Lời tòa soạn: Viết như một liệu pháp xoa dịu những nỗi đau, bà Nguyễn Tường Nhung – phu nhân cựu Trung tướng Ngô Quang Trưởng đã kể lại câu chuyện về người cháu ngoại vừa qua đời tại Virginia trong tùy bút đầy xúc động này. Nhận được tin trễ, Trẻ Magazine xin chân thành phân ưu cùng bà Nguyễn Tường Nhung và đại gia đình trước mất mát to lớn này.
Ngồi vào bàn máy với những ý nghĩ những điều, những chuyện cứ chạy quanh trong trí não. Muốn viết xuống nhưng không biết nên bắt đầu từ đoạn nào. Thôi cứ mặc kệ cho cái đầu điều khiển ngón tay trỏ gõ theo.
Hẹn cô cháu dâu sáng thứ Tư đón đi thăm cháu ngoại mới đưa về từ nhà thương. Reng… reng… Tên cô cháu dâu hiện trên máy.
– Có gì vậy B.?
– À… à… thím….
Giọng B. ấp úng nói một vài câu gì nữa tôi không nghe rõ, rồi B. cúp máy. Ngay lúc ấy, tôi nghĩ chắc là B. lại bận ngày mai không đi được vì chuyện đó rất thông thường. Hoặc cũng có thể bên kia đang có cuộc gọi khác, nên B chưa nói rõ chăng? Nhưng linh cảm tôi tự nhiên cảm thấy có điều gì bất ổn, nên tôi vội gọi cho P., chồng của B.
– Hello P., không biết B. gọi thím có chuyện gì?
– Con đang ở phi trường đón em gái, chắc B. gọi thím vì TĐ đã mất.
Cháu ngoại TĐ là con của cô con gái thứ hai của tôi, là cháu nội của một gia đình khá giàu, tài sản là những đồn điền sản xuất cao su xuất nhập cảng được nhiều người biết đến trong xã hội vì đã một lần là ứng cử viên tổng thống trước năm 75. Ba của TĐ là con trai út trong gia đình đông anh chị em đó. TĐ là tên bà ngoại đặt để gọi trong gia đình, được sinh ra lớn lên trong sự thương yêu cũng như những đứa trẻ của nhiều gia đình khác cho đến khi TĐ 8, 9 tuổi, người cha bỏ đi không lý do và cũng chẳng để lại một tin tức gì. Một thời gian sau, được tin cha TĐ đã đi vào lính. Kể từ khi ấy, gia đình không còn nhận được bất cứ tin tức nào khác. Mặc dù không có cha nhưng cũng không vì thế mà TĐ thiếu đi sự chăm sóc yêu thương của ông bà ngoại, của các dì và nhất là của mẹ. Thời gian qua nhanh, TĐ đã tốt nghiệp xong bằng Master, đã có công việc làm theo nghề tự chọn, gặp được ý trung nhân cũng là mối tình đầu, một người con trai khỏe mạnh hiền lành. Đám cưới được tổ chức trang trọng theo truyền thống cổ truyền tại tư gia của người cô ruột với đông đủ họ hàng nội ngoại, có cả bố mẹ chồng từ Đài Loan bay qua dự lễ.
Sau đó, có thêm một đám cưới được tổ chức trên bãi biển Cancun với nhiều thân hữu, bạn bè và cha mẹ hai bên tham dự, đúng thủ tục hình thức của một đám cưới theo kiểu hiện đại.
Dòng đời êm đềm trôi qua… Đôi vợ chồng trẻ dọn sang thành phố Thượng Hải làm việc vì muốn có cơ hội được biết đó biết kia bởi rồi khi có con sẽ rất bận rộn. Hơn một năm sau, một bé trai kháu khỉnh ra đời. Thằng bé giống cha, cặp mắt láu lỉnh tinh khôn, khiến ông bà nội bé rất vui mừng vì người Trung Hoa dù ở vào thời đại nào cũng vẫn thích con trai hơn.
Hai năm sau, lại thêm một bé gái xinh xắn bụ bẫm chào đời. Đây là một gia đình êm ấm hạnh phúc như những gia đình hạnh phúc khác trong xã hội.
Nhưng giông tố nào có chừa ai! Một buổi sáng thứ Hai đầu tuần, sau giấc ngủ thường lệ, người chồng mới 42 tuổi vẫn khỏe mạnh, không một triệu chứng đau ốm hay bệnh tật gì cả, đột ngột ra đi không lời từ giã, để lại vợ và hai đứa con thơ. Nỗi đau thương chắc chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Hai trẻ thơ chưa đủ trí khôn để chia sẻ nỗi buồn đau của mẹ và cũng chưa cảm thấy sự thiếu vắng cha. Người mẹ trẻ thật cang cường, nghị lực, sau một ngày bận rộn với công việc 9, 10 tiếng ngoài xã hội, khi về nhà lại chăm lo cho hai con. Mỗi ngày đối mặt ảnh chồng trên bàn thờ, là một cái bàn thấp để hai đứa nhỏ hương hoa bánh trái. Chúng tin là cha ở cõi thiên đàng vẫn đang nhìn theo chúng hàng ngày.
Mạng sống con người thật mong manh, số mạng quá phũ phàng. Chỉ hơn một năm sau ngày chồng mất, người mẹ trẻ vướng phải căn bệnh ung thư ngặt nghèo mà rất nhiều người mắc phải. Bằng niềm tin vào khoa học tân tiến với cách chữa trị có thể khỏi hoặc kéo dài thêm 5, 10 năm, thế nên, mặc dù bệnh đã lan vào một vài bộ phận trong cơ thể, nhưng người mẹ vẫn cố gắng chịu đựng sự đau đớn khi bị thuốc hành sau mỗi lần xạ trị, hy vọng được qua khỏi hay kéo dài thêm sự sống đến khi hai đứa nhỏ đủ thêm trí khôn tự lo cho chính mình. Nhưng rồi chỉ hơn một năm sau, bộ phận gan ngưng hoạt động, người mẹ ấy đã đi vào giấc ngủ ngàn thu.
Đó là một cô bé thông minh hiền lành có tấm lòng biết chia sẻ, thường quan tâm đến ông bà cùng anh chị em và rất có hiếu với mẹ. Ngay từ khi 4, 5 tuổi nếu ai cho đồ vật hoặc thức ăn gì cháu cũng nói, “mẹ con thích, con đem về cho mẹ”. Bản tính cô cũng thích vẻ đẹp, thích trang hoàng bày biện thêm, có nhiều sáng kiến, mỗi dịp lễ hội đều tự vẽ kiểu in trên y phục…
Lời nào, bút mực nào diễn tả được nỗi xót thương đứa cháu quá trẻ ra đi bỏ lại hai đứa con thơ Dylan 6 tuổi và Riley 4 tuổi của một cụ bà đã ở vào tuổi 90. Đau từ trí não đau trong cơ thể, nỗi đau hòa chung vào huyết mạch, nước mắt xoa dịu hay chỉ làm cổ họng nghẹn ngào thêm. Niềm đau không chỉ cho người đã trở về cát bụi, mà còn dành cho hai đứa trẻ non dại sống với bà ngoại chưa qua tuổi 60 nhưng đang phải đeo máy trợ tim.
Kể từ hơn một năm khi biết đứa cháu vướng bệnh ung thư đã khá nặng, bà luôn sống trong nỗi lo âu. Hằng đêm, bà chỉ biết cầu Phật, cầu Đức Mẹ cùng với niềm tin vào khoa học có thể kéo dài sự sống cho cháu đến khi hai đứa trẻ thơ đủ khôn lớn để tự lo cho bản thân.
Bà cố tuổi đã 90 làm được gì giúp được gì cho hai đứa chắt đây?
Cuộc đời bà đã hai lần tưởng như nước mắt đã khô sau khi hai đứa con trai ra đi để lại cho bà những vết thương sâu, theo thời gian cũng phôi phai một phần nào. Cứ tưởng những tháng ngày còn lại cuối đời đến khi nhắm mắt được thanh thản ra đi, nhưng có nhẽ nghiệp chưa trả dứt nên bà phải chịu thêm một cái tang nữa mang theo trong cuộc đời. Bà luôn lo nghĩ về hai đứa trẻ thơ rồi đây sống thiếu tình thương của cha mẹ, dù bà ngoại chúng có thương yêu đến mấy cũng không thể nào bù đắp.
Nhận những tờ giấy bạc in hình Tổng thống Benjamin Franklin của một số bằng hữu gửi đến lẽ ra phải mừng lắm chứ. Mừng vì những ân tình, những tấm lòng tốt giúp cho hai trẻ thơ đã mất đi cả cha lẫn mẹ.
Đã nhiều lần những tờ tiền xanh được bà đón nhận với sự vui mừng vì đó là những đồng tiền bà đứng ra quyên góp để gửi đến giúp cho các gia đình thương phế binh và những hoàn cảnh ngặt nghèo. Lần này cũng những tờ bạc màu xanh vô tri đã làm cho bà nghẹn ngào rơi lệ vì những đồng tiền giúp cho hai đứa chắt thêm phần trang trải bao nhiêu thứ phải chi trả khi mà nhà băng giữ lại vì TĐ chưa làm giấy ủy quyền cho Mẹ, có thể TĐ nghĩ là còn nhiều thời gian. Bà ngoại khóc vì nếu bà có tiền đủ để lo cho chắt thì đâu đến nỗi phải nhận sự giúp đỡ của mọi người mà từ xưa bà rất sợ phải mang ơn. Bà tuy không giàu nhưng với khả năng của mình bà đã và vẫn giúp những hoàn cảnh khó khăn và cũng đã nhiều lần cháu đưa tiền cho bà nói là để bà giúp cho trẻ em nghèo.
Bà buồn, rất buồn, vì bây giờ chính bà lại là người đưa tay nhận những đồng tiền ân tình này. Trong tâm trí bà hoang mang không hiểu đứa cháu bà có trách có buồn khi bà nhận sự trợ giúp của mọi người. Bà chỉ mong anh linh cháu đừng buồn vì hai chắt bà có thể làm bất cứ chuyện gì trong khả năng của bà. Hình ảnh cháu đến thăm bà cách đây khoảng vài tuần lễ, hai bà cháu chuyện trò vui vẻ, mà giờ đây cháu đã thành tro bụi. Không thể ngờ bệnh trở nhanh như vậy! Khi cơn đau bộc phát nhiều, cháu phải vào nhà thương vào tối thứ Năm. Nhờ thuốc giảm đau, cháu ngủ li bì. Bà ngoại đã tính sẽ đến thăm nhưng chưa kịp, tưởng cháu sẽ qua khỏi. Nhưng rồi theo sự quyết định của Mẹ Ty và chị của mẹ mà cháu vẫn gọi là Má Bé, cháu được mang về nhà để cho hai đứa nhỏ được gần với mẹ. Mới qua ngày thứ Ba cháu đã ra đi với nụ cười, như lời kể của người chị họ đến giúp lo cho hai đứa nhỏ. Cuối cùng người bà ngoại này không được gặp cháu lần cuối vì như đã kể, định thứ Tư mới qua thăm.
Những đứa cháu ngoại đều nói, “Tí Đài không muốn bà ngoại thấy TĐ lúc gầy và xấu và không muốn bà ngoại buồn. Bà ngoại phải mặc đẹp, phải chụp nhiều ảnh, phải đi chơi…”.
Cháu ngoại KANDACE NGUYỄN – được bà ngoại đặt tên Việt Nam là Nguyễn Ngô Trương Đài, ở nhà gọi tắt là Tí Đài.
TÍ ĐÀI để lại di ngôn: Không được làm đám, không được khóc, khi nhắm mắt đưa ngay đi thiêu. Bỏ tro cốt vào cái hũ để chung một chỗ với chồng là MARK FU, đợi khi con trai tên DYLAN 18 tuổi thì sẽ cùng em gái RILEY 16 tuổi đem tro cốt của Mẹ về Việt Nam nơi đèo Hải Vân (còn gọi là đèo Ải Vân hay đèo Mây) rải ngay chỗ ông ngoại NGÔ-QUANG-TRƯỞNG.
Bà cố TƯỜNG NHUNG tuổi 90 chỉ mong sao con gái Thu Trâm giữ vững tinh thần và sức khỏe để 12 năm nữa đi cùng hai cháu ngoại DYLAN và RILEY đem tro cốt Tí Đài về bên ông ngoại.
TN