Lời Giới Thiệu:  Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.

Tới vị trí tiểu đoàn, tôi thở phào khi biết quân ta không có tổn thất nào.

Thiếu úy Việt là người chỉ huy đợt 1 báo cáo rằng không rõ trong căn cứ có bao nhiêu tên địch, nhưng vì bị đánh bất ngờ, chúng không phản ứng kịp, đợi khi quân ta khuất dạng chúng mới bắn theo vài ba tràng tiểu liên.

Thiếu úy Phước báo cáo rằng lúc quân ta xung phong đợt hai thì nghe có tiếng người rên la vì bị thương, nhưng chúng cũng không bắn lại, có lẽ vì trời tối, chúng sợ bắn lầm vào nhau?

Chiến thuật mà tôi vừa sử dụng để càn quét Plei Ngol Ho là do tôi học lóm được từ Trung Ðoàn E48 Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản.

Mỗi khi cần thanh toán một mục tiêu dã ngoại hay cứ điểm không có hàng rào vững chắc thì E48 cho quân dàn hàng ngang, ném thủ pháo ào ào, rồi vừa chạy vừa bắn, không đứng lại thu chiến lợi phẩm hay chiếm giữ công sự, hầm hào.

Sau khi lướt qua mục tiêu thì tất cả cán binh đồng loạt rẽ trái hay rẽ phải để về điểm tập họp đã định sẵn.

Cứ thế, sau vài đợt xung phong bắn giết, họ mới cho quân vào lục soát mục tiêu, thu nhặt chiến lợi phẩm và bắt giữ tù binh.

Chiến thuật này cũng rất hữu hiệu khi được sử dụng để triệt hạ những đơn vị mở đường và giữ đường.

Tới 10 giờ đêm thì máy bay võ trang AC47 Hỏa Long lên bao vùng.

Tôi nằm lăn trên poncho ngủ sau khi nhờ Hỏa Long liên tục tưới đạn trên Plei Ngol Ho và làng Siêu 1.

Ngày 17 tháng 4 năm 1974

5 giờ sáng 17 tháng 4 tôi cho Ðại Ðội 1 men theo triền dốc hướng Tây tỉnh lộ rồi từ từ tiến về 711.  Trước khi trời sáng thì quân ta đã âm thầm áp sát bờ đất hướng Bắc của căn cứ.

Ðúng 6 giờ, Thiếu úy Tô báo cho tôi hay trong đồn 711 không còn tên địch nào cả.

Từ trưa tới chiều ngày hôm đó tôi tiếp tục dùng pháo binh đánh phá Plei Ngol Ho và làng Siêu 1.

Tối 17 tháng 4 Thiếu úy Trần Văn Phước và Chuẩn úy Nguyễn Văn Trâm chỉ huy 12 anh Trinh Sát thực hiện một cuộc tấn kích nửa khuya, mục tiêu là làng Siêu 1.

Cú đột kích sẽ không có pháo yểm.

Toán quân này xuất phát từ Ðại Ðội 1, rồi len lách theo bìa rừng bên trái của tỉnh lộ, sau đó đổ dốc đánh địch từ phía sau lưng.

Kết quả, một tiểu đội Việt-Cộng đóng chốt trong làng Siêu 1 đang giấc ngủ ngon bên bếp than hồng đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Ngày 18 tháng 4 năm 1974

Mờ sáng 18 tháng 4 năm 1974 Ðại Ðội 3 dàn hàng ngang vượt qua tường đất khu đóng quân cũ của Chi Ðoàn 3/19.

Tôi và Ðại úy Nguyễn Xá ngồi trên M113 theo sau cánh quân này.

Tới bìa làng, tôi nhảy xuống xe đi bộ.

Hôm nay trời nắng ráo, hơi đất bốc lên mờ mờ, nồng nặc mùi tử thi đã sình trương.

Phòng thuyết trình là nơi chứa thương binh thì đầy ruồi nhặng và ong đen từng bầy.

Nóc hầm bị trũng xuống một lỗ to, vì đã bị một quả bom đánh trúng.

Tôi chỉ đứng ngoài nhìn mà không chui vào hầm nhưng cũng thấy rõ, trong hầm, gần ba chục thương binh đều đã bị đâm chết bằng lưỡi lê.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Rời căn phòng thuyết trình chứa thương binh, tôi theo chân Hạ sĩ Ba tới căn hầm mà tôi dự trù sẽ làm văn phòng.

Căn hầm này cũng vô cùng hôi thối và chứa đầy ruồi nhặng. Trên chiếc giường tre ở giữa hầm là cái xác trần truồng của một người vợ lính. Chị bị Việt-Cộng lột hết quần áo, bị hãm hiếp, rồi bị đâm chết bởi nhiều nhát lưỡi lê, ruột gan lòi lòng thòng.

Trên nền đất, máu đọng thành vũng.

Trong góc hầm là xác đứa con trai hai tuổi của nạn nhân.

Cháu bé bị trói hai tay, hai chân bằng dây dù và cũng bị hàng chục nhát lưỡi lê đâm vào bụng, vào ngực.

Hai người này vừa theo chuyến xe tiếp tế của đơn vị lên thăm chồng và cha của họ được vài ngày.

Họ đã không kịp chạy khi Việt-Cộng tràn ngập căn cứ trưa 15 tháng 4 năm 1974.

Người đàn bà và đứa trẻ này là vợ và con của Trung sĩ Nguyễn Văn Tư, Hạ sĩ quan Ban 3 tiểu đoàn.

Ðời tôi đã chứng kiến hàng ngàn cái chết do chiến tranh, quân ta chết, quân địch chết, dân thường chết, chết đủ kiểu, chết đủ cách, nhưng chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng ra cái cảnh mà địch thủ của tôi đã hành xử trong trận này.

Hành động giết chết thương binh có thể bỏ qua, nếu như tình hình cấp bách quá; nhưng hành động đâm chết một hài nhi hai tuổi rồi giết chết mẹ nó, sau khi đã hãm hiếp mẹ nó thì quả là quá sức vô lương tâm.

Có lẽ những tên cán binh Cộng-Sản kia không phải là người?

Những tên xâm lược khốn kiếp kia cũng không thể so sánh với những con thú; vì thú vật cũng không nỡ đối xử với nhau một cách tàn độc, và dã man như thế!

Hình ảnh cái chết thảm khốc của  vợ con Trung sĩ Nguyễn Văn Tư cứ ám ảnh tâm trí tôi một thời gian dài.

Sau khi cho quân bố trí quanh vị trí và đặt ba tổ báo động xa, tôi cho lệnh kiểm soát toàn bộ diện tích cứ điểm để thâu thập tài liệu.

Tất cả hầm hố, lô cốt, pháo đài trong khu vực Nam Plei Ngol Ho đều có dấu tích đã bị đánh phá bằng thủ pháo.

Hai chiếc xe kéo đại bác đều bị cháy rụi chỉ còn khung sườn sắt. Một khẩu pháo 155ly ngả nghiêng đè lên dăm viên đạn đã lột vỏ.

Chiếc xe ủi đất của Công-Binh hình như không hề hấn gì.

Xác quân Cộng-Hòa chết ở đâu vẫn nằm tại đó. Trên Plei Ngol Ho chỉ có ba vị trí đóng quân cấp trung đội của Việt-Cộng mới được thiết lập.  Ba vị trí này đã bị cày xới tan nát.

Trên mặt đất và dưới khe suối có khoảng gần ba chục xác Cộng Quân mới bị giết.

Giấy tờ trên tử thi địch cho ta biết tất cả những cán binh này đều trực thuộc Tiểu Ðoàn D25 Vận Tải.

Ta chỉ tịch thu được 27 khẩu AK47 và 3 khẩu B40 của địch.

Trưa 18 tháng 4 năm 1974, một tiểu đoàn của Trung Ðoàn 42 Bộ Binh và một chi đoàn chiến xa từ Ngã Ba Mỹ-Thạch tiến vào đã bắt tay được Tiểu Ðoàn 82.

Kế đó những chiếc xe cứu nạn của Thiết Giáp được điều động vào để kéo xác những chiến xa bị bắn cháy.

Chỉ có 11 chiếc M113 bị cháy được kéo về Pleiku, một xe M113, một khẩu đại bác 155ly cùng khẩu súng cối 4.2 đã bị Cộng-Quân đem đi mất từ đêm 15 tháng 4.

Theo sau chiếc cứu nạn chiến xa của Thiết Giáp là chiếc GMC mười bánh dùng để chuyên chở thi hài những quân nhân tử trận.

Trên chiếc xe GMC vừa trở đầu và đậu lại bên tỉnh lộ có một người đàn bà vào đây để tìm xác chồng.

Người này là vợ của Trung úy Danh, sĩ quan Pháo Binh đã tăng phái cho tôi.

Chị Danh đã gạt nước mắt mà kể cho tôi hay rằng, đêm 15 rạng 16 tháng 4 năm 1974 chị đã nằm mơ thấy anh Danh mặt mày đầy máu bước vào nhà.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Chị đã hỏi anh vì sao anh ra nông nỗi này thì anh Danh chỉ lắc đầu không nói tiếng nào.

Sau cơn ác mộng, chị Danh lo lắng quá, nên ngay sáng hôm sau chị đã cấp tốc theo chuyến xe đò sớm nhất lên Pleiku để hỏi thăm tin tức của Trung úy Danh.

Chị được Bộ Tư Lệnh 22 trả lời rằng anh Danh đã bị thương và mất tích.

Hai ngày sau, chị xin đi theo xe vào 711.

Giấc mơ của vợ Trung úy Danh là một chuyện hoàn toàn khó tin, nhưng bắt buộc tôi phải tin.

Tới trưa 18 tháng 4, trên chiếc GMC từ 711 về Pleiku có một người đàn bà ngồi trên sàn, bên cạnh cái poncho gói xác chồng.

Ðối diện với người đàn bà, trên sàn xe, cũng có một Trung sĩ Biệt Ðộng Quân ngồi cạnh hai cái poncho gói xác vợ và con. Ðồng hành với ba cái poncho đó, trên xe còn cả chục chiếc poncho khác chưa biết ai là thân nhân.

Trong lúc quân nhân của đại đội chỉ huy lo chuyển vận xác những tử sĩ, tôi cũng đích thân đứng kiểm tra từng vật dụng mà địch đã bỏ lại trận địa.

Tôi không tả nổi nỗi mừng vui khi nhìn thấy 6 ống lựu đạn chày có đánh dấu, “Coi chừng hơi độc” cùng với 10 ve thuốc bằng thủy tinh to như những đầu đạn Garant cũng được sơn hàng chữ màu đỏ, “Thuốc giải hơi độc”

Ngoài ra ta còn nhặt được cả chục cái bao nylon trắng dùng để làm mặt nạ chống hơi cay.

Nửa giờ sau, đích thân Ðại tá Phạm Duy Tất đã đáp xuống mặt Tỉnh Lộ 6C để nhận từ tay tôi một cái bao cát chứa 4 ống lựu đạn chày, 4 ve thuốc chống hơi ngạt và 4 cái mặt nạ.

Ông Tất vỗ vai tôi rồi cười thật lớn, át cả tiếng máy bay,

– Tui sẽ đem mấy thứ này về trao cho quân đoàn ngay! Cậu giỏi lắm! Vậy là thoát nạn! Mừng cho cậu!

Ông chỉ huy của tôi vui một, tôi vui mười!

Chợt nhớ ra ông Trung úy Chủ còn đeo cái máy chụp hình trước ngực, mà cuộn phim trong cái máy đó có chứng tích là hình ảnh một núi súng mà chúng tôi đã tịch thu được sáng 14 tháng 4. Tôi ra lệnh cho ông Chủ giao chiếc máy ảnh cho Ðại tá Tất rồi nói,

– Ðại tá về rửa cuộn phim này ra rồi đưa hình cho ông Toàn coi. Hôm đó tụi tôi đã lấy được cả trăm khẩu súng, hạ được cả trăm thằng địch rồi mới bị đánh bằng hơi ngạt nên phải bỏ chạy. Có bằng chứng rõ ràng như thế chắc ông Toàn mới tin.

Tôi đã biết chắc rằng, sau khi bị đánh bật ra khỏi 711 và Plei Ngol Ho nếu tôi kéo quân chạy thẳng ra Ngã Ba Mỹ-Thạch thì chắc chắn tôi đã bị Tướng Toàn lột lon.

Mặt khác, chỉ với cái tội để tổn thất 12 chiếc M113, tôi đã đủ tư cách lãnh 40 Trọng Cấm từ tay ông Toàn rồi.

Tôi đã thấy những cái gương mất đồn, xém chết mà còn bị “ký củ” với 40 Trọng Cấm của các ông chỉ huy Dak Seang, Ben Het, Ðức Cơ, là Ðại úy Nguyễn Hộ, Ðại úy Trần Văn Thanh, Trung tá Lê Chữ và Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn.

Các vị chỉ huy này sau khi mất đồn đã chạy thẳng một lèo không dám quay cổ nhìn lại.

Còn tôi, ngay sau khi thoát chết, tôi đã quyết tâm phải lấy lại 711 cho bằng được.

Rồi đúng ba ngày sau tôi đã đặt chân trở lại Cứ Ðiểm 711 và đã tái kiểm soát toàn bộ khu vực mà địch đã chiếm cứ.

Ðại  tá Tất cho tôi hay, theo tin tức tình báo mới nhất thì, Thượng tá Hồng Sơn, Chính ủy của Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản đã chết vì trúng bom, đồng thời kế hoạch cắt đứt Quốc Lộ 14 một thời gian ngắn để Trung Ðoàn 470 Vận Tải vận chuyển quân lương cho vùng duyên hải của Cộng-Sản cũng bị phá vỡ.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Trận chiến đẫm máu để giành giựt Cứ Ðiểm 711 diễn ra chỉ vỏn vẹn có mấy ngày, nhưng đã có hàng trăm chiến sĩ từ hai bên tham chiến phải hy sinh.

Nhìn những cái xác Việt-Cộng rải rác đó đây, rồi lại nhìn những chiếc poncho quấn xác đồng ngũ nằm trên lề cỏ chờ được di chuyển về nhà xác của quân y viện, tôi chỉ biết ngậm ngùi thở dài.

Ðang trên đường bay về Pleiku, không rõ có suy nghĩ gì, Ðại tá Tất đã gọi cho tôi,

– Thái Sơn đây Trường An! Hôm nào yên, tui cho cậu vài ngày phép về thăm vợ và cô công chúa mới sinh!

Tôi cảm động, đáp lời người chỉ huy của mình,

– Cám ơn Trường An!

Nhưng chiến trận liên miên, tôi chờ hoài mà không thấy có “ngày nào yên…”

Tôi ngồi xuống vệ cỏ bên đường. Trước mắt tôi là Tỉnh lộ 6C như con rắn đen đang vặn mình, uốn khúc chui vào rừng xanh. Xa xa, hướng Ngã Ba Mỹ Thạch, vọng lại tiếng đại bác “Ì! Ầm!”

Trời đang trong sáng bỗng từ đâu, mây đen ùn ùn kéo tới nên trở thành âm u.

Trong màn mưa mỏng, tôi thấy những đóa hoa vàng rung rinh trong gió…

Giờ đây Pleime đang là lúc chuyển mùa, khắp núi rừng, muôn hoa khoe sắc màu…

Cách nơi này đúng một trăm cây số đường chim bay, trong vườn nhà tôi cũng vừa nở một bông hoa…

Con tôi chào đời đúng vào ngày pháo địch rơi như mưa trên đầu bố nó…

Mùa Mưa Hoa Nở

(Cho Em và bé Tiên Giao)

 

Lại một lần Pleime hoa nở

Tôi ra đi vào chiến trường…

Một năm sau ngày ngừng bắn

Một năm sau ngày trao đổi tù binh

Ðồi núi Pleime hoa vàng rực rỡ

Hoa rừng mùa nào cũng đẹp

Cao Nguyên mùa Hạ nào cũng mưa

và chiến trường nào cũng đầy thù hận

dù trước, dù sau ngày Hòa Bình!

Mở mắt chào đời, tôi đã thấy chiến tranh

mà bây giờ …

ngày em sinh đứa con thứ ba ở Ban Mê Thuột

cũng là ngày mưa pháo địch trên Tiền Ðồn 711

Mùa mưa năm nay…

như mùa mưa năm kia

như mùa mưa năm ngoái

có những người bạn ra đi không trở lại

có những người thù ra đi không trở lại

Trận chiến vừa tàn,

đi tìm xác nhau…

Tôi tìm thấy bên chùm hoa gạo

 chiếc nón cối vỡ toang

của người quê miền Hải Hậu

tôi tìm thấy trên một đoạn giao thông hào

quyển nhật ký của người tuổi trẻ

 từ Hưng Yên vừa xâm nhập được năm ngày…

Hỡi những người lặn lội dặm dài,

hận thù gì khi mới hai mươi tuổi?

Tôi đứng nhìn Tỉnh Lộ 6 C

tìm Hoà Bình tít chốn xa mờ

 như không bao giờ thấy được

 như không bao giờ với được

Nghĩ về đứa con vừa mới ra đời

biết đến bao giờ nó thấy đồng xanh quê nội?

Giữa mùa hoa…

Cao Nguyên vào Hạ

có màu xanh của áo

có màu đỏ của máu

có màu trắng của xương

của những người Bắc Hà, Hải Hậu, Hưng Yên…

Pleime vào Hạ…

đạn vẫn bay

mưa vẫn đổ

và hoa vẫn nở…

Vương Mộng Long

(Pleime tháng 4 năm 1974)

Bài thơ viết vội trên chiến địa này đã được tôi gửi về Sài-Gòn để in trên Nguyệt San Biệt Ðộng Quân và Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa.

Vậy là đúng một tháng sau ngày tiền đồn Kon Sơm Luk bị tràn ngập, tiền đồn 711 cũng bị tràn ngập. Chỉ có một điều đáng ghi là Cứ Ðiểm 711 đã được Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân tái chiếm chỉ sau ba ngày, còn Kon Sơm Luk thì vĩnh viễn nằm trong tay địch quân.

Trận ác chiến để tranh giành Căn Cứ Hỏa Lực 711 Pleiku tháng 4 năm 1974 coi như kết thúc sau khi quân ta tái chiếm lại lãnh thổ đã mất.

Ngày 20 tháng 4 năm 1975 tôi được lệnh chuẩn bị thuyết trình cho một phái đoàn thanh tra đặc biệt của Bộ Tổng Tham Mưu bay ra từ Sài-Gòn.

(còn tiếp)