Nhiều người nói, đến ngôi nhà ở số 3, đường Yagout, phường 5, thành phố Đà Lạt (rộng 240m2), dễ bị choáng ngợp trước… một rừng đồ cổ. Đến một lần thôi chưa đủ! Như tôi cũng vậy, một buổi sáng hạ tuần tháng 3/2025 và gần hết buổi chiều được ông Thi giới thiệu,thể nghiệm… tour miễn phí. Thật ra cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”…

‘Nhà Bảo tàng’, Tủ sách trao và nhận, ông Nguyễn Thi trong phòng sửa máy    

Một Nguyễn Thi đa tài

Ông Thi sinh năm 1964, tại Đà Lạt. Từ nhỏ đã mê nhạc, đọc sách, đánh đàn, chơi cờ tướng… Ông được ba cưng chiều, mua cho một máy hát dĩa than xách tay, chạy bằng pin rất dễ dùng, dành cho con nít. Ông sớm có ý tưởng lưu giữ sách nên hay để dành tiền mua. Những loại sách, truyện tranh Xì Trum, Tin Tin, kiếm hiệp, lôi cuốn ông… “Năm 1976, ông anh của em mang rất nhiều sách đem nộp trong chiến dịch tiêu hủy “văn hóa phẩm đồi trụy”. Tiếc đứt ruột anh ơi!”, ông chép miệng.

Học theo ba mình, ông sưu tầm, mua, lưu giữ nhiều sách cũ, băng đĩa, máy chụp ảnh, máy chiếu phim, máy hát, tài liệu về Đà Lạt bằng hình ảnh v.v. Do ba ông là thợ chuyên sửa vô tuyến điện (máy hát băng cối, máy đĩa, radio…), từng là lính Truyền tin Cộng hòa, là Phó Chủ tịch Hội Thương phế binh Đà Lạt, rất có uy tín nên khách hàng đông. Tiệm Radio Hoàng Anh trên đường Minh Mạng trước năm 1975, nay là đường Trương Công Định, ít lúc nào vắng khách. Một số người giao máy cho tiệm sửa. Nhưng do tình hình chiến sự vào tháng 4/1975, nhiều người hoảng loạn rời bỏ Đà Lạt. Một số vào Sài Gòn tìm cách vượt biên không màng lấy lại máy móc đã gửi sửa. Sau đó chẳng thấy ai trở lại nhận! Ông Thi kể: “Có người trước khi rời đi đã đem cái máy đo đèn điện tử (loại quý hiếm lúc ấy) đến nhà. Ông ta nói với ba em, sau này nếu tôi không trở lại lấy thì tùy anh sử dụng. Ông khách đã “chọn mặt gửi vàng” đó anh!”. Hiện ông Thi vẫn còn giữ.

Năm 1977, ba ông cũng dạy cho ông lý thuyết âm nhạc (Tự học guitar của Ferdinando Carulli), phần thực hành thì tự học lấy. Ông cũng sớm bắt chước đánh đàn, mò mẫm sáng tác… vào năm 11 tuổi! Năm 1979, ông được ba mình dạy lý thuyết về sửa chữa điện tử. Từ năm 1985, ông là thợ sửa chính, bao giàn hết, từ sửa tivi, chuyển hệ tiếng, chuyển hệ màu đến lắp ráp ampli, cassette. Lúc ấy, không có linh kiện, phụ kiện, chỉ độ chế là chính. Bằng nhiều cách độ chế phù hợp nên nhiều ti-vi qua bàn tay ông… biến hóa đều xài ngon ơ!

Bộ sưu tập máy chiếu phim

Sau này, khi công nghệ phát triển, ông tự học qua sách vở. Do có năng khiếu và đam mê, học xong trung học phổ thông, ông có hai nghề là đánh đàn, dạy nhạc, và phụ ba mình sửa máy. Ba ông mất năm 1996…

Xem thêm:   Chile một bức tranh huyền bí

Từ năm 2022, ông và người em ruột Nguyễn Hữu Tuấn (sinh năm 1968) lại có thêm nghề sửa đàn piano. Có người có cây đàn piano Steinway hư hỏng nặng, nói ông lấy về rã đàn lấy linh kiện dùng! Hai anh em ông bỏ sức ra sửa thành công. Hiện cây đàn này do ông sở hữu. Ba ông từng có lúc một ngày sửa cả mấy chục cái máy hát dĩa than, radio, máy chiếu phim (hỏng hóc nhẹ). Nghĩ đến ba mình, ông ra sức tìm tòi, tự học nên tay nghề sửa máy ngày càng thuần thục.

Sau năm 2000, người ta có xu hướng chơi máy hát cổ khá nhiều. Từ chỗ sưu tầm sách, ông… chuyển hệ sang sửa chữa, phục hồi các loại máy móc xếp xó mà ba mình để lại. Lục lọi, tìm kiếm linh kiện các nơi, ông sửa được hầu hết các máy đó. Được đà ông lùng mua máy hát trên mạng internet, sưu tầm được nhiều loại máy tốt. Đặc biệt, có máy ghi âm dân dụng đầu tiên trên thế giới chạy bằng sợi thép! Máy hát chạy bằng băng nhựa, máy dĩa than không hoạt động, ông lùng mua về phục chế, “đánh thức âm thanh” những cái máy còn đủ linh kiện. Có lần mua được 10 cái xác máy băng cối, ông sửa dùng được 8 cái!

Năm 2003, tình cờ chỉ nghe ông dạo đàn trong một tiệm bán đàn, một người Đài Loan chuyên mua bán đàn đã “chịu” ngay. Ông đó đặt hàng ông Thi đóng cho một số đàn guitar. Họ cung cấp nguyên liệu gỗ, dây đàn, phím, khóa.. để ông gia công. Ông Tuấn sợ anh mình làm đàn nhiều sẽ bị cứng tay ảnh hưởng việc chơi đàn nên đảm nhận nhiều công đoạn hơn trong quá trình sản xuất. Bên đặt hàng cử chuyên gia từ Đài Loan qua thẩm định khi nhận đàn. Số đàn giao âm thanh đều đồng nhất, không mắc lỗi!

Sách trước năm 1975 hơn 1 nghìn cuốn và còn lại sách sau năm 1975

Nhiều bộ sưu tập độc, lạ

“Nhà Bảo tàng Thi Đà Lạt” (dưới đây gọi tắt là “Nhà Bảo tàng”) ngày càng có nhiều bộ sưu tập đa dạng, phong phú. Có người biết tiếng ông rất trân trọng đồ cũ bèn gửi tặng sách, đàn … Trong số người hào hiệp có chị Liên tặng bộ sách Tuổi Hoa, bạn học cũ tặng ti-vi cũ. Riêng anh Huân tặng nhiều đồ xưa và sách truyện cũ. Đặc biệt, anh tặng ông bộ đồ nghề tác nghiệp của Nha Địa dư Đà Lạt (Cục Bản đồ Đà Lạt).

Xem thêm:   Một kỷ niệm

Ông giới thiệu sơ lược với tôi về một số bộ sưu tập. Tập “Thế giới Điện ảnh” số 24 (xuất bản năm 1972) và số 33 (xuất bản năm 1982), mỗi số gồm 1000 bức ảnh của các phim và diễn viên được Hollywood chiếu hằng năm… Hai bộ sưu tập muỗng bằng mạ bạc và mạ vàng. Mỗi bộ có 34 cái. Hai mặt của muỗng có chạm nổi ảnh và khắc tên của một tổng thống Mỹ kèm nội dung giới thiệu sơ lược về sự kiện đương thời của mỗi vị từ George Washington đến Dwight D. Eisenhower. Các cuốn băng, dĩa nhạc gốc “Những bài ca tháng Hạ”, của Phạm Mạnh Cương, băng nhạc Jo Marcel, một ca sĩ tên tuổi trước năm 1975 và cũng là một tay “phù thủy âm thanh”, băng nhạc Diễm ca, băng nhạc Shotguns…được ông trưng bày trong tủ kính. Ông Nguyễn Thi, “Người lưu giữ ký ức của Đà Lạt” vẫn cần mẫn sưu tầm nhiều hiện vật từ sách đến máy móc điện tử… Ông cho biết, sách trước và sau năm 1975 hiện có hơn 3 nghìn cuốn. Nhưng tôi nghĩ phải trên 5 nghìn cuốn. Ba tầng, kể cả tầng áp mái ngôi nhà, chỗ nào cũng có giá sách, tủ sách. Thang gác lên lầu cũng tận dụng để sách…

Khách Đức, Pháp, Mỹ, Nga… đến thăm, góp ý ông cách liệt kê các bộ sưu tập tiêu biểu giúp người xem dễ nhận biết.

Vài bộ bàn ghế trong quán có trưng bày các bộ sưu tập cũ xưa

Quán Thi Tuấn coffee với nhiều thể nghiệm

Để thu hút khách đến “Nhà Bảo tàng”, cuối năm 2022, ông xây dựng một số hoạt động phụ trợ như mở quán “Thi Tuấn Coffee” trong khuôn viên nhà… Quán do ông tự thiết kế, thi công. Tôi thấy nhiều hạng mục khá là tinh xảo như đóng quầy lễ tân, trang trí dĩa than gắn trên trần nhà… Ông Thi đưa ý tưởng, ông Tuấn bổ sung thực hiện cùng với một người bạn. Mười bộ bàn ghế ngồi uống cà phê đều có trang trí. Trên mỗi mặt bàn bằng kính trong có trưng bày một số hình ảnh theo một chủ đề riêng như “Âm nhạc xưa”, “Phim ảnh xưa”, các tờ giới thiệu về phim của 3 rạp phim (Ngọc Lan, Hòa Bình, Ngọc Hiệp của Đà Lạt xa xưa); tài tử điện ảnh… “Ca sĩ xưa” (Ảnh bìa dĩa nhạc các ca sĩ Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh…), “Sách Tập đọc thời tiểu học xưa”, “Tờ tiền giấy” (các tờ tiền của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam như tờ 1 đồng, tờ 5 đồng, tờ 20 đồng, tờ 1000 đồng,  đặc biệt có tờ 30 đồng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)…

Xem thêm:   Tiếp tục nỗ lực vận động cho người tỵ nạn

Đến “Nhà Bảo tàng” gặp “Một không gian thư giãn yên tĩnh hoài niệm với các hiện vật, tranh ảnh xưa cũ” gặp được người “Sưu tầm, sửa chữa, bảo trì, cung ứng linh kiện các định dạng máy hát cổ”; “Sưu tầm đồ xưa, sách, truyện xưa, tranh ảnh cũ trước 1975” và “Dạy, chế tác guitar classic”. Xây dựng “Tủ sách trao và nhận”. “Tủ sách mở, không giới hạn người nhận. Người lấy sách về trang trí (decor) quán hoặc đọc. Người xin sách chỉ để lấy cái bìa! Có người nhận cả chục cuốn sách mang đi cũng có người đến trao cả một thùng sách! Cứ cho đi là được nhận lại”, ông cười, chia sẻ.

Hiện ông tổ chức hướng dẫn, giới thiệu cho khách khi đến “Nhà Bảo tàng” bằng hình thức: “Tour thể nghiệm máy móc điện tử”, “Định dạng các máy móc, băng đĩa analog từ thuở sơ khai”. “Xem ảnh nổi 3D, các loại máy chiếu phim nhựa xưa”, “Những hình ảnh xưa của Đà Lạt”… Về “tour nhạc”, hai anh em ông thay nhau độc tấu nhạc cho khách nghe 45 phút, lệ phí 500 nghìn đồng, phục vụ số lượng từ 1 đến 5 người… Có người “đặt hàng” nghe đánh guitar nhạc cổ điển, không lời cho họ nghe, có khi cả gia đình hoặc nhóm bạn cùng thưởng thức. “Hằng tuần, em dạy nhạc miễn phí vào lúc 15 giờ Chủ Nhật, chơi nhạc miễn phí cho khách nghe 45 phút vào 19 giờ thứ Bảy. Thêm “Tủ sách trao và nhận” nữa là ba hoạt động miễn phí”, ông Thi chia sẻ thêm.

Tác giả (trái) và ông Nguyễn Thi

Đặc biệt, quán không hẳn chỉ kinh doanh đơn thuần mà còn đặt mục tiêu sức khỏe cho khách lên hàng đầu. Những thức uống không tốt cho sức khỏe thì không bán như trà sữa, thức uống có ga. Và không hút thuốc lá trong nhà.

Ngày 31/10/2023, UNESCO công bố danh sách 55 thành phố được gia nhập “Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu”, trong đó có Đà Lạt là thành phố sáng tạo âm nhạc đầu tiên của Việt Nam. Thiết nghĩ “Nhà Bảo tàng” cũng nên được thành phố giúp đỡ. Khách đến là những người thích khám phá, tìm hiểu, hoài cổ, có tâm hồn âm nhạc. Nói không quá, nó cũng là một nhân tố trong thành phố sáng tạo âm nhạc.

Rời Đà Lạt còn có thêm cái để nhớ về. Nhớ ông Nguyễn Thi đa tài, có tâm hồn nghệ sĩ và “Nhà Bảo tàng Thi Đà Lạt”- Thi Tuấn Coffee!

LKD

(Ảnh do nhân vật cung cấp)