giờ để o bế cho mái tóc cho gọn ghẽ và trau chuốt lại dung nhan để trở thành chú rể bảnh tỏn, đến nỗi con nít đi xem đám cưới cũng lên tiếng chê bai “Chú rể gì mà đen thùi, ốm nhách”.

5

Mấy mươi năm trôi qua, chuyện vui buồn ngày cũ hai vợ chồng thường nhắc lại mỗi dịp kỷ niệm ngày cưới. Tôi thường trêu anh:

– Chồng của tôi bây giờ còn đẹp trai hơn ngày làm chú rể.

Anh hớp miếng rượu đỏ rồi cao giọng:

– Ủa! tôi đâu phải chồng của bà. Đọc lại tên chú rể đi. Tôi họ Đặng chứ đâu phải họ Trần với cái tên lạ hoắc, lạ huơ trên thiệp cưới.

NB