Có một nghịch lý đã tồn tại từ lâu trong nền văn hóa phương Tây: càng giết người nhiều, càng sống ngang ngược, càng bị xã hội săn lùng… thì càng dễ được dựng tượng đồng, viết truyện, đóng phim và – thậm chí  mua hình giá… 5 triệu đô-la Mỹ!

Nực cười nhưng có thật. Mà tiêu biểu? Không ai hơn cái tên Billy the Kid – “cậu nhóc Billy” – một tay súng máu lạnh mà người Mỹ phong cho danh hiệu “huyền thoại miền Viễn Tây”, ngang hàng với Lincoln hay Thomas Edison trên màn bạc Hollywood

Cậu nhóc máu lạnh trị giá 5 triệu đô

Tháng Sáu năm 2010, ông Randy Guijarro ở Fresno, California vô tình ghé tiệm bán đồ cổ, mua 3 bức ảnh cũ với giá vỏn vẹn 2 đô-la. Một trong 3 tấm, tưởng như chẳng có gì đặc biệt, nhưng dưới con mắt của giới sưu tầm, đó là kho báu quốc gia. Vì sao?

Vì giữa đám thanh niên đang chơi croquet (một dạng bi sắt quý tộc), có một khuôn mặt quen quen – không ai khác hơn chính là Billy the Kid – tên cướp bị săn lùng gắt gao nhất miền Tây vào cuối thế kỷ XIX.

Chỉ cần một tấm ảnh mờ, Billy the Kid – tên tội phạm chết từ năm 1881 – bỗng dưng sống dậy. Báo chí rầm rộ. Truyền hình nhao nhao. Sưu tập gia hối hả. Và giá trị của tấm ảnh đội lên đến 5 triệu đô-la, được bán lại năm 2015 như báu vật quốc gia.

Một bức ảnh không làm nên lịch sử. Nhưng xã hội sẵn sàng đổ tiền… miễn là có máu, có súng và có huyền thoại!

Tấm ảnh được đấu giá đến 5 triệu đô la – Nguồn the wild west newsletter 

Billy the Kid là ai?

Xem thêm:   Tình, tù, đẫm lệ!

Tên thật là Henry McCarty, cũng từng dùng tên William H. Bonney. Sinh năm 1859 tại New York, mồ côi cha mẹ, lớn lên bần hàn, Billy dần trượt dài từ trộm cắp lặt vặt đến cướp có vũ trang và giết người.

Nổi tiếng nhất là khi hắn tham gia “Chiến tranh Quận Lincoln” ở New Mexico – một cuộc hỗn chiến không luật lệ giữa các nhóm tài phiệt và chăn nuôi tranh giành quyền lợi. Billy đứng về phía nhóm gọi là Regulators, bắn chết ít nhất 8 người – chưa kể những vụ không ai dám khai tên.

Hắn trốn trại giam như đi chợ. Cuối cùng bị Pat Garrett – một cảnh sát trưởng không nổi tiếng bằng hắn – bắn chết ở Fort Sumner vào năm 1881. Khi ấy, Billy mới 22 tuổi. Trẻ, máu lạnh, nghèo khổ – thế là đủ công thức để Hollywood viết huyền thoại.

Giết người có được gọi là anh hùng?

Câu trả lời phải là: tuỳ truyền thông!

Xét về mặt pháp lý, Billy là một tên cướp, giết người không gớm tay. Nhưng xã hội Mỹ lại khoác lên y một tấm áo lãng tử cao bồi, dám đối đầu thế lực. Một kiểu Robin Hood… không hề chia của cho người nghèo, chỉ giữ cho riêng mình.

Người ta nói hắn có “nghĩa khí”, không giết dân thường, bảo vệ bạn bè. Ừ thì cũng có thể. Nhưng 8 cái mạng nằm xuống kia – có ai kể tên? Có ai làm phim tưởng niệm?

Trong văn hoá đại chúng, Billy là biểu tượng cho “tự do miền Tây”, cho cái hoang dã không luật lệ, nơi con người sống theo súng và chết theo ngẫu hứng.

Billy the Kid và Ned Kelly – Hai bóng ma hai lục địa

Xem thêm:   Nhà đá xanh!

Cách nước Mỹ nửa vòng trái đất, nước Úc cũng có Ned Kelly – một tên cướp nhưng được dân xem là… nghĩa sĩ.

Ned sinh năm 1854, con nhà nghèo gốc Irish ở Victoria, lớn lên bị chính quyền thuộc địa đàn áp, đẩy vào con đường tội phạm. Ned từng cướp ngân hàng, giết cảnh sát, và trở thành kẻ bị truy nã gắt gao nhất nước Úc.

Nhưng khác với Billy, Ned được tô vẽ như một anh hùng dân tộc, một người chống lại bất công, một hình ảnh phản kháng kiểu thực dân thuộc địa. Khi bị xử tử năm 1880, lời cuối cùng của ông là: “Such is life.” Câu nói đó in lên áo thun, lên tượng đài, lên văn học Úc. Trẻ em Úc biết Ned Kelly như biết Kangaroo!

Billy the Kid thì sao? Có tượng đồng không? Không. Nhưng có hàng chục bộ phim, và mỗi năm vẫn có kịch bản mới. Mỹ không cần anh hùng phản kháng – họ chỉ cần kẻ nổi loạn hấp dẫn!

Tại sao xã hội lại mê tôn sùng ăn cướp?

Ned Kelly và lệnh truy nã – nguồn The Australian

Nghe có vẻ quái gở, nhưng hoàn toàn thực tế. Trong thế giới hiện đại đầy quy tắc và giấy tờ, con người thèm khát hình ảnh “kẻ bất chấp”, “kẻ sống ngoài vòng kiểm soát”. Cái chết của Billy mang lại cảm giác phiêu lưu, còn cuộc đời của Ned Kelly gợi lên sự phẫn nộ chính nghĩa.

Truyền thông chỉ cần một kẻ có súng, một câu chuyện ly kỳ, vài thước phim rượt đuổi là đủ tạo nên “biểu tượng”. Họ không quan tâm kẻ đó là anh hùng hay sát nhân – miễn có rating là được.

Billy the Kid – từ kẻ trộm bò ở New Mexico – bước vào huyền thoại chỉ nhờ truyền thông. Và xã hội chấp nhận điều ấy một cách say mê.

Nhìn lại: huyền thoại hay hoang tưởng?

Xem thêm:   Trần Hoài Thư: Người lính viết văn!

Tấm ảnh Billy được bán giá triệu đô không chứng minh hắn tốt lành – mà chỉ chứng minh… nỗi khát biểu tượng của một xã hội chán ngán đạo đức truyền thống. Người ta không còn muốn đọc tiểu sử Lincoln – người ta muốn xem cao bồi cưỡi ngựa bắn súng!

Nhưng lịch sử không nên bị xào nấu thành phim ảnh mãi. Một xã hội trưởng thành là xã hội biết phân biệt: ai đáng dựng tượng, ai đáng quên đi.

Thay lời kết:

Ở miền Tây Hoa Kỳ, có người bắn súng, cướp ngân hàng, giết người, trốn tù – rồi được gọi là Billy the Kid.

Ở miền Đông Úc, có người đội mũ sắt, bắn cảnh sát, bị xử tử – và được gọi là Ned Kelly.

Cả hai đều là tội phạm. Cả hai đều là huyền thoại. Và cả hai đều là… sản phẩm của trí tưởng tượng quần chúng cộng với công nghiệp giải trí!

Tôn sùng ăn cướp không biến xã hội thành vô luật, nhưng khi xã hội chỉ nhớ tên kẻ giết người mà quên nạn nhân, thì đó là dấu hiệu cho thấy: chúng ta đã chọn… hình tượng thay vì sự thật!

Billy the Kid có thể là biểu tượng của tự do – nhưng là tự do không luật lệ, tự do của viên đạn. Một bài học đắt giá… nhưng còn mấy ai nhớ?

ĐXT