Hai kỳ – kỳ 1
Từ giữa tháng 10 năm 1972, sau khi rời Đức Cơ, tôi được lệnh trở về đảm đương chức vụ Trưởng Phòng 2 Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân/Quân Khu 2.
Giữ chức vụ Trưởng Phòng 2 Biệt Động Quân/ Quân Khu 2, tôi đương nhiên mang danh là một quân nhân “Bán Tác Chiến”.
“Bán Tác Chiến” có nghĩa là một nửa làm lính văn phòng, một nửa kia làm lính đánh giặc
Vì thế mà, mỗi lần leo lên trực thăng, coi như tôi đã là một anh lính đánh giặc.
Mà làm một người lính đánh giặc thì không biết mỗi lần ra đi, liệu có hy vọng trở về bình an hay không?
Cuối năm 1972, xung quanh Pleiku, Kontum phòng không của địch dày đặc, mỗi lần bay vào vùng thả toán, bốc quân, coi như bay vào tử địa. Vài ngày một lần tôi phải thả toán, bốc toán; vài ngày một lần tôi lại phải cám ơn Thượng Đế đã che chở cho tôi vừa thoát chết sau một lần máy bay bị bắn mà không hề hấn gì.
Đã thế, cứ đêm nào xảy ra chuyện một đơn vị Biệt Động Quân Vùng 2 bị Việt Cộng tấn công thì tôi lại phải leo lên máy bay Hỏa Long bao vùng 2 hay 3 giờ đồng hồ để trực tiếp yểm trợ.
Cũng nhờ những chuyến Hỏa Long bay đêm, mà tôi đã có dịp thấy tận mắt một trời chói sáng như đêm hoa đăng vì đạn phòng không 37 ly và 100 ly của địch.
Như bao nhiêu người vợ lính khác, vợ tôi cũng lo âu từng ngày, từng giờ.
Có lần mẹ tôi vào thăm con dâu và đứa cháu nội.
Suốt ngày bà cứ quấn quýt bên đứa cháu gái, mà không hề để ý tới đứa con dâu.
Xế chiều, người con dâu dọn cơm cho mẹ chồng rồi mời,
– Mẹ ăn cơm trước đi rồi bế cháu. Chắc chiều anh Long mới về.
Một giờ sau, cháu gái đã ngủ say, thấy mâm cơm còn bị che bởi cái lồng bàn, bà mẹ chồng thắc mắc,
– Bộ ngày nào mày cũng chờ nó về rồi mới cùng nhau ăn cơm sao?
– Vâng! Con không an tâm ăn một mình nếu anh ấy chưa về! Mẹ đừng lo! Con chờ quen rồi!
Mâm cơm đã nguội lạnh gần 2, 3 tiếng đồng hồ rồi mà con trai bà vẫn chưa về.
Hôm đó có lẽ là lần đầu bà mẹ chồng chợt cảm thông cho nỗi lo lắng của người con dâu…
Gần tối, có tiếng, “Bạch! Bạch! Bạch!…” từ sân trực thăng ngoài rào trại, người con dâu tươi tỉnh nói với mẹ chồng,
– Anh ấy về rồi! Anh ấy về rồi mẹ ơi! Mẹ trông cháu! Con đi hâm canh cho nóng…
Ngày mới cưới nhau, vợ chồng tôi về ở trong khu gia binh sĩ quan của Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân-Biển Hồ-Pleiku.
Một ngày mở radio, tôi nghe Thái Thanh hát,
“Em hỏi anh bao giờ trở lại…
Xin trả lời mai mốt anh về…
Anh trở về trong chiếc poncho….
Trên trực thăng sơn màu tang trắng…”
Thấy vợ mình đứng lắng nghe bên bếp, tôi vội vàng tắt máy đi, rồi ôm vợ vào lòng,
– Mình đừng lo! Mình đừng lo!…
Vợ tôi cũng bỏ đũa xuống, ôm tôi thật chặt, áp mặt vào ngực tôi,
– Em thương mình! Em thương mình!…
Hôm đó tôi đã cam đoan với vợ tôi rằng, tất cả trực thăng chuyển tải thương binh hay xác tử sĩ bắt buộc phải đáp ở Bệnh Viện Dã Chiến hay Quân Y Viện. Không bao giờ có chuyện trực thăng chở thương binh hay xác tử sĩ đáp xuống trại gia binh.
Từ ấy, mỗi khi tôi đi bay, vợ tôi vẫn lo, nhưng khi trực thăng quay về, nàng liền an tâm; nàng tin chắc rằng tôi về.
o O o
Sau chiến dịch Mùa Hè 1972 thì KonTum đã trải qua gần nửa năm yên tĩnh.
Tới cuối tháng 12 năm 1972 tình hình chợt sôi động hẳn lên. Có vẻ như Cộng Quân đang toan tính cô lập Kontum lần nữa.
Đoạn đường từ làng Plei Boy dưới chân đồi 722 tới chân núi Chư Pao, Kon Tum đêm nào cũng bị Việt Cộng đắp mô hay gài mìn.
Xe nhà binh hay xe chở khách nếu chạy thành đoàn thì thường xuyên bị bắn tỉa, còn chạy đơn độc lại dễ bị địch chặn bắt dẫn vào rừng, quân nhân thì bị trói đem đi, thường dân thì chỉ được thả sau khi đã đóng thuế cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Chiều ngày 31 tháng 12 năm 1972 tôi được lệnh tháp tùng Đại tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân/Quân Khu 2 lên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II trình diện Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn.
Khi tôi và ông Tất bước vào phòng Tư Lệnh thì nơi đây đã có hai ông trung tá đứng chờ, một ông là Trưởng Phòng 3, còn ông kia là Trưởng Phòng 2.
Ông Tướng Vùng cầm cái can chỉ huy quơ một vòng trước mặt 4 người chúng tôi rồi dõng dạc:
“Tau muốn Kontum được tiếp tế đầy đủ trước Tết Âm Lịch.Tau cho thời hạn một tuần lễ để tụi mi khai thông trục lộ 14. Không làm xong chuyện này thì tau sẽ cạo đầu tụi bây!”
Lệnh lạc của Tướng Vùng chỉ giản dị có vậy!
Sau đó chúng tôi xuống Phòng 2 nhận bản đồ tình hình địch, rồi qua Phòng 3 nhận phóng đồ hành quân cùng đặc lệnh truyền tin.
Ngay chiều hôm đó một Bộ Chỉ Huy Hành Quân Nhẹ được thành lập.
Tháng trước, khi còn ở Thanh An thì Bộ Chỉ Huy Hành Quân Nhẹ có đủ nhân viên từ Phòng 1 tới Phòng Truyền Tin, nhưng cuộc hành quân này lại chỉ có một mình tôi là trưởng phòng tháp tùng ông Đại tá Chỉ Huy Trưởng.
Ngày 2 tháng 1 năm 1973 tôi thức sớm, lên văn phòng cho lệnh thuộc cấp chuẩn bị sẵn sàng rồi về nhà ăn sáng.
Giờ chia tay, con gái tôi còn ngủ, bé giúp việc tên là Liên cũng còn ngủ ở phòng ngoài.
Tôi ôm hôn từ biệt vợ.
Vợ tôi, vẫn như thường lệ, áp mặt vào ngực tôi,
– Em thương mình! Em thương mình!…
Trong lúc ôm vợ, tôi ngại ngùng xoa bụng nàng, cái bụng tròn ủng sắp tới ngày sinh…
Vợ tôi sắp cho tôi đứa con thứ nhì…
Đứa con đầu của tôi là con gái, tôi đặt tên cho con là Đông Miên; bé Vương Đông Miên chào đời ở Ban Mê Thuột trong lúc tôi đang dẫn quân lặn lội trong rừng già Plei Trap Valley-Kontum.
Nay bé Đông Miên đã hơn một tuổi, nó sắp có em, chẳng rõ em của nó là trai hay gái…
Hôm qua tôi đã thông báo cho Thiếu tá Tài, Chỉ Huy Hậu Cứ biết rằng, trong thời gian tôi vắng mặt, không ai được quyền trưng dụng tài xế Lê Văn Tới và chiếc xe Jeep của Phòng 2. Bất cứ ai vi phạm lệnh này thì nhân viên trực của Phòng 2 phải vào máy truyền tin báo cáo cho tôi hay ngay lập tức. Chỉ mình Hạ sĩ Lê Văn Tới biết rằng chiếc xe Jeep phải túc trực trước nhà tôi dành cho nhiệm vụ gì.
8 giờ sáng ngày 2 tháng 1 chúng tôi lên đường. Toàn nhân số dưới quyền tôi chất không đầy 5 chiếc GMC 10 bánh.
Chúng tôi hạ trại trong Căn Cứ Hỏa Lực 40, nằm bên phải ngã ba đường rẽ vào Plei Mrong, đơn vị Địa Phương Quân đồn trú tại đây được lệnh di chuyển đi nơi khác.
Đại Đội 2 Trinh Sát Biệt Động Quân của Trung úy Thuận giữ nhiệm vụ bảo vệ an ninh căn cứ. Hai toán Viễn Thám Alpha và Beta thay phiên canh gác trước hai cái connect đặt giữa sân, một connect là phòng làm việc của tôi, connect thứ nhì là của Đại tá Tất.
Nỗ lực chính của cuộc hành quân này là Tiểu Đoàn 62 và Tiểu Đoàn 72 Biệt Động Quân.
Hai đơn vị này đã có mặt trong vùng hai cây số Bắc Căn Cứ 40 từ mờ sáng ngày hôm đó.
Sau khi bố quân xong, tôi gọi báo cho ông đại tá hay rằng mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng, chờ lệnh.
Giữa trưa, một trực thăng Hoa Kỳ có cái bảng đỏ với 2 sao trắng bên hông đáp trên quốc lộ.
Tôi nghĩ đây là trực thăng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, nhưng người nhảy xuống sau lưng Đại tá Tất lại là một ông tướng 2 sao của Hoa Kỳ.
Ông Thiếu tướng Hoa Kỳ đội trên đầu một beret màu xanh của Lực Lượng Đặc Biệt.
Tôi dẫn ông Thiếu tướng Mỹ và Đại tá Tất vào phòng của ông Tất.
Hai ông ngồi xuống chiếc giường bố của Đại tá Tất.
Đại tá Tất cho tôi hay ông Tướng Mỹ này ngày xưa là cố vấn đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt của ông Tất khi cả hai ông còn mang cấp bậc thiếu tá.
Thiếu tướng Michael Healy là một người lớn tuổi, vẻ mặt rất hiền từ, hiện thời ông là Cố Vấn Hoa Kỳ của Quân Đoàn II.
Đại tá Tất giới thiệu tôi với ông Tướng Mỹ,
– Đây là người biết tất cả những gì liên quan tới địch trong vùng này.
Tướng Healy từ tốn hỏi tôi.
– Phối trí địch ra sao? Các anh cần gì?
Chỉ tay lên từng ký hiệu địch trên bản đồ tình hình vùng hành quân tôi nói,
– Theo ước tính của tôi thì lực lượng địch bám trụ dọc quốc lộ không lớn hơn cấp tiểu đoàn. Nếu chỉ đánh địch cấp tiểu đoàn thì chúng tôi có đủ nhân lực và hỏa lực. Nhưng ông Toàn muốn Quốc Lộ 14 yên tĩnh lâu dài, mà muốn tình hình yên tĩnh lâu dài, chúng tôi cần đánh địch từ xa…
Mắt ông Tướng Mỹ chợt sáng lên,
– Ý anh muốn B52?
Tôi đáp liền,
– Phải! B52…
Thiếu tướng Healy nhìn Đại tá Tất với vẻ mặt có chút nghi ngờ, không tin tưởng,
– Tất! Người này chỉ là một đại úy!
Đại tá Tất vừa cười, vừa thân mật trả lời,
– Mike! Tôi biết Long là người đã từng nhiều lần trực tiếp thám sát mục tiêu, thiết lập mục tiêu và khai thác mục tiêu sau khi B52 oanh tạc.
Tướng Healy ngẫm nghĩ vài giây rồi hỏi tôi,
– Mục tiêu?
Tôi chỉ tay lên bản đồ, vùng có ngọn núi Chi Pou cách cầu Ia Tower gần 3 cây số về hướng Đông.
– Tôi chỉ xin ưu tiên một Box tại đây. Còn những mục tiêu đánh chặn từ xa thì đều nằm bên hướng Tây sông Pơ Kô. Tôi đã thông báo cho Quân Đoàn II những mục tiêu đó rồi.
Chợt nhớ ra tấm bản đồ có sẵn những Box 52 tiên liệu mà chiều qua tôi đã vẽ, rồi sao chép lại cho ông Trung tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 của Quân Đoàn II, tôi vội nói,
– Chờ tôi 1 phút!
Tôi lục balo lấy ra tấm bản đồ mục tiêu B52 dự trù; cẩn thận dùng bút bi vẽ thêm một Box ô vuông 1×1 km phủ trùm ngọn núi Chi Pou, rồi đưa cho ông cố vấn Mỹ.
Tướng Healy nhận tấm bản đồ, chăm chú nhìn một phút rồi gật gù,
– Tuyệt! Tuyệt!
Tiếp đó ông Tướng Mỹ gấp tấm bản đồ lại, nhét nó vào cái túi ngực của chiếc áo lưới khoác ngoài.
Cái túi này có khóa răng cưa bằng nhôm.
Sau đó, Thiếu tướng Healy nắm tay Đại tá Tất đứng lên.
Trước khi rời bước, ông Thiếu tướng Hoa Kỳ thân mật vỗ vai tôi,
– Người trẻ tuổi! Rất tốt! Rất tốt!
Ngày 3 tháng 1 hai cánh quân của Tiểu Đoàn 62 và Tiểu Đoàn 72 Biệt Động Quân chỉ tiến được vài cây số.
Sự chậm trễ không vì sức đề kháng của địch mà vì mìn bẫy quân ta đã để lại đầy rẫy trong rừng.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 4 tháng 1 tôi nghe có tiếng bom B52 vùng Tây của Thác Yaly.
Tới 3 giờ sáng tôi lại nghe B52 đánh một Box nữa. Có lẽ bom rơi đâu đó trong rừng hướng Tây của núi Chư Pa.
Hình như hai Box B52 này nằm trong số những mục tiêu mà tôi đã đề nghị trên cái bản đồ mà tôi đã đưa cho Tướng Healy…
Mờ sáng ngày 4 tháng 1 Phòng 2 Quân Đoàn II gọi điện thoại báo cho Đại tá Tất hay rằng đúng 30 giây trước 5 giờ thì B52 sẽ trải thảm trên Chi Pou.
5 giờ kém 2 phút, tôi ra lệnh cho toàn thể chiến binh của Tiểu Đoàn 62 phải xuống hố cá nhân để tránh ảnh hưởng của bom nổ. Cánh quân đi bên phải Quốc Lộ 14 của Tiểu Đoàn 62 là đơn vị gần Chi Pou nhất.
Đúng 5 giờ, B52 bắt đầu trút bom, không gian chỉ còn tiếng xé gió, “Ủn! Ủn!…Ú! Ú!…” vài giây sau là tiếng nổ, “Ùm!Ùm! Ùm!…”
Tôi đứng ở nơi cách xa mục tiêu cả chục cây số mà còn cảm như mặt đất hơi rung.
Chừng nửa phút sau, một cột khói đen dâng lên cuồn cuộn. Một khu núi rừng có diện tích vuông, mỗi chiều 1km đã thành bình địa.
Nhìn lên trời, tôi chỉ thấy 3 vệt khói trắng vừa quẹo thành chữ U. Những chiếc pháo đài bay B52 đến đây từ hướng biển, đánh bom xong chúng lại bay ra biển.
Quân Đoàn II xác nhận rằng hai Box B52 chiến lược vùng Tây của Thác Yaly vì ở quá xa, nên không cần kiểm chứng.
Biệt Động Quân chỉ có trách nhiệm khai thác kết quả oanh kích trên Box B52 chiến thuật vùng Chi Pou mà thôi.
Nhận lệnh này, tôi cho toán Viễn Thám Alpha của Trung sĩ Lê Nhơn sẵn sàng.
Mặt khác, tôi và Trung sĩ Trương Tô Hà cùng một máy truyền tin PRC 25 cũng sẵn sàng.
Đúng 9 giờ sáng, 2 trực thăng võ trang Cobra và 2 UH-1D xuất hiện.
Một UH-1D giữ vai trò chỉ huy và cứu nguy C&C, chiếc còn lại giữ vai trò thả toán. (C&C = Command and Control)
Tôi và Trung sĩ Hà leo lên C&C, toán Alpha leo lên chiếc UH-1D còn lại.
Trong khi 2 chiếc Cobra bắn phá khu rừng hướng Đông, chiếc trực thăng chuyển quân bất ngờ sà xuống triền Tây của Chi Pou để Alpha chiếm bãi.
Nào ngờ! Bãi đáp bỗng ùn ùn bốc khói! Cả chục trái B40 nhắm giữa khu đồng tranh bay tới.
Địch không ẩn trong rừng hướng Đông, mà lại nằm phục dưới khe hướng Tây!
Thì ra, trong thời gian 4 tiếng đồng hồ kể từ khi bom rơi đến khi Viễn Thám lên vùng, địch đã khôn ngoan chuyển quân từ nơi khác tới mai phục. Chúng không núp trong rừng, mà ẩn dưới thông thuỷ!
May mắn là, địch nổ súng sớm quá, Alpha chưa kịp nhảy ra khỏi tàu.
Thấy nguy, anh pilot Mỹ vội kéo cần lái cho trực thăng vọt về hướng Bắc.
Tới lúc này 2 khẩu phòng không 12.7 ly của Việt Cộng nằm trên ngọn đồi nhỏ cách Chi Pou cỡ một cây số về hướng Đông mới khai hỏa.
Hai chiếc trực thăng võ trang phản ứng rất nhanh, chúng chúc xuống thật thấp, bay tuốt lên hướng Bắc rồi mới quẹo về phải, tưới từng tràng 40 ly sau lưng 2 khẩu 12.7 ly của địch.
Chiếc C&C của tôi cũng vút lên thật cao.
Tôi nhìn thấy dưới kia, chiếc trực thăng chở quân đảo qua, đảo lại mấy lần rồi sà xuống lết đuôi trên mặt quốc lộ.
Vậy là, chiếc trực thăng đó đã bị trúng đạn, không rõ có ai chết hay bị thương không?
Tàu của tôi “hover” trên cao theo dõi. (Hover=Bay lơ lửng tại chỗ)
Khi chiếc UH-1 chuyển quân đáp trên mặt đường, cánh quạt còn quay, 7 người, gồm 4 Mỹ, 3 Việt đã nhảy xuống chạy vào bìa đường.
Chiếc C&C của tôi đáp xuống ngay sau đó, vớt 7 người lên.
May quá! Không có ai bị thương.
Cobra tiếp tục tưới đạn, đồng tranh bốc cháy, khói đen mịt mù.
Toán Viễn Thám thứ nhì của Trung sĩ Thìn được lệnh ra khỏi Căn Cứ 40 chạy một mạch tới canh gác an ninh chỗ chiếc trực thăng rơi. Tiếp đó Đại Đội 2 Trinh Sát Biệt Động Quân cũng được lệnh lên tiếp tay cho Viễn Thám.
Chỉ 10 phút sau, 2 oanh tạc cơ A 37 của Hoa Kỳ đã có mặt trên vùng cùng một thám thính cơ O2.
Đại tá Tất ra lệnh cho tôi đáp xuống đất để lo việc an ninh công tác thu hồi chiếc trực thăng lâm nạn.
Người thay thế tôi bay C&C giữ vai trò liên lạc với viên sĩ quan Hoa Kỳ đang có mặt trên chiếc O2 là Trung tá Dương Đức Mai, Sĩ Quan Phụ Tá Hành Quân của Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân /Quân Khu 2.
Trung tá Mai vừa từ Pleiku lên tham dự hành quân trước đây chừng nửa giờ.
Hôm đó cả một vùng trời hướng Đông cầu Ia Tower, nơi ranh giới giữa hai tỉnh Pleiku và KonTum bị bao phủ bởi một màn khói bom mù mịt.
Không Quân Mỹ được một ngày tha hồ bắn phá.
Hai giờ sau, chiếc trực thăng lâm nạn được Chinook tới câu đi.
Sau sự việc này, công tác khai thác mục tiêu Chi Pou bằng Viễn Thám của tôi bị hủy bỏ.
Chiều hôm đó khi đi qua lều của Thiếu úy Võ Văn Phương, người chăm sóc và trang bị cho 2 toán Viễn Thám, tôi nghe ông già Phương càm ràm,
– Hôm nay tụi mi gặp “día” xấu mà không chết là may lắm đó!
Một viễn thám viên khác chen vào,
– Đúng đó! Vợ thằng Nhơn có bầu sắp đẻ. Nó mang vía nặng như rứa mà làm chỉ huy toán.Tụi mi hên lắm mới không chết!
Nghe chuyện, tôi vội bước lẹ về phòng chỉ huy.
Chắc bọn đàn em của tôi không biết chuyện bà xã của Anh Hai, tức Đại úy Vương Mộng Long, người trực tiếp chỉ huy của chúng nó cũng sắp… bể bầu … không biết ngày nào!
(còn tiếp 1 kỳ)