Từ khi tôi biết thấu hiểu, tôi toàn nghe tiếng thở dài của người lớn kèm theo câu: “Chớp mắt chút là tới Tết rồi!”

Mùi Tết      

Những ngày cận Tết Nguyên Ðán Quý Mão – 2023, Sài Gòn trở lạnh, những cơn mưa bất ngờ trút xuống ngay sau cái nắng rổn rảng, làm lòng thị dân vừa nặng nề vừa xôn xao, xe ngoài đường như vội vã hơn. Cái lạnh hiếm hoi mà Sài Gòn được hưởng mấy bữa cuối năm cũng không thể làm mát được nỗi lo của hàng chục ngàn người bị thất nghiệp vì nền kinh tế đi xuống sau đại dịch, chiến tranh, suy thoái kinh tế… Quán xá vẫn đông nhưng lòng người đìu hiu lắm, vì mấy vị khách quen biến mất rồi. Chắc họ về quê sớm hoặc đang bận lặt lá mai/sơn cái tường/đi đặt bánh tét, củ kiệu, dưa món, thịt ngâm nước mắm… Bà chủ quán vừa pha trà vừa nhìn trời, quơ tay lau nhanh giọt mồ hôi bên tóc mai, rồi thở dài “Chớp mắt chút là tới Tết rồi!” Tết có nghĩa là tốn tiền, ngồi không cũng tốn tiền vì phải cúng kiến/dọn dẹp/sắm sửa/gặp gỡ người này người nọ/cho con trẻ ít quà/cho mình manh áo mới… Tết có nghĩa là già hơn một tuổi, là những chồng chất bởi trách nhiệm, bởi đạo làm người… lớn.

Có lẽ sự chán chường có thể lây lan, nên càng lớn, tôi cũng càng không hứng thú với Tết. Dầu những nỗi lo toan của tôi chưa nhiều bằng những người bạn cùng trang lứa khác. Có lẽ, những thứ vui vẻ, đẹp đẽ ngày Tết gần như bị tuột lại ở sâu trong ký ức, khi tôi còn được cho cái áo mới ngày cuối năm – là cái áo cũ của người chị họ. Khi tôi phỏng miệng khi ăn vụng miếng mứt dừa mới xên của cô hàng xóm lúc cổ bận chạy ra sau nhà thêm lửa cho nồi bánh tét. Khi tôi ghen tị nhìn mấy đứa nhỏ trong xóm được lì xì nhiều hơn mình. Khi tôi giở nồi bánh Tét ra và biết ngay cái bánh nào do mình gói… Một người bạn lớn của tôi nói, đó là một hiệu ứng tâm lý khi chúng ta nghĩ lại thời thơ ấu của mình, chúng ta chủ yếu nhớ về những mặt tích cực hoặc nhìn với con mắt thiện cảm hơn, vì ai cũng sợ nỗi đau. Như bạn tôi – bạn chỉ nhớ những năm Tết trước khi dậy thì, khi Sài Gòn còn là Sài Gòn, có khi nhớ rõ từng khoảnh khắc luôn, vì nó quý giá và ngắn ngủi. Sau 1975, Tết của bạn chỉ còn là những ngày buồn ảm đạm không rõ ràng, bạn chỉ còn nhớ những đêm Giao thừa, chở mẹ cọc cạch trên xe đạp để đi chùa cầu phước, nhảy xe lửa đi thăm cha trong tù. Bây giờ, Tết không còn tồn tại đối với bạn mà chỉ là niềm nhớ người thân và những kỷ niệm vui như tiếng pháo nổ đêm Giao thừa rộn rã năm nào, dầu ở Mỹ cũng có cộng đồng người Việt đốt pháo nhưng tiếng pháo với bạn không còn rộn rã nữa, mùi pháo khét khét chứ không thơm như lúc nhỏ. Gia đình có ráng bày cho giống, thì mâm cơm Tết nay vẫn không ngon như ngày Tết xưa, dầu đồ ăn phẩm chất tốt hơn, muốn mua gì cũng có. Giống như đôi lúc tôi cũng không hiểu sao mỗi lần ăn ở mấy tiệm lâu năm luôn thấy không ngon như hồi xưa từng ăn, có lẽ món ăn ký ức luôn ngon vì nó thơm mùi hoài niệm. Hèn chi, hầu như đa số bài viết về Tết, đều nhắc Tết xưa. Mỗi khi hết năm, không hẹn mà gặp, hầu như ai cũng có đôi dòng về ngày Tết khi họ còn nhỏ, với những hình ảnh/hương vị/con người không thể nào tìm lại được. Như “Mùi Tết quê” ở miền Tây của anh Nguyễn Thanh Quang – một người bạn của tôi:

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

“Hồi đó nhà tui ở quê, phía sau là cánh đồng lúa bạt ngàn, phía trước là dòng Thoại Hà nối liền Long Xuyên và Núi Sập. Ở quê nên tui cảm nhận “mùi Tết” rất rõ vào những ngày cuối năm. Mùi Tết bắt đầu “dậy” từ ngày đưa ông Táo về chầu trời trở đi, càng gần Tết càng đậm đặc.

Nhiều người tin bỏ Tết sẽ… giàu – Ảnh: Facebook

Mùi Tết của tui là mùi của những trái dưa hấu xanh rờn nằm im lìm trên những cọng rơm vàng óng, hồi đó cứ bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp trở đi thì cảnh “trên bến dưới thuyền” rất nhộn nhịp. Từng cặp một, người ở trên bờ thì quăng người ở dưới ghe thì chụp từng trái dưa hấu to tròn, không rớt trái nào, cho đến khi đầy ghe để chở ra chợ tỉnh hoặc là lên tận Sài Gòn để bán.

Mùi Tết của tui còn là mùi chua thoang thoảng từ những cái diệm (cái này dân miền Tây mới biết, hổng biết tả làm sao luôn!) chứa đầy dưa kiệu hoặc dưa cải mà ngoại và mấy dì, mấy mợ dâu trong nhà tỉ mỉ làm từ mấy hôm trước toả mùi thơm hăng nồng rất đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Mùi Tết với tui còn là mùi của nồi thịt kho tàu mà bà ngoại kiên nhẫn ngồi hớt bọt, đôi mắt của bà kèm nhèm vì khói chụm nồi thịt kho từ những gốc cây vú sữa lão mà tui và ông ngoại đã cưa và phơi khô từ mấy tháng trước để chuẩn bị cho nồi thịt kho ngày Tết.

Mùi Tết nhà tui hồi đó còn là mùi nhang trầm (nhang tốt, mắc hơn những loại nhang thường, chỉ thắp mấy ngày Tết) thơm nhẹ và mùi bông vạn thọ hay bông huệ chưng trên bàn thờ ông bà.

Với những đứa trẻ miệt vườn nghèo khó như tui, mùi Tết còn là mùi của bộ quần áo mới mà một năm tui chỉ được mẹ mua cho một lần để mặc vào ngày mùng 1 Tết. Tuổi thơ nghèo khó nó ám ảnh nên cho đến tận bây giờ, dù đã qua cái thời «ăn no mặc ấm» và chuyển sang «ăn ngon mặc đẹp» nhưng tui vẫn thích ngửi mùi quần áo mới. Cho nên – nói thiệt tình và ngoài lề một chút – là tui hông khoái cái chiện xin quần áo cũ để làm từ thiện, nếu ai đã từng trải qua tuổi thơ nghèo khó như tui thì mới hiểu cái cảm giác ngửi mùi quần áo mới nó «đã» đến cỡ nào!

Có ráng bày cho giống thì mâm cơm Tết nay vẫn không ngon như ngày Tết xưa – Ảnh: Facebook

Mùi Tết của những đứa trẻ tay chưn mốc meo vì gió bấc như tui còn là mùi của những đồng tiền giấy mới tinh được lì xì. Hồi đó tụi tui đứa nào cũng có một cái bóp con con treo trước ngực đi mừng tuổi mấy người lớn trong nhà, hết «mùng một Tết cha» là tụi tui xúm lại khoe coi có đứa nào được lì xì nhiều hơn.

Xem thêm:   Ham & hố

Những cái «mùi Tết» thỉnh thoảng bây giờ tui vẫn còn gặp lại, nhưng có một cái mùi Tết rất đặc trưng đã vắng bóng từ mười mấy năm nay và có lẽ sẽ không bao giờ còn gặp lại đó chính là mùi khói pháo, hồi đó cứ gần Tết là bắt đầu nghe tiếng pháo nổ đì dùng kèm với mùi khói pháo vương trong gió từ đầu làng trên cho đến xóm dưới. Hồi đó cứ mỗi lần đến Giao thừa là tui được ông ngoại cho phép đốt dây pháo đỏ hồng treo trên cây xoài trước cửa nhà, tiếng pháo nổ ran liền một mạch, xác pháo đỏ hồng vương vãi khắp sân, khói pháo thơm ngào ngạt báo hiệu cho một năm sung túc.

Nhưng trên tất cả những cái «mùi Tết» ở trên đó là mùi mồ hôi của ông bà cha mẹ chú bác cô dì cậu mợ đã hàng ngày một nắng hai sương trên đồng ruộng để bọn trẻ tụi tui có những mùa Tết đầm ấm, sung túc. Chỉ tiếc một điều là cái «mùi mồ hôi» đó mãi tới sau nầy khi tụi tui lấy vợ rồi sanh con đẻ cái tụi tui mới «ngửi» được.»

Có người nói bỏ Tết đi cho đỡ tốn kém, cho đỡ hủ tục. Ðôi khi tôi thấy họ cũng đúng, nhưng giật mình ngồi nghĩ lại, tôi cho suy nghĩ đó là ích kỷ, vì những đứa trẻ hôm nay dù thích sống theo lối Tây thì cũng sẽ lớn lên, sẽ nhìn lại ký ức, sẽ ngồi biên về «Mùi của Tết»… Biết đâu, ở những bài viết “Mùi của Tết” ở 50 năm sau, Tết cũng đẹp và thơm lừng mùi ký ức?

Vài năm gần đây, trong vòng quen biết của tôi, hiếm gia đình nào còn giữ nếp cùng quây quần lại ăn bữa cơm «thịt mỡ dưa hành» cuối năm, ngay cả việc chúc Tết, lì xì đôi khi cũng bị coi như «thủ tục», làm cho xong. Nhiều người vì khó khăn, vì ham vui mà làm ăn/buôn bán xuyên Tết, vì vậy mà người ta có thể ra đường ăn uống/chơi bời, không còn phải ở nhà ăn «đồ má nấu». Với lại, thời đại mới, ai ai cũng muốn sống «lành mạnh», ăn đồ ít dầu mỡ, vì vậy mà món Tết cũng «ế».  Từ đó mà đồ ăn dịp Tết của nhiều gia đình không còn «ê hề» nữa, «mùi Tết» cũng vơi đi ít nhiều… Nên quả tình, nếu tôi được sanh ra ở thời bây giờ, tôi cũng không biết 50 năm sau tôi sẽ viết thế nào về Tết 2023 ở Sài Gòn, ngoài việc cảnh báo mọi thứ đều sẽ lên giá, từ quán cóc lề đường đến nhà hàng sang trọng dầu Tết chưa tới. Mà Tết đi rồi có khi giá vẫn giữ nguyên, không xuống bằng với trước Tết nữa. (Ðúng là lớn già đầu rồi cái thực dụng hơn chứ hồi nhỏ tôi đâu quan tâm tới giá cả thị trường hay lạm phát chi mô!) Chưa kể, với thế hệ trẻ bây giờ, hiếm ai chịu “hy sinh” thời gian nghỉ ngơi hiếm có trong năm để bận rộn chuyện nhà, chuyện cửa như ông bà ngày xưa.

Một trong những thứ bán đắt nhất ngày Tết: Vé số.

Tôi may mắn được nhiều anh, chị lớn tuổi thích (không thích chắc cũng nhiều) nên hay được nghe họ tâm tình. Tết của họ tuy rộn ràng nhưng bình dị lắm, không có buffet nhà hàng 5 sao hay tour du lịch xuyên Tết, không có giò Lan hàng trăm triệu hay chộn rộn “year end party” rồi “new year party” lê lết từ khách sạn này qua nhà hàng nọ, cũng không có chuyện dùng điện thoại copy những đoạn chat chúc mừng năm mới rồi quăng tứ tung trong tin nhắn cho tất thảy mọi người quen. Không biết 50 năm nữa, ký ức về Tết của con/cháu/chắt chúng ta có phải là mùi tinh dầu sang trọng trong khách sạn 5 sao hay mùi tô bún mắm của bà Ba bán không nghỉ Tết? Ðôi khi, với chúng vậy mới là hạnh phúc. Chứ mùi pháo, mùi bánh in, mùi mứt dừa, mùi gà mới luộc… thì ra mấy hội chợ xuân hít hà, chụp ảnh cho vui, chứ không còn “hợp mũi” nữa.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Ngoại tôi hay than “Tết nhứt mà nhà không có nổi cặp bánh tét chay cúng ông bà. Mốt tao chết rồi, chắc không còn ai làm đám giỗ cho ông cố/bà cố lẫn cho tao, bàn thờ dẹp hết!» Người lớn thường lo những giá trị căn bản sẽ hao mòn theo dòng chảy thời gian, người trẻ thì thường cho là người già lo xa quá. Vì vậy mà xung đột thế hệ xảy ra, chuyện Tết xưa Tết nay cũng hay tạo ra tranh cãi mỗi lúc Xuân về.

Ừ thì ký ức mỗi người một khác nên mùi Tết cũng không ai giống ai. Tôi ở thế hệ may mắn, vừa được ăn Tết xưa vừa được hưởng Tết nay khi còn son, chưa vướng bận gì nên thấy Tết nào cũng… vui. Hy vọng 50 năm sau còn… sống, còn minh mẫn đọc/hiểu, để chống mắt coi “mùi Tết” của thế hệ trẻ – ngôn ngữ mạng gọi là thế hệ «Gen Z» – được viết ra sao!

DU