1.

“Thiên đàng địa ngục hai bên; Ai khôn thì lại ai dại thì sa; Ðêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha, đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn…”. Bài đồng dao không nhớ ai bày thuở học tiểu học Vân Côi vẫn còn sót lại trong tôi, vài ba câu như vậy. Không biết có đúng không và đến bây giờ, tôi cũng không hiểu được ý nghĩa của nó nữa.

Trường tiểu học Vân Côi nằm sát bờ sông Tam Kỳ, do các soeur từ Quy Nhơn ra dạy học. Các chị em tôi trải qua những năm học đầu đời tại đây. Năm tôi học lớp Năm (lớp 1 ngày nay), soeur Dénie, lớn tuổi nhất trường phụ trách. Bà rất thương học trò nhưng cũng rất nghiêm khắc. Tôi là một trong những đứa học trò bà thương nhất vì nhỏ tuổi. Bà dạy tôi hai lớp Năm và Tư. Lên lớp Ba, tôi học với soeur Phanxica. Trong các soeur giảng dạy, tôi có ấn tượng và thương nhất là soeur Anna, cô giáo dạy tôi lớp Nhì. Soeur dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo và lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Có một hôm, không biết tại sao mà sau buổi học, tôi được soeur Anna dẫn vào cho ăn uống và được nghỉ trưa để chiều học tiếp. Khi vào phòng nghỉ, soeur tháo chiếc khăn lúp che đầu ra và lần đầu tiên, đứa bé vừa lên 9 tuổi thấy soeur có mái tóc dài như vậy. Trong đầu óc non dại của tôi thì các soeur cũng giống như các ni cô, nghĩa là… không có tóc. Thấy tôi trố mắt nhìn, soeur Anna cười hiền, xoa đầu tôi, không nói gì, rồi ra khỏi phòng. Tất nhiên, khám phá động trời này được tôi thông báo rộng rãi trong lớp ngay chiều hôm đó. Ðứa tin, đứa cho tôi xạo. Và kết quả, là trưa hôm sau, tôi bị soeur bắt quỳ suốt cả buổi.

Lên lớp Nhất (lớp 5 ngày nay), tôi được học với bà Nhất, tức soeur hiệu trưởng. Tôi không nhớ tên thánh của soeur nhưng tên ngoài đời của soeur thì không thể nào quên vì cô ký, ghi tên trong học bạ của tôi. Chữ ký của cô nhỏ nhưng dài và đầy đủ họ tên: Nguyễn Thị Thu Cẩm. Bà Nhất rất khó tính. Ðứa nào học hành lơ mơ là bị ăn đòn. Bà luôn cầm trên tay chiếc roi, sẵn sàng quất vào mông bất kỳ đứa học trò nào không thuộc bài hoặc nghịch ngợm. Chính nhờ sự nghiêm khắc của bà mà chúng tôi rất chăm học.

Sông Trường Giang – Tam Kỳ. Photo: Xuân Đạt 

2.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Ngày xưa, mỗi lần đi học, mẹ cho 3 chị em tôi một đồng. Nếu mua gần nhà thì được 12 cây kẹo ú hoặc kẹo mè. Còn chịu khó đi một đoạn, tới nhà bà Quờn chuyên làm bánh kẹo thì mua được 13 cây. Tất nhiên, tôi đòi mua kẹo của bà Quờn vì sẽ được 5 cây. Có khi ba chị em để dành tiền, đợi đến giờ ra chơi mua cà rem hoặc kẹo kéo. Tôi nhớ sân trường Vân Côi ngày xưa có một hàng rào ngăn không cho học sinh qua gây ồn ào nhà dòng. Giờ ra chơi, các người bán hàng rong thường đứng sát hàng rào, chờ học trò ra mua. Trong những người bán hàng rong ngày đó, tôi đặc biệt nhớ đến ông già bán cà rem. Tên thì tôi quên nhưng dáng người ốm, cao dong dỏng của ông vẫn mồn một trong tôi. Ông mang trên vai cái bình đựng kem hình ống làm bằng thiếc, trong có lớp thủy cách nhiệt. Mỗi khi mua cà rem, tôi thường chồm đầu nhìn vào bình để chọn màu cà rem và lần nào cũng cố gắng soi mặt mình vào lớp gương tráng thủy sáng bóng nhưng mờ mờ hơi sương. Con nít đứa nào cũng thích cà rem, tôi cũng vậy! Hơn thế nữa, ông già bán kem này thường có “chương trình khuyến mãi” rất hấp dẫn: bữa thì “cà rem thêm bù rầy (bọ rầy)”, hôm thì “cà rem thêm khúc mía” nên càng “lôi cuốn” tôi.

Không phải đứa học trò nào cũng có tiền ăn quà vặt. Tôi nhớ ngày xưa, cầm cây cà rem trên tay, tôi hãnh diện và vui sướng lắm. Không dám cắn vì sợ mau hết, chỉ mút từng chút một. Và đứa bạn nào quý lắm mới cho… mút ké và cũng chỉ có một lần thôi. Nghĩ lại, mới thấy hồi đó sao non dại và mất vệ sinh quá vậy! Ngoài cà rem ra, một món quà vặt cũng hấp dẫn tôi không kém là kẹo kéo. Người bán kẹo kéo khi đó là một chú trẻ trẻ, hễ đứa nào mua kẹo kéo là chú tặng cho một cái nhãn in đủ thứ hình. Nhãn này thường dùng làm trò chơi “hất ấp” hoặc “tán nhãn” của bọn con trai thuở ấy. Cây kẹo kéo ngày xưa tuyệt vời lắm! Mỗi lần mua tôi hay “năn nỉ” chú bán rẻ là nhất định cây kẹo của tôi sẽ dài hơn của đứa khác. Sau này mới biết chẳng phải chú thương tôi mà đứa nào mua sau cũng dài hơn đứa mua trước và thực ra cây nào cũng như nhau cả. Muốn dài thì chú kéo thêm ra một chút nên dài thì ốm; ngắn thì to chứ chẳng thiên vị đứa nào.

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

3.

Lớp Nhất của tôi ngày xưa có bao nhiêu bạn thì không nhớ được. Các bạn học cùng lớp khi ấy, bên con gái có: Lược, Lan, Liễu, Sương, Lệ Phúc, Cẩm Hoàng, Minh Quy, Kim Dâng, Hà Viên, Quế, Thu Huệ, Thu Hòa, Liên, Chút… Bên con trai có: Dần (Kiên), Bồn, Học, Trị, Minh, Anh, Tri, Phò, Do, Thượng, Vân, Ba, Phước, Kháng … Chắc chắn còn nhiều nữa nhưng tôi không nhớ hết được, phần chính là ít gặp nhau. Trong số bạn cũ, có nhiều người đã mất (Chút, Cẩm Hoàng, Minh, Ba, Phước). Nhiều bạn thỉnh thoảng về quê gặp được năm ba phút. Còn phần lớn bặt tin nhau. Hồi ấy, tôi thuộc nhóm nhỏ tuổi, nhỏ con nhất bên phía học sinh nam. Còn bên nữ, tôi nhớ có Kim Dâng, Quế, Hà Viên… cũng thuộc loại bé tí. Trên đường đến trường, tôi hay ghé nhà Nguyễn Vân (hồi đó hay gọi là Vân điếc. Xin lỗi Vân nghe), ở gần nhà tôi. Ghé Vân xin mấy điếu thuốc Ðồng Tiến (nhà Vân chuyên sản xuất thuốc hút này) để đến trường đổi cho bọn thằng Phò, Tri, Thượng, Do nhà dưới phường Một, vườn Cừa đi xuống, để lấy mấy con ve tàu to tổ bố. Không biết ngày ấy giống ve to này từ đâu ra, sau này chẳng thấy nữa. Ðường xuống phường Một ngày đó, dọc bờ sông Tam Kỳ có rất nhiều cây bứa và cây duối. Những trái bứa màu vàng tươi, to bằng trái dâu, chua chua ngọt ngọt; những chùm duối nhỏ bằng đầu ngón tay, cũng màu vàng là trái cây quê đầy hấp dẫn! Tri, Phò… đi học thường hái mang theo và đòi đổi lại bằng thuốc điếu Ðồng Tiến của nhà Vân điếc. Tôi nhớ, qua cầu Tam Kỳ (bây giờ là cầu cũ) một đoạn, có một ngã ba, gọi là ngã ba Hòn tháp. Cứ theo con đường này sẽ gặp ba Hòn tháp, ngày xưa gọi là Kỳ Bích. Ở đây có một trảng rừng rất rộng (rộng với đứa trẻ lên 10), có rất nhiều trâm, nổ (hay não?), sim và chà là. Bọn tôi trốn nhà, hay rủ vào đây hái ăn. Khi đi thì lén lút, khi về thì không giấu được vì trái trâm thường để lại “dấu vết” trên miệng, không thể chùi xóa được. Thế là… bị đòn!

Tác giả thủa thiếu thời

4.

Xem thêm:   Một đời lan

Cách đây ít lâu, tôi có gặp Nguyễn Vân. Vân rủ tổ chức họp lớp Nhất ngày xưa. Nghe rủ, lòng náo nức nhưng biết làm sao để tập họp đây! Hơn nửa thế kỷ rồi, biết ai còn nhớ? Gặp nhau, có khi nhìn không ra. Có lần, tôi xuống Hương Sơn Thượng, gặp Lan. Lan nhìn ra tôi, kêu mừng rỡ. Còn tôi ngơ ngác trước một phụ nữ, ấp úng: “Thiếm gọi tôi hả?”. Lan cười ha hả: “Thiếm chú gì! Lan học Vân Côi ngày xưa đây, không nhận ra hả?”. Tôi đỏ mặt, cười lảng. Cuộc sống đã khiến bạn học ngày trước già hẳn đi. Cũng có lần gặp Tri, Do nhận ra được nhưng quả thật, các bạn khác xưa nhiều quá. Ðã đành, tuy học cùng lớp nhưng các bạn lớn tuổi hơn nhiều.

Bây giờ Lệ Phúc, Sương, Thu Huệ, ở nước ngoài. Bồn trở thành mục sư, coi sóc một nhà thờ ở Florida. Nghe nói Hà Viên ở Nha Trang, Kim Dâng ở Sài Gòn. Còn Quế và nhiều người nữa thì không biết về đâu! Ước gì có cỗ máy quay ngược thời gian như chú mèo Doraemon nhỉ? Tôi sẽ về ngoan ngoãn ngồi học dưới mái trường Vân Côi, chơi lại các trò chơi mà học sinh bây giờ không thể biết. Và nhất là, gặp lại các soeur kính mến, các bạn học thương yêu. Nếu được soeur Anna hay bà Nhất yêu cầu viết một câu cách ngôn lên bảng, tôi sẽ viết, không phải câu cách ngôn mà là: “Tôi yêu trường tôi vì từ đây tôi đã được thành người!”.

LVB

Hình: Sông Tam Kỳ. Nguồn: quangnam.com