Tấm hình chụp bố và tôi để trên bàn đã gợi trong tôi biết bao kỷ niệm không thể nào quên. Tôi quyết định phải điện thoại cho bố …

Vào một ngày mát mẻ, bầu trời bao phủ mây, không nắng, đặc thù của thời tiết tháng 6 ở San Francisco. Tin tức trên báo cho biết bờ biển phía Đông trời rất nóng. Cũng qua báo chí, tôi biết rằng “Ngày của Cha” đang đến gần. Đối với tôi, ngày này chưa bao giờ có ý nghĩa gì lớn, kể cả “Ngày của Mẹ” cũng vậy. Dưới mắt tôi, đó chỉ là dịp để bọn trẻ con vui chơi và là cơ hội để các cửa hàng tha hồ hốt bạc.

Khi đặt tờ báo xuống, bất chợt tôi nhìn vào tấm ảnh trên bàn làm việc. Đó là tấm ảnh bố và tôi được chụp vào mùa Hè cách nay đã nhiều năm, tại Maine. Tôi nhìn tấm ảnh gần hơn. Bố nở nụ cười thật tươi, mái tóc muối tiêu… thật đúng là gương mặt của một vận động viên khúc côn cầu về hưu.

Bây giờ, bố không còn là một chàng trai trẻ tập tôi bơi trên bãi biển, cũng không còn khỏe mạnh để dạy tôi bơi thuyền, trượt băng hay bửa củi để dành đốt lửa. Bây giờ, bố đã trên 70 tuổi, gương mặt hằn sâu vết nhăn, nhưng đôi mắt vẫn long lanh rực sáng. Nhiều kỷ niệm chợt ùa về trong tôi: mùi thuốc lá bố hút, mùi rượu whisky tỏa ra từ hơi thở của bố và mùi dầu xức tóc bố ưa thích …

Thế là tôi quyết định gọi điện thoại cho bố. Bên kia đầu dây, giọng bố hét vang: “Chào con trai! Con khỏe chứ?” Mẹ tôi cũng bắt máy lên  nghe và đề nghị bố tạm gác máy. Bố không đồng ý: “Bà muốn nói gì với nó thì nói, nhưng tôi phải giữ máy để nghe giọng nói của nó”. Trong khi bố im lặng, mẹ thuật lại chuyện Shep, con chó mới mang về, làm mẹ rối tung lên. Mẹ đính chánh: “Nói đúng ra không phải hoàn toàn vì chó cưng, Shep. Mà vì bố con. Shep đã nhảy qua hàng rào và chạy biến mất trong rừng cây. Thế là bố ngồi đứng không yên, cho đến khi Shep trở về nhà. Có đêm, bố ra ngoài lúc 2 giờ sáng, miệng liên tục gọi chó cưng Shep, gây ồn ào dữ dội. Và khi con chó về nhà, bố  mắng nó bằng tiếng Tây Ban Nha, như thể con vật có thể nghe và hiểu được tiếng người”. Bố ngắt lời: “Shep đang được huấn luyện. Hẳn là mẹ con đã có lý khi xem bố như một lão già điên”. Mẹ nói với bố: “Thế mà ông còn la lối lên nữa à!” Bố hỏi tôi dạo này làm gì, tôi kể lại công việc đang làm. Bố nói lớn: “Công việc độc lập quả là tuyệt vời, nhưng con phải bảo đảm an toàn. Công việc nho nhỏ trong quán bar hay ở công trường có vẻ không phù hợp với con đâu. Con đã học đại học, tại sao con không tìm việc liên quan đến kiến thức đã học? Rồi con sẽ ra sao nếu bị bệnh? Con có biết nằm viện tốn kém bao nhiêu không?”

Xem thêm:   Tìm ngọc

Tôi chuyển đề tài ngay: “Con không biết gì hết. Còn bố thì hút thuốc nhiều quá, uống rượu nhiều quá, ăn uống không kiêng cữ, không tập thể dục… thế mà bố vẫn khỏe như thường!” Bố đáp: “Đúng vậy, Bố sống lâu hơn tất cả bạn học cùng lớp”. Tôi nói: “Bố có biết không, sắp đến ngày của Cha rồi đó”. Bố: “Vậy à!”. Bố không bao giờ nghĩ đến mấy ngày đại loại như thế.

Bảo Huân

Tôi có rất nhiều điều muốn nói với bố, nhưng tôi không thể. Tôi muốn cám ơn bố đã dạy và chơi cờ và khúc côn cầu với tôi, những quyển sách, những bữa ăn tối tuyệt vời với tôm hùm … Tôi không quên những bất đồng ý kiến giữa hai bố con trong suốt 44 năm qua, cũng như những thất vọng mà hai bố con đã gây cho nhau, những cuộc cãi vã đôi khi rất gay gắt. Nhưng những điều này giờ đã lùi xa vào quá khứ. Tôi muốn xin lỗi bố vì đã thoi một cú đấm vào mắt bố vào năm tôi được 18 tuổi.

Tôi chỉ có thể nói điều duy nhất: “Con xin lỗi vì đã luôn vẽ bẩn lên chiếc xe hơi của bố”. Bố cười đáp: “Lúc đó, con chỉ vừa 6 tuổi thôi mà”. Tôi nói tiếp: “Bố còn nhớ lần con muốn cho con lừa ăn đường ở câu lạc bộ Cricket không? Bố vuốt mông con lừa, và nó tung đôi chân đá bố một cái”. Bố cười khúc khích: “À, đúng rồi! Con lừa dơ bẩn đã cho bố một cú. Thế mà con lại xem đó là một trò vui”. Tôi nhắc tiếp: “Và những chiếc tàu mà bố dẫn con lên chơi?” Bố: “Đúng rồi, điều đó bố và con thường làm, hồi con còn bé, chứ đâu phải chuyện ngày hôm qua”. Tôi nói: “Con rất thích những chiếc tàu…”. Bố: “Thế mà, bố đã không thuyết phục được con vào hải quân, binh chủng mà đúng ra con nên vào”. Tôi không trả lời. Bố tiếp: “Và bố mẹ đã đi California để nói lời từ biệt trước khi con lên đường sang Hàn Quốc”. Mẹ chen vào: “Bố và mẹ đã thuê một phòng ở khách sạn Newporter Inn”. Bố tiếp lời mẹ: “Bố còn nhớ bố mẹ khởi hành vào chiều Chủ Nhật bằng trực thăng để kịp chuyến bay đưa con đi, cất cánh tại phi trường Los Angeles. Bố mẹ bắt tay và ôm con trong bộ quân phục oai hùng … Lúc bấy giờ, bố không biết có còn gặp lại con nữa không. Bố đã khóc. Trái tim của bố như vỡ tan khi nhìn con bước lên phi cơ…” Tôi nói: “Con hiểu”. Bố: “Bố đã xúc động đến nghẹn ngào”. Rồi bố nói tiếp với giọng run run: “Bố mẹ đã cầu nguyện cho con. Thời gian sau đó, sự sống của bố mẹ chỉ còn trông chờ vào những lá thư của con”. Tôi: “Và con thì trông chờ thư của bố mẹ”.

Xem thêm:   JO Paris 2024 - một Thế Vận Hội thành công ngoài mong đợi (kỳ 2)

Tôi cảm thấy đôi mắt rưng rưng và cổ họng mình như nghẹn lại. Cuối cùng, tôi cũng nói được: “Con gọi để chúc bố một Ngày của Cha tốt lành. Cám ơn bố đã là bố của con”. Bên kia đầu dây hoàn toàn im lặng, kể cả bố lẫn mẹ. Chốc lát sau, giọng bố vang lên nho nhỏ: “Bố muốn làm mọi điều tốt nhất cho con trai của bố”. Tôi đáp: “Bố là người bố hoàn hảo nhất mà con được biết, người bố mà mọi đứa con đều hy vọng được làm con”. Bố nói giọng cảm động: “Cám ơn con đã có những lời tốt đẹp về bố. Nhưng thật ra bố chưa xứng đáng với những gì con nghĩ. Bố chỉ cố gắng hết sức để con có được  điều tốt đẹp nhất. Thôi bố gác máy đây. Bố không muốn con phải thanh toán hóa đơn điện thoại tốn kém vào cuối tháng”. Tôi đáp: “Bố đừng quá lo. Con thương bố”. Bố: “Bố cũng vậy”. Rồi bố gác máy. Vẫn còn cầm máy, mẹ tôi nói nhỏ nhẹ: “Con biết tánh ý bố con mà”. Tôi đáp: “Vâng, con biết. Tạm biệt mẹ”.

Sau cuộc điện thoại, tôi vẫn ngồi đó, nhìn tấm hình chụp chung với bố ở Maine. Đôi mắt tôi đẫm lệ, nhưng miệng mỉm cười với tấm hình. Tôi thầm nói: “Vâng, con hiểu bố”.

ĐDH