Đối với người Việt, giành chỗ là “chuyện thường ngày ở huyện.” Từ năm 10 tuổi tôi đã bắt đầu mỗi tháng đi giành chỗ xếp hàng mua một lít dầu lửa đỏ về đốt đèn, rồi giành chỗ xếp hàng mua gạo, mua củi, mua đường, mua xà bông của hợp tác xã bán theo chế độ tem phiếu. Lớn hơn nữa thì giành chỗ xếp hàng mua vé xe đò. Vì thiếu hàng hóa, nên khi mua bất cứ thứ gì, dân chúng cũng đều phải xếp hàng, chuyện xếp hàng nó ám ảnh tinh thần dân Việt, nên người ta cũng hay nói “XHCN là xếp hàng cho ngay.”

Thật ra, ở các quốc gia văn minh dân chúng không cần ai nhắc nhở mà khi tới đám đông, mọi người đều tự động xếp hàng nếu có nhiều người cùng có nhu cầu giống nhau. Xếp hàng tạo sự công bằng, trật tự ổn định trong không gian sinh hoạt công cộng. Thí dụ: Mua thức ăn, trả tiền món hàng đã mua. Nguyên tắc “First come, first served” được áp dụng mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, có những trường hợp “ngoại lệ” mà đồng hương gốc Việt kể cho nhau nghe làm cho tôi thuộc nằm lòng các “mánh khóe” để tranh giành phần hơn của một số người gốc Việt, và người kể chuyện đưa ra nhận xét rằng “Thật xấu hổ với người Mỹ.” Nào là chuyện cầm một chai nước mắm lên chỗ tính tiền xin chen vô hàng trước người khác, tới khi được người ta đồng ý thì quay ra gọi người nhà đẩy một xe hàng chất ngất đồ tới tính tiền chớ không phải chỉ một chai nước mắm. Chuyện giành chỗ đậu xe bằng cách cho người nhà đứng giữa cái ô đậu xe chặn không cho bất cứ xe nào vô đậu, còn xe của họ thì bận đi đông đi tây đàng nào không biết v.v.  Tôi nghe kể cứ tưởng đó là chuyện đời xửa đời xưa, đã qua thế kỷ 21 hai chục năm rồi thì phải bỏ hành vi không văn minh đi, đàng này có vẻ như đó là “truyền thống bất khuất,” nên một số người phải cố giữ cho bằng được.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Ở Ðông Lào, khi kinh tế tư nhân mở rộng, rất nhiều người có tiền sắm xe hơi, vậy là nảy sanh ra lắm chuyện khôi hài, nhiều nhứt là khu vực phía Bắc. Vốn quen lấn chiếm vỉa hè trước nhà làm sân nhà của riêng mình, hoặc chiếm dụng vỉa hè trước nhà làm chỗ buôn bán, làm cho khách bộ hành phải đi xuống lòng đường. Nhiều người mặc nhiên coi đường lộ sát vỉa hè trước nhà họ cũng là của họ và chỉ có họ mới có quyền sử dụng, nên bất cứ xe hơi nào đậu sát lề trước nhà họ cũng đều làm họ khó chịu, dù không hề chắn lối ra vô nhà. Ngược lại, cũng có rất nhiều người không nhận thức được đường lộ chỗ nào được đậu xe, chỗ nào không được đậu xe, nên thích dừng thì dừng tá lả chắn hết cửa ra vào nhà dân và viện lý do “nhà nước không dựng bảng cấm đậu.” Ðã từng xảy ra tạt sơn, vẽ chữ, dán giấy chửi, rạch sơn xe… đối với những chiếc xe đậu bít hết đường chủ nhà ra vô. Cao trào hơn, có ông nọ mướn hẳn chiếc xe cần cẩu tới bê chiếc xe đậu bậy liệng vô bụi cây để “giải tỏa” lối đi.

Ở Mỹ, phần lớn mọi người đều hiểu rằng lề đường và đường lộ là phạm vi công cộng, bất cứ ai cũng có quyền ngồi, đứng, đậu xe… nếu chỗ đó không có bảng cấm đậu, dấu sơn lề đường đỏ, vàng, xanh hoặc trụ nước cứu hỏa. Một số còn lại thì không chịu hiểu cái nguyên tắc này, họ tưởng họ có chủ quyền giống y như mấy người bên Ðông Lào mà tôi vừa kể trên.

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Nơi tôi mướn phòng trọ là một khu phố nghèo, mỗi nhà có từ 5 tới 7 người nên chiều tối xe đậu dưới đường không còn một chỗ trống. Trước mặt tiền nhà tôi ở lòng đường có chỗ đủ cho hai chiếc xe, nhưng một năm được vài lần tôi “chiếm” được chỗ đậu xe trước nhà mình. Quanh năm, tôi và gia chủ đậu xe chen chúc, nối đuôi nhau trong cái sân nhỏ. Chiều nào mình về tới thì y như rằng lề đường trước nhà có ai đó đậu xe rồi. Tôi để ý thấy mỗi ngày là một xe khác nhau chớ không hề giống nhau, thỉnh thoảng có “xoay tua,” tức là hàng xóm ai về trước thì giành được chỗ đậu, sáng hôm sau vọt đi luôn rất tiện. Chủ nhà tôi chẳng bao giờ dám hó hé cự nự gì vụ trước nhà mình mà mình không được đậu xe.

Có lần tôi chạy qua nhà bạn tôi ở thành phố Garden Grove. Tôi đậu xe dưới lòng đường phía trước một căn nhà đối diện xéo xéo bên kia đường nhà bạn tôi. Một lúc sau tôi từ nhà bạn tôi trở ra thì thấy ông chủ nhà nọ kéo hai thùng rác bự to đùng lock sát rạt, khóa đầu khóa đuôi chiếc xe của tôi. Tôi hỏi bạn tôi thì hôm đó khu này không phải ngày đổ rác, nhìn quanh không thấy thùng rác nào ngoài 2 thùng rác ông ta cố ý kéo ra lock xe tôi. Bạn tôi nói chủ nhà đó làm nghề bán bảo hiểm, nghe ổng nói ổng qua đây mười tám năm rồi. Tôi nổi khùng lên, hỏi lớn ai để thùng rác đây kỳ vậy? Tôi lôi thùng rác đang chắn đầu xe tôi ra tới ngay lối đi lên xuống nhà ông ta để tôi lấy xe ra. Hai vợ chồng ông ta từ trong nhà tuôn ào ra la lối ầm ĩ, nào là tôi làm hư thùng rác ông ta là phải đền, chỗ đó không cho ai đậu xe mà để 4 giờ chiều vợ ông ta đi làm về đậu. Tôi nhìn quanh thấy rất nhiều chỗ trống chớ đâu có thiếu chỗ đậu xe, sân nhà ông ta cũng trống mênh mông. Tôi nói lòng đường thuộc thành phố quản lý, nơi công cộng chớ tài sản của ông đâu mà ông cấm tôi đậu xe dưới lòng đường? Tôi thấy chỗ trống thì tôi đậu. Ông có hiểu luật không?

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/18/2024)

Tuần rồi, đứa bạn gởi cho tôi tấm hình một cô gái trẻ đang đứng trong ô đậu xe (ở đây đồng hương Việt gọi là “spot,”) kêu tôi viết hoặc làm video nói về đề này, để nhìn thấy chướng quá, xấu mặt người Việt. Tôi hỏi ở đâu, trả lời ngay Phước Lộc Thọ chớ ở đâu. Tôi mắc cười nói chụp hình vầy ăn thua gì, phải chụp gần hơn, thấy rõ mặt kìa. Tôi không quảng cáo dashcam, nhưng rõ ràng từ khi xe tôi có gắn nó thì tôi lái xe tự tin hẳn lên và không còn bị cục tức trồi lên tới óc o nữa. Nếu là tôi thì tôi cứ nhấn còi te te từng tràng dài hoài, hạ cửa xuống gào to: “First come, first served. Get out!” coi họ lì được bao lâu. Tôi cho xe đậu ngay đó không thèm đi thì xe họ có tới cũng không vô được, còn mình móc smartphone ra quay, zoom rõ “đại gia đình” họ. Ðàng nào thì tôi cũng có một video “tường thuật trực tiếp” chi tiết sự việc, rất “sinh động” và “hào hứng” cho bà con ta “giải trí” chơi.

TPT