Ngày xưa tôi học môn Địa lý, thầy cô giảng bản đồ Việt Nam, miền Trung như chiếc đòn gánh, gánh hai vựa lúa hai đầu Nam và Bắc.

Quốc lộ 1 A
Nhiều lúc rảnh rỗi, mở máy tính, lục hình ảnh được lưu giữ và sắp xếp theo chủ đề hay từng giai đoạn thường khiến tôi nhớ những con đường hay nơi chốn mình đã đi qua, nghỉ lại. Và, có đi hết chiều dài thân đòn gánh, mới thấu hiểu lời thầy giảng ngày xưa.
“Hỡi anh gánh gạo trên đường, chàng ơi/Gạo Nam, gạo Bắc ứ ư/ Đòn miền Trung, gánh đừng để rơi/ Chàng chàng ơi, gánh đừng để rơi” (1).
Từ Nha Trang tôi đi, trên suốt chiều dài thân đòn gánh, cảnh vật loang loáng bên đường ùa về, cảm xúc đôi khi không thắng lại được.

Đường vào hầm Đèo Cả
Qua khỏi đèo Cả, hết địa phận tỉnh Khánh Hòa, những cánh đồng trải dài ngút mắt. Lúa xanh thì con gái hay cũng có thể đang vào mùa gặt đầy những chiếc nón lá trên đồng. Ghé Tuy Hòa, ly cà phê thơm nồng mùi kỷ niệm một thời còn tỉnh Phú Khánh đi công tác dài ngày từ Sông Cầu, Tuy An trở về Phú Yên (2), hạnh phúc là được tắm dưới vòi nước nóng trong một khách sạn nào đó, rồi đi xem phim với bạn. Thời bao cấp, rạp ciné cũ kỹ với những bộ phim của Liên Xô, Ba Lan hay Tiệp Khắc giờ chẳng nhớ nội dung, chỉ đọng lại những cái tựa đề: Cánh Cửa Mở rộng, Thầy lang, Con hủi, Sân ga chỉ có hai người…
Cái thời, điện thoại di động còn nằm tận đẩu đâu, chẳng ai biết tương lai sẽ có một thiết bị viễn thông thuận tiện mọi lúc mọi nơi, liên lạc khắp thế giới như bây giờ; cái thời gửi thư cho nhau phải qua con rùa bưu điện, người nhận ngóng cổ chờ thư, vậy mà bạn bè chẳng bao giờ lỗi hẹn. Lục lọi kỹ từng ngóc ngách của ký ức tôi cũng đành chào thua không biết hồi đó hẹn nhau cách sao mà luôn chính xác giờ giấc, địa điểm.

Đường cao tốc La Sơn từ Đà Nẵng ra Huế
Đi ngang Bình Định, tôi mở điện thoại gắn tai nghe và nghe đi nghe lại bài hát “Ai có về Bình Định/ Uống nước Kôn Giang nhớ người/Một thời chinh Nam phạt Bắc/Ngàn đời dang dở Quang Trung…” (3) suốt chiều dài hơn trăm cây số. Con đường thú vị bởi xe chạy mãi mà thấy sao không hết Bình Định, dừa tiếp nối dừa, màu xanh của biển chật chội ẩn hiện. Mọi người trên xe lại nhẩm tính cây số và trừ xem Quốc Lộ 1A chạy qua Bình Định hay Khánh Hòa dài hơn?
Rồi Quảng Ngãi, hai bên đường những cánh đồng trơ gốc rạ hay vàng trĩu bông dần lùi lại phía sau và cứ thắc mắc mãi sao người ta trồng cau nhiều vậy. Cau thẳng tắp xếp hàng trên những gò đất cao hơn ruộng, nhà lớn, nhỏ, xấu, đẹp đều có cau chạy dài từ con ngõ vào nhà. Có những dây trầu uốn lượn trên thân mình mảnh khảnh của cau…; làm tôi nhớ hương hoa cau tuổi 16, ban đêm đi dạy xóa mù chữ ở một vùng thôn quê, đạp xe về trên con đường vắng; có tối ngủ lại nhà bà thím, nằm nghe bà kể chuyện đời thật buồn của bà rồi thiếp đi lúc nào không hay. Giấc mơ của tôi khi ấy có hương cau, hương nếp lẻn vào nhẹ, thoảng…

Lăng Cô, Huế
Rồi Quảng Nam với những con đường mới trên phố. Những cửa tiệm không cũ, không mới, những gánh đời lướt qua dáng mẹ, bóng chị đổ dài trên phố…
Và Đà Nẵng những làn đường thẳng tắp, rộng rãi. Thành phố như chàng trai sức vóc, vạm vỡ tạo cho khách cảm giác mạnh mẽ và đầy hy vọng khi nghĩ về cuộc hành trình còn dài phía trước…
Bao giờ cũng vậy, Huế luôn là điểm dừng chân nghỉ lại trên đường. Đêm mùa hè, Huế oi nồng và chộn rộn nhưng cứ thích phải đi một vòng đường phố, cảm nhận mọi thứ chuyển động vừa nhanh lại vừa chậm. Các cô gái áo dài nhẹ nhàng tha thướt trong những cửa hiệu bán hàng lưu niệm; những gánh, hàng rong, đôi khi chẳng có tiếng rao mà vẫn làm khách chú ý.

Qua Quảng Ngãi là thấy rất nhiều những hàng cau
Có sáng sớm ở Huế nghe tiếng chim lợn kêu bỗng dưng thấy buồn. Thời gian nhanh đến thảng thốt, mới ngày nào chân còn sải dài trên những đường phố, hay đạp xe từ Đông Ba qua An Cựu, vào Phủ Cam rồi ngược sang Vỹ Dạ mỏi rã rời đôi chân mà vẫn còn háo hức muốn đi nữa… Có những đêm về sáng ở Huế bỗng dưng thức giấc và rồi cứ suy nghĩ mãi… thấy thấm buổi hoàng hôn. Bước chân đã lười mà không biết bởi cái nóng, cái xô bồ đôi khi đến ngột ngạt của Huế hay vì chân mình mỏi thật?
Có lần đến Quảng trị vào tháng 10, đã qua mùa gió lào khắc nghiệt, rát mặt. Buổi sáng dậy sớm đi bộ lang thang trên phố ở Đông Hà, những con đường mới mở to rộng thôi thúc bước chân ham khám phá. Thấy tôi cứ chốc chốc lại giương máy hình, một toán xe ôm nói đùa giọng nặng vùng miền, cô chụp chúng em kiểu, lại bấm máy và rồi không biết mình sẽ gửi hình cho họ bằng cách nào hay họ chỉ được nhìn thấy dung nhan một lần duy nhất khi tôi tour lại qua màn hình LCD nhỏ xíu. Quay về khách sạn nằm trên con đường nhỏ, chợt nhớ lại câu chuyện kể của người xe ôm tối qua: “Ngày xưa nơi đây có chi mô, chiến tranh bom đạn người tản cư hết, sau hoà bình đường phố mới đông đúc như ri…”

Đường đèo Hải Vân
“Quê Hương anh là Quảng Trị. Nhà của anh bên dòng sông Thạch Hãn. Và xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng. Ngày hai buổi đi về đường Quang Trung. Và chiều chiều trên con phố buồn hiu. Cùng người yêu anh buông lời hò hẹn. Tình nồng thắm chất ngất men say…” (4), lần nào nghe qua tiếng hát của Elvis Phương tôi cũng muốn khóc!
Rồi Quảng Bình, nơi eo nhất trên bản đồ, cảm nhận được có những vùng quê nghèo đến xót xa. Và khi đến Nghệ An, cái hạnh phúc vừa đi hết chiều dài thân đòn gánh ùa đến thật khó tả. Cảm xúc như khi nghe câu hát “Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn…” (5) mà buồn mênh mang!

Đường xe lửa trên đèo Hải vân
Thân đòn gánh chạy dài, qua mỗi tỉnh mà ranh giới có khi là những con đèo, cây cầu… giọng nói mỗi nơi mỗi khác, tôi có biệt tài nói giọng theo từng tỉnh; đến tỉnh nào tôi nói giọng tỉnh đó, người địa phương nghĩ tôi là dân địa phương, còn đồng nghiệp bên cạnh cứ che miệng cười bởi họ biết tôi giả giọng. Má tôi hồi đó thường đe: “Chửi cha không bằng pha tiếng, có ngày bị ăn đòn nghe con”. Giọng Khánh Hòa khác với giọng Phú Yên (xứ Nẫu, nẫu dùng cho ngôi thứ ba), giọng Quy Nhơn nặng hơn Phú Yên; ra đến Quảng Ngãi giọng nói lại khác và tuy hai tỉnh không cách xa bao nhiêu nhưng giọng Quảng Nam lại khác nữa, hơi giống giọng Đà Nẵng. Rồi qua đèo Hải Vân, giọng Huế có sự khác biệt rất rõ… phát âm nhiều dấu nặng, nặng hơn theo đến Quảng Bình và vào Thanh Hóa thì bắt đầu giọng xứ Bắc, nặng nhẹ tùy theo từng tỉnh…

Biển Cửa Lò, Nghệ An
Những thành phố, những con đường tôi đã đi qua tất cả đã, đang và sẽ lọt thỏm vào ký ức. Ký ức đẹp và có những bức tranh thật buồn hay những bức hình thật ngộ nghĩnh, những khoảnh khắc khó quên máy tính giữ hộ giùm tôi.
“Mộng về như dòng sông mỏi/Chân xưa xin lạy đường dài…” (6) – Ai rồi cũng sẽ… mỏi, quy luật của muôn đời, tuy nhiên tôi cảm thấy mình hạnh phúc khi trên con đường đi của đời người đó, tôi đã giữ lại được những hình ảnh rất thân thương của quê hương yêu dấu!

Tác giả chụp tại đường vào hầm Đèo Ngang
ĐTTT
(1) Lời bài hát “Vợ chồng quê” của Phạm Duy
(2) Khi tôi viết bài này thì nước Việt Nam đang trong giai đoạn sắp xếp lại địa giới hành chính các tỉnh, thành phố trong cả nước. Có thể nói đây là một cuộc thay đổi lớn về việc phân chia các tỉnh thành phố. Từ 63 tỉnh thành phố trong cả nước từ năm 2008, dự kiến chỉ còn 34 tỉnh, thành phố.
(3) Lời bài hát “Bình Định quê hương tôi” của La Hữu Vang
(4) Lời bài hát “Con đường buồn hiu” của Nhật Ngân và Song An, phổ thơ Nguyễn Đức Quang
(5) Lời bài hát “Tiếng sông Hương” của Phạm Đình Chương.
(6) Lời bài hát “Mộng về” của Hà Thúc Sinh.