Câu nói của Năm Cam, một “trùm” giang hồ nổi tiếng nhất Việt Nam: “Tiền không phải là tất cả, nhưng người ta làm tất cả vì tiền”. Tuy không có đạo lý gì sâu sắc nhưng nó lại luôn đúng với xã hội nhân loài, đến thời điểm này (Biết đâu, mốt người ta dùng hột mít thay… tiền để trao đổi hàng hóa và dịch vụ, quyền lực. Tới lúc đó sẽ có câu: Hột mít không phải là tất cả, nhưng người ta làm tất cả vì hột mít).

  1. Tiền

Ở tỉnh Thái Bình, miền Bắc-Việt Nam, có hai vợ chồng Phạm Thị Thu Hương (sanh 1990) và Ðỗ  Ngọc Hoan (sanh 1989) lấy nhau từ tháng 12-2019. Sau 14 tháng ở chung, cả hai đã giúp nhau thấy tác hại của… hôn nhân. Vì vậy sau những ngày có nhiều mâu thuẫn, cãi vã lẫn “động tay động miệng” giữa đôi bên, chị Thu Hương quyết định “dứt áo ra đi” – một quyết định “đột phá” đối với nhiều người phụ nữ ở vùng quê miền Bắc xưa nay – sợ tai tiếng, sợ thay đổi, luôn cam chịu. Nhưng anh Hoan – chồng chị Hương, không chịu trả giấy tờ tùy thân và đồ đạc cá nhân cho chị Hương, không đồng ý ký đơn ly hôn, nhưng cũng không cho chị Hương «bước vô nhà (chồng) một bước». Anh Hoan đưa ra điều kiện là chị Hương phải trả cho anh tất cả 42 triệu 600 ngàn đồng (cỡ 1,800USD) thì anh ta mới trả giấy tờ tùy thân và «giải thoát» cho vợ-cũ. Cụ thể là 12 triệu tiền ăn trong 14 tháng ở chung, tiền đám cưới mà anh này đã “bỏ ra” khi đi cưới chị Hương (13 triệu 300 ngàn đồng), tiền đóng “giùm” học phí cho vợ (5 triệu đồng), tiền anh Hoan nuôi chị Hương lúc chị đẻ con chung của hai người (7 triệu đồng), một chỉ vàng mẹ anh Hoan tặng chị Hương ngày rước dâu (5 triệu 6 trăm ngàn)…

Chị Hương, vì quá “sáng mắt sáng lòng”, nên chấp nhận điều kiện của anh Hoan. Khi “bàn giao” số tiền theo yêu cầu trên, chị đã làm tờ “biên bản”, yêu cầu anh chồng ký tên, cam kết sẽ trả đồ cá nhân và giấy tờ tùy thân cho chị. Bên cạnh đó, chị “nhờ” các cán bộ, chi hội phụ nữ, công an thôn… làm chứng cho sự “tống tiền” này. Nhưng để “chắc ăn”, chị đăng tờ “biên bản” này và các bằng chứng (tin nhắn, hình ảnh) “tống tiền” của chồng đối với mình lên mạng, để mong cư dân mạng lần nữa làm chứng nhân cho mình.

“Biên bản bàn giao” 42.6 triệu của chị Hương và chồng – Facebook

“Dạo” khắp các bài viết về vụ việc trên, chúng ta có thể đọc được hằng hà sa số những lời chỉ trích, những lời khuyên chị Hương nên kiện anh chồng ra tòa tội “tống tiền”, nên đòi tiền “làm vợ”, tiền công làm tạp vụ, làm người ở chăm sóc chồng và gia đình chồng trong suốt 14 tháng, thậm chí có người còn cho rằng, chị Hương nên đòi tiền công làm chuyện vợ chồng suốt hơn 1 năm qua… Tóm lại, như người ta hay nói “người ngoài cuộc thì sáng”, vì vậy mà cư dân mạng lại được dịp bình luận, bình loạn, khoe sự đạo đức, sâu sắc của mình (trên câu chuyện người khác). Nhưng cho đến khi tôi viết những dòng chữ này, chưa ai (ngay cả “các cán bộ, chi hội phụ nữ, công an thôn” nơi chị Hương sanh sống) giúp gì chị Hương, để chị thoát khỏi cảnh bị “tống tiền” từ chồng cũ, nên chị Hương phải mượn tiền để “trả nợ tình xa”.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

“Sự việc xảy ra không ai mong muốn, chỉ thương bạn mình không may lấy phải người chồng như thế. Số tiền 42.6 triệu đồng mà bạn mình trả hết theo yêu cầu của chồng để được giải thoát là tiền vay mượn của các giáo viên cùng trường (chị Hương làm giáo viên), người 3 triệu, người 5 triệu chứ đùng một cái bạn mình không có đủ số tiền đó” – chị N.N, bạn của chị Hương, nói với báo trong nước. Theo báo trong nước, người xung quanh kể: lúc chị Hương thu dọn đồ của mình, anh Hoan còn kêu bố mẹ anh ta đứng trông chừng “kẻo mất trộm”. Xe đạp điện của chị Hương mang về cho mẹ chồng đi (và bà cũng khoe khắp xóm về cô con dâu hiếu thảo), lúc chị định dắt đi thì anh Hoan bảo “xe này tao thay bình, nên tháo nốt bình điện trả tao”.

  1. “Tiêu chuẩn kép”

“Tiêu chuẩn kép” là cách gọi việc nhìn nhận theo hai cách khác nhau cho cùng một sự việc của một người, một nhóm hay một cộng đồng. Ví dụ như ở câu chuyện trên, các nhà hữu trách tại nơi hai vợ chồng Hương-Hoan sống nói với báo trong nước: “Về việc lập biên bản bàn giao là chuyện riêng giữa anh Hoan và chị Hương, chính quyền địa phương không can thiệp”. Nhưng nếu chị Hương là con/em của một trong số “các cán bộ, chi hội phụ nữ, công an thôn” đó, chắc mọi chuyện sẽ có kết quả khác. Họ sẽ không gọi đó là chuyện riêng nữa mà có khi là chuyện… nước cũng không chừng.

Cũng giống như việc có nhiều người bình luận bên dưới câu chuyện trên là “không tình yêu nào bền vững bằng tình yêu nước”. Nhưng khi ai đó thật sự yêu nước, muốn xã hội thay đổi tốt hơn, nói lên cái sai/cái xấu đang hiện diện: ví dụ chuyện “tống tiền” của ông chồng trên xảy ra là “nhờ” vào sự bất công của xã hội, sự quản lý kém của địa phương, ý thức hệ ngàn năm văn vở của người Bắc (cho phụ nữ thấy họ nên nhịn nhục)… Thì cũng những kẻ bình luận “không tình yêu nào bền vững bằng tình yêu nước” sẽ “nhào vô” hỏi: “Ba que à?”, “phản động à?”, “khát nước à?”, “đi qua Mỹ mà đòi thay đổi”… Yêu nước của họ là phải yêu Ðảng, yêu chế độ, chứ không phải yêu cái cây cái cỏ, tấc đất, con người trên quê hương mình!

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

“Tiêu chuẩn kép” của dân Việt còn thể hiện thông qua những thay đổi, biến cố của thế giới…

“Biên bản bàn giao” 42.6 triệu của chị Hương và chồng – Facebook

  1. Everything will be OK? – Mọi thứ rồi sẽ ổn?

Câu nói “Everything will be OK” bỗng được người dân cả thế giới nhắc đến. Vì đó là câu nói in lên áo của cô gái 19 tuổi, đã bị cảnh sát Miến Ðiện bắn vào đầu. Khi cô cùng hàng triệu người trẻ, người già, hoa hậu, mục sư, phật tử, sinh viên, người bán rau, giáo viên, tài tử, người từng làm trong quân đội… xuống đường vì nền dân chủ của quê hương họ – Miến Ðiện. Cô gái đã chết cùng nhiều người dân khác, trong đó có người trẻ hơn cô. Trước khi chết, dầu mặc áo in dòng chữ “Everything will be OK”, nhưng cô biết mọi thứ không hề ổn, vì vậy cô đã để lại thông tin nhóm máu cùng di nguyện sẽ để lại những bộ phận cơ thể có ích cho Y học khi mình qua đời.

Cái chết của cô và những người cùng chí hướng không những càng làm “bùng nổ” biểu tình, đánh thức tiếng nói ở quê hương mình, mà còn gây tranh cãi gay gắt ở các diễn đàn mạng xã hội Việt Nam, nơi nhiều kẻ hay khuyên nhau: “không bàn chuyện chánh trị”.

Tham dự cuộc “phím chiến”, có những người nói “không tình yêu nào bền vững bằng tình yêu nước”, có những người từng gay gắt mắng mỏ những ai quan tâm chuyện biểu tình ở HongKong, Thái Lan, Ðài Loan, những kẻ gọi người trẻ biểu tình ở HongKong là “mặt dơi mõm chuột”… Những kẻ này giờ bỗng “đứng về phía nhân dân”, chỉ trích phe quân phiệt Miến Ðiện, tiện thể nói: quân đội Việt Nam không bao giờ làm điều đó (dầu phiên tòa Phúc Thẩm của vụ Ðồng Tâm sẽ diễn ra sắp tới). Lý do đơn giản vì, cuộc biểu tình đó được phép “nằm dài” trên báo “chính thống” VN. Những lời chỉ trích quân phiệt Miến Ðiện “được phép” xuất hiện trên báo trong nước, như phát ngôn của Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 5-3 nói việc quân đội một nước cầm súng chĩa vào người dân nước mình là “đỉnh cao của sự ô nhục quốc gia”.

Bên cạnh “tiêu chuẩn kép” của những người “bên thắng cuộc”, tôi cũng được nhìn thấy “tiêu chuẩn kép” của phía “bên bỏ cuộc”. Những người luôn tự xưng là yêu nước, đấu tranh dân chủ – nhân quyền cho VN. Như các cuộc biểu tình ở HongKong, Ðài Loan, Thái Lan trước đây, những người này đăng ảnh những người trẻ biểu tình và bị bắn chết ở Miến Ðiện lên, rồi phê phán giới trẻ Việt Nam sống hời hợt, chỉ biết hóng “drama” ly hôn-đòi quà, hóng “clip sex”… mà không quan tâm đến thời cuộc. Nhưng trong “giới trẻ Việt Nam” mà họ phê phán, chắc chắn phải “chừa” con/em/cháu/chắt của họ ra. Nhiều người còn cá là cứ 100 người cao giọng chửi giới trẻ Việt Nam không quan tâm thời cuộc, thì có 99 người sẵn sàng xích chân con mình vào chân bàn nếu nó đòi đi biểu tình.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Cũng giống như việc có một số cảnh sát Miến Ðiện vượt biên sang Ấn Ðộ để trốn lệnh của giới quân đội, từ chối thực hiện đàn áp người dân trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính. Nhiều người đã chỉ trích những cảnh sát này rằng sao không ở lại cùng người dân tranh đấu mà đi vượt biên? Nhưng nếu những cảnh sát đó là chính họ, con cháu họ, thì họ sẽ chọn như thế nào? Có mạnh… lòng, mạnh tay, mạnh chân như khi họ mạnh miệng chỉ trích người khác không?

Như những người phụ nữ cô thế (giống chị Hương ở trên), giới trẻ Việt Nam có lý tưởng vẫn tồn tại nhưng rất ít, rất cô đơn và ngày càng hoài nghi cuộc đời. Khi trên mạng đầy rẫy dư luận viên, “tiếng nói, tai mắt” của chính quyền có khắp mọi nơi. Chưa nói gì to tát lớn lao, đã bị hỏi: “Ba que à?”, “phản động à?”, “khát nước à?”, “đi qua Mỹ mà đòi thay đổi”… Còn ở ngoài đời thì cha mẹ bận rộn, thầy cô giảng bài theo sách vở, theo chỉ đạo, bạn bè có chút nền tảng hoặc tiền bạc thì đi du học hết, đâu ai chịu ở VN để đấu tranh vì tự do của người khác. Họ sẽ qua xứ tự do và phê phán những kẻ ở VN không chịu đấu tranh…

Nhiều người VN đăng lại bài báo của tuoitre.vn về phát biểu của Ngoại trưởng Singapore: “Cầm súng bắn người dân nước mình là đỉnh cao nỗi ô nhục quốc gia”

Bởi vậy, để ý mới thấy, “tiêu chuẩn kép” không biết thời xưa có hay không, nhưng thời nay nó đầy rẫy khắp nơi. Không những ở những tâm hồn vụn vỡ, tan nát, những cuộc hôn nhân không bền. Mà còn trong cuộc sống gia đình “hòa thuận”, như gia đình dưới đây:

“Viên chức nọ đọc tin tức, lầm bầm: Toàn những vụ ngoại tình, nếu là tôi, không thể tha thứ được…

Nói tới đây, ông chợt sững lại, hỏi vợ: Nói thật đi! Mình có phụ tôi bao giờ chưa?

Bà vợ rụt rè: Nhưng… mình đừng nổi giận với em nhé!

– Tôi hứa, mình nói đi!

– À, được rồi, vậy nhé: trong đời, em đã trót phụ mình 3 lần…

Quan lớn nhà ta gắng hạ giọng xuống: Ba lần? Là những lần nào?

– Lần thứ nhất là lần luận án phó tiến sĩ của mình bị thiếu một điểm, vậy mà sau đó… Sau đó, chủ tịch hội đồng xét duyệt luận án đã chấm điểm cao cho mình, mình còn nhớ không?

– Thì ra vậy. Còn lần thứ hai?

– Chủ tịch tỉnh được lên trung ương, trong khi mình lại là phó chủ tịch ít được mọi người nhắc tới nhất. Rồi sau đó, chính nguyên chủ tịch tỉnh lại đề cử mình làm người kế nhiệm, mình còn nhớ không?

Giọng đức lang quân bắt đầu rơm rớm nước mắt: Ðược rồi, vậy lần thứ ba?

– Lần thứ ba… Lần thứ ba là lần mình bị đưa ra quốc hội để bỏ phiếu tín nhiệm, mà mình thì còn thiếu 250 phiếu… nên em phải vất vả gom từng-phiếu-một.

Bạn nghĩ xem, ông ta dám “không thể tha thứ” cho bà nhà không?

DU