Khi một người Việt (thường là người miền Bắc) thốt lên “Cay thật!”, có thể không phải họ đang nếm một món ăn nhiều ớt, mà là họ đang mắt nhìn xa xăm, môi mím chặt, răng nghiến lại bật ra hai chữ trên đầy chua chát. Ví dụ, sau một trận đấu game thua sát nút: “Cay thật! Suýt nữa thì thắng rồi.” Sau khi bị sếp rầy: “Vậy cũng càm ràm, cay thật sự.” Sau khi biết tin mình không trúng tuyển vào công ty mơ ước: “Cay thật, chuẩn bị kỹ lắm mà vẫn trượt.”

Tài xế lên phường vì bài đăng đầy triết lý – Nguồn: tienphong.vn
Tuy nhiên, lâu lâu “cay” cho… vui thì thôi, nhưng có nhiều người lại “cay thật” rất thường xuyên, nhất là những người có cái tôi mỏng manh. Một chiếc lá rơi không trúng ý cũng khiến họ tổn thương, một lời góp ý thẳng thắn cũng có thể bị xem là coi thường, một hành động vô tư cũng bị suy diễn thành sự khinh miệt. Và rồi cái “cay” ấy được tích tụ qua ngày, như từng giọt… mắm tôm rớt vào cống rãnh, sanh sôi dòi bọ – biến thành sự hằn học. Gặp chuyện nhỏ, họ cũng dễ dàng bùng nổ, chuyện thường cũng hóa lớn. Có lẽ do vậy mà ở Việt Nam hay có những án mạng khó hiểu, như có hai người đi ăn hủ tiếu gõ, nhìn nhau một cái mà một người rút dao, một người bị đâm cái… ọt. Có khi người bị đâm mồ yên mả đẹp, đầu thai tám quận rồi mà người đâm (bị cáo) chưa thể lý giải sự “cay thật” của mình tới từ đâu cho người khác hiểu nguyên nhân án mạng…
Mới đây thôi, đầu tháng 7 (Dương lịch) vừa rồi, anh tài xế taxi tên H. (sanh 1994) ở Móng Cái – Quảng Ninh chở 3 người khách Tàu tới khách sạn. Khách đưa 10 Nhân dân tệ, anh H. nói không đủ, khách rút thêm 10 Nhân dân tệ đưa anh tài xế. Anh H. thối lại khách một tờ tiền màu xanh. Không biết các “thượng đế” người Tàu bất bình chuyện gì mà một người trong nhóm lạnh lùng cầm tờ tiền vừa nhận và xé đôi ngay trước mặt anh tài. Chắc cũng cảm thấy “cay thật” vì hành động của vị khách nước… lạ, anh H. cầm luôn tờ 10 Nhân dân tệ mà khách đưa và xé luôn trước mặt khách.
Có lẽ thấy chưa đã tức, anh H. cắt đoạn video từ camera hành trình trong xe taxi, lồng vào dòng chữ triết lý “Hạ mình đi kiếm tiền chứ không hạ mình vì đồng tiền”. Hàng triệu người trên cõi mạng cùng lên cơn «cay thật» theo anh H. với hàng ngàn lý giải – suy diễn đậm tánh «tự ái dân tộc». Ngay lập tức, đoạn phim được cắt xén, thêm thắt và lan truyền với câu chuyện «Khách Trung Quốc xé tiền Việt Nam, tài xế nổi giận vì tự ái dân tộc».
Như một chảo dầu sôi, chỉ cần một giọt nước là bắn tung tóe. Những dòng chữ chứa đầy capsaicin (hoạt chất hóa học trích ra từ ớt) văng tứ tung, người đòi bảo vệ phẩm giá đồng tiền Việt, kẻ kêu gọi tẩy chay du khách Tàu… Không biết lo lắng điều chi, công an mời tài xế H. lên thẩm vấn. H. khai rằng tất cả tiền bị xé là tiền Tàu – Nhân dân tệ, không có tờ tiền Việt Nam nào bị xé cả, lý do xé tiền thì không thấy báo đăng. Cư dân mạng Việt Nam đã bớt «cay» các vị khách Tàu, nhưng quay qua «cay» anh tài xế H. vì khiến họ lầm «cay»!
Nói chung, phải kiếm được mục tiêu để… “cay”, cộng đồng mới vừa ý.

Cô gái tố cáo nhân viên quán cà phê Nhật và sự đồng lòng đánh giá một sao từ cộng đồng mạng Việt Nam – Nguồn: Facebook
Một xô… ớt khác mới đổ ra ở Osaka – Nhật, cô gái Việt phản ảnh bị nhân viên quán cà phê hành hung, bài viết thu hút hàng chục ngàn bình luận có nội dung như sau:
“Kimoanh Nguyễn – Chuyện là hôm nay gia đình tôi đi uống cà phê tại quán Motti Cafe ở Osaka. Ngay từ khi bước vào, nhân viên đã có thái độ không hề thân thiện với gia đình tôi. Cháu tôi chỉ vừa chạm vào một con gấu bông trong quán thì nhân viên lập tức giật lại và mang đi xịt khử khuẩn. Cảm thấy không thoải mái, gia đình tôi quyết định rời đi.
Tôi sang Nhật theo diện du lịch và không biết tiếng Nhật, nên đã dùng Google Dịch để nói với nhân viên rằng: “Thái độ của bạn khiến gia đình tôi cảm thấy không được tôn trọng.” Sau khi đưa điện thoại ra cho họ xem câu dịch, tôi lập tức quay lưng bước đi. Ngay lúc đó, một nhân viên bất ngờ lao ra, dùng lực tác động mạnh và đấm thẳng vào mắt tôi – cú đánh rất đau.
Gia đình tôi đã gọi cảnh sát đến, nhưng lúc đầu mọi việc không được giải quyết công bằng. Cảnh sát ban đầu có xu hướng bênh vực nhân viên kia. Tuy nhiên, sau khi xem lại video từ camera và xác nhận tôi bị đánh – hơn nữa là bị đánh rất đau – họ mới đổi thái độ. Họ nói rằng nếu bên kia đồng ý xin lỗi và bồi thường thì liệu tôi có chấp nhận không. Tôi trả lời là không.
Bởi lẽ ngay từ đầu, nếu người đó chịu xin lỗi đàng hoàng thì đã không có chuyện gì xảy ra. Đằng này, anh ta không những không xin lỗi mà còn lè lưỡi trêu ngươi tôi – một hành vi thiếu tôn trọng và khiêu khích. Vụ việc này, tôi sẽ kiện và theo đuổi đến cùng. Đừng xin hộ người đó làm gì. Hiện tại đầu tôi vẫn còn choáng, mắt vẫn sưng đỏ, và tôi khẳng định sẽ theo vụ này đến nơi đến chốn. Thứ Hai tới, tôi sẽ lên Đại sứ quán để tiếp tục làm việc.”
Điều đáng nói: hàng trăm ngàn cư dân Việt chưa biết rõ sự tình đã vội “ra tay nghĩa hiệp” bằng cách tràn vào các trang đánh giá trên mạng (Google Maps, TripAdvisor…) để lại bình luận tiêu cực và cho quán 1 sao hàng loạt. Và có vài ngàn người đã đánh giá lộn quán khác, gây ảnh hưởng chuyện làm ăn của người không liên quan.
Tôi không bênh người nhân viên kia, thậm chí ác cảm với người đó, vì đàn ông sức dài vai rộng mà đánh người phụ nữ nhỏ bé hơn mình, dầu lý do gì cũng thấy hơi hèn hạ. Và, bạo lực với khách là hành vi vi phạm pháp luật ở mọi nơi trên cõi đời này, dầu ở Việt Nam hay ở Châu Phi, Châu Mỹ… Đặc biệt ở Nhật, hành vi bạo lực luôn bị coi thường và xử nặng. Nhưng… theo cảnh sát Nhật cũng như các video từ chính người tố cáo:
- Gia đình của du khách người Việt vào quán rất ồn ào, gây khó chịu cho mọi người.
- Cô gái hoặc người nhà đã chạm vào và thay đổi chỗ của vật trang trí trong quán (cái ly có gắn con gấu bên trên), vật này đã dán cảnh báo bằng tiếng Anh đơn giản – “do not touch” (đừng đụng vào).
- Ở Nhật, việc nhân viên xịt khử khuẩn một món đồ chơi ngay sau khi khách chạm vào là một quy chuẩn vệ sinh hết sức bình thường, không hề mang ý nghĩa xúc phạm. Đó là cách họ bảo vệ không gian chung, đặc biệt là ở nơi có trẻ em. Nhưng cô gái Việt và gia đình cô hiểu lầm đó là hành vi kỳ thị.
- Cô dùng lời nói qua Google Dịch thể hiện sự bất bình của mình và đụng chạm vào anh nhân viên quán cà phê trước, có lẽ anh này đã lợi dụng điều này mà “đụng tay đụng chân” với cô. Vì ở Nhật, đánh nhau là sai, nhưng người đụng tay đụng chân là sai trước…
…
Câu chuyện vẫn chưa được làm rõ, nhưng cô gái “mở bài” câu chuyện từ việc nhân viên khử khuẩn đồ vật ngay sau khi bị chạm vào – cho thấy cô này đã tự ái từ việc này. Đôi khi, lòng tự trọng cần đi đôi với sự tự tin, mà sự tự tin phải đi đôi với những hiểu biết căn bản và sự tôn trọng khác biệt. Nếu không, nó rất dễ trở thành sự tự ái mù quáng, khiến chúng ta hành xử một cách gồ ghề, thiếu tinh tế và gây ra những hiểu lầm đáng tiếc. Nhiều người Việt từng tỏ ra bất bình khi họ chụp hình với cây cảnh của một gia đình Nhật, hoặc hái trái trên cây của một gia đình Nhật, qua hôm sau thấy những cái cây đó đã bị chặt. Ở Nhật Bản, khi xem bóng đá, việc la hét cổ vũ có thể bị hạn chế, đặc biệt là ở các sân vận động lớn. Ở một số sân, ban tổ chức có thể yêu cầu không ca hát, huýt sáo khi cổ vũ. Hay câu chuyện mới xảy ra tức thì:
Một thanh niên Việt qua làm thu ngân ở cửa hàng tiện lợi Nhật Bản. Thấy một cô gái khách hàng người Nhật cười thân thiện, anh mời theo thói quen: “Nhà tôi ngay gần đây, rảnh ghé qua ăn chè nha.”
Vài phút sau, cảnh sát có mặt thẩm vấn anh chàng này hơn một tiếng đồng hồ, kiểm tra nhân thân, giấy tờ kỹ lưỡng, vì nhận được tin báo về hành vi có dấu hiệu “rủ rê”, một điều tối kỵ trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của Nhật. Cư dân mạng Việt, đa số cho rằng:
Con gái Nhật giả tạo, làm quá…
Chỉ là lời mời xã giao, vui vẻ thôi mà.
Nói một câu bị báo công an chắc ở Việt Nam đàn ông đi tù hết…
Xấu mà làm như mình báu lắm…
Cũng đúng, bao nhiêu cô gái ở Việt Nam bị quấy rối tình dục bằng lời nói, con chữ mỗi ngày, đâu có báo cảnh sát, công an gì đâu, vì báo cũng như không! Đọc những dòng bình luận trên, tôi không “cay” chàng trai thu ngân, cũng không “cay” cô gái Nhật. Tôi “cay” cho chính cái xã hội chứa chấp số đông đã viết ra những bình luận đó…

Thanh niên Việt Nam làm ở Nhật – ghẹo khách hàng nữ, bị cảnh sát tới tra hỏi – Nguồn: Facebook
DU
Bà Tám ở Sài Gòn