Lời Giới Thiệu:  Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.

Phái đoàn gồm có một đại tá, một trung tá và bốn thiếu tá. Mặt người nào cũng đăm chiêu, đằng đằng sát khí.

Tôi là thuyết trình viên, Trung úy Trần Dân Chủ, làm người chỉ bảng và cung cấp tang vật.

Trong mười phút, tôi tóm lược tình hình bạn địch cho phái đoàn, rồi đi vào chi tiết diễn tiến trận đánh ác liệt kéo dài suốt hai ngày, một đêm cho phái đoàn nghe. Tôi cũng đưa cho phái đoàn xem bức ảnh do Trung úy Chủ chụp được là một núi súng đủ loại của Việt-Cộng đã bị tịch thu ngày 14 tháng 4.

Sau đó tôi chỉ cho phái đoàn tận mắt quan sát một thủ pháo chứa hơi độc, một cái bao nhựa phòng hơi độc kèm theo hai ve thuốc giải độc mà địch đã bỏ lại trên trận địa.

Ngoài một vài quân nhân của Ðại Ðội 2/82 và 3/82 đứng ra kể lại những gì họ tham dự và chứng kiến, tôi cho phái đoàn tiếp xúc trực tiếp với hai nhân chứng đặc biệt là vợ chồng người lao công đào binh đã bị Việt-Cộng bắt sau khi tràn ngập 711.

Vợ chồng anh này đã bị Việt-Cộng trưng dụng để khiêng xác cán binh Cộng-Sản tử trận suốt một ngày một đêm.

Xác Việt-Cộng chết được đồng bọn kéo tới chân dốc Ðồi Tử Chiến, vợ chồng anh lao công này chỉ việc chất những cái xác đó lên xe. Ước tính họ đã chuyển vận trên 200 xác địch.

Tới khi máy bay lên vùng bắn phá thì họ vội vàng dắt nhau chạy trốn vào rừng rồi tìm đường về Pleime.

Hai ông đại tá và trung tá luân phiên đưa ra những thắc mắc và thẩm vấn nhân chứng, bốn ông thiếu tá thì chỉ ngồi ghi chép mà không có ý kiến gì.

Sau thời gian gần một giờ tra vấn, hạch sách, chụp hình, chụp ảnh, phái đoàn đã đóng cửa phòng hội để họp kín.

Chừng mười lăm phút sau, đoàn thanh tra mời chúng tôi vào phòng để thông báo kết quả thanh tra.

Ông trung tá đứng giữa phòng thuyết trình lớn tiếng dõng dạc tuyên bố:

– Buổi thanh tra tới đây là chấm dứt. Chúng tôi đã có đủ bằng cớ để trình cho Ðại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng về những gì đã xảy ra trong trận chiến ác liệt này. Xin cám ơn Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân và toàn thể anh em đã có mặt ở đây ngày hôm nay.

Ông trung tá vừa dứt lời thì ông đại tá già, trưởng đoàn từ từ đứng dậy, hắng giọng một cái rồi chậm rãi từng tiếng một,

– Thực tình mà nói, giờ này quả là rất may mắn cho quân đội ta, khi trước mắt chúng ta còn có một vị tiểu đoàn trưởng xuất chúng là Thiếu tá Vương Mộng Long. Tôi xin hết lòng khen ngợi anh Long, đồng thời cũng khen ngợi lòng quyết chiến, quyết thắng của các anh em chiến sĩ trực thuộc Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân. Các anh đã chứng tỏ cho thế giới biết rằng Quân Ðội Việt-Nam Cộng Hòa là một đạo quân vô cùng dũng cảm và thiện chiến. Về tới Sài-Gòn, tôi sẽ tường trình đầy đủ chi tiết trận đánh này cho Ðại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, chắc chắn đại tướng sẽ gửi lời khen ngợi tới anh em.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Vài phút sau đó, tôi đích thân tiễn chân phái đoàn ra bãi trực thăng. Trước khi máy bay cất cánh, tôi đã nói với ông đại tá già một câu thật ngắn,

– Thưa Ðại tá, với tình hình hiện nay, tôi không biết có còn sống sót để có thể nhìn thấy quý vị lần nữa hay không. Tôi cám ơn phái đoàn thanh tra đã chịu khó lắng nghe và sáng suốt đánh giá những gì chúng tôi vừa trải qua. Chúc quý vị thượng lộ bình an.

Mười ngày sau tôi nhận được thông báo từ Thiếu tá Nguyễn Giáp Trưởng Phòng 1 của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2:

“Long ơi! Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân được Bộ Tổng Tham Mưu tuyên dương công trạng trước quân đội. Thiếu tá Vương Mộng Long và toàn thể quân nhân trực thuộc Tiểu Ðoàn 82 đều được ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu”

Tôi còn nhận được tin báo rằng những quân nhân Thiết Giáp, Công Binh, Pháo Binh và những sĩ quan thực tập có mặt trong trận đánh này cũng được tưởng thưởng.

Hoàn tất công việc đón tiếp phái đoàn thanh tra của Bộ Tổng Tham Mưu, tôi bàn giao Căn Cứ Hỏa Lực 711 cho Trung Ðoàn 42 Bộ Binh rồi rút về Pleime.

Tiểu Ðoàn 2/42 của Ðại úy Nguyễn Văn Chấn cũng di chuyển vào Pleime và tiếp tục tăng phái cho tôi.

Sau khi rút về Pleime ít ngày thì Thiếu úy Phạm Văn Tô Ðại đội trưởng Ðại Ðội 1/82 đã đào ngũ trong dịp nghỉ phép thường niên.

Tôi nghe mấy anh lính có quê ở Long-An cũng được về phép thăm nhà, sau khi trở lại đơn vị đã báo cáo rằng ông Phạm Văn Tô hiện thời đã đổi họ tên và trở thành một người lính Ðịa Phương Quân gác cầu Bến Lức.

Thời gian gần đây, chuyện lính đào ngũ từ đơn vị này rồi đầu quân vào đơn vị khác cũng không còn là lạ. Tôi không có ý chê trách sự lựa chọn của Thiếu úy Tô. Biết đâu đã có nguyên nhân sâu xa nào đó thúc đẩy Phạm Văn Tô chọn nhiệm vụ gác cầu của một binh nhì Ðịa Phương Quân, thay vì làm một thiếu úy đại đội trưởng tác chiến Biệt Ðộng Quân?

Tôi chỉ biết rằng, trong thời gian phục vụ dưới quyền tôi, chú Tô đã thi hành tất cả những gì mà tôi yêu cầu chú ấy làm, vì thế, tôi không muốn tìm hiểu xem vì sao Biệt Ðộng Quân Phạm Văn Tô đã rời xa đồng ngũ mà không một lời từ biệt.

Từ sau trận Căn Cứ Hỏa Lực 711 tháng 4 năm 1974 thì Sư Ðoàn F320A Cộng-Sản bắt đầu gọi Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bằng cái tên “Thằng Hai Nâu”

Tin tức tình báo cũng cho tôi biết các đơn vị trực thuộc F320A Cộng-Sản đã được lệnh tránh đụng độ với “Thằng Hai Nâu” vì thế, lợi dụng thời gian tạm thời yên tĩnh này, tôi cấp tốc tái tổ chức lại đơn vị.

Hai ông Chuẩn úy Trần Quảng và Trương Anh Kiệt được điều động đi nhận nhiệm vụ mới.

Chuẩn úy Trần Quảng trở thành Sĩ quan Phụ tá Ban 3 Liên Ðoàn 24.

Chuẩn úy Trương Anh Kiệt theo học lớp quản trị nhân viên.

Người mang máy truyền tin cho tôi giờ đây là Binh 2 Y Don Nier thay thế cho Hạ sĩ Ðiêu Lon.

Binh 2 Y Don Nier trước đây là hiệu thính viên của Thiếu úy Tăng Ngọc Phiến.

Chuẩn úy Nguyễn Văn Trâm được thăng cấp thiếu úy và được đề cử theo học khóa đào tạo Sĩ Quan Truyền Tin Binh Ðoàn.

Trung đội Trinh Sát 82 đã bị tôi giải tán. Trung đội Viễn Thám 82 được thành lập.

Thiếu úy Trần Văn Phước, Sĩ quan Ban 2 của đơn vị, kiêm nhiệm chức vụ chỉ huy Trung Ðội Viễn Thám 82 với quân số 18 viễn thám viên.

Dàn đại đội trưởng 82 hiện nay gồm có:

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Ðại đội trưởng Chỉ Huy Công Vụ 82 là Thiếu úy Huỳnh Kim Hoàng.

Ðại đội trưởng 182 là Thiếu úy Lê Ðình Khay mới bổ sung.

Ðại đội trưởng 282 là Trung úy Nguyễn Hữu Anh từ Tiểu Ðoàn 11 chuyển sang.

Ðại đội trưởng 382 là Thiếu úy Phạm Ðại Việt.

Ðại đội trưởng 482 là Thiếu úy Phạm Văn Thủy.

Trong khi tôi bận bịu công tác huấn luyện đơn vị và thiết trí công sự phòng thủ thì những tin tức không vui tới tấp bay về. Tôi biết:

– Ngày 16 tháng 5 năm 1974 Chi Khu Dak Pek và Căn Cứ Biên Phòng Dak Pek rơi vào tay địch, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Di đã tự sát ngay sau khi bị bắt.

– Hai tháng sau, ngày 16 tháng 7 năm 1974 Tiền Ðồn 5 trong vùng Kon Sơm Luk thất thủ. Ðại úy Dương Ðình Chính, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 1 Trung Ðoàn 44 Bộ Binh bị chết mất xác.

Ðại úy Dương Ðình Chính là bạn cùng khóa 20 Võ Bị của tôi.

Thời gian này, cứ cách vài ngày, Chuẩn tướng Phan Ðình Niệm, Tư Lệnh Sư Ðoàn 22 Bộ Binh lại bay vào Pleime thăm tôi một lần.

Tướng Niệm khuyến cáo tôi rằng, chắc chắn mục tiêu sắp tới của Sư Ðoàn 320A Cộng Sản sẽ là Căn Cứ Biên Phòng Pleime.

Vì thế, tôi không dám rời xa đơn vị một ngày nào.

Dù có việc bận phải đi Pleiku giải quyết, tôi cũng cố trở về trong ngày, không dám bỏ đồn, qua đêm.

Tôi đã tự đặt mình trong tình trạng báo động một cách thường xuyên.

Tình hình chợt xoay chuyển nhanh, mặt trận duyên hải trở nên sôi động; Trung Ðoàn 42 Bộ Binh cấp tốc rời Pleiku để di chuyển xuống Bình Ðịnh; Căn Cứ Hỏa Lực 711 được giao lại cho Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân.

Căn Cứ Hỏa Lực 711 mới này vừa được xây dựng trên cao điểm 601, nằm cách Plei Ngol Ho chừng bốn trăm mét về hướng Bắc. Căn Cứ 711 cũ và  Căn Cứ Plei Ngol Ho đều bị san bằng, không còn dấu tích.

Trung tá Từ Vấn, Liên đoàn trưởng đã thăng cấp đại tá, còn Trung tá Chính thì thuyên chuyển đi đơn vị khác.

Người thay thế Trung tá Chính để giữ chức vụ Liên đoàn phó Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân là Trung tá Hoàng Kim Thanh. Trung tá Hoàng Kim Thanh tốt nghiệp khóa 5 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức.

Ngày tôi còn là một học sinh trung học thì anh Thanh đã là Ðại úy Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 10 Biệt Ðộng Quân đồn trú ngoài Ðà Nẵng. Rồi Tiểu Ðoàn 10 Biệt Ðộng Quân nhanh chóng cải danh thành Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Tháng 2 năm 1966 tôi ra trường Võ Bị và học xong khóa 23 Rừng Núi Sình Lầy, tới trình diện Tiểu Ðoàn 11 thì anh Thanh đã thuyên chuyển sang bộ binh, đảm nhận chức vụ Trung đoàn phó Trung Ðoàn 42 Biệt Lập của Biệt Khu 24 một thời gian rồi đi làm Quận trưởng Quận Lý Tín tỉnh Quảng-Tín.

Trung tá Hoàng Kim Thanh vừa mới trở lại Biệt Ðộng Quân vài tháng gần đây thôi.

Như vậy, sau khi Trung Ðoàn 42 Bộ Binh về Bình Ðịnh thì lần đầu tiên toàn bộ Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân quy tụ trong vùng Tây Nam Pleiku.

Trong Pleime có Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, còn phía Bắc Pleime thì được Tiểu Ðoàn 63 và Tiểu Ðoàn 81 trấn giữ.

Tiểu Ðoàn 63 nằm chung với Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 24 trong Căn Cứ Hỏa Lực 711. Thiếu tá Trần Ðình Ðàng khóa 15 Võ Bị đảm nhận chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân.

Tiểu Ðoàn 81 nằm dưới chân Ðồi Tử Chiến hướng Nam của 711.

Người tạm thời giữ chức tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lân khóa 15 Thủ Ðức. Ông Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lân chính là người mà tôi đã thay thế vài tháng trước đây.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tôi không rõ Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 81 đi đâu mà Thiếu tá Lân lại tạm thời đảm đương công tác chỉ huy đơn vị này.

Ngày 27 tháng 7 năm 1974 Việt-Cộng bắt đầu khởi động chiến dịch xóa sổ Căn Cứ Biên Phòng Pleime.

Ngay ngày đầu trận chiến, Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân đã bị đánh tan, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 81 bị Việt-Cộng chặt đầu, Thiếu tá Trần Văn Ngọc, Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 81 bị Việt-Cộng bắt làm tù binh, các đơn vị tăng viện cho Pleime đều bị địch cầm chân hay bị đẩy lui.

Thế là, chưa đầy bốn tháng sau ngày tử chiến để tranh giành Căn Cứ Hỏa Lực 711, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân và Sư Ðoàn F320A Cộng-Sản lại gặp mặt nhau.

Cũng vẫn tình trạng một chống với mười. Lần này trận thư hùng đã kéo dài tới 33 đêm ngày.

Trong trận Pleime năm 1974 tôi đã chứng tỏ cho Ðại tá Kim Tuấn, Tư lệnh Sư Ðoàn F320A Cộng-Sản thấy rằng:

“Ở Tây Nguyên, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân là vô địch!”

Diễn tiến của trận Pleime năm 1974 đã được tôi trình bày đầy đủ trong tác phẩm “Trận Pleime năm 1974”

Trưa 15 tháng 9 năm 1974 tôi đã dẫn đầu đoàn quân hiên ngang tiến vào Sân Vận Ðộng Pleiku trong một rừng cờ hoa và biểu ngữ.

Hôm đó toàn dân thành phố Pleiku đã đình công bãi thị để hân hoan chào đón Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân vừa chiến thắng trở về.

Chiến thắng Pleime năm 1974 của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân cũng là chiến thắng sau cùng của quân ta trên Cao Nguyên Vùng 2.

Sau khi bàn giao Pleime cho một đơn vị bạn, tôi đem quân đi khai thông Liên Tỉnh Lộ 8B cho tỉnh Quảng-Ðức.

Trên đường đi giải vây cho Quảng-Ðức, tôi đã dừng quân ở Ban Mê Thuột một đêm. Dịp này tôi đã được gặp mặt vợ con vài tiếng đồng hồ.

Rồi tôi được nghe vợ tôi kể chuyện nàng sinh đứa con gái thứ ba vất vả như thế nào.

Ở Ban Mê Thuột, từ sáng 15 tháng 4, vợ tôi đã chuyển bụng, nhưng mẹ vợ tôi đi vắng nên chần chờ mãi bố vợ tôi mới chở vợ tôi tới bảo sanh viện.

Hai lần trước, vợ tôi sinh con rất nhanh, lần này lại quá khó khăn.

Bà mụ tỏ ra rất lo lắng, vì đứa bé này thật là khó tính; nó cứ đòi ra bằng mông.

Trong thời gian gần ba tiếng đồng hồ, bà mụ cứ cố gắng xoa xoa, nắn nắn cái bụng bầu để xoay cho cái thai đi theo chiều tự nhiên.

Cuối cùng cháu bé cũng chịu nghe lời bà mụ, nó xoay mình trở lại, rồi ra đời, mẹ tròn con vuông.

Vợ tôi sinh em bé xong rồi bà mẹ vợ tôi mới kịp về trông nom con gái.

Tới xế trưa, bố vợ tôi lại vào thăm cháu ngoại, rồi buột miệng nói rằng,

– Tao gọi điện thoại cho Biệt Ðộng Quân để báo cho thằng Long hay rằng vợ nó vừa đẻ con gái thì tụi Biệt Ðộng Quân trả lời rằng tiểu đoàn của thằng Long vừa bị Việt-Cộng tấn công tràn ngập, mất liên lạc rồi. Khi nào có tin tức mới thì chúng nó sẽ cho biết.

Vợ tôi nghe được câu này thì hai mắt tối sầm, không còn cảm biết gì nữa.

Sau khi được cạo gió, xức dầu, tỉnh lại, nàng nghe tiếng bà mẹ trách ông bố,

– Cái ông này! Chuyện như thế mà ông lại nói cho nó biết, làm cho nó bị xỉu! Thôi! Nó đã tỉnh rồi, ông đừng nhắc tới chuyện đó nữa!

Nghe chuyện kể, tôi thấy, vào ngày đơn vị tôi bị địch tràn ngập, phải chăng, nhờ thần giao cách cảm mà con tôi đã biết bố nó đang lâm nguy nên nó không chịu yên tâm chào đời một cách bình thường?

(còn tiếp)