Lời Giới Thiệu: Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.
Hình như số tôi không có diễm phúc được ở gần vợ tôi vào những ngày nàng sinh con để có thể vuốt ve an ủi nàng những lúc nàng thấy cần tôi nhất.
Ngày vợ tôi sinh em bé thứ nhất thì tôi đang lặn lội trong rừng Plei Trap, Pleiku.
Ngày vợ tôi sinh em bé thứ nhì thì tôi bận khai thông Quốc Lộ 14 nối Pleiku với Kon Tum.
Ngày vợ tôi sinh em bé thứ ba cũng là ngày tôi suýt chết trong một trận đánh vô cùng ác liệt đã xảy ra trên Căn Cứ Hỏa Lực 711. Trận chiến này đã cướp đi hàng trăm sinh mạng của cả hai bên tham chiến.
o O o
Vĩnh biệt
Cao Nguyên…
Sau khi Liên Tỉnh Lộ 8B được khai thông thì Ðại tá Từ Vấn thuyên chuyển, nhường chức Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân cho Trung tá Hoàng Kim Thanh.
Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân tiếp tục tăng phái cho Tiểu Khu Quảng-Ðức.
Cuối năm 1974, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn ra đi, Quân Ðoàn II đặt dưới quyền của Thiếu tướng Phạm Văn Phú.
Giữa tháng Hai năm 1974 tôi có dịp ghé Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II.
Ông Trịnh Tiếu đã mang cấp bậc đại tá từ vài tháng trước, người phụ tá cho ông Tiếu là Thiếu tá Hồ cũng đã lên trung tá. Tham Mưu Trưởng Quân Ðoàn II hiện thời là Ðại tá Lê Khắc Lý.
Năm 1971 Ðại tá Lê Khắc Lý đã là Chỉ huy trưởng Biệt Ðộng Quân Quân Khu 2, tôi là một sĩ quan tham mưu dưới quyền ông.
Tháng 8 năm 1971, trong buổi họp từ biệt Biệt Ðộng Quân Vùng 2 để theo học lớp Cao Ðẳng Quốc Phòng, trước mặt các sĩ quan tham mưu của Biệt Ðộng Quân Vùng 2, Ðại tá Lê Khắc Lý đã nhắn nhủ tôi một câu mà tôi cứ nhớ hoài:
“Trước khi từ biệt, tôi chỉ khuyên Ðại úy Long một điều là, trên đời này muốn thành công phải biết nhún nhường. Không phải cấp chỉ huy nào cũng thích cái tính khí nông nổi và cương trực của Long đâu!”
Sau gần bốn năm cách xa, gặp lại người chỉ huy cũ tôi vui lắm. Tôi đã ngồi tâm sự với ông Lý gần nửa giờ rồi cáo lui. Trước lúc chia tay, Ðại tá Lý hỏi tôi,
– Sao Long không xin thuyên chuyển đi vùng khác? Cứ bám vào cái đất khỉ ho, cò gáy này mãi vậy?
Tôi trả lời,
– Tôi tính về Liên Ðoàn 6 với ông Tây, nhưng vì ông Tất cố tình lưu giữ nên tôi không đi nữa.
Ông Lý xua tay,
– Mình lo cái thân mình trước, đừng nể nang ai cả! Nếu có dịp đi khỏi Vùng 2 thì chớ bỏ qua! Ðừng lưu luyến cái xứ này!
Tôi không rõ khi nói ra câu đó Ðại tá Lý có ý gì, nhưng tôi cũng thấy lo.
Tôi đã phục vụ ở đơn vị tác chiến của Vùng 2 một thời gian gần mười năm.
Vì thế, tôi có dư điều kiện để xin đổi về Vùng 3, về các quân trường, về Bộ Tổng Tham Mưu hay về canh gác các Phủ, các Bộ ở Sài-Gòn.
Tôi cũng đã biết rõ, trong tương lai, tình hình Cao Nguyên sẽ càng ngày càng nguy kịch, nhưng tôi không nỡ bỏ Cao Nguyên mà đi.
Thế rồi, chưa tới một tháng sau ngày tôi ghé thăm quân đoàn thì Việt-Cộng đánh chiếm Ban Mê Thuột.
Trước khi Ban Mê Thuột bị tấn công, tôi đã xin đem quân về tử thủ thành phố này nhưng không được chấp thuận.
Ngày 10 tháng 3 năm 1975 Ban Mê Thuột bị tràn ngập, gia đình tôi và gia đình binh sĩ dưới quyền tôi rơi vào tay địch.
Hôm sau tôi tình nguyện đem quân về tái chiếm thành phố này, nhưng lời cầu xin của tôi bị gác ngoài tai.
Ban Mê Thuột thất thủ, kéo theo sự sụp đổ của Quân Ðoàn II, khiến cho hằng chục ngàn quân, dân của Cao Nguyên phải bỏ mạng một cách thật là oan uổng trên Liên Tỉnh Lộ 7B.
Ngày 15 tháng 3 năm 1975 Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II đã bỏ chạy tới Nha-Trang.
Vậy mà gần nửa tháng sau tôi vẫn còn tả xung, hữu đột ở vùng biên giới Việt Miên, cách xa tỉnh lỵ Quảng-Ðức gần 30 cây số.
Trong cơn hoảng loạn cùng cực của Vùng 2, ông trung tá liên đoàn trưởng bị thương vừa lên máy bay rời vùng ngày hôm trước, thì hôm sau ông trung tá liên đoàn phó cũng đào ngũ.
Cuối cùng, tôi là người phải đứng ra đảm nhận vai trò chỉ huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân, đơn vị cuối cùng còn tồn tại của Cao Nguyên.
Sau gần nửa tháng lui binh, vừa đói rét, vừa chiến đấu, ngày 6 tháng 4 năm 1975 chúng tôi được Phi Ðoàn 237 Trực Thăng của Quân Khu 3 bốc về Long Khánh, đây cũng là ngày tôi vĩnh biệt Cao Nguyên.
Chiếc trực thăng Chinook nặng nề cất mình lên cao, lượn một vòng, rồi bay thẳng về hướng biển.
Ngồi trong lòng con tàu, tôi dõi mắt nhìn qua khung cửa mà thấy tim mình nhói đau.
Dưới kia, Quốc Lộ 20 ngoằn ngoèo uốn khúc qua Ðèo Chuối…
Ðèo Chuối nằm vắt ngang rặng núi cuối cùng của Cao Nguyên Trung Phần.
Bên kia núi là lãnh thổ của Vùng 3 Chiến Thuật.
Vậy là, chỉ hai năm sau ngày đình chiến, Cao Nguyên Vùng 2 Chiến Thuật của Việt-Nam Cộng-Hòa đã không còn….
VML –
Seattle ngày 15 tháng 4 năm 2023