(Kỳ 17c: The Federalist No 6)
Chúng ta tiếp tục theo dõi phần ba của bản dịch The Federalist No 6. Trân trọng giới thiệu:
AlexandEr Hamilton
Kính gửi Nhân Dân Tiểu Bang New York:
…Nhưng bất chấp xác nhận đồng thời của thực tế trong vấn đề này, vẫn thấy nhiều quý ông viễn kiến hoặc mưu lược (Nguyên văn “visionary or designing men”) sẵn sàng đứng lên ủng hộ nghịch lý về nền hòa bình vĩnh cửu giữa các Tiểu Bang bị phân rã và trở nên hục hặc (Đoạn này tác giả thể hiện có thể chịu ảnh hưởng của Machiavelli trong The Prince và Spinoza trong Traité politique. ND). Họ nói, đặc tính trời cho của các nước cộng hòa là yên bình; tinh thần buôn bán có thiên hướng nhu thuận các ứng xử của con người, dập tắt những tính khí nóng nảy vẫn rất thường bốc thành chiến cuộc. Những nước cộng hòa trọng thương, như chúng ta, sẽ không bao giờ tự tiêu tán vào những cuộc tranh đoạt hủy hoại lẫn nhau. Chúng sẽ được điều khiển bằng những mối lợi chung và sẽ vun đắp tinh thần hữu hảo, hòa hợp cùng nhau.
Phải chăng (chúng ta hãy hỏi các nhà thiết kế chính trị đó) chẳng phải mọi quốc gia đều thực sự có lợi khi vun trồng cùng một tinh thần thiện tâm và khôn ngoan? Nếu đó đúng là lợi ích của họ, họ có đeo đuổi trên thực tế không? Chẳng phải thực tế luôn tỏ lộ điều ngược lại: những dục vọng nhất thời, những ham muốn cấp kỳ luôn uốn nắn hành vi con người chủ động hơn, độc đoán hơn các cân nhắc chung và lâu dài cho chính trị, lợi ích công hay công lý (Ý tưởng này trùng với những suy tư về bản thể con người của David Hume (1711-1776), ví dụ trong Of the origin of government, Of self-love. ND)? Các nước cộng hòa trên thực tế ít nghiện chiến tranh hơn các nước quân chủ? Các nước cộng hòa không do CON NGƯỜI điều hành như các nước quân chủ? Chẳng phải những lòng ganh ghét, tự ái, kình địch và những thèm khát sở hữu bất chính tác động tới cả nhân dân lẫn vua quan? Chẳng phải các nghị hội bình dân (popular assembly) (Xem thêm phần Thuật ngữ mục “Nghị hội bình dân”. ND) thường xuyên bị tác động bởi những cơn nóng giận, căm tức, đố kỵ, bần tiện và cả những cơn nộ khí thô bạo bất thường? Không phải quá rõ là những quyết nghị của toàn dân thường bị lèo lái bởi một vài người đã được nhân dân phó thác niềm tin và, đương nhiên, chúng hoàn toàn có thể bị tẩm đầy các xúc cảm, dục vọng và tầm nhìn của những cá nhân đó? Cho đến nay thương mại đã làm được gì nhiều hơn việc thay đổi mục đích chiến tranh? Sự thèm khát giàu có là dục vọng không làm con người đảo điên, táo tợn bằng sự thèm khát quyền lực, vinh quang? Các cuộc chiến vì động cơ thương mại không nhiều bằng các cuộc chiến trước đây do thèm khát đất đai hay bá quyền gây ra kể từ khi thương mại trở thành hoạt động chi phối trong các quốc gia? Chẳng phải tinh thần trọng thương, trong nhiều tình huống, đã gia thêm nhiều động lực mới cho lòng thèm khát cả hai, đất đai và quyền lực? Hãy để trải nghiệm – kẻ dẫn đường ít sai sót nhất của con người – trả lời các băn khoăn này.
Sparta, A Ten (Sparta, A Ten là những tiểu quốc có quy mô như những thành phố của Hy Lạp cổ đại. A Ten là thủ đô của Hy Lạp ngày nay. ND), Rome và Carthage (Rome là Cộng hòa La Mã cổ đại tồn tại từ khoảng 509 – 27 tr.CN, khởi thủy từ miền trung của Ý sau đó mở rộng dần ra, vào lúc cường thịnh nhất bao phủ cả Bắc Phi, Tây Ban Nha, Hy Lạp, vùng Pháp ngày nay và cả phía đông Địa Trung Hải. Carthage, là trung tâm của một trong những nền văn minh thời cổ đại có nguồn gốc từ những người Phoenician, hiện thời thuộc Tunisia, nhiều công trình kiến trúc vẫn còn và được mang danh hiệu Di sản Thế giới của UNESCO từ năm 1979. ND) tất cả đều là nước cộng hòa. Hai trong số đó, A Ten và Carthage, còn là những chính thể trọng thương. Nhưng họ vẫn thường xuyên dính líu vào chiến tranh, tấn công hay phòng vệ, y như các nền quân chủ láng giềng cùng thời. Sparta chỉ một chút hơn một trại lính ngăn nắp; còn Rome, chưa bao giờ ngừng chém giết, xâm lăng.
Carthage, dầu là cộng hòa ham buôn bán, đã là nước hung hăng gây ra cuộc chiến có kết cục tự hủy bản thân. Hannibal ((247-kh.182 tr.CN), một tướng lĩnh nổi danh thời cổ đại của Carthage. ND) từng đưa quân Carthage vào tận trung tâm Ý và cổng thành Rome trước khi đến lượt bản thân bị Scipio (Scipio (236-183 tr.CN), tên đầy đủ Publius Cornelius Scipio Africanus, là chính trị gia và tướng lĩnh lừng danh của Cộng hòa La Mã cổ đại. ND) đánh bại ngay trên đất Carthage và cộng đồng thịnh vượng chung bị thôn tính.
Venice (Chính thể cộng hòa nằm ở phía đông-bắc Ý hiện nay, tồn tại gần 1000 năm từ cuối thế kỷ VII-1797, thường được giới nghiên cứu chính trị quan tâm vì mặc dù lâm chiến liên miên nhưng là một chính thể rất bền vững, rất mạnh về kinh tế, thương mại. ND), thời sau này, đã hơn một lần dính líu vào các cuộc chiến tham vọng cho tới khi trở thành lãnh địa của các nhà nước Ý, một liên hiệp đáng gờm (9) do Giáo chủ Julius II ((1443-1513), giáo chủ Công Giáo La Mã (1503-1513), là vị giáo chủ tài ba về ngoại giao, rất yêu thích và bảo trợ cho nghệ thuật. ND) kỳ công lập nên đã giáng đòn kết liễu cả quyền lực lẫn tự phụ của một nước cộng hòa kiêu căng.
Các tỉnh lỵ của Hòa Lan, trước khi bị ngập ngụa trong nợ nần, thuế khóa, luôn chiếm vị trí dẫn đầu và ngang nhiên trong các cuộc chiến ở châu Âu. Họ tranh giành kịch liệt với Anh quốc ngôi thống trị đại dương, và thuộc hạng địch thủ gan góc, thâm thù nhất của Louis XIV (Một ông vua hiếu chiến, tham vọng, độc đoán và thao lược của Pháp (1638-1715). Làm vua từ 1643-1715. ND).
Trong chính quyền Anh Quốc, một nhánh của lập pháp quốc gia còn gồm toàn đại diện của nhân dân (Tác giả nhằm nói đến House of commons (viện thứ dân) – một trong hai viện của cơ quan lập pháp (nghị viện) Anh quốc, các thành viên của viện này được hình thành thông qua dân cử. Viện kia là House of Lords (viện nguyên lão) có các thành viên xuất phát từ giới quý tộc, giáo sĩ cấp cao, không qua dân cử và vị trí có thể được thừa kế lại cho người khác. ND). Thương mại đã thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia này từ bao lâu nay. Nhưng chẳng mấy quốc gia lại tham chiến nhiều hơn Anh; và nhiều lần vương quốc này tham chiến có khởi phát từ nhân dân (Tác giả Alexander Hamilton có ý cho rằng khởi nguyên của chiến tranh không xuất phát từ hoàng gia, mà do những ý muốn của con người – nhân dân nói chung. ND).
Như vậy, tôi có thể kết luận rằng, các cuộc chiến do nhân dân cũng nhiều gần bằng các cuộc chiến do hoàng gia. Những la ó của dân, những nài nỉ của đại diện của họ thường thường đều lôi được các quân vương lâm chiến hoặc tiếp tục chiến cuộc ngược với mong muốn của họ, và đôi khi còn trái với các lợi hại thực sự của Quốc gia (Nguyên văn “the State”)…
(còn tiếp)