2 kỳ – Kỳ 2

Trong suốt gần trăm năm đô hộ Đông Dương (*), kể từ 1889, chính quyền thực dân Pháp đã cho phát hành 75 bộ tem Indochine gồm 493 mẫu tem và một bloc, với nhiều kích thước và chủ đề khác nhau. Bài viết này chỉ giới thiệu một phần nhỏ của bộ sưu tập, với những con tem có liên quan đến con người và các nhân vật được chú ý của thời kỳ này.

Đài tưởng niệm Francis Garnier-Paris    

Các nhà hàng hải và phi công

Ernest Doudart de Lagrée (1823-1868), nhà côn trùng học, thuyền trưởng, người đứng đầu nhóm thám hiểm, từ Sài Gòn dùng tàu ngược dòng Mékong (1866), có công lớn trong việc khám phá đền đài Angkor bị khuất lấp trong rừng rậm nhiệt đới. Ông chết bệnh ở vùng núi non Côn Minh tỉnh Vân Nam, khi đang trên đường thám hiểm. Thi thể ông được chôn cùng với thuyền phó Francis Garnier trong một phần mộ ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (Sài Gòn). Sau khi nghĩa trang bị phá huỷ, tro cốt của hai ông được giao cho toà tổng lãnh sự Pháp đem về cải táng tại quê nhà.

Francis Garnier (tên Việt Ngạc Nhi, 1839-1873) từng làm tham biện tại Chợ Lớn. Sau khi thuyền trưởng Doudart de Lagrée đột ngột qua đời, ông tiếp tục điều khiển chuyến thám hiểm cho đến tận Thượng Hải và quay về Sài Gòn sau hai năm lênh đênh trên sông nước. Sau đó, một mình, ông đến Vân Nam và Tây Tạng, tiếp tục nghiên cứu về con sông Mékong hùng vĩ, huyền bí. Cuối năm 1873, ông được điều động đến Bắc kỳ. Không được cấp trên cho phép, chỉ với một nhúm quân chưa đến 200 người, ông tự quyết định tấn công và hạ được thành Hà Nội do đại thần Nguyễn Tri Phương và 7000 binh lính trấn giữ. Trên đà thắng thế, chưa đầy 20 ngày sau, quân của ông liên tiếp hạ các thành Ninh Bình và Nam Định. Triều đình Huế phải cử phò mã Hoàng Kế Viêm, kết hợp với tướng Cờ Đen người Hoa Lưu Vĩnh Phúc phục kích và chém được đầu Garnier tại Ô Cầu Giấy, Hà Nội (trong giờ lịch sử, học sinh Việt Nam đều có học qua sự kiện này). Năm 1987, tro cốt từ Việt Nam được đưa vào để trong tượng đài của ông, đặt gần vườn Luxembourg, Paris.

Các nhà hàng hải

Trong số các nhà hàng hải Pháp được in tem thời Đông Dương, có thể kể thêm đô đốc Charner, một trong 13 người Pháp có mặt trong chuyến chuyển di hài của đại đế Napoléon từ đảo Sainte Hélène về Pháp, có tên đường ở Sài Gòn (nay là đại lộ Nguyễn Huệ) và Prosper de Chasseloup-Laubat, bộ trưởng bộ Hàng hải và Thuộc địa, người đứng ra tổ chức chuyến thám hiểm sông Mékong kéo dài suốt hai năm 1866-1868, có ngôi trường danh tiếng mang tên ông, nay là trường Lê Quý Đôn, nằm đối diện với dinh Độc Lập, Sài Gòn.

Ngoài vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, phi công Đỗ Hữu Vị (1883-1916) là người Việt Nam duy nhất và là người Đông Dương duy nhất không thuộc các hoàng tộc được đưa lên tem thời Indochine. Con trai thứ năm của tổng đốc Đỗ Hữu Phương (***), Đỗ Hữu Vị được cha cho sang Pháp học tại các trường danh tiếng như trung học Louis-le-Grand (Paris) và học viện quân sự Saint-Cyr. Trở thành phi công quân sự, ông tham chiến ở Bắc Phi, được xem là người phi công Đông Dương đầu tiên và là một trong những người tiên phong nghĩ ra việc dùng phi cơ để do thám và chụp không ảnh. Trong Đệ nhất Thế chiến, hồi phục sau khi bị thương nặng trong một phi vụ, ông tiếp tục tham chiến cùng bộ binh và chết trong một trận chiến đẫm máu tại vùng Somme, miền bắc nước Pháp. Thi thể ông được người anh, đại tá Đỗ Hữu Chấn đưa về an táng tại Chợ Lớn. Năm 2021, tên của ông được đặt cho một quảng trường ở quận 16 của Paris, gần đài phát thanh Radio de France và tượng Nữ thần Tự Do. Bộ tem Đông Dương “Phi công thời chiến” gồm 2 tem màu đỏ: Đỗ Hữu Vị và Roland Garros được phát hành lần đầu năm 1943, và lần sau, năm 1944, với giá tiền in đè cộng thêm phụ thu.

Xem thêm:   Đỗ Quyên mưa...

Những ai say mê hay lưu ý đến bộ môn tennis chắc chắn phải biết đến giải quần vợt thế giới Roland Garros được tổ chức mỗi mùa hè tại Paris. Nhưng ít ai biết Roland Garros (1888-1918), dù là một nhà thể thao, chơi bóng bầu dục, đua xe đạp, là người đầu tiên lái máy bay vượt Địa Trung Hải…, nhưng lại không hề quan tâm đến quần vợt (****)! Theo cha mẹ rời Pháp sang Nam phần sống từ năm 4 tuổi, nhưng đến khi vào trung học, vì thiếu trường ốc, ông phải rời Sài Gòn để quay về Pháp tiếp tục học. Tốt nghiệp Cao học Thương mại (HEC), ông vừa đứng đầu một cơ sở bán xe hơi, vừa mua và tự học lái máy bay, rồi đoạt nhiều thành tích trong các chuyến bay trên phi cơ một người lái ở Âu châu, Nam Mỹ và Phi châu. Với tiếng tăm như vậy, ông trở thành phi công quân sự khi Thế chiến thứ I bùng nổ năm 1914, và thiệt mạng trong một phi vụ năm 1918, chỉ ba tuần lễ trước ngày ký hiệp định Đình chiến, lúc chỉ mới 30 tuổi. Cùng với Đỗ Hữu Vị, Roland Garros được chính quyền Đông Dương vinh danh với bộ tem phát hành vào các năm 1943-1944.

Phi công Đỗ Hữu Vị và Roland Garros

Khoa học gia và nhà truyền giáo

Là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel (cùng với chồng, Pierre Curie, Nobel Vật lý 1903), người phụ nữ duy nhất cho đến nay đoạt 2 giải Nobel (thêm giải Nobel Hoá học năm 1911), nữ giáo sư đầu tiên của đại học Sorbonne danh tiếng, Marie Curie (1867-1934), sinh tại thủ đô Varsovie của Ba Lan, du học và mang quốc tịch Pháp của chồng. Để tôn vinh Pierre và Marie Curie, năm 1938, bưu chính Pháp đã cho phát hành con tem màu xanh nước biển có chân dung ông bà với dòng chữ “Pierre và Marie Curie khám phá ra Radium” tại chính quốc và 20 thuộc địa trên khắp thế giới, trong đó có Đông Dương. Cho đến nay, Pháp đã cho phát hành nhiều lần tem và tiền có in chân dung Marie Curie (*****). Đài kỷ niệm, viện bảo tàng, cơ quan nghiên cứu khoa học, trường học, đường sá… mang tên bà thấy được khắp nơi trên thế giới. Thành lập từ năm 1918, ngôi trường mang tên Marie Curie toạ lạc tại quận 3 Sài Gòn, thường xuyên được nhắc đến trong ký ức tập thể của người dân thủ đô phương nam Việt Nam.

Bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943), người khám phá ra trực khuẩn bệnh dịch hạch và việc chuẩn bị trong sự điều chế huyết thanh chống dịch hạch. Sinh ở Thuỵ Sĩ, ông vào quốc tịch Pháp sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại Paris. Yersin là môn đệ của Pasteur và có thời gian sang Đức theo các khoá vi trùng học của Robert Koch (người tìm ra vi trùng bệnh lao). Nhưng, mang trong người máu mạo hiểm, ông rời bỏ các phòng thí nghiệm, lên tàu sang Đông Dương, khám phá ra cao nguyên Lâm Viên (Lang Bian), nghiên cứu tập tục của các dân tộc ít người vùng Tây Nguyên, thành lập thành phố Đà Lạt với sự giúp đỡ của toàn quyền Paul Doumer. Ông cũng chính là người đem cây cao su về trồng ở Nha Trang, hoa cùng cà phê ở Đà Lạt, canh-ki-na để chế thuốc ký-ninh chống sốt rét và sáng lập ra trường Thuốc Hà Nội. Sống ẩn dật như một nhà tu khổ hạnh, ông dành trọn đời mình cho việc nghiên cứu, thí nghiệm, mạo hiểm, khám phá, nuôi trồng … và giúp đỡ, khám bệnh miễn phí cho người nghèo khó. Mất khi gần 80 tuổi, “ông Tư/ông Năm” Yersin được dân Xóm Cồn và Nha Trang rủ nhau kéo về đưa tiễn. Đám tang với đoàn người dài hơn ba cây số đưa ông đến nơi yên nghỉ cuối cùng ở Suối Dầu, đúng theo di chúc của Yersin. Tên ông được đặt cho ngôi trường trung học nằm trên đồi Cù nhìn xuống hồ Xuân Hương, một thắng cảnh của Đà Lạt. Sau này, có thêm công viên Yersin dọc theo bờ biển Nha Trang, công viên Yersin ở Đà Lạt, lycée Yersin tại Hà Nội… Bộ tem Đông Dương 3 con có chân dung ông được phát hành năm 1943 và những năm gần đây, được in trên các bộ tem phát hành chung Pháp-Việt.

Quảng trường phi công Đỗ Hữu Vị-Paris

Giáo sĩ Đắc-lộ Alexandre de Rhodes (1591-1660), cho đến nay, vẫn bị nhiều người lầm tưởng, nghĩ rằng ông là người sáng lập ra chữ quốc ngữ, với cách viết tiếng Việt theo bộ chữ cái La-tinh. Thực ra, đây là công trình chung của nhiều nhà truyền giáo dòng Tên (Jésuite) Nhật và Bồ-đào-nha thực hiện ròng rã trong nhiều năm, được Đắc-lộ thu góp, thiết kế lại và phát triển một cách có hệ thống. Sinh ở Avignon (Pháp) trong một gia đình gốc Do Thái – Tây-ban-nha, cha của ông quyết định cho cả gia đình theo Công giáo và đổi họ từ Rueda thành de Rhodes. Đến Rome năm 18 tuổi, ông trở thành giáo sĩ Dòng Tên và gia nhập hội thừa sai Viễn Đông. Giỏi ngoại ngữ và toán, sau một cuộc hành trình kéo dài hơn 5 năm qua nhiều quốc gia, ông đến Faifo (Hội An ngày nay) năm 1624 và chỉ vài tháng sau, đã có thể sử dụng tiếng Việt trong các buổi cầu nguyện, thứ tiếng nói có thanh âm phức tạp, mà theo như nhận xét của ông: “ríu rít như tiếng chim”. Năm 1651, ông cho xuất bản quyển tự điển An Nam – La-tinh – Bồ-đào-nha kèm theo ngữ pháp để tiện cho việc sử dụng và truyền bá đạo Công giáo cùng với chữ quốc ngữ. Rời Đàng Trong ra Đàng Ngoài, sang Macao rồi quay lại Đàng Trong, ông nhiều lần nếm mùi vinh quang lẫn tủi nhục khi giao tiếp với các chúa Nguyễn, chúa Trịnh: được tiếp đón long trọng rồi bị giam lỏng ở Thăng Long, sau đó phải lén lút truyền giáo trong thời kỳ cấm đạo ở Nam kỳ. Bị bắt, bị kết án tử hình, nhưng cuối cùng được thả nhờ thế lực của người trong hoàng tộc, ông tận mắt chứng kiến cuộc hành hình của André ở Phú Yên, người Việt Nam đầu tiên tử vì đạo. Alexandre de Rhodes đem đầu của André về Rome, thủ đô nước Ý sau gần 4 năm luân lạc qua nhiều nước trên thế giới. Ông mất năm 1660 tại Ispahan, Ba-tư (nay thuộc Iran) và được chôn cất tại đây. Chân dung ông được hoạ sĩ Bùi Trang Chước đưa lên bộ tem Đông Dương 2 con phát hành năm 1943. Sau đó, trong thời Đệ nhất Cộng Hoà, bưu chính miền Nam Việt Nam có phát hành bộ tem 4 con năm 1961 với chân dung ông cạnh hai trang sách mở rộng, trên có hàng chữ “Sách quốc ngữ, chữ nước ta”. Ở Sài Gòn, có con đường mang tên ông nằm gần nhà thờ Đức Bà.

Xem thêm:   Maia nữ thần tháng 5

Giám mục Bá-đa-lộc Pierre Pigneau de Behaine (1741-1799), với sự đồng ý của chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau khi thống nhất đất nước, lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long), đã đưa hoàng tử Cảnh, lúc chỉ mới 5 tuổi, sang Pháp yết kiến vua Louis XVI để xin cứu viện chống quân Tây Sơn. Hiệp ước ký kết, sau đó không thực hiện được, nhưng giám mục Bá-đa-lộc, với nguồn tiền xin được từ gia đình và các nhà bảo trợ, đã mua nhiều súng đạn, tập hợp được một đạo quân gồm 350 thuỷ thủ và 20 sĩ quan hải quân Pháp, đào tạo binh lính, đóng tàu thuyền kiểu Âu châu, xây dựng một hệ thống thành quách phòng thủ theo mẫu Vauban, kiến trúc sư nổi tiếng của Pháp. Ông mất ở Thị Nại trong khi quân chúa Nguyễn đang công thành Quy Nhơn, thành trì cuối cùng của nhà Tây Sơn. Trước đây, tượng của ông và hoàng tử Cảnh được đặt trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (sau đó thay bằng tượng Đức Bà Hoà Bình) và khu lăng mộ gần 2000 thước vuông với kiến trúc Á đông của ông nằm gần phi trường Tân Sơn Nhất có tên gọi “Lăng Cha Cả”, đã bị san bằng năm 1983. Hiện nay, di tích cuối cùng còn tồn tại là ngôi nhà nguyện nằm trong khuôn viên toà Tổng giám mục Sài Gòn, nơi ông từng cư ngụ và dạy hoàng tử Cảnh học. Một trong các cơ sở giáo dục của hệ thống trường dòng các frère Lasan /Lasalle nằm tại Đà Lạt có tên Lasan Adran. Con Tem Đông Dương màu đỏ phát hành năm 1943 có chân dung ông chỉ đề vỏn vẹn “Giám mục của Adran” mà không ghi tên họ (có lẽ vì quá dài chăng: Pierre-Joseph-Georges Pigneau de Behaine?). Tro cốt của ông, của Ernest Doudart de Lagrée và Francis Garnier cùng được đưa về Pháp trên con tàu Jeanne d’Arc năm 1987.

Xem thêm:   Cánh chim đầu đàn của "Biệt đội Thiên Nga"

Bản thân mỗi con tem đã là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, nhưng trên đó, nó còn chuyên chở những thông tin mang tính lịch sử, địa lý, nhân văn. Nếu chịu khó tìm hiểu, người chơi tem, từ những mẩu giấy nhỏ bé mang răng cưa, có thể mở ra những chân trời bát ngát trong việc tìm tòi, học hỏi, nhất là trong thời đại hiện nay, những thông tin liên văn bản cứ nối tiếp nhau bất tận, giúp người sưu tầm có thể thu thập được nhiều tài liệu hữu ích. Những con tem Đông Dương, như thế, vô tình bắc chiếc cầu nối liền quá khứ với hiện tại, phần nào giúp người chơi tem hiểu rõ, hiểu sâu hơn về một giai đoạn lịch sử của nước nhà.

Các nhà khoa học & truyền giáo

CN – Thiais

Chú thích

(*) Từ 1858 đến 1954, Đông Dương thuộc Pháp gồm 6 “phần”: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Lào, Cao Miên và Quảng Châu Loan (Kouang-Tchéou-Wan) thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.

(**) Vẫn còn nhiều nghi vấn về tính thật-giả của các bộ tem chưa phát hành của thời kỳ “Đế quốc Việt Nam” chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 5 tháng của năm 1945.

(***) Tổng đốc Đỗ Hữu Phương: người giàu có nhất nhì Nam kỳ lục tỉnh, khét tiếng Việt gian (dù gốc Minh Hương) trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, từng là cộng sự viên của Francis Garnier tại Chợ Lớn.

(****) Một người bạn thân cùng học HEC của Roland Garros, khi bỏ tiền đầu tư xây khu sân quần vợt đất nện nổi tiếng ở Paris năm 1927, nhất định đòi sân vận động này phải mang tên ông. Vì thế, từ khi giải “Quần vợt quốc tế hàng năm của Pháp” được tổ chức tại đây, nó được biết đến rộng rãi với tên “Giải quần vợt Roland-Garros”.

(*****) Trước khi chuyển sang dùng Euro, ngân hàng Pháp đã cho in tờ 500 Francs (mệnh giá lớn nhất) màu xanh lục có chân dung Pierre và Marie Curie. Loạt tiền xu mới phát hành năm 2024 có bán diện của các bà Simone Veil (Do Thái), Marie Curie (Ba Lan) và Joséphine Baker (Hoa Kỳ) đúc ở mặt sau các đồng 10, 20 và 50 cents Euro Pháp. Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên có tro cốt để trong hầm mộ của điện Panthéon, nơi đặt thi hài các vĩ nhân của Pháp.

Tài liệu tham khảo:

https://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/tem-dong-duong-%E2%80%93-kiet-tac-nghe-thuat-dinh-cao.htm

https://www.tmphilatelie.com/timbres-de-collection/colonies-francaises/indochine. html?srsltid=AfmBOopQz2qQGRdfc2XWpcffxr0rc88Hj5QI8VulLV1K4UKxPLSC2HXO

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3o_%C4%90%E1

%BA%A1i

https://fr.wikipedia.org/wiki/Alexandre_de_Rhodes

https://fr.wikipedia.org/wiki/Alexandre_Yersin