Tháng 3 năm 1975, hai Má con tôi ngồi bên cạnh linh cữu Cậu tôi được thắp hai hàng nến trắng. Buổi trưa ở Tăng Nghi Quán im vắng đến lạnh người. Thỉnh thoảng, một vài tiếng xe Honda lướt nhanh và để lại tiếng ống pô nổ giòn giã bên ngoài cánh cổng. Cảnh vật nơi đây buồn bã đến não nề.

Đinh Trường Chinh

3 năm trước đó, Cậu tôi bị thương tích đầy mình và được mang về từ vùng hỏa tuyến xa xôi. Gần một năm trời chữa trị trong y viện Cộng Hòa, Cậu đã trải qua biết bao cuộc giải phẫu. Một lần theo chân Ba Má vào thăm, tôi thấy Cậu nằm bất động trên giường bệnh. Từ đầu đến chân được quấn băng trắng xóa như hình ảnh “Mummy” trong phim ảnh kinh dị. Tôi nhận ra Cậu còn sống khi đôi mắt Cậu chớp nhẹ và đôi môi mấp máy khi thấy Ba Má tôi vào thăm. Căn phòng rộng lớn đó không chỉ mình Cậu mà còn khá nhiều những thương binh khác với những vết thương và bông băng. Ngó quanh, nơi nào tôi cũng thấy nước mắt hòa trong nước mắt.

Cậu tôi được may mắn sống sót trong lằn tên mũi đạn, nhưng qua đời trong một tai nạn giao thông nhẹ tênh. Người đi sau vô ý đụng vào chiếc xe phía trước. Cậu tôi té xuống và đập đầu xuống mặt đường. Cậu tỉnh táo, ngồi dậy dựng chiếc xe Suzuki và còn hỏi người đi sau có bị thương tích gì không. Sau đó, Cậu hôn mê và qua đời trên đường đến bệnh viện cấp cứu. Má tôi kể lại, trước đó vài ngày, Cậu tôi đã đưa Mợ dâu tương lai của tôi đi lễ chùa. Một vị trong chùa thoáng nhìn Cậu Mợ và nói:

Xem thêm:   Chuyện 50 năm

– Hai người không đến được với nhau đâu!

Mợ dâu tương lai của tôi mãi mãi là người vợ không bao giờ cưới!

Bác gái ở lễ tang bên cạnh cho mượn tờ báo Trắng Đen, tôi lật ngay trang âm nhạc kịch trường và đọc được bản tin “nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời”. Vào lứa tuổi đó, tôi chỉ biết ông là tác giả của bài hát “Dòng An Giang” vô cùng dễ thương, êm ái mà tôi đã có dịp nghe trong một chương trình “phát thanh học đường” trên làn sóng điện Sài-Gòn …

Dòng An-Giang sông sâu nước biếc

Giòng An-Giang cây xanh lá thắm

Lả lướt về qua Thất-Sơn

Châu-Đốc dòng sông uốn quanh

Soi bóng Tiền-Giang Cửu-Long

Tháng 3 gãy súng, vùng Một rồi đến vùng Hai thất thủ. Tây-Nguyên bị bỏ ngỏ, làn sóng người chạy loạn khắp nơi. Gia đình người thân của Má tôi từ Ban-Mê-Thuột bồng bế vào Sài-Gòn xin được tá túc qua cơn hoạn nạn. Ngôi nhà nhỏ nhưng tình thương lại bao la như mưa nguồn, biển lớn. Đám con nít dễ dàng làm quen, làm thân và ríu rít suốt ngày mặc cho tiếng súng vọng về đô thị mỗi ngày thêm gần.

Ngày 8 tháng 4, cả lớp đang thi đệ nhị lục cá nguyệt, môn Pháp văn với cô Thiên Chi. Văn phòng hiệu trưởng thông báo, tất cả học trò các lớp được phép ra về vì tình hình chiến sự căng thẳng. Hôm đó, Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập. Mùa nghỉ hè bắt đầu thật sớm. Năm học đầu tiên của tôi ở trường trung học Petrus Ký cũng khép lại vội vàng. Ngày 29 tháng 4, chiếc phi cơ di tản những quân nhân người Mỹ sau cùng cất cánh trên nóc Tòa đại sứ đánh dấu phút lâm chung của miền Nam thân yêu dưới chính thể Cộng Hòa. Hàng trăm người đứng kêu khóc, van xin một chuyến đi xa trước cánh cổng sắt của Tòa đại sứ muôn đời khóa chặt. Những tiếng gào thét của họ cũng là tiếng ai oán, bi thương của hơn 20 triệu người dân miền Nam trước họa xâm lăng của Bắc phương!

Xem thêm:   Hồn người viễn xứ

Ngày 30 tháng 4, quân việt cộng tiến vào Sài-Gòn, và dùng xe tăng ủi sập cổng Dinh Độc-Lập. Cả Sài-Gòn hốt hoảng! Những ngày tháng đau thương bắt đầu từ đó. Sĩ quan và binh lính còn kẹt lại bị lùa vào những nơi rừng thiêng nước độc và hứng chịu những đòn trả thù cay nghiệt của phía bên kia. Lần đó, Má tôi có nói:

– Cũng may cho Cậu mày “đi trước”, chứ để tụi nó bắt đi tù, làm nhục, đánh đập, “đồ thiệt” còn chịu hổng nổi, huống chi trong người nó toàn là “đồ giả”!

Cuộc sống của người dân miền Nam mỗi ngày thêm phần nghiệt ngã. Những chiếc thuyền mong manh đã đưa hàng triệu người vượt đại dương với hy vọng tìm được một ánh bình minh.

Ở đây, chiều từng chiều vẫn đi về lặng lẽ, những giọt nắng hoàng hôn vẫn bùi ngùi rơi rớt trên nóc giáo đường. Năm tháng vẫn hững hờ trôi trên một quê hương thứ hai đã âm thầm bén rễ. Mỗi tháng Tư về, lòng tôi vẫn hoài một niềm nhớ nhung quê nhà da diết, ngậm ngùi cảm thương những người thân yêu đang khổ sở trên một quê hương sắp mất. Biết nói gì hơn, muôn đời tôi chỉ là một cánh én lẻ loi, nhỏ bé không đủ sức gọi được mùa Xuân. Dòng An-Giang năm cũ vẫn ngậm ngùi soi bóng nước. Xuân qua, Hè đến, nào ai biết được dòng nước năm xưa có còn mong ngóng chuyến đò sang.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/17/2025)

TV