Trong chuyến mạo hiểm đến Mông Cổ để gặp những nhà huấn luyện đại bàng du mục còn sót lại của đất nước này, nhiếp ảnh gia người Nga Daniel Kordan đã thể hiện sự khâm phục của mình qua các bức ảnh đáng kinh ngạc. Tác phẩm của Kordan, một sự kết hợp ngoạn mục giữa chụp ảnh phong cảnh sử thi và chân dung, thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa những nhà điểu luyện và những con chim của họ, một truyền thống có từ ngàn năm trước và đang đối mặt với nguy cơ bị mai một.

Ngày nay, ở vùng Altai phía Tây Mông Cổ, người nuôi luyện chim ưng đếm được không vượt quá con số 300.

Những nhà điểu luyện tài ba tài huấn luyện đại bàng trong việc săn cáo và thỏ rừng để lấy thịt và bộ lông. Ðại bàng vàng (golden eagle) được họ ưa chuộng hơn, mặc dù chúng khó huấn luyện hơn.

“Những người du mục làm nghề này được biết đến với cái tên berkutchi. Từng là lãnh vực thuộc các tầng lớp quý tộc, berkutchi đã trở thành nghề cổ truyền được những thanh niên Mông Cổ trẻ tuổi trong khu vực ưa chuộng”, My Modern Met Media đưa tin.

Daniel Kordan sử dụng hướng dẫn viên địa phương để tiếp cận với các gia đình du mục. Anh cho biết: “Tôi bị cuốn hút bởi cuộc sống du mục”.

Anh nói thêm: “Ðiểu luyện là một nghề truyền thống đòi hỏi rất nhiều công phu mà ngày nay gần như đã mai một. Nhưng những người này cố gắng gìn giữ nghề cổ truyền và truyền cho thế hệ sau”.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

“Tất cả các gia đình du mục đều giao hảo với nhau”, nhiếp ảnh gia nói. Sau khi tiếp xúc với một gia đình du mục, họ rộng cửa chào đón anh. Là một người gốc Nga, Kordan có thể nói chuyện với những người lớn tuổi biết tiếng Nga từ thời Xô Viết.

Qua những lần chuyện trò với người dân ở đây, Kordan nhận thấy, những nhà huấn luyện đại bàng đã tạo được mối quan hệ mật thiết với những người bạn đồng hành có cánh của họ; cuộc sống giữa người và chim gắn bó chặt chẽ với nhau.

Kordan cho biết, một ngày của người nuôi luyện đại bàng bắt đầu từ rất sớm với việc chuẩn bị bữa ăn, chăm sóc đàn ngựa, cừu, dê và làm áo lông thú để chống lại cái lạnh buốt giá của vùng hoang mạc. Vào mùa Ðông, các nhóm du mục di cư hàng ngàn km qua sa mạc Gobi để đến nơi có khí hậu ấm áp hơn. Họ sống trong những cái “lều di động” (ger) có thể tháo khi dời đi và ráp lại khi đến chỗ tạm trú mới.

Kordan nói với My Modern Met Media: “Cuộc sống du mục đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ với bộn bề công việc. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất là những người du mục Mông Cổ đã biết tận hưởng cuộc sống của họ, bất chấp khó khăn”.

Chăm sóc và gắn bó với một con chim có thể kéo dài hơn một thập niên. Những con chim ưng săn mồi dũng mãnh này thường được thả trở lại môi trường tự nhiên khi chúng 10 đến 12 tuổi.

Xem thêm:   Dubai

“Mối liên kết giữa người và chim thật mạnh mẽ!”, Kordan nói. “Thực ra, ngay cả đôi mắt, dáng vẻ của đại bàng và chủ nhân của nó cũng gần như giống nhau”.

o O o

Say mê chụp ảnh từ khi lớn lên ở một vùng hồ xinh đẹp gần Moscow, Kordan tốt nghiệp trường nghệ thuật và theo học vật lý lượng tử trước khi gắn bó với ống kính.

“Thiên nhiên là nguồn cảm hứng của tôi”, anh viết trên trang web của mình.

Khi mạo hiểm đến Mông Cổ, chụp ảnh các nhân vật của mình, sự đam mê và mến mộ của Kordan đối với việc nuôi luyện đại bàng đã tăng lên gấp bội lần. Hiện nay, nhiếp ảnh gia Kordan tổ chức các cuộc hội thảo và thám hiểm, với hy vọng sẽ có nhiều người khác giúp bảo tồn nghề truyền thống độc đáo này.

Nhiếp ảnh gia tài năng này đã thực hiện các chuyến đi bằng lạc đà để cổ vũ lễ hội nuôi luyện đại bàng hàng năm, và một sự kiện khác là tổ chức lễ hội berkutchi của những người du mục đã thu hút hàng ngàn khách du lịch.

Lễ hội do Kordan tổ chức là cơ hội để du khách tận mắt chứng kiến ​​và chụp ảnh những màn trình diễn phong cảnh tuyệt đẹp của nghề truyền thống nuôi luyện đại bàng Mông Cổ.

“Tôi rất vui vì có thể ủng hộ cuộc sống du mục theo cách này” – Kordan nói với My Modern Met Media – “Chúng ta cần tôn trọng tổ tiên và tiếp tục bảo tồn truyền thống để cuộc sống của chúng ta tốt hơn và tràn đầy ý nghĩa”.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

ĐDH

Ảnh: Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Daniel Kordan về cuộc sống của những nhà huấn luyện đại bàng ở vùng hoang mạc Mông Cổ