Thấm thoát mười mấy năm má đã đi xa. Mười mấy năm vật đổi sao dời. Thằng con đã hom hem, tóc tai đã thêm nhiều sợi bạc nhưng nỗi nhớ niềm thương sao vẫn cứ đong đầy theo năm tháng. Khi đã làm cha, làm mẹ thì mới hiểu được tâm tình của ba, của má, dù giận con năm sáu chớ chín, mười nhớ thương. Ở mấy nước Tây Âu ngày hiền mẫu cũng gần kề, con vẫn thương nhớ má vô cùng và gởi lòng về chốn cũ để được sống hoài một thời trẻ dại ..

Má của tác giả thời thanh xuân
Bữa nay là ngày giỗ của má. Bao nhiêu cái đám giỗ rồi con chưa có dịp nào về thăm má hết. Bao năm đi qua rồi, con cũng chưa một lần được lau bụi cái bàn thờ, chưa bao giờ được thắp cho má một nén nhang. Mỗi năm cứ đến ngày này, con lại bùi ngùi nấu cơm cúng má và nhớ má vô cùng. Chỉ có vài món chay lạt đơn giản để mà nhớ má, chứ “xa xôi cách trở” như vậy thì làm sao má về lại được với con. Chết là hết. Người ra đi không mang theo được gì, dù là một chút tình cảm quý báu mà mình đã yêu thương nhiều nhất trong suốt cuộc đời. Con không bao giờ tin vào kiếp sau, và cũng đâu biết được kiếp sau để mà mong, mà đợi. Nếu trong kiếp này mình đã không được sống trọn vẹn với ai đó thì xem như mình đã không có duyên phận với nhau rồi, đừng bao giờ hy vọng vào kiếp sau. Làm gì có kiếp sau, làm gì có trăm năm để chờ, để đợi!
Ở cái tuổi này, những chuyện gần lại hay quên, nhưng những chuyện xa lơ, xa lắc thì lại nhớ lâu. Con vẫn nhớ như in những ngày tháng trong gia đình những ngày đầu thập niên 70. Ngày nào cũng mong má đi chợ về, có khi là một trái bắp luộc, một gói xôi, một bịch chè hay là một tờ giới thiệu (flyer) cuốn phim mới sắp được chiếu ở rạp Văn Hoa hay Đại Đồng, một mảnh quảng cáo của mấy gánh hát cải lương cũng làm con sung sướng và hạnh phúc đến ngập lòng.

Má và con, 1964
Lần sau cùng tiễn con đi Cà-Mau, hai má con chia tay nhau ở quán bánh bao Ông Cả Cần, một buổi sáng đầu tháng 9 năm 1981. Con cứ nghĩ lần đó đã là lần sau cùng, má con mình sẽ không bao giờ có dịp gặp nhau nữa. Hai má con bịn rịn không muốn rời nhau. Cái bánh bao nuốt hoài không trôi, ly cà-phê sữa đá uống hoài không hết. Chiếc xe lam chất đầy hành khách lăn bánh đã khá xa mà má vẫn còn đứng đó, đưa một bàn tay vẫy vẫy, tay kia quẹt nước mắt. Cái áo bà ba điểm bông màu tím nhạt và chiếc quần Mỹ-A khuất dần sau làn bụi mỏng giữa một Sài-Gòn náo nhiệt buổi bình minh.
Qua đến trại tị nạn ở Phi-Luật-Tân, mỗi lần nhìn nước biển dâng cao khi ráng chiều ngả bóng, con thường hay nhớ má và âm thầm ví von tình má đong đầy như mặt nước ngoài kia. Những cơn sóng nhẹ mơn man nhưng cũng đủ làm cho nước biển mặn chát tràn lên bờ đá. Trong bài hát “Lòng mẹ”, ông nhạc sĩ Y Vân cũng thủ thỉ, thì thầm giống như tình con thương má .. “Lòng mẹ bao la như biển Thái-Bình dạt dào”. Mấy anh chị em từ ba, bốn phương trời hay xúm lại, ngồi bên nhau trên cái vạt tre, ngó mặt ai nấy cũng buồn buồn và cùng nhìn ra một vùng biển ngoài kia, mênh mông, trắng xóa. Hàng dừa cao cao chạy dọc theo bãi biển đong đưa những tàu lá khô vàng dưới cơn nắng hạ nung người. Chớp nhẹ đôi mắt, chị Thu Tâm cất tiếng hỏi “em có nhớ má không, có nhớ quán bánh bao Ông Cả Cần không?”. Và hai chị em cũng không đợi có câu trả lời, mỗi người mang một tâm sự và hình bóng quê nhà, hình bóng má mình trong tâm tưởng.

Tác giả, 1972
Nhưng cũng còn may mắn quá, trái đất vẫn tròn và má con mình cũng còn duyên được gặp lại nhau. Thời gian dẫu hun hút nhưng mang mểnh biết bao buồn vui, mong nhớ. Mười bốn năm vời vợi cách xa và ngày về không hề được hẹn trước. Những giọt nước mắt đoàn tụ cứ lặng lẽ rơi dài như nói giùm bao niềm thương, nỗi nhớ. Tóc má đã không còn xanh thắm như ngày xưa, nụ cười cũng không còn tươi tắn nữa và cái tuổi già cứ phảng phất trên gương mặt, trên vầng trán nhăn nheo.
Cả cuộc đời của má là những năm tháng u buồn, lặng lẽ. Những ngày tháng cuối đời, má vẫn tỉnh táo, minh mẫn và có thể tự chăm sóc cho mình những điều cần thiết. May mắn hơn nữa là má ra đi thật thanh thản, nhẹ nhàng. Má đã hết nghiệp. Má đã trả hết nợ trần. Má đã về với đất. Kẻ ở, người đi có bao giờ được vui. Người ở lại bao giờ cũng là người buồn nhứt, biệt ly nhớ nhung từ đây ! Má ơi, ngày tháng qua đi có bao giờ trở lại và phương trời nao giờ đã mờ mịt bóng chim xưa.
TV