Nhiều năm nay, dân tình có thu nhập từ thấp đến trung bình ở Việt Nam làm ăn ngày càng bết bát. Cứ nhìn đường Sài Gòn dịp Tết mỗi năm vẫn đông đúc, quán xá vẫn mở rần rần là biết: càng lúc càng không còn nhiều người mặn mà với việc “về quê ăn Tết” như xưa. Nhưng năm nay có lẽ là năm có ít người về quê nhất trong nhiều thập kỷ qua, từ khách ly hương trong nước đến những “khúc ruột ngàn dặm” ngoài nước

Vàng mã khẩu trang – Nguồn hình: Facebook 

  1. “Xuân này con không về”

Với người Việt ở nước ngoài thì dễ hiểu, như một người bạn tôi nói chơi: Ngày xưa Việt kiều về VN, cả xóm thuê xe mấy chục chỗ đi đón, đứng đầy phi trường! Nay, nhờ ơn cúm Tàu, Việt kiều mà về, cả xóm trong bụng đánh lô tô rồi đi báo công an! – “Việt kiều” ở đây đa số là người về bằng đường nhập cảnh lậu. Chứ cả năm qua, các chuyến bay qua lại giữa VN và thế giới đa phần bị cách trở, “Việt kiều” về VN còn khó kiếm hơn là kiếm người yêu của Du Uyên. Ngoài ra, vì giá vé máy bay về Việt Nam quá cao, một chiều mà mắc hơn cả vé hai chiều, rồi còn phải cách ly với những điều kiện không như ý, nên chỉ có những người có việc gấp, thật sự cần về VN mới chịu về khi chưa có vaccine cúm Vũ Hán.

Còn người Việt ở trong nước, không về quê “ăn Tết” ngoài lý do cúm Vũ Hán đang lây lan trở lại ở nhiều tỉnh Việt Nam một cách mạnh mẽ từ trước Tết mấy bữa, còn do cả năm qua làm ăn bết bát (cũng vì con virus đến từ phương Bắc này), không còn “xuân” để mang về nhà. Thì có một lý do mà rất ít người dám “thổ lộ” là: họ hoàn toàn không muốn “về quê ăn Tết”.

Bên cạnh một số ít than thở về việc không được về quê dịp Tết vừa qua, tôi đọc được không ít bài viết, nghe được nhiều lời tâm tình của nhiều bạn tỏ rõ sự “mừng thầm” khi được trọn vẹn nghỉ ngơi mấy bữa Tết, không phải đối phó với họ hàng, cha mẹ, với tập tục, lễ nghi rườm rà ngày Tết cổ truyền VN. Có người nói, mấy năm trước phải về quê dịp Tết vì những lý do “làm ăn bết bát”, “cuối năm không dư nhiều tiền”, “phải đi làm thêm dịp Tết Nguyên Ðán” chưa đủ thuyết phục phụ huynh, năm nay, cúm Vũ Hán như một lý do hoàn hảo nhất dành cho họ. Dầu không ai muốn dịch bệnh đến với nhân loài.

Vàng mã bikini – Nguồn hình: laodong.vn

Xin trích những tâm tình thật nhất từ những người đàn ông như Facebooker Thuan Van Bui: “Khoảng chục năm trở lại đây, nghĩ đến Tết là sợ. Mua sắm, chợ búa, dọn dẹp vừa mệt vừa tốn tiền! Ăn uống quá đà càng mệt nữa. Về quê thì món rượu quá độ càng đáng sợ. Rồi nấu nướng, thăm hỏi, ăn ngủ không theo nhịp sinh học… Tất cả đều làm cơ thể gần như kiệt quệ. Người Việt còn một thứ rất “phèn” và thiếu tinh tế, thiếu tôn trọng người khác là: Mỗi khi Tết đến là hỏi công việc, lương bổng, số tiền kiếm được mỗi tháng/mỗi năm… Rồi màn hỏi chồng vợ, người yêu của mấy bạn trẻ. Những thứ này cứ như thọc vào buồng nhà người khác khi họ đang ngủ vậy. Là thói tọc mạch xấu tính của người Việt. Nó chẳng khác gì công an tra hỏi dân đen! Sợ nhất là: Sau Tết sẽ hết sạch tiền!»

Xem thêm:   Mất mạng

Ðến những người phụ nữ như Facebooker Mai Lam: “Năm nay tuy thu nhập có hơi hẻo, mâm cúng Tết thiếu chút thịt thà, bánh trái. Nhưng được cái Tết nghỉ ngơi đúng nghĩa, không phải dằn vặt giữa việc ăn Tết Nguyên Ðán bên ngoại hay bên nội, không sợ bên nào trách móc, giận hờn. Tôi nói ra cái này chắc nhiều chị em cùng đồng lòng, ở Việt Nam, có hơn 90% phụ nữ sợ về quê chồng ăn Tết, nhất là những người lấy chồng miền ngoài như tôi. Tết là gì? Là ngày để ăn, chơi, nghỉ ngơi xả láng sau cả năm vục mặt làm việc. Mà cứ năm hết Tết đến lại phải quần quật dọn nhà dọn cửa, mua quà biếu xén hai bên, rồi về quê chồng “ăn Tết” thì còn đâu những ngày tươi đẹp đó. Về quê chồng, tôi không ngại việc sẽ bị biến thành cu li ngày Tết cho cả họ hàng hang hốc nhà chồng. Mà quả tình sợ cảnh bị cả dòng họ nhà chồng xét nét từng ly từng tí, vì ngoài đây họ không xuề xòa phóng khoáng như ở trong Nam. Chưa kể những lễ nghi, cúng kiếng khác biệt, làm sai một chút là bị coi như kẻ thù gia tộc. Thú thiệt, mỗi lần ăn xong cái Tết, ngoài “được” thêm mười tuổi vì kinh hãi, tôi còn có thêm… gan để nhen nhóm ý định bỏ chồng.”
Nếu là một vị cao niên, có thể sẽ buồn lòng trước những tâm sự thầm kín ở trên của “bọn trẻ”, nhưng đôi khi “lời thật mất lòng”. Và không phải ai cũng sợ hãi cái Tết gần nhà như những người có cuộc sống riêng tư bất hạnh trên. Không ít gia đình Việt đã cởi mở trong cách yêu thương và hưởng thụ cuộc sống này, nên vẫn còn rất nhiều người buồn nẫu ruột ôm dàn karaoke hát bài “Xuân này con không về” suốt ba ngày Tết vừa qua. Lây nỗi buồn luôn cho cả xóm vì giọng hát quá đáng sợ.

Nhưng số lượng “không ít” kia còn quá ít. Minh chứng rõ nét cả con hẻm của tôi hay bất kỳ con hẻm nào ở VN, khi Xuân về không ngập tràn hoa lá mà cứ “sương khói mờ nhân ảnh” bởi khói đốt vàng mã bay ngập trời… 

Một thông báo “miễn tiếp khách” dịp Tết ở miền Bắc VN – Nguồn hình: Facebook

  1. Hàng mã
Xem thêm:   Biden & Trump

Theo quan niệm từ Trung Quốc, những người đã chết được đưa xuống cõi âm, một nơi họ cho là giống với cõi dương. Những người ở cõi âm cũng cần có những vật dụng như dương thế. Ðể có thể gửi tiền, đồ dùng cho người ở cõi âm, ngày xưa người Trung Quốc chôn đồ quý giá chung với mộ người đã khuất, ở gia đình quan lại hay vua chúa thì người ta đốt, giết hoặc chôn sống kẻ hầu, vợ, phụ nữ theo luôn để “tuẫn táng”. Sau này, theo đà phát triển của thời cuộc, người Trung Quốc bớt tàn nhẫn hơn, họ nghĩ ra những cách khác để “gửi” quà, tiền cho người cõi âm. Gần đây nhất là cách đốt tiền âm phủ và nhiều loại hàng mã làm bằng giấy, gỗ và nilong có hình dáng như vật dụng thường dùng, quần áo, người hầu… sau này biến chế thêm nhà, xe, máy tính, tivi, điện thoại, quần áo… Gần đây nhất còn có iPhone đời mới, đồ hiệu, khẩu trang… làm bằng giấy. Ở Hà Nội có một con đường tên Phố Hàng Mã. Khi người Pháp đặt chân lên Bắc Kỳ (1872), phố có tên tiếng Pháp là Rue du Cuivre. Nơi đây có nghề thủ công làm đồ mã dùng cho công việc cúng kiếng và đồ trang trí bằng giấy. Làm ăn vô cùng phát đạt. Ở mỗi chợ hay mỗi con đường ở Sài Gòn, bạn cũng sẽ “gặp” không ít cái tiệm bán các mặt hàng này.

Cái chính của việc đốt tiền âm phủ là thể hiện sự quan tâm, tình thâm sâu đậm khi sống sao thì lúc chết cũng như thế. Nhưng như tôi thường nói, đời không như là mơ, ngày càng có nhiều người tin là người cõi âm được đốt càng nhiều tiền âm phủ thì sẽ có càng nhiều tiền để tiêu và trở nên giàu có ở dưới cõi âm. Quan trọng là khi người cõi âm trở nên giàu có thì sẽ phù hộ nhiều hơn cho người sống trở nên phát tài, làm ăn phát đạt hơn, bình an… Có người còn tin, đốt xuống dưới cái gì thì “trên này” sẽ được “phù hộ” cho cái đó.

Bởi vậy, tuy xã hội ngày càng văn minh, khoa học càng ngày càng phát triển, con người đã có thể tới “cung trăng”, robot có thể tự giao tiếp bằng thuật điện toán rồi, nhưng ở Việt Nam mỗi năm vẫn có hàng ngàn tỷ đồng tiền thiệt (dùng để mua vàng mã) được đốt thành mây khói, vừa gây tốn kém, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây ra sự bất mãn giữa các thế hệ trong gia đình (Như những tâm tình ở trên, ngoài việc sợ hãi trước những “ánh mắt phán xét” và những dò hỏi quá đáng từ phía gia tộc bên nội hay ngoại, người trẻ VN giờ còn sợ những lễ nghi rườm rà của gia đình. Vì bọn trẻ bây giờ đa phần theo Tây học, khó có thể tin vào những hủ tục xưa. Họ không thể tin việc đốt một vật gì bằng giấy ở “trần gian” thì người “cõi âm” có thể “nhận được”). Việc đốt hàng mã một cách lạm dụng còn gây ra nhiều tai nạn thương tâm. Không nói đâu xa xôi, mới hồi 4-2-2021 (23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo theo tập tục Việt Nam) đã có bốn người trẻ ở Hà Nội (cùng sanh từ 1993 đến 1997) đã mất mạng do ngạt khí độc sau khi đốt vàng mã sơ sẩy, gây ra cháy nhà. Có thể vì thế, thị trường hàng mã sẽ xuất hiện thêm mặt hàng bình chữa cháy và mặt nạ chống ngạt?

Làm sao cấm khi chữ “cấm lửa” dịch cũng không xong – Nguồn hình: Facebook

  1. Kết
Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Tôi tình cờ đọc được một câu chuyện từ Facebooker Nguyễn Trung Kiên, tuy không liên quan lắm tới việc Tết nhất hay hàng mã/hàng thật, nhưng xin trích dẫn ra đây: “Tôi đã thật bối rối khi được mời dùng bữa tối tại nhà một quý tộc, triệu phú kiêm nhà thiết kế xe. Vì một đứa ra đi từ lò gạch như tôi thì đâu biết nghi thức tiệc tùng của quý tộc để mà xử sự cho phải phép. Nhưng không thể từ chối vì bất cứ lý do gì, nên đến dự mà có phần thiếu tự tin.

Nhưng chủ nhà, với sự tinh tế hiếm thấy, hoàn toàn hiểu được tâm tư của tôi nên đã có những cư xử cực kỳ khéo léo, tế nhị để làm tôi thoải mái dù đây là một bữa tiệc thường niên với khá nhiều bạn bè của ông ấy. Ông ta nói với tôi:

“Mr Kien, ông không đến từ đất nước có ảnh hưởng bởi văn hoá England, nên xin mời tự nhiên cho. Ý thức mới quan trọng chứ không phải nghi thức”. – Hết trích.

Ðúng vậy, “Ý thức mới quan trọng chứ không phải nghi thức”.

Hàng mã còn có nghĩa chỉ đồ dỏm, có phẩm chất kém. Ngoài ra, có người còn ví von hàng mã với sự giả dối/giả tạo của bề ngoài hoặc bên trong lòng người, tình người. Nếu thật sự có “tâm” rồi, thì thắp một cây nhang cũng là tình cảm. Nếu thật sự yêu thương, thì có xa cách mấy, túi không có đồng xu thì người ta xa quê cũng muốn quay về chứ không cần bị ép buộc. Không có ý nghĩa gì khi bạn phải “về quê ăn Tết” khi lòng không muốn, phải treo nụ cười “hàng mã” trên môi. Cũng chẳng có ý nghĩa gì khi bạn đốt những tờ giấy được vẽ vời tỉ mỉ xuống cho ai đó khi lòng bạn không thật sự tưởng nhớ họ, để mưu cầu lợi lộc cho bản thân.

Tôi biết đây là những điều ai cũng biết, nhưng đâu phải ai cũng làm được, vì vậy tôi «nhai lại» hoài. Ngoài hy vọng cả thế giới đọc được, còn hy vọng Tết năm sau hết cúm Tàu, tôi kiếm được một gia đình chồng hàng… thật!

Làm sao cấm khi: Cấm đổ rác là nơi đổ rác! Cấm đái là nơi đái bậy! Đường một chiều để đi ngược chiều! – Nguồn hình: Facebook

DU