“Bệnh từ miệng” là câu thành ngữ, ám chỉ thói quen, tập quán xấu trong ăn uống có thể gây hại cho sức khỏe. Trong thời điểm mùa Hè, thời tiết nóng bức, thói quen ăn sống, ăn mát để giải nhiệt gây ra bệnh từ miệng càng nhiều.
Từ xưa, người Việt đã có thói quen ăn đồ sống, đồ mát mỗi khi thời tiết nóng, trời càng nóng thì nhu cầu “ăn tươi nuốt sống” càng nhiều. Quả thật, trong những ngày quá nóng bức thì ăn bất cứ món gì cũng không thấy ngon miệng, ăn cứ bị tra tấn, người bải hoải mệt mỏi, chỉ muốn uống nước lạnh và ăn đồ lạnh. Kem và sinh tố đá lạnh là lựa chọn tốt và rẻ tiền, không chỉ dành cho trẻ em, mà cả người lớn, người già trong những ngày nắng nóng.
Người miền Nam không có thói quen ăn gỏi cá (cá sống,) không ăn tiết canh (huyết động vật chưa nấu chín). Ăn rau sống, ăn thịt tái chín (món phở bò) thì cả nước đều giống nhau. Virus gây bệnh viêm màng não, nhiễm độc máu, bệnh liên cầu lợn có rất nhiều trong món tiết canh. Đặc biệt, các loại giun/lãi, sán và trứng, ấu trùng của chúng thường khu trú nhiều hơn trong thớ thịt động vật, nên ăn gỏi cá có nguy cơ mắc bệnh ký sinh trùng rất cao. Vì vậy, nguy cơ “bệnh từ miệng” của người miền Bắc nhiều hơn miền Nam.
Mất 5 phút để đặt câu hỏi cho “ông” Google, quý vị sẽ thấy số người Việt đột ngột qua đời sau bữa tiệc thịnh soạn có món tiết canh, gỏi cá nhiều vô số kể. Và con số người bị giun/sán/lãi bò khắp thân thể, được bác sĩ gắp ra từng con dài loằng ngoằng hàng mét không phải là hiếm hay cá biệt, ngược lại rất là phổ biến, nhìn rất là kinh dị. Tôi đề nghị quý vị không nên vừa bưng tô cơm ăn vừa ngồi đọc những tin tức loại này.
Có bà nọ ở Thanh Hóa, đột nhiên một ngày kia thấy thân thể xuất hiện các khối phồng đỏ rải rác khắp nơi. Khối phồng ngày một sưng bự, chảy mủ, nhìn xuyên qua da thấy có sợi trăng trắng. Bà tới Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương khám, thì các bác sĩ rạch da khối sưng rồi lôi ra con “giun rồng” dài khoảng 1 mét.
Y học xác nhận người có nguy cơ nhiễm “giun rồng” khi ăn những loài giáp xác, ăn sống các loài cá, ếch nhái sống ở dưới nước, mà trong các động vật này đã có ấu trùng “giun rồng” lưu trú. Khi thực phẩm chứa ấu trùng không được nấu chín, ấu trùng “giun rồng” xâm nhập cơ thể bệnh nhân qua con đường ăn uống và phát triển thành “giun rồng.”
Nhưng nguy hiểm nhất là chúng chui vô ổ khớp, cột sống rồi bị chết, vôi hóa gây ra tình trạng cứng khớp, bệnh nhân sẽ bị liệt nếu bị “giun rồng” chui vô cột sống.
Thói quen ăn thịt bò tái có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán, vì độ nóng của nước tái thịt không đủ làm chết ấu trùng sán, trứng sán chui vô ruột sẽ nở ra con sán sống ký sinh trong ruột người.
Có thể nói, Việt Nam là xứ “ngộ độc vì ăn bánh mì” nhiều nhứt thế giới. Trong 2 năm 2023 – 2024, rất nhiều người ngộ độc vì ăn bánh mì, tỉnh Đồng Nai có gần 600 người phải nhập viện điều trị, 1 bé trai không qua khỏi. Cơ quan chức năng, các chủ tiệm bánh mì cho tới nay vẫn “lừ đừ như ông Từ vào đền.” Mạng người xứ “thiên đường” thật rẻ mạt.
Tôi nhớ lúc nhỏ đọc thấy trong sách giáo khoa chương trình tiểu học VNCH ở miền Nam Việt Nam, luôn luôn có những bài học “vệ sinh thường thức”, dạy phải rửa tay bằng xà bông trước khi ăn hoặc cầm thức ăn, luôn luôn “ăn chín, uống sôi” để không mắc bệnh. Rau sống phải ngâm thuốc tím trước khi ăn.
Người Việt sống ở Mỹ có “bệnh từ miệng” không? Xin thưa rằng có, nếu quý vị không dùng thực phẩm rõ nguồn gốc và cách chế biến không đúng tiêu chuẩn vệ sinh. Thỉnh thoảng, chúng ta lại thấy tờ báo mạng Orange County Register đăng danh sách một loạt hàng, quán (restaurants) bị Sở Y Tế quận (County Health Department) buộc đóng cửa để sửa chữa, bổ sung điều kiện vệ sinh trong một thời hạn nhất định, sau đó muốn được hoạt động lại thì restaurants phải báo cáo để được kiểm tra và cấp giấy phép công nhận đủ điều kiện vệ sinh. Nhà hàng cũng tự mình chú trọng vệ sinh, nếu có vấn đề gì với sức khỏe của thực khách thì nhà hàng phải bồi thường sạt nghiệp. Nhờ vậy, số người phải “quy tiên” vì “bệnh từ miệng” rất ít.
Cách đây khoảng một tháng, tôi vô quán cơm tấm trên đường Westminster (Little Sài Gòn, Quận Cam) kêu một tô hoành thánh mì. Thật thất vọng khi những viên hoành thánh đều có mùi thúi thum thủm của thịt ôi lâu ngày. Tôi không dám ăn thêm, bỏ nguyên tô. Gọi người phục vụ nói tình trạng thịt ôi thì họ làm thinh, và mình vẫn trả tiền đủ cho tô hoành thánh dù không ăn được. Có người hỏi tôi sao không gọi chủ quán mắng vốn. Thật ra, vụ mùi vị cũng khó nói lắm. Có khi chủ quán ra lại bưng cả tô hoành thánh lên ăn hết sạch và khen lấy khen để là “ngon” thì sao? Tốt nhứt là tôi không bao giờ quay lại quán đó lần thứ hai, khỏi mất công tốn tiền còn mang thêm bịnh tức.
Ở Việt Nam báo đăng số người bị “trúng độc tập thể” (tức bị trúng độc hàng loạt, nhiều người cùng bị) hà rầm, năm nào cũng có, nhưng không thấy nói gì tới việc bồi thường sức khỏe và thiệt hại vật chất cho nạn nhân, chưa thấy nhà cung cấp thực phẩm nào bị truy tố ra tòa, nên Việt Nam cứ vậy mà vô tư nhiễm độc và người sống ở Việt Nam cũng “vô tư” thụ hưởng “bệnh từ miệng” một cách thoải mái.
Người Hoa ở xóm tôi ngày trước thường cất nhà kiểu chữ đinh, nói theo cách ngày nay cho nôm na dễ hiểu chính là hình chữ T, dãy nhà ngang rộng phía mặt tiền, phía sau có dãy nhà dọc, có tường xây cao hai bên nối liền dãy ngang và dãy dọc, chính giữa hai dãy nhà có khoảng sân hứng ánh sáng trời. Ở khoảng sân giữa này, họ xây hồ chứa nước mưa bằng concrete chống thấm. Trên nóc hồ chứa nước, dọc hai bên vách tường sân, họ xếp hàng hàng những cái hũ thủy tinh lớn dung tích 20 lít đựng chanh muối. Năm nào tới mùa chanh rẻ, họ cũng làm rất nhiều hũ chanh muối phơi nắng từ năm này qua năm khác. Chanh muối để càng lâu năm chanh càng ngon.
Năm nào cũng vậy, tôi đều mua một thùng kem vani 1 gal loại ít ngọt nhứt của tiệm Walmart đem về bỏ trong ngăn đá tủ lạnh ăn từ từ suốt mùa hè. Tôi cũng làm những hũ chanh muối để uống “gối đầu” từ năm này qua năm khác trong thời tiết nóng. Khi nhiệt độ bên ngoài cao, chúng ta bị đổ mồ hôi nhiều, đồng nghĩa với cơ thể bị mất nước và muối nhiều hơn ngày thường. Uống nước chanh muối là cách giải khát ngon lành nhứt, bổ sung nước và muối tốt nhứt, lại không phải lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Không có virus, ký sinh trùng nào sống nổi trong hũ chanh muối. Khi pha chanh muối thì dùng nước nấu sôi để nguội và đường, nước đá tốt là đủ.
Không gì tốt hơn là chúng ta phải sử dụng các loại thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, mua bán có receipts ghi rõ tên tiệm, địa chỉ, số điện thoại đàng hoàng. Những nơi bán hàng đưa ra tờ receipt chỉ in độc nhất tên món hàng (có khi ghi số, ký hiệu, không có tên hàng) và số tiền thuế, số tiền khách phải trả, là tạo điều kiện cho người bán “chạy làng” mỗi khi khách khiếu nại. Càng tệ hơn, nếu mua thức ăn online trên Facebook thì không khác gì phó mạng mình cho sự rủi may.
TPT