Lời Giới Thiệu:  Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.

Sau khi chiến tranh chấm dứt ông chuẩn úy anh vợ của tôi cũng bị bắt đi cải tạo một thời gian rồi được thả về. Thời gian qua đi, người cựu chiến binh Ðinh Văn Thọ đã biến thành một nông phu chân lấm, tay bùn, ngày ngày tìm vui bên những vườn tiêu, ruộng lúa.

Nét phong lưu ngày xưa của anh tôi, có còn chăng chỉ là tiếng đàn guitar classic réo rắt vào những  đêm trời đổ mưa…

Tết Giáp-Dần là một trong những cái Tết vui vẻ và đầm ấm hiếm có của gia đình tôi.

Vợ chồng tôi và hai đứa con gái quây quần bên nhau đón Giao-Thừa trong một căn phòng có một nhành mai vàng, một mâm hoa quả, một cặp bánh chưng xanh cùng một khay kẹo mứt.

Một ngày sau Tết bỗng nhiên Ðại úy Trương Ðình Hà phát bệnh điên.

Anh Hà ôm súng M16 đi vòng vòng trong sân doanh trại, bắn toang cửa kính văn phòng, bắn lủng mái tôn khu gia binh rồi lên mở cửa văn phòng chỉ huy trưởng để tìm ông đại tá.

Tôi đang bận việc trên quân đoàn thì bị gọi về giải quyết chuyện lộn xộn này.

Xe của tôi vào cổng đúng lúc Ðại úy Hải, Sĩ Quan Chỉ Huy Hậu Cứ nhảy vào ôm được anh Hà để cho người khác tước súng. Lập tức ông sĩ quan điên bị nhốt vào lô cốt có khóa bên ngoài và có lính canh.

Chiều hôm đó Thiếu tá Lưu Văn Ngọc, Sĩ Quan Quân Pháp Quân Ðoàn II gọi điện thoại cho tôi.

Anh Ngọc cằn nhằn,

-Thằng Hà là thuộc cấp của Long phải không? Long coi lại! Chiều qua nó sang đây thăm hỏi và chúc Tết mình. Lúc ra về thì xe nó hết xăng, nó mượn xe của mình tới giờ này không chịu trả, mình phải đi nhờ xe của người khác. Long làm ơn nhắc nó trả xe cho mình được không?

Thiếu tá Lưu Văn Ngọc, Sĩ quan Quân Pháp Quân Ðoàn II cũng là bạn cùng khóa 20 Võ Bị của tôi và Trương Ðình Hà.

Tôi vội thông báo tình trạng hiện thời của Trương Ðình Hà cho Lưu Văn Ngọc hay. Nghe xong, Ngọc ngạc nhiên lắm và không tin đó là chuyện thật.

Suốt hai ngày kế đó Trương Ðình Hà luôn miệng la hét om sòm trong nhà giam, không chịu ăn uống gì cả.

Hà không nhận ra ai, kể cả người bạn gái của anh ta.

Cuối cùng, Ðại tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 phải ký lệnh cho quân y áp tải Ðại úy Trương Ðình Hà về Sài-Gòn để vào nhà thương điên chữa trị.

Chiều Mùng Ba Tết, Lưu Văn Ngọc báo cho tôi hay chiếc xe Jeep mà Ngọc cho Hà mượn đã bị Hà đem lên ngã ba Quốc Lộ 14 và đường vào Plei M’Rong bắn bể lốp rồi bỏ bên bìa rừng!

Chuyện Ðại úy Trương Ðình Hà phát điên bắn phá lung tung ở Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 cũng thành một đề tài cho anh em trong đơn vị bàn tán khá lâu, nhưng tuyệt nhiên không ai biết nguyên nhân vì đâu mà Trương Ðình Hà vướng phải căn bệnh quái ác này.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Cả tháng sau khi Ðại úy Trương Ðình Hà ra đi, tôi mới tìm được người thay thế anh Hà.

Người được tôi chọn là Trung úy Ðiệp, một sĩ quan trẻ tuổi và gan dạ. Chỉ ít lâu sau khi nhận việc, Trung úy Ðiệp đã được quân nhân dưới quyền hết lòng tin tưởng và quý mến.

o O o

Chuyện cái điện đài ở Lệ Minh…

Sau Tết 1974 hành quân tái chiếm căn cứ Biên Phòng Lệ Minh (Plei Djereng) do Sư Ðoàn 22 tổ chức đã thành công mỹ mãn.

Cuộc đổ bộ bằng trực thăng của một tiểu đoàn bộ binh trên căn cứ Lệ Minh đã không gặp phải sự kháng cự nào.

Chiếc trực thăng chở anh lính cao nhất của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa đã an toàn đáp ngay trên nóc cái lô cốt giữa sân Lệ Minh để cắm lá cờ vàng ba sọc đỏ khổng lồ.

Chỉ một phút sau khi anh lính xuống đất, lá quốc kỳ to bằng hai cái poncho ghép lại đã phần phật tung bay trong gió.

Tối hôm đó tin quân ta tái chiếm Lệ Minh đã được truyền đi rầm rộ trên các đài phát thanh và các kênh truyền hình.

Tôi vui mừng vô cùng, vì những tưởng rằng từ nay sẽ được rảnh tay đi nhận đơn vị mới.

Nào ngờ, vừa cắm cờ trên căn cứ Lệ Minh xong thì Trung Ðoàn 41 Bộ Binh lại bỏ Lê Minh ngay rồi rút quân về Pleiku.

Hóa ra cuộc hành quân quy mô, tốn kém này chỉ nhằm mục đích gây tiếng vang cho thế giới thấy rằng quân ta còn rất mạnh, dư khả năng bảo vệ lãnh thổ và đẩy lui quân thù.

Cũng từ đó tôi được lệnh lúc nào cũng phải duy trì một toán viễn thám của Biệt Ðộng Quân có mặt trong vòng bán kính 5 cây số cách Lệ Minh.

Trung tá Trịnh Tiếu nói với tôi, không úp mở:

“Cái điện đài của Long hoạt động 24/24 quanh Lệ Minh chỉ là dấu hiệu sự hiện diện của quân bạn ở trong vùng này. Quân đoàn phải duy trì việc này cũng chỉ để che mắt Bộ Tổng Tham Mưu! Chỉ là đánh giặc giả! Chỉ là báo cáo láo với cấp trên! Long đừng lo lắng, bận tâm!”

Nghe ông Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn II nói vậy, tôi cũng biết vậy, nhưng bảo tôi đừng lo, đừng sợ, đừng bận tâm thì tôi không thể.

Thật là khổ tâm khi bị ép buộc thi hành những chuyến xâm nhập nguy hiểm chết người như thế này mà chẳng thấy vinh dự gì.

Làm công tác này, tôi đã trực tiếp đồng lõa với những thượng cấp ở Pleiku để đánh lừa những thượng cấp lớn hơn ở Sài-Gòn.

Tôi là một người ruột ngựa, thẳng băng, nếu làm điều gì mà phải che che, giấu giấu, khuất tất, thì lòng tôi cứ áy náy, không yên.

Chưa bao giờ trong đời tôi lại bị thượng cấp giao cho cái nhiệm vụ quái đản như thế này. Một nhiệm vụ thật lạ kỳ: Toán nhảy xuống đất, chui vào rừng, kiếm một nơi an toàn, mở máy ra, gọi đài tiếp vận, trao đổi vài ba câu rồi cứ để máy chạy “È! È! È!” suốt ngày, suốt đêm, hết điện trì, thay điện trì mới. Ðúng một tuần lễ sau lại thay toán khác, cứ như giỡn chơi!

Những viễn thám viên dưới quyền tôi cũng là con người; họ cũng có linh hồn, có cảm giác; họ cũng biết sợ cái chết, biết đói, biết lạnh, và biết đau đớn khi bị thương. Chuyện họ có mặt trong vùng Lệ Minh là chuyện đánh trận giả, nhưng chuyện thần chết chờ họ từng phút, từng giờ là có thật.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Thi hành lệnh này, tôi và các bạn Không Quân của Phi Ðoàn 229 Trực Thăng cứ như có hẹn lại lên, đúng bảy ngày lại nối đuôi nhau, hai Gunships, hai Slicks lừng lững bay vào thả toán mới, bốc toán cũ, bị phòng không bắn lúc nào không ai hay, chết lúc nào không ai biết.

Thượng cấp của tôi không nghĩ rằng, chúng tôi cũng là con người, cũng có thân nhân, gia đình, cũng biết sợ cái chết.

Chúng tôi sẵn sàng chết vì nhiệm vụ bảo vệ quê hương, bảo vệ đồng bào, bảo vệ tự do.

Nhưng nếu phải chết vì những âm mưu xảo trá, lòe mắt cấp trên, chết vì đánh trận giả thì quả là chết quá oan uổng, chết lãng nhách!

Tôi nghĩ, nếu ra tiểu đoàn, có bốn, năm trăm quân dưới tay, trấn thủ một vùng, còn an toàn ngàn lần hơn là cứ cách vài ngày lại phải bay vào vùng địch, bốc toán, thả toán, trong bán kính 5 cây số xung quanh một điểm cố định là một cái tiền đồn đã mất, sớm muộn thế nào cũng bị phòng không Việt-Cộng bắn rơi, phải lên bàn thờ mà ngồi.

Trong tình thế này, tôi chỉ còn cách chấm sẵn bãi thả và bãi bốc, yêu cầu các bạn trực thăng bay thật thấp, bay thật nhanh, thả thật nhanh, bốc thật nhanh, cố gắng giảm thiểu thời gian có mặt trên vùng của phi cơ tới mức tối đa.

Tôi ra lệnh cho các toán viên dưới quyền, mỗi khi đạp đất rồi thì họ cứ tìm nơi nào đó thật kín đáo an toàn mà ẩn núp chờ ngày qua, không cần phải đi thám sát dò la tin tức địch như ngày xưa nữa.

Thực tình tôi không rõ, ngoài Thiếu tá Vương Mộng Long, Trung tá Trịnh Tiếu và Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn ra thì có còn ai nữa biết rằng sự hiện diện của cái điện đài ở cách Lệ Minh 5 cây số chỉ nhằm mục đích che mắt thượng cấp? và những cú thả quân, bốc quân quanh Lệ Minh chỉ là đánh trận giả?

Thời gian này lòng tôi rất muộn phiền, nhưng tôi cứ phải ngậm miệng, không dám chia sẻ tâm tư cho bất kỳ ai.

Trong chuyện cái điện đài ở Lệ Minh này, Trung tá Trịnh Tiếu là người thấu hiểu nỗi buồn của tôi nhất; ông nói với tôi rằng,

– Chú gắng nhẫn nhịn, chịu đựng ít lâu, rồi mọi khó khăn sẽ qua thôi!

Tôi và Trung tá Trịnh Tiếu đều là dân Hội-An, tôi lại là bạn thân của một người em ruột của ông Tiếu, hơn thế nữa, tôi và ông Tiếu cùng xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam, vì thế ông Tiếu rất thân thiết với tôi.

Ðã có nhiều lần ông Tiếu giới thiệu tôi đi giữ chức vụ quận trưởng những quận lỵ trù phú, thanh bình dưới vùng duyên hải, nhưng tôi thoái thác.

o O o

Trận Kon Sơm Luk 1974…

Tôi đang tiếp tục công việc bốc toán, thả toán thì có tin địch chuẩn bị đánh Kon-Tum, quân đoàn liền ra lệnh cho tôi đem quân lên Kon-Tum yểm trợ cho quân bạn.

Vì Ðại Ðội 2 Trinh Sát của Trung úy Ðiệp đang hành quân ở Thanh-An, do đó tôi chỉ đem theo Trung đội Viễn Thám của Phòng 2.

Tôi có tổng cộng sáu toán viễn thám. Hiện thời trong vùng Lệ Minh có một toán đang hoạt động. Vì thế tôi phải cho một toán ở lại Pleiku để làm trừ bị cho Lệ Minh.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Trưa 10 tháng 3 năm 1974 tôi cùng bốn toán viễn thám còn lại đã có mặt tại hậu cứ Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân nằm trong thành phố Kon-Tum.

Thi hành lệnh của Ðại tá Liều Thọ Cường, Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 22 Bộ Binh, người đang chỉ huy Mặt Trận Kon-Tum, trưa 11 tháng 3 năm 1974 tôi đã tung hai toán viễn thám vào săn tin vùng 5 cây số Ðông Bắc cầu Kon Sơm Luk trên Liên Tỉnh Lộ 5 B vì có mật báo rằng địch sẽ chuyển quân của Sư Ðoàn 3 Cộng-Sản từ Bình Ðịnh lên để tập kích quân ta.

Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân hiện thời không có sĩ quan Ban 2, không có Trinh Sát và Viễn Thám, nên Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Ðoàn 22 Bộ Binh yêu cầu tôi có mặt bên cạnh Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân để trực tiếp yểm trợ tin tức chiến thuật cho đơn vị này.

Vì thế, thả quân xong, tôi đáp xuống vị trí hành quân của Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân. Chiếc xe Jeep của tôi đã có mặt ở đây từ chiều hôm qua.

Ban chỉ huy viễn thám của tôi chỉ có ba thầy trò, là tôi, Thiếu tá Vương Mộng Long, Hạ sĩ Nguyễn Ba và anh Binh nhất tài xế Lê Văn Tới.

Thầy trò tôi tạm trú trong một căn lều trung đội, nơi cửa lều có cây ăng ten 292, trong lều có cái bàn gỗ, trên đó là ba cái máy PRC 25.

Trong khi ông Ba và ông Tới lo trực máy và thổi cơm thì tôi vào phòng thuyết trình của liên đoàn để thăm ông trung tá liên đoàn trưởng.

Ðây là lần đầu tôi giáp mặt ông Trung tá Nguyễn Thành Tiên. Ông Trung tá Tiên mới từ trong Nam ra, nhận chức vụ chỉ huy liên đoàn này không lâu.

Người tiền nhiệm của ông Nguyễn Thành Tiên là Trung tá Dương Ðức Mai thì tôi quen.

Ðây cũng là lần đầu tôi biết mặt ông Thiếu tá Phú trưởng Ban 3 của liên đoàn.

Sáng ngày 16 tháng 3, hai toán viễn thám báo cáo không có chỉ dấu gì, nhưng tiền đồn của Tiểu Ðoàn 95 Biệt Ðộng Quân ghi nhận đang bị địch pháo kích.

Vừa lúc đó thì chiếc trực thăng dành cho viễn thám đáp xuống bốc tôi đi.

Máy bay của tôi vừa ngóc lên cao khỏi ngọn cây thì Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 22 Hành Quân bắt đầu lãnh pháo của Việt-Cộng!

Tôi bay về hướng Bắc được chừng năm cây số thì đã thấy khói trắng, khói đen bay lên cuồn cuộn từng cột.

Ba, bốn ngọn đồi cao nằm sát bờ sông Dak Bla cùng bị địch tấn công một lúc, với đủ loại pháo.

Trận đánh mới mở màn, Việt-Cộng đã sử dụng tối đa hỏa lực pháo nặng, nhẹ, để áp đảo quân ta. Ðịch bắn không tiếc đạn, số trái phá rơi trên những ngọn đồi mục tiêu phải nói là hàng ngàn trái đủ loại.

Từ trên cao, tôi thấy hàng chục vị trí súng địch nằm lộ thiên trong khu vực bình nguyên hướng Ðông suối Dak Lang.

Ðịch đã tiến quân theo trục lộ song song với suối Dak Lang. Con đường này nối Quốc Lộ 14 với Kon Sơm Luk do chúng mới thiết lập được cách nay không lâu.

Trên vùng, phòng không của Việt-Cộng đan nhau chằng chịt như đan lưới, vì thế tôi cứ phải thập thò xa xa, không dám xáp tới gần.

Vào giờ đầu trận chiến thì trên trời Kon Sơm Luk đã có một chiếc trực thăng bay vòng vòng.

(còn tiếp)