Tôi chỉ mới biết Đồi Thập Giá (ĐTG) Đà Lạt vào cuối năm ngoái trên facebook một bạn với những chi tiết ly kỳ, rùng rợn đã thấy tò mò. Tôi lục tung Google, những thông tin về ĐTG đều khá rờn rợn, nhất là coi trên YouTube, kênh nào cũng diễn tả đường lên ĐTG vừa kỳ bí, gây cảm giác sợ hãi lại khó đi, thêm nhạc nền như phim kinh dị càng khiến thôi thúc… muốn đi. Vậy nhưng thú thật, trước khi đi nhóm chúng tôi 3 người nhất quyết không tìm hiểu nữa vì sợ sẽ… bỏ cuộc.

Lên Đồi Thập Giá        

Mỗi năm, chúng tôi luôn có chuyến đi Đà Lạt dịp Tết âm lịch, thường là mùng 5. Năm nay gần hết tháng Giêng chúng tôi mới làm chuyến du xuân trễ. Mùa hoa đào đã qua. Từ Nha Trang lên đến K’long K’lanh (Lạc Dương) là vùng hoa đào nổi tiếng, cây đã xanh dày lá. Vài điểm chúng tôi thường ghé lại chụp hình những mùa Tết trước hầu như không còn hoa đào. Hoa ban trắng là loài hoa nở cùng thời điểm với hoa đào cũng chỉ lơ thơ trên vài con đường. Bù lại, năm nay phượng tím Đà Lạt nở sớm, chưa hết tháng Giêng mà hàng phượng ở chợ Đà Lạt tím rưng rức trên nền trời. Ven đường, phượng tím đẹp và nhã, xuyến xao.

Cả đám bỗng ồ à khi hai bên đường vào khu du lịch hồ Tuyền Lâm hoa đào hồng cả một khung trời. Rộn ràng dừng xe xuống vớt vát những tấm hình với hoa đào muộn. Hồ Tuyền Lâm quá đẹp khi bên hồ sắc hoa đào còn tươi và rừng thông xanh quá lãng mạn. Đẹp nhưng phải luyến tiếc rời đi vì điểm kế tiếp là ĐTG, phải đến cho bằng được trước khi cái chân và tuổi tác không cho phép mình đi kiểu… “thám hiểm” nữa.

Con đường hoa đào ở hồ Tuyền Lâm

Có rất nhiều đường đi lên ĐTG, theo hướng dẫn của vài YouTuber thì đường đi khá vất vả, loằng ngoằng. Hôm ấy chúng tôi chọn đường đi đến Ajisai Glamping & Homestay (theo chỉ dẫn Google map), bên đường có bảng nhỏ chỉ lối lên ĐTG. Đến cổng, chúng tôi dừng xe ở đây và đi bộ lên đồi khoảng 300m. Hóa ra chẳng có gì là rùng rợn hay cheo leo trắc trở mà rất dễ đi, chỉ có phong cảnh đẹp và gió trên đồi thông reo vi vu rất tuyệt vời.

Xem thêm:   "Nhà bảo tàng Thi Đà Lạt"

Theo vị trí địa lý, ĐTG nằm khuất trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm và hơi sâu vào trong rừng, Ajisai Glamping & Homestay là một khu dã ngoại sinh thái nằm ở lưng chừng đồi, lên ĐTG từ đây là lối đi dễ nhất. Con đường mòn dẫn lên cao với những bậc cấp thấp. Có một tượng Đức Mẹ nhỏ ai đó đặt ở đây như dấu chỉ cho biết đã đi đúng hướng lên ĐTG. Nhìn xuống bên dưới hồ Tuyền Lâm thật lãng mạn, giơ máy hình lên là có những tấm hình đẹp với thông, hoa cỏ… Thấp thoáng trên nền trời xanh một cây thập giá rất lớn, trông uy nghi và cô đơn, bị bỏ hoang gần một thế kỷ, ẩn mình trong rừng hoang vắng.

Hồ Tuyền Lâm Đà Lạt

Tôi ước, cây thập giá cao khoảng gần 4 mét (cao nhất Việt Nam?) dựng trên một tam cấp được làm bằng xi măng kiên cố. Vừa sừng sững uy nghiêm, vừa thân thuộc chẳng có chút gì kỳ bí, rùng rợn như các bài tôi đọc trên mạng. Phía sau, dưới chân thập giá là một cái hầm, mái vòm, có bậc cấp như cầu thang dẫn lên thập giá. Bên đối xứng là dấu vết đổ nát có lẽ của một cầu thang tương tự.

Có nhiều thông tin về ĐTG Đà Lạt với nhiều nghi vấn, tôi chọn video “Giải mã Đồi Thập Giá Đà Lạt của thầy Michel Nguyễn Hạnh” trên kênh của Tổng Giáo phận Sài Gòn:

Tượng Đức Mẹ trên đường lên Đồi Thập Giá

“Từ câu chuyện truyền miệng, người ta kể rằng, vào thời Pháp thuộc, một công chức người Pháp gốc Do Thái đã xây nhà mồ cho mình với cây thập giá rất lớn trên ngọn đồi của hồ Tuyền Lâm. Sau này vị công chức ấy về nước, nhà mồ bị bỏ hoang và người địa phương đặt tên nó là ĐTG.

Xem thêm:   Chile một bức tranh huyền bí

Nhà mồ xây theo kiểu huyệt táng, một dạng táng xác người chết kiểu nhà giàu người Do Thái. Mặt tiền của nhà mồ là một khung cửa hình vòm tạo thành gò cao, hai bên có bậc cầu thang dẫn lên, có cây thập giá lớn bằng bê tông, bệ đáy hình vuông 1m, chiều cao thập giá khoảng 4m. Trên gò cao là tam cấp dẫn đến thập giá. Tam cấp này như biểu trưng cho ba nhân đức đối thần: TIN – CẬY – MẾN. Trong dân gian thì tam cấp thể hiện triết lý tam tài: Thiên – Địa – Nhân. Đó còn là sự hài hòa của vũ trụ quan và nhân sinh quan: Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa. Thập giá ngự trên tam cấp biểu trưng cho câu: “Vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Phil 2, 10-11)

Mặt sau thập giá

Theo văn hóa Việt, với nơi chốn linh thiêng thì “Thượng nhất thốn vi sơn. Hạ nhất thốn vi thủy” (chỉ một đốt ngón tay cao lên đã là Sơn, chỉ một đốt ngón tay trũng xuống đã là Thủy). Vì lẽ đó nơi này gọi là Đồi Thập Giá hay Núi Thập Giá đều được. Dân địa phương gọi Đồi Thập Giá có lẽ theo phong cách cư xử khiêm tốn của người Việt…

Cửa vào có cái vòm. Bên trong được xây dạng hai ngăn, có lẽ một ngăn sẽ là tiền sảnh và một ngăn sẽ đặt thi hài… Nhìn lên trần có một lỗ vuông bên trong thập giá. Cái lỗ ấy thông trời (thiên) lên tận đỉnh thập giá. Đây chính là “chất” Do Thái của nhà mồ”.

Một quán nước bên hồ Tuyền Lâm

Thầy Michel Nguyễn Hạnh giải thích về lỗ thông thiên: “Hiện nay ở thung lũng Kidron nơi có những ngôi mộ bình thường thì phần mộ có lỗ thông thiên ở giữa mặt đứng của nhà mồ. Người ta tin rằng lỗ thông thiên sẽ là nơi đón nhận ánh sáng Phục sinh trong ngày Chung Thẩm”.

Xem thêm:   San Jose và buổi triển lãm hy hữu

Một giả thuyết khác: “Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khu vực hồ Tuyền Lâm là trang trại của ông bà Faraut – những người mang cây cà phê Arabica đầu tiên đến trồng tại Đà Lạt. Khi ấy, khu vực này chỉ có núi non và thung lũng. Vào cuối những năm 60, một Tiểu chủng viện (nơi dạy các chủng sinh Công giáo) được mở trên đất của nhà Faraut, lấy tên là Simon Hòa. 5 – 6 năm sau, Tiểu chủng viện chuyển đến Đa Thiện, trả lại đất cho ông bà Faraut. Cây thập giá bí ẩn chính là tàn tích còn lại của Tiểu chủng viện Simon Hòa ngày đó”.

Đôi bạn trẻ người Nga đang dọn dẹp

Và cuối cùng, vì quá ít thông tin về nguồn gốc của cây thập giá trên đồi, không ai biết cây thập giá có từ bao giờ và người ta chỉ biết rằng đây là một địa điểm mới, thích hợp với những du khách yêu thích sự ma mị, huyền bí.

Đó là những thông tin tôi chép lại từ Internet, còn hôm ấy chúng tôi chẳng thấy gì là ma mị huyền bí, thậm chí có hơi chút thất vọng vì chẳng có gì để… “thám hiểm”; còn nữa, khi chúng tôi đến thấy trên khoảng đất bằng phía sau thập giá có hai bạn trẻ người Nga dựng lều ngủ qua đêm. Tôi hỏi, sao các bạn biết nơi này mà tìm đến, đêm ở đây có lạnh không? Cậu trai bảo rằng biết nơi này từ Google và đi bộ đến đây. Đêm không lạnh mà mát. Họ đi từ Bắc vô Nam, ngoài Bắc mới lạnh. Nhìn hai bạn trẻ lui cui dọn dẹp, chúng tôi nói nhỏ với nhau: “Người ta ở qua đêm giữa trời, vậy mà đồn thổi ma mị, rùng rợn”.

Cây thập giá ở Đồi Thập Giá Đà Lạt

Chúng tôi nhìn hai bạn trẻ ba lô cao quá đầu, rời đi không để lại một cọng rác, trong khi đó ở khu vực hồ Tuyền Lâm chúng tôi ghé lại trước đó, không biết nam thanh nữ tú nào đến chơi mà xả rác vương vãi hay thành đống. Thêm nữa, bên trong hầm và trên thập giá đầy những chữ, vết khắc của những người đã đến đây trước trông rất xấu xí, không ý thức.

Rác thành đống

Bài và hình ĐTTT