Ngài George Bush, cựu Tổng thống Hoa Kỳ, có nguyên bộ sưu tập giày “cao bồi” Santiag lên đến 35 đôi. Cựu Tổng thống Bill Clinton nhận được một đôi Santiag nhân ngày nhậm chức tổng thống. Về phần mình, Hoàng tử Philip, Anh Quốc, có một đôi Santiag màu đen làm bằng da đà điểu, có khắc biểu tượng tiểu bang Texas màu đỏ, trắng và xanh. Thế nhưng đôi Santiag “đình đám” nhất thuộc quyền sở hữu của nữ tài tử Elizabeth Taylor. Đôi Santiag của nữ tài tử một thời lừng danh này không chỉ được trang trí họa tiết bằng vàng mà còn được nạm nhiều viên kim cương với tổng số lượng lên đến 8.09 cara.

Giày Santiag (giày ống mà trước đây và cả ngày nay, dân cao bồi Mỹ thường mang khi ngồi trên lưng ngựa để chăn bò), còn gọi là giày “cao bồi”, là món thời trang đang được ưa chuộng trở lại. Nhưng đừng vội tin rằng những người ưa thích giày “cao bồi” sẵn sàng xỏ chân vào bàn đạp để phóng lên yên ngựa. Thực ra, họ gần như hoàn toàn dốt đặc trong việc cưỡi ngựa chăn bò. Vị cựu giám đốc một cửa tiệm bán giày “cao bồi” hồi nhớ: “Trong thập niên 1940-1950, nếu bạn đi giày “cao bồi” ở New York, người ta sẽ cười bạn là dân nhà quê”. Ông Chủ tịch Công ty Lucchese Boot, Texas, tiếp lời: “Có một thời, giới mang giày “cao bồi” là những người có mức lương 100,000 đô la / năm và mặc vét tông đi làm”.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Khi mang giày “cao bồi”, nam giới muốn thấy mình hùng tráng và rắn rỏi hơn, còn phụ nữ thì khêu gợi, hấp dẫn hơn. Một cô gái trẻ đã thố lộ với phóng viên tờ New York Times: “Khi mang giày “cao bồi”, người ta cảm thấy tự tin hơn và có cảm giác gần như bất khả xâm phạm. Ðôi khi chúng ta bị ru ngủ bởi sự an phận. Giày “cao bồi” là biểu tượng của tự do, nó khơi dậy sự thức tỉnh, năng động nơi mỗi người chúng ta”.

Giày Santiag được nhiều giới yêu chuộng

Xuất hiện vào giữa thế kỷ 19, giày Santiag gần như là thời trang riêng của dân cao bồi miền Viễn Tây luôn ngồi trên lưng ngựa. Ống giày cao có thể bảo vệ họ khỏi những vết cắn của loài rắn độc hại. Mũi giày nhỏ và nhọn giúp họ dễ dàng xỏ chân vào bàn đạp của yên ngựa. Còn đế giày cao và có độ dốc giúp giữ giày dính chặt vào bàn đạp, tránh bị tuột khi đang ngồi trên lưng ngựa. Nhiều người giàu trí tưởng tượng còn yêu cầu mũi giày phải đủ cứng để có thể đạp chết mấy con gián ở góc nhà.

Rồi đến thời đại dùng xe tải thay thế ngựa để chinh phục miền Viễn Tây thì giới tài xế xe tải rất chuộng giày “cao bồi” vì đế giày thích nghi tốt với sàn xe và mũi giày vừa vặn khi đặt lên bàn đạp thắng cũng như bàn đạp ga xe tải. Trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến, giày “cao bồi” cũng đã chinh phục trái tim của giới phi công trẻ bởi nó cho họ dáng đi oai vệ của một người hùng. Thời kỳ đỉnh cao, mỗi năm có khoảng 9 triệu đôi giày “cao bồi” được bán ra ở thị trường Hoa Kỳ.

Giày “cao bồi” có cựa (bánh răng cưa) cưỡi ngựa.

Giày “cao bồi” cũng được sản xuất ở Breil-sur-Roya, thuộc vùng Alpes-Maritimes, Pháp. Hàng năm, các hãng giày thuộc tập đoàn Sartore sản xuất ra trên 800 đôi giày “cao bồi” được xem là “đặc sản” của hãng từ những năm 1980.

Xem thêm:   Huyền thoại Hoa Tiên Ông

Bạn muốn có một đôi giày “cao bồi” làm bằng chất liệu gì? Nhà sản xuất có thể đề nghị đôi giày của bạn làm bằng da bò, tất nhiên, nhưng cũng có thể bằng da trăn, da cá chình, cá kiếm, cá mập, trâu, hà mã, tuần lộc, kỳ đà, kanguru, lạc đà, heo rừng, cá sấu, ngựa, la, và cả da dê nữa.

Tại một tiệm bán giày Santiag

Màu sắc của giày “cao bồi” cũng rất đa dạng. Màu cổ điển tất nhiên là màu nâu, nhưng cũng có thể là màu hồng tươi sáng, trừ phi bạn chọn màu tím hay màu đỏ gạch nung. Bạn muốn trang trí giày bằng các họa tiết? Tùy theo ý thích và tưởng tượng của bạn. Ðó có thể là chim ưng, bướm, biểu tượng hay nhãn hiệu của công ty, xe hơi, trái ớt, cần cẩu, giàn giếng dầu… Một đại lý chứng khoán, người gốc Montana, đặt mua đôi giày “cao bồi”, tất nhiên là bằng da thú, với họa tiết một bên là con gấu và bên kia là con bò mộng. Một luật sư ở Dallas lại chọn họa tiết là một cây cổ thụ có gắn lủng lẳng những đồng tiền vàng. Còn một nhà phẫu thuật thần kinh yêu cầu họa tiết là một hình nổi của bộ não.

Dân cao bồi mang giày Santiag trên lưng ngựa

Giày “cao bồi” cũng đã từng được nhiều người, nhiều giới mang ở khắp mọi nơi: đi làm việc văn phòng, đi hội họp, trong các nhà hàng, quán bar sang trọng. Một bà mẹ 85 tuổi ở New York cũng mua cho mình một đôi giày “cao bồi”. Ở Washington, Quốc hội đã thành lập một “Ủy ban bầu cử Santiag” mà thành phần chủ yếu bao gồm các thành viên thuộc đảng Cộng Hòa yêu thích giày Santiag.

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Dĩ nhiên, giày Santiag hiện nay vẫn được những chàng cao bồi mang đi lang thang trên các đồng cỏ, trang trại nuôi bò, hay phi nước đại trên lưng ngựa. David Espinoza, nghệ nhân trang trí họa tiết giày Santiag ở Phoenix, tiểu bang Arizona, nhận xét: “Quả là không thể tin nổi vào mắt mình khi trang trí những họa tiết độc đáo trên đôi giày “cao bồi”. Thế mà nó vẫn được mang vào chân để đi chăn gia súc, giữ thú vật nuôi”.

Giày Santiag trưng bày tại một cửa hàng ở Mỹ

ĐDH

(Theo Selection)