“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên” là câu nói nổi tiếng của Archimedes (287-212 trước Công Nguyên). Ổng là một nhà toán học, nhà vật lý, nhà phát minh huyền thoại người Hy Lạp. Hình của Archimedes được in ở mặt trước của Huy chương Fields, giải thưởng danh giá được coi là “Nobel Toán học (vì giải Nobel không bao gồm lĩnh vực toán học), được Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU: International Mathematical Union) trao 4 năm một lần cho những nhà nghiên cứu nổi bật.

Ơ-rê-ca (Eureka, nghĩa tiếng Việt là “tìm ra rồi”) là một giai thoại nổi tiếng về cách ra đời của “lực đẩy Archimedes” và của mục.. này.

Bạn có bao giờ tưởng tượng cảnh một bà bầu đang đau đẻ bị cột chặt trên bàn quay, người ta nhấn nút, cái bàn quay xoay tròn như chong chóng, sau đó đứa bé sơ sinh sẽ văng ra một tấm lưới, nếu may mắn thì sẽ mẹ tròn con vuông.

Nếu chưa, thì xin chúc mừng, bạn sắp biết đến một trong những phát minh hài hước và kỳ lạ nhất từng được cấp bằng sáng chế: bàn quay sinh con bằng lực ly tâm.

Người sáng tạo ra thiết bị không bình thường này là George và Charlotte Blonsky, một cặp vợ chồng sống ở New York, Mỹ. George, một kỹ sư mỏ, và Charlotte, người đồng hành của ông, không có con cái nhưng lại rất nhiệt tình với việc… cải tiến quá trình sinh nở.

Xem thêm:   Phận làm cha mẹ "12 bến nước"

Bằng sáng chế mang số hiệu US3216423A, được cấp vào năm 1965, có tên gọi: “Apparatus for facilitating the birth of a child by centrifugal force” (Thiết bị hỗ trợ sinh con bằng lực ly tâm). Tài liệu mô tả một chiếc bàn quay được trang bị dây đai an toàn, lưới bắt em bé, và cả động cơ điều chỉnh tốc độ. Ý tưởng là xoay người mẹ với tốc độ vừa đủ để lực ly tâm “đẩy” em bé ra ngoài, như kiểu bắn một viên đạn từ súng vậy. Hai nhà sáng chế còn tự tin rằng thiết bị này sẽ giúp những bà mẹ “thiếu cơ bắp” sinh con dễ dàng hơn. Ừm, cảm ơn vì sự quan tâm, nhưng ai dám thử đây?

Không biết xui hay là hên, dầu được cấp bằng sáng chế, bàn quay sinh con chưa bao giờ xuất hiện trong bất kỳ bệnh viện nào. Cũng chưa có ai dùng thử nó, kể cả “cha mẹ ruột”. Chi phí cao, độ phức tạp, và nguy cơ khiến bà bầu chóng mặt (hoặc tệ hơn) đã khiến nó mãi chỉ là một ý tưởng trên giấy. Ngày nay, nó được trưng bày như một “tác phẩm nghệ thuật” tại Science Gallery Dublin (nằm trong khuôn viên Trinity College Dublin, một trường đại học nổi tiếng ở trung tâm thành phố Dublin, Ireland) và thường xuyên xuất hiện trong các bài viết hài hước trên mạng.

Bàn quay sinh con của nhà Blonsky là minh chứng rằng trí tưởng tượng của con người không có giới hạn – lâu lâu cũng hơi… quá đà. Lần tới khi bạn thấy voi xoay tròn, hãy nhớ: có người từng nghĩ đó là ý tưởng hay để sinh con đấy!

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/03/2025)