“Trái bomb nguyên tử” Tuấn Ngọc “phát nổ” ngày 9 Tháng Ba làm “chấn động” công luận địa cầu từ Sài Gòn quốc nội xuyên qua Thái Bình Dương tràn sang hải ngoại, và cho tới lúc tôi gõ bài viết này thì “dư chấn” của “trái bomb” chưa thấy có dấu hiệu “hạ nhiệt.” Tuấn Ngọc là một ca sĩ hải ngoại (đang định cư tại Mỹ) nổi tiếng từ lâu, được nhiều khán giả quốc nội và hải ngoại hâm mộ, và gọi ông là “danh ca” chuyên dòng nhạc trữ tình.
Lý do “bomb nổ” là nhiều người phát hiện ông Tuấn Ngọc hát bài Tình Bơ Vơ của cố nhạc sĩ Lam Phương, mở đầu bài hát ca sĩ đã quăng ngay câu: “Càng nhìn em yêu em hơn và yêu em mãi/ Dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào quên lãng/ Trời vào thu CHIỀU NAY buồn lắm em ơi.” Khiến cho người nghe phải ngỡ ngàng, bật ngửa.
Tôi dám khẳng định với quý độc giả là rất nhiều người Việt Nam nghe bài Tình Bơ Vơ đến mòn lỗ tai với hai chữ “Việt Nam.” Sở dĩ khán giả phẫn nộ vì hầu như ai cũng biết Tình Bơ Vơ đơn thuần chỉ là một câu chuyện tình không có cái kết đẹp của cố nhạc sĩ và nữ danh ca Bạch Yến.
Nhiều người quốc nội và người Việt hải ngoại đã xúm vô chửi bới, làm hình chế, gọi Tuấn Ngọc là “hèn,” “Việt gian,” nhưng có không ít “cây đa, cây đề” lên tiếng binh vực ông Tuấn Ngọc có quyền tự sửa lời nhạc, hoặc “bào chữa” là ông Tuấn Ngọc bị “nhầm lẫn.” Lại có ý kiến cho rằng khán giả “hèn” vì đã chửi Tuấn Ngọc mà không chửi nhà cầm quyền Việt cộng đã cấm Tuấn Ngọc hát hai chữ “Việt Nam.”
Tuy nhiên, tôi đã kiểm chứng lại các clip trên mạng internet thì thấy khi biểu diễn ông Tuấn Ngọc luôn có giá để nhạc và bản nhạc mở sẵn để trước mặt, hai chữ “Việt Nam” lại nằm ngay khổ đầu bài hát nên không có chuyện “nhầm lẫn.” Tôi cũng coi nhiều clip khác của các ca sĩ trẻ ở Việt Nam lẫn ca sĩ hải ngoại về Việt Nam hát Tình Bơ Vơ thì thấy họ đều hát đúng lời bản nhạc gốc, có đầy đủ hai chữ “Việt Nam” trong bài hát. Tối ngày 7, ngày 8 Tháng Ba, hai ca sĩ hải ngoại là Bằng Kiều và Minh Tuyết đã hát Tình Bơ Vơ đúng nguyên tác tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội.
“Ca khúc Tình Bơ Vơ của Lam Phương được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam từ năm 2017 sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định phần nội dung ca khúc: “Ca khúc này có nội dung lành mạnh, không đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Ðây là căn cứ để Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM tiến hành việc cấp phép lưu hành ca khúc.” (Trích Báo Người Lao Động, ngày 10/3/2023)
Tôi đang có ba đoạn clip là show diễn Ðức Huy – Tuấn Ngọc (không biết hát lúc nào,) show Tuấn Ngọc – Uyên Linh (cách đây nửa tháng,) và clip của Mây Lang Thang. Trong ba clip, ông Tuấn Ngọc nói rõ trước khi hát ông “sẽ sửa chữ Việt Nam thành chiều nay,” “… tôi không hát nhầm bất cứ một từ nào trong bài hát, nhưng tôi muốn thay hai từ “Việt Nam” thành “chiều nay” cho ca từ được nhẹ nhàng hơn.” Ông còn nhấn mạnh trong clip Ðức Huy – Tuấn Ngọc: “Việt Nam giờ vui thấy mồ luôn.” Tôi không hiểu hai chữ Việt Nam đối với ông Tuấn Ngọc tại sao lại “nặng nề”? Tại sao ông Tuấn Ngọc lại đánh đồng tâm trạng của cố nhạc sĩ và tình hình xã hội Việt Nam là một, rồi ông bắt ông Lam Phương không được quyền buồn thất tình?
Sở dĩ khán giả phản ứng mạnh như vậy vì hai chữ “Việt Nam” là điểm nhấn cho cái hay của cả bài hát, cho người nghe biết người đàn ông thất tình trong Tình Bơ Vơ đang sống ở Việt Nam, với nỗi buồn trải dài, xuyên suốt tháng ngày đằng đẵng, chớ không duy nhứt “chiều nay.” Ðúng với câu: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” (Kiều – Nguyễn Du.) Bỏ hai chữ “Việt Nam” thì ông Tuấn Ngọc đã làm hỏng cả bài Tình Bơ Vơ của cố nhạc sĩ.
Không có bằng cớ cho thấy Tuấn Ngọc bị bắt buộc phải bỏ hai chữ “Việt Nam” ra khỏi bài hát, mà chính ông đã tự bịt miệng mình, chính ông đã tự chối bỏ hai tiếng “Việt Nam.” Tôi cho rằng không phải ông Tuấn Ngọc “nhầm lẫn” lời bài hát, mà ông đã “nhầm lẫn” về phản ứng của khán giả, và ông đã không nghĩ rằng khán giả Việt coi trọng hai chữ “Việt Nam” hơn ông.
Tôi không phải fan ông Tuấn Ngọc, cũng không có gì phải thù ghét ông, nên tôi chỉ tóm tắt scandal “trái bomb nguyên tử Tuấn Ngọc” cung cấp cho quý độc giả dễ nắm bắt sự việc. Vì vậy, tôi không đi sâu vô bình luận về ông, sự việc đã rõ ràng, Tuấn Ngọc hành động đúng hay sai dành cho công luận tự đánh giá.
Nhân scandal Tuấn Ngọc, tôi muốn nhắc lại một chuyện khác, đó là Quyền Không Nói. Cách đây 97 năm, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Chủ bút báo Tiếng Dân, đã viết lời tuyên ngôn ngay số đầu tiên cho tờ báo của cụ: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Hai năm sau, cụ Huỳnh lặp lại: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói.” nhằm khẳng định “Quyền Không Nói” là quyền bất khả xâm phạm của cá nhân, mà không thế lực nào có thể tước đoạt được.
Ðồng thời với scandal Tuấn Ngọc, thì ở Sài Gòn cũng xảy ra đám tang cố nghệ sĩ Vũ Linh (Người được khán giả đặt cho biệt danh “Ông Hoàng Cải Lương Hồ Quảng Việt Nam”.) Dư luận cho rằng: “Người đến viếng tang Vũ Linh hơn cả đám tang nguyên thủ quốc gia.” Sự so sánh này vừa đúng vừa không đúng. Ðúng là căn cứ số lượng người đi viếng. Khác nhau ở chỗ đám tang “nguyên thủ quốc gia” nhà nước Việt cộng đông đúc bởi người ta vì bị bắt buộc (các Hội hè, đoàn thể, học sinh, sinh viên bị lùa tới) hoặc vì quyền lợi bản thân mà phải tới. Ðám tang ông Vũ Linh thì quần chúng tự nguyện vượt đường xa mà tới đưa tiễn ông vì họ yêu mến ông. Sinh thời, ông Vũ Linh được lòng nhiều giới, quốc nội lẫn hải ngoại. Ngoài tài năng sân khấu, nguyên nhân quan trọng nhứt là cả đời ông sống trong chế độ cộng sản Việt Nam, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông diễn trong các vở tuồng “cách mạng chống Mỹ cứu nước,” hay tuồng tuyên truyền “Ðịa chủ ác ghê,” trong khi các đồng nghiệp của ông vẫn thường diễn các tuồng đó. Ông cũng không xin danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân dù ông quá dư tiêu chuẩn. Khi được báo chí phỏng vấn, ông chỉ nói về chuyên môn nghề nghiệp, không bao giờ thốt lời ca ngợi, nịnh bợ người có quyền, có thế.
Tôi không biết ông Vũ Linh có đọc tuyên ngôn của cụ Huỳnh Thúc Kháng hay không, mà cả đời ông đã thực hiện đúng tuyên ngôn của cụ: Quyền không nói/không làm những điều ta không muốn.
Trở lại scandal từ chối hai tiếng Việt Nam của ông Tuấn Ngọc, nhiều người Việt ở khắp nơi tuyên bố thần tượng của họ bị sụp đổ, “sẽ không bao giờ nghe Tuấn Ngọc hát.”
Tôi nghĩ rằng nếu ông Tuấn Ngọc cũng tuân theo tuyên ngôn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nếu ông Tuấn Ngọc “sợ bóng sợ gió” gì đó (như phe bảo vệ ông biện luận) thì ông có thể chọn hát một bài hát khác mà lời ca không có chữ “Việt Nam” “nặng nề” kia, thì ông vẫn còn đó lòng mến mộ của công chúng. Và danh hiệu “danh ca” của ông Tuấn Ngọc không phải phút chốc tan biến như bọt nước hồ thu. Thật đáng tiếc!
TPT