Hai kỳ – kỳ 2
Tối đó, tôi ngồi một mình trong connect nhâm nhi một chai bia cổ cao, ngẫm nghĩ mãi về cái chuyện “día” nặng, “día” nhẹ …
Tôi chợt nhớ, năm 1971 ở khu gia binh sĩ quan tham mưu của Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân /Quân Khu 2 cũng có 2 bà bầu.
Một bà là phu nhân của Đại úy Đào Ngọc Minh Hùng, Trưởng Phòng 3, bà kia là phu nhân của Đại úy Vương Mộng Long, Trưởng Phòng 2.
Vợ Đại úy Hùng đang mang bầu đứa con thứ nhì hay thứ ba gì đó; còn bà xã của tôi thì đang mang bầu đứa con đầu lòng.
Sáng sớm một ngày đầu mùa Thu, tôi leo lên một chiếc trực thăng bay về Kon Tum, hướng Bắc; Đại úy Đào Ngọc Minh Hùng leo lên một trực thăng khác bay về Pleime, hướng Nam.
Xế chiều, tôi đang ở Bộ Chỉ Huy 22 Chiến Thuật -Kon Tum thì nghe tin máy bay của Đại úy Hùng đã bị Việt Cộng bắn rơi.
Trong tai nạn này chỉ có 2 anh xạ thủ người Mỹ chạy thoát. 4 người còn lại đều bị thương, rồi bị địch chém chết.
4 người bị giết hôm đó gồm có Đại úy Đào Ngọc Minh Hùng, người lính mang máy truyền tin cho ông Hùng và 2 phi công Hoa Kỳ.
Hai anh xạ thủ khai rằng trên đường từ Pleime qua Plei Djereng chỉ vì phi công đã bay vừa chậm, lại vừa thấp, nên làm mồi cho du kích Thượng.
Xưa, tôi có nghe truyền miệng rằng, nếu người vợ mang bầu thì người chồng dễ gặp nạn, tôi chẳng thèm tin.
Nay chuyện Trung sĩ Nhơn xém chết lại thêm nhớ chuyện Đại úy Đào Ngọc Minh Hùng, khiến tôi cứ thao thức không ngủ được.
Nửa đêm, chợt tiếng súng nổ ran ngoài rào, tiếp đó là tiếng lựu đạn, tiếng mìn Claymore phát nổ ầm ầm…
Tôi phóng ra ngoài, lao tới tuyến phòng thủ của Trung uý Thuận.
Chú Thuận nói,
– Trình Thái Sơn, tụi Việt Cộng tính phá rào nhưng bangalore vướng lựu đạn gài phát nổ. Chắc tụi nó rút đi rồi!
Kiểm điểm lại, quân ta chỉ có một người bị thương nhẹ. Anh lính trẻ măng này ngồi trên chòi gác cao ngất mà cũng bị mảnh lựu đạn ghim vào hông, trong khi đó những người khác đứng, ngồi, lố nhố trong sân căn cứ và dưới giao thông hào lại chẳng hề hấn gì.
Pháo binh bắn cận phòng liên tục sát rào và hỏa châu cứ lập loè trên trời cho tới sáng.
Sáng hôm sau quân của Trung úy Thuận ra ngoài lục soát. Kết quả có 3 tên địch chết tại chỗ, một tên khác bị bắn què chân nằm bẹp chờ bị bắt. Thằng địch khai là người của Tiểu Đoàn 37 Đặc Công Cộng Sản.
Sau khi chiếc xe GMC chở tên tù binh và 3 cái xác Đặc Công khuất bóng, tôi chợt bật cười, rồi nói chỉ một mình tôi nghe,
“Día nặng với día nhẹ cái con tiều! Thằng lính gác trên chòi chắc gì đã có vợ? Mấy thằng Đặc Công Việt Cộng chắc gì có vợ đang mang bầu mà cũng chết, cũng bị thương đó thôi!”
Sáng ngày 5 tháng 1 năm 1973 Đại tá Chỉ Huy Trưởng ra lệnh cho Trung tá Mai phải lên tuyến đầu, đi bộ cùng Tiểu Đoàn 72 để chỉ huy đơn vị này tiến nhanh hơn.
Chiều 5 tháng 1 năm 1973 thì Tiểu Đoàn 72 bắt tay được tiền đồn Chư Pao nằm bên Quốc Lộ 14. Nhiệm vụ của Tiểu Đoàn 72 coi như hoàn tất.
Trong khi đó thì Tiểu Đoàn 62 vẫn ì ạch, chưa vượt qua được cái thung lũng giữa Quốc Lộ 14 và núi Chi Pou.
Tối ngày 5 tháng 1 năm 1973, Đại tá Chỉ Huy Trưởng than phiền với tôi,
– Nếu nội nhật ngày mai mà thằng 62 không chiếm được Chi Pou thì tui và Long phải nhảy xuống để trực tiếp chỉ huy và thúc đít tụi nó.
8 giờ sáng 6 tháng 1 năm 1973 trực thăng chở tôi và Đại tá Tất đã có mặt trên không phận đoạn Quốc Lộ 14 nằm giữa núi Chư Pao và núi Chi Pou.
Hôm ấy là Mùng 3 tháng Chạp Âm Lịch cũng là ngày đầu của tiết Tiểu Hàn.
Hai cửa của trực thăng mở rộng tối đa.
Lạnh quá! Hai hàm răng của tôi cứ đánh bò cạp không ngừng.
Trên ghế đối diện, tôi thấy Đại tá Tất cũng thở ra khói trắng.
Sau 2 phi tuần, với 4 phi suất F4 C của Hoa Kỳ thì đỉnh núi Chi Pou đã ngùn ngụt khói đen, bụi đỏ …
Hết không kích, tôi cho Trung Đội Pháo Binh 155 ly từ Căn Cứ 41 đánh tiếp hai chục tràng trên mục tiêu.
Chờ tới 10 phút sau khi pháo yểm chấm dứt mà Tiểu Đoàn 62 vẫn chưa thấy động tĩnh gì, Đại tá Tất mất kiên nhẫn, bèn vào máy cằn nhằn,
– Không yểm có rồi, hỏa yểm có rồi! Các anh còn chờ gì nữa mà chưa chịu tiến lên?
Đầu máy bên kia là tiếng lắp bắp của ông Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng,
– Dạ! Dạ! Trình Trường An! Tụi tui đang xung phong đây!
Ông Thiếu tá này mới từ Vùng 3 ra, nhận chức vụ chỉ huy Tiểu Đoàn 62 sau khi Đại úy Lê Thanh Phong, Tiểu Đoàn Trưởng 62 đã bị Việt Cộng bắt làm tù binh cách nay một tháng.
Chắc ông ta còn lạ lẫm với địa thế núi rừng hiểm trở của Vùng 2 và chưa từng quen với cung cách đánh giặc của Biệt Động Quân Vùng 2 là nhanh, mạnh, gọn, lẹ.
Vì thế, ông ta điều quân có vẻ quá thận trọng và hơi chậm chạp.
Mãi tới hơn 9 giờ sáng ngày 6 tháng 1, cánh quân tiên phong của Tiểu Đoàn 62 mới đặt chân lên mục tiêu.
Thiếu úy Mạch Thiệu Hùng, Sĩ Quan Tùy Viên của Đại tá Tất đang theo dõi tần số nội bộ của Tiểu Đoàn 62 nói,
– Trình Trường An! Hai đại đội đã có mặt trên Chi Pou!
Chiếc C&C đảo một vòng sát đỉnh núi.
Những chiến binh đứng dưới đất ngửa cổ nhìn lên.Thấy chúng tôi thì họ giơ tay vẫy vẫy…
Đại tá Tất vỗ vai viên phi công ra lệnh cho anh ta hạ cánh.
Hai càng của trực thăng còn chưa chạm đất, tôi cùng Đại tá Tất và Thiếu úy Hùng đã nhảy xuống.
Hình như ông Tiểu Đoàn Trưởng còn đang trên đường leo lên con dốc hướng Tây.
Ông Đại úy Tiểu Đoàn Phó, áo giáp, nón sắt đầy đủ, tới trình diện, rồi dẫn Đại tá Chỉ Huy Trưởng đi một vòng thị sát chiến trường.
Tôi thấy, trên mặt mục tiêu và trên triền dốc có cả chục hố bom B52 khổng lồ nằm cách nhau rất đều.
Một vùng rộng lớn đã bị đất đỏ phủ kín, cây cối thì bị gãy ngang hoặc bật rễ.
Ruồi nhặng và ong đen cứ kêu vo ve và bay thành đàn bu kín những vũng máu và xác chết.
Trên mục tiêu, có khoảng một chục khẩu súng cá nhân bị bắn gãy và gần 2 chục tử thi Việt Cộng mới chết vì phi pháo.
Sau khi đi một vòng quan sát trận địa, chúng tôi trở lại bãi đáp, cũng đúng vào lúc ông Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng vừa leo đến đỉnh đồi.
Ông ta chưa kịp trình diện thượng cấp thì trực thăng đã quay trở lại.
Đại tá Tất và Thiếu úy Hùng lên máy bay bằng cửa bên phải, tôi lên bằng cửa bên trái.
Dưới bãi cỏ tranh, ông thiếu tá đứng nghiêm, kính cẩn đưa tay chào.
Gió của cánh quạt trực thăng khiến ông thiếu tá ngả về trước, rồi ngả về sau, giống như hình ảnh một ông bù nhìn bằng rơm đang đứng đuổi chim trên ruộng lúa lúc trời lộng gió.
Từ hôm đó về sau, tôi không còn dịp nào gặp lại ông thiếu tá này, không biết ông ta đã đi đâu và có còn sống không?
Trường An cho lệnh Tiểu Đoàn 62 tiếp tục lục soát khu rừng rậm hướng Đông.
Một giờ sau, tôi nghe báo cáo rằng trong rừng có nhiều hố chôn người tập thể.
Có lẽ bọn Việt Cộng này đã chết vì B 52 ngày 4 tháng 1 vừa qua, nhưng không rõ chính xác là có bao nhiêu tên địch đã bị loại.
Đến 12 giờ hơn thì trực thăng đáp xuống Căn Cứ 40 cho chúng tôi ăn cơm và phi cơ đi đổ xăng.
Vừa bước chân tới cửa lều hành quân, tôi đã được thông báo rằng hậu cứ có chuyện cần thông báo.
Đầu máy bên kia có tiếng Trung sĩ Nguyễn Văn Đằng,
– Trình Đại úy! Sáng nay Hạ sĩ Tới đã chở chị ra Nhà Bảo Sanh ngoài Pleiku. Chị mới sinh được một bé gái, chị và cháu bình an.
Nghe tin này tôi nôn nóng muốn bay về Pleiku ngay, nhưng với nhiệm vụ phải liên tục theo dõi diễn tiến hành quân, tôi đành gác mối lo gia đình sang bên.
Tiếp đó máy bay quay trở lại, chúng tôi tiếp tục công tác mở đường.
Tới 2 giờ chiều, các đơn vị an ninh quốc lộ báo cáo rằng tất cả chướng ngại vật trên trục giao thông đã được dẹp sạch và Công Binh cũng báo rằng công tác dò mìn mặt đường đã hoàn tất, bảo đảm an toàn cho mọi loại xe.
Đúng 2 giờ 30 phút chiều ngày 6 tháng 1 năm 1973, đoàn xe hàng trăm chiếc gồm cả quân sự và dân sự chuyên chở lương thực, đạn dược, xăng dầu, tiếp tế cho Kontum bắt đầu lăn bánh.
Một thám thính cơ Hoa Kỳ và chiếc C&C của chúng tôi cứ bay đi, bay lại nhiều lần trên đoạn đường từ làng Plei Boy, Pleiku tới núi Chư Pao, Kon Tum để canh chừng.
Dưới kia, đoàn xe đã vào địa phận Kon Tum, đi qua cầu Dak Bla, rồi chui vào những dãy phố.
Thế là, Quốc Lộ 14 đã được khai thông sau thời gian gần một tháng mất an ninh.
5 giờ chiều ngày 6 tháng 1 tôi thở ra nhẹ nhõm rồi cho lệnh đóng đường.
Thấy lạnh, tôi móc túi tìm bao thuốc lá Lucky, cái bao trống trơn, hết thuốc rồi!
Ông đại tá thông cảm, đưa bao Gitanes cho tôi,
– Hút đỡ đi! Gitanes nặng hơn Lucky một chút thôi!
Tôi chưa kịp bật lửa châm thuốc thì ông Tất đã cười hì hì,
– Thế là tụi mình hết lo bị cha Toàn cạo đầu!
Ghi chú: “Cha Toàn” tức là Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2.
Tôi buột miệng,
– Ông Toàn thô lỗ quá! Lần sau đại tá có lên quân đoàn họp thì đừng bắt tôi đi theo nữa.
Ông đại tá cười,
– Cha Toàn tuy thô lỗ nhưng không phải loại người thâm hiểm. Mình không sợ những người nóng nảy, cục cằn, nhưng lúc nào cũng phải đề phòng bọn gian ác đội lốt người lương thiện.Tụi giả nghĩa, giả nhân, trước mắt mình thì tươi cười xu nịnh, nhưng bất cứ lúc nào chúng nó cũng có thể đâm sau lưng mình. Mình chết rồi mà vẫn chưa hay!
Tôi chẳng biết Đại tá Tất có ý ám chỉ ai là bọn thâm hiểm, giả nghĩa, giả nhân trong câu nói này nên chỉ gật đầu ậm ừ cho qua.
Một phút sau Đại tá Tất vỗ vai tôi; giọng ông thật là dịu dàng,
– Ta vừa nghe nói bà xã chú mới đập bầu sáng nay? Chú có thể về hậu cứ được rồi đó!
Tôi cảm động cầm tay ông sĩ quan đàn anh,
– Cám ơn Trường An!
o O o
Tiếp đó, tôi mượn chiếc Jeep của ông Tất, ra dấu cho anh tài xế lui xuống ghế sau, nhường ghế trước cho Binh 1 Yang ôm khẩu M16.
Binh 1 Yang là anh lính cận vệ của tôi.
Tôi ôm vô lăng xe, rồi tống ga. Chiếc Jeep lao như bay về hướng Pleiku.
Thành phố Pleiku đã bắt đầu lên đèn.
Trong Nhà Bảo Sanh, tôi đứng bên cái giường sản phụ.
Tôi cầm tay vợ, tay nàng hơi lạnh.
Tôi úp hai tay tôi phủ kín bàn tay trái của nàng.Tôi đang chuyển hơi ấm từ trái tim tôi sang trái tim người mẹ của hai đứa con tôi.
Tôi nhủ thầm, “Tội nghiệp vợ tôi! Tội nghiệp vợ tôi!”
Vợ tôi ghé đầu qua bên phải, ra dấu cho tôi nhìn một hình hài bé nhỏ nằm bên cạnh nàng,
– Mình xem! Con gái của tụi mình có đẹp không?
Con tôi đang ngủ, hình như Bà Mụ đang dạy nó cười, cái miệng của nó nhỏ xíu, xinh xinh, chúm chím như một nụ hoa.
Tôi đưa một ngón tay quệt lên má con bé, rồi trả lời vợ một cách rất là tự tin,
– Mình không nghe người ta nói rằng con gái Pleiku đẹp nhất nước sao?
Vợ tôi chợt hỏi,
– Mình định đặt cho con tên gì vậy?
Tôi chưa kịp trả lời thì chú tài xế đã hối hả chạy vào,
– Trường An vừa gọi về nói, sáng sớm mai Băng Điền phải trả xe cho ông ấy!
Tôi đưa tay ra dấu cho ông tài xế của Đại tá Tất lui ra.
Sau đó, cầm tay vợ, tôi chậm rãi nói ra cái ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu
– Kỳ hành quân này danh hiệu truyền tin của anh là Băng Điền. Con chúng mình chào đời đúng vào ngày Quốc Lộ 14 được khai thông.Cái danh hiệu Băng Điền vừa đẹp lại vừa hên.Tụi mình đặt tên cho con là Vương Băng Điền nhé!
Vợ tôi nhoẻn miệng cười, rồi gật đầu,
– Tùy ý mình!
Thế rồi, 3 tuần lễ sau ngày bé Vương Băng Điền chào đời, Hiệp Định Paris có hiệu lực, lệnh đình chiến được thi hành, toàn cõi Việt Nam Cộng Hòa tạm thời ngưng tiếng súng giao tranh…
o O o
Năm mươi năm sau…
Một ngày tháng Chạp Âm Lịch, trên đường phố Seattle, USA có cơn gió nhẹ lướt qua làm cho tôi rùng mình ớn lạnh.
Thì ra trời đã sang tiết Tiểu Hàn!
Hiện nay, dù đang sống ở Bắc Bán Cầu, 4 mùa quen với nhiệt độ thấp, tôi vẫn có cảm giác rằng, ngày đầu tiết Tiểu Hàn thường lạnh hơn nhiều so với những ngày trước đó, giống như cảm giác tôi đã trải qua thời còn ở Việt Nam.
Trên không có chiếc trực thăng vừa mới bay ngang.
Hình như chiếc trực thăng này của quân đội vì nó sơn màu xám.
Nhìn theo hình bóng chiếc trực thăng khuất dần trong mây, tôi chạnh lòng nhớ lại một ngày Tiểu Hàn trên Quốc Lộ 14 nối liền Kon Tum-Pleiku năm nào…
VML
Seattle, tháng 1 năm 2023