Joann Inc., công ty đã cung cấp đồ dùng nghệ thuật và vải cho người Mỹ trong nhiều thập kỷ, gần đây đã thông báo rằng họ có kế hoạch đóng cửa tất cả các cửa hàng tại Hoa Kỳ, chỉ một tháng sau khi nộp đơn xin bảo vệ phá sản theo Chương 11.

Công ty đã báo cáo khoản nợ 615.7 triệu Mỹ kim vào Tháng Một, bao gồm hơn 133 triệu Mỹ kim tiền nợ các nhà cung cấp. Chi phí hàng tháng để vận hành hàng trăm địa điểm của công ty lên tới 26 triệu Mỹ kim chỉ tính riêng tiền thuê nhà hàng tháng, theo Fox Business ngày 24 Tháng Hai năm 2025.

Trong một tuyên bố mà Reuters có được vào Chủ Nhật, công ty 82 tuổi này đã công bố kế hoạch bán tất cả tài sản cho một nhóm người mua. Ban đầu, các giám đốc điều hành của Joann hy vọng rằng một người mua sẽ tiếp tục kinh doanh, nhưng người trả giá cao nhất lên kế hoạch sẽ bắt đầu bán tháo hàng hóa tồn đọng tại tất cả các địa điểm. Joann có hơn 800 địa điểm bán lẻ tại Hoa Kỳ, mặc dù hàng trăm địa điểm trong số đó đã đóng cửa vào tháng trước. Tuy nhiên, công ty cũng có 538.3 triệu Mỹ kim hàng tồn kho và tuyển dụng 19 ngàn nhân viên trên khắp các tiểu bang của Hoa Kỳ, ngoại trừ Hawaii.

Các tài liệu của tòa án cũng cho thấy Joann gần đây đã gặp phải vấn đề với các nhà cung cấp của mình, những bên đã loại bỏ một số sản phẩm mà chuỗi cửa hàng này dựa vào. Đồng thời, việc giao hàng sợi và hàng may trở nên không thể đoán trước, đe dọa đến danh tiếng của Joann như một cửa hàng trọn gói dành cho những người có niềm đam mê công việc sản xuất hàng thủ công. Nói cho rõ ràng, dễ hiểu hơn là các nhà cung cấp đã không cung cấp, hoặc chỉ cung cấp nhỏ giọt rất ít, những mặt hàng mà phần lớn khách hàng của Joann cần mua, trong khi đó, cửa hàng chỉ bày bán những thứ khách không cần, vì vậy cửa hàng đã bán ế, dẫn tới tăng chi phí tồn tại, vận hành.

Tiệm Joann ở thành phố Cypress, Quận Cam. 

Tuần rồi, tôi đã tới một cửa hàng Joann ở thành phố Cypress (cách Little Sài Gòn 20 phút lái xe) để coi tình hình “bán tháo” hàng hóa như thế nào. Tiệm rất rộng, hàng hóa rất nhiều, đường ngang lối dọc quanh co khiến tôi mới vô lần đầu có cảm giác lạc trong mê cung. Có những dãy kệ trống lổng, trước đó không biết đã bày mặt hàng gì. Phần lớn đồ còn trong tiệm là các loại vải và những cuộn dây lớn dùng cho việc đan, móc. Phải nói rằng bất kỳ vật liệu, dụng cụ gì, dù rất nhỏ hay rất lớn… cần cho người thích may, thêu, đan, móc thì Joann đều có, nhưng với giá không rẻ. Rất nhiều loại vải, từ loại thật dày để may rèm cửa cho tới loại rất mỏng để may váy đầm, dù đã giảm giá 20%, 30%, 40% nhưng nói chung giá bán vẫn cao so với giá vải đang  bán tại tiệm Walmart (thành phố Garden Grove.) Còn lại chừng chục chiếc máy may gia đình hiệu Viking, giảm giá 30%. Tôi định mua, nhưng sau khi đọc reviews của khách hàng Amazon thì thấy quá nhiều người chê máy may hiệu Viking dữ dội nên tôi không mua máy may. Cuối cùng, tôi mua được một cái gương phóng đại đeo cổ xài pin (MagniShine) dùng cho người may hoặc thêu nhìn rõ hơn, giá $13.90, rẻ hơn giá bán trên Amazon $4.

Xem thêm:   Tản mạn về Quốc ngữ

Cách đây 4 năm, Fry’s Electronics, một trong những chuỗi cửa tiệm điện tử lớn cuối cùng tại Hoa Kỳ đã đóng cửa vĩnh viễn trên toàn quốc, để lại nhiều nỗi buồn và tiếc nuối cho những ai yêu phong cách bài trí kiểu Hy Lạp cổ đại ở chuỗi tiệm này. “Sau gần 36 năm kinh doanh với tư cách là cửa hàng một cửa (one-stop-shop,) là nguồn tài nguyên trực tuyến cho các chuyên gia công nghệ cao trên 9 tiểu bang và 31 cửa hàng, Fry’s Electronics, Inc. (“Fry’s” hoặc “Công ty”), đã đưa ra quyết định khó khăn là đóng cửa hoạt động và đóng cửa công ty vĩnh viễn do những thay đổi trong ngành bán lẻ và những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra,” một tuyên bố từ Fry’s cho biết.

Với nhiều người ở Quận Cam, Fry’s Electronics không chỉ đơn thuần là một nơi mua sắm, mà còn là nơi nghỉ ngơi, giải trí, địa điểm chụp hình lãng mạn không mất tiền. Với cách bài trí những pho tượng giả theo thần thoại Hy Lạp, những con sư tử khổng lồ già cỗi, nét mặt mệt mỏi u buồn đội trên thân mình những cái bàn lớn, Fry’s Electronics cho khách hàng cảm giác ấn tượng mạnh về nó nếu mới bước vô lần đầu. Khách khó mà quên được sự thoải mái với không khí bên trong luôn mát mẻ, có nhiều chỗ cho khách ngồi nghỉ chân nếu cảm thấy mệt vì tiệm quá rộng. Fry’s Electronics không đơn thuần là cơ sở thương mại, nó cho khách hàng cảm giác lạc vào thế giới châu Âu cổ xưa. Tiệm không thể tồn tại khi khách hàng bị cấm túc và chỉ mua bán online.

Mặt tiền 1 tiệm Fry’s Electronics (Internet)

Mỗi lần lái xe đi ngang ngã tư Brookhurst – Westminster (thành phố Garden Grove) nhìn thấy tấm bảng hiệu 99c Store màu tím chữ xanh lá cao sừng sững vượt lên trên không gian chung một cách kiêu hãnh thì tôi lại cảm thấy một nỗi buồn khó diễn tả. Ở đây tôi đã từng mua được rất nhiều món đồ dùng sản xuất tại Mỹ với giá 1 Mỹ kim, như nước rửa chén, xà bông cục, xà bông giặt, nước xịt làm bóng xe hơi, các loại giấy, chén dĩa… Khu tiệm chưa có chủ mới, vẫn đóng cửa im ỉm, nhưng 99c Store đã thuộc về lịch sử. Tự dưng tôi liên tưởng tới cuộc đời của một con người. Trước đây, có người thấy tôi mua đồ ở 99c store thì họ bĩu môi, dài giọng chê bai “Tiệm đó đồ rẻ tiền,” rồi liệt kê ra một dọc những cái tên tiệm sang trọng và kết bằng câu “Tui chỉ mua đồ ở đó.” Ngộ thiệt, tiệm rẻ có giá trị của tiệm rẻ, không lẽ chỉ cần một cây kim, một ống chỉ nhỏ để kết vài hột nút quần/áo, khâu lại đường chỉ sứt, lên lai quần Jean cũng phải vô tiệm “sang trọng” rồi ai bán cho? Chắc mua xong phải mở tiệm may luôn mới xài hết số đồ mua trong “tiệm sang.”

Xem thêm:   Bang bang

Không chỉ 99c store phải đóng cửa toàn bộ hệ thống, Big Lots đã nộp đơn xin phá sản vào Tháng Chín (2024,) sau khi trước đó đã cảnh báo rằng họ có “nghi ngờ đáng kể” về khả năng tồn tại của mình, và cuối cùng họ đã thông báo sẽ sớm đóng cửa 963 địa điểm còn lại. Nếu những ai thích đi chợ Big Lots giảm giá hẳn cũng có một nỗi niềm với cửa tiệm đã từng gắn bó với đời sống của mình.

Ở Việt Nam có những thương hiệu được khách hàng tin dùng, gắn liền với thời thơ ấu của rất nhiều người miền Nam như: Cá mòi Ma-rốc, mì ăn liền gói giấy hai con tôm đỏ, sữa hộp Ông Thọ, xá xị Chương Dương… sau nhiều năm người ta vẫn hoài niệm luyến tiếc. Chuối nướng mỡ hành, xôi bắp, bánh mì (không) Sài Gòn… chỉ là món ăn của người nghèo, nó là lịch sử, là tuổi thơ một thời khốn nạn thiếu đói. Trứng gà khan hiếm, dân tình la rần rần, có người sắp hàng từ sáng sớm trong giá lạnh trước tiệm Costco để mua trứng gà rẻ hơn Walmart 10 Mỹ kim, có người chịu trả 44 Mỹ kim cho 1 thùng 60 trứng gà ở Walmart. Riêng tôi không kén ăn, cứ nhớ về tuổi thơ thì giống gì (ăn không chết) tôi đều ăn được hết.

Nói chung, những thương hiệu làm ăn đàng hoàng, có uy tín và có quá trình lịch sử gắn bó lâu dài với đời sống người tiêu dùng, khi bị phá sản, ít nhiều gì cũng để lại trong lòng khách hàng sự luyến tiếc và thương cảm. Làm ăn kiểu “treo đầu dê bán thịt chó,” chưa chết nhưng người ta coi như đã chết rồi.

Xem thêm:   Bong bóng đất

TPT