Có những chốn ẩn giấu các kho tàng thiên nhiên quyến rũ những bước chân lãng tử say mê một náo nức lên đường. Có những nơi ấm cúng, gọi là nhà, đầy những vòng tay êm ả thương yêu, kêu gọi các người con tha phương, xa gia đình, trở về sum họp. Cũng có nơi chốn quy tụ những tâm hồn yêu chữ nghĩa, thích sống cuộc đời tri thức, dùng đầu óc và ngòi viết của mình phục vụ nhân quần xã hội. Đó là các toà soạn báo chí, là ngôi nhà thân yêu của những người trót chọn nơi ấy làm nơi gởi khối óc và trái tim. Phải nói lời chia tay với một nơi chốn mà mình đã gởi tim óc trong suốt 28 năm phải nói là đau đớn và ray rứt lắm.

Hàng trên, từ trái qua phải: Ca sĩ Bích Liên, Nina Hoà Bình, Ca sĩ của Cát Trắng. Hàng dưới: NS Cung Tiến và Phu Nhân, TT Kiều Chinh, Nhã Ca, Trần Dạ Từ.     

Việt Báo đã phải làm như vậy, phải dứt áo ra đi, để về một địa chỉ khác. Ðể sẽ mặc vào một manh áo mới nghiêng hẳn về văn học nghệ thuật, để khởi đi trên một con đường cam go, ít người bước, trong một thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Sự thay đổi nào cũng có cái được, cái mất và cái còn. Tuy nhiên sức đề kháng, hoà nhập và đối đầu của con người trước sự thay đổi của vô thường rất mãnh liệt, tôi hy vọng và cầu chúc cho Việt báo kiên cường và thành công trên con đường hoàn toàn mới.

Ðể tạ ơn những độc giả và bè bạn thương mến, Việt Báo đã tổ chức một đêm nhạc thính phòng với chủ đề “Lệ đá xanh” vào đêm Thứ Sáu 27 tháng 12, 2019 vừa qua. Tôi đến thăm và nhìn thấy mọi thứ trong toà soạn được dọn dẹp gần sạch, ngoài trừ căn phòng hội, mọi người cũng đã sẵn sàng cho sự lên đường.

Tâm thức người đi và người đưa đều buồn như nhau. Những chiếc lá vào đông vàng úa trong nét hoạ, bay rải rác trên bờ tường, như những giọt lệ xanh, thầm rơi tựa những nốt “blues” trên phiến dương cầm nhả chậm. Phòng hội được trang trí bởi HS Lê Hùng đã đưa khách thưởng ngoạn vào không gian một bức tranh tường bát ngát xanh. Lác đác quanh phòng hội, đây đó những tác phẩm hội hoạ của cố hoạ sĩ Duy Thanh được treo như một sự hiện diện vĩnh hằng của tác phẩm, dù tác giả đã ra đi về nơi nào tít mù xa.

Ca sĩ Khánh Ly

Khách mời ngồi chật cứng khán phòng, một số ca sĩ vì kẹt xe và đường bị đóng không tới được, nhưng buổi hoà nhạc vẫn tuyệt vời và đầy cảm xúc sâu lắng. MC là ca sĩ, bác sĩ Bích Liên có trình bày về sự thiếu chu đáo, quá đột ngột và chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng của chương trình này. Bà xin khán giả thông cảm và xem đó không phải là một buổi trình tấu vì chỉ có vài ngày chuẩn bị, ngay đến bà cũng không có thì giờ học thuộc bài hát, kể cả tập dợt với người đàn.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Chương trình được chia làm 3 phần với các ca khúc của 3 nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, Cung Tiến và Trần Dạ Từ. Trong cung cách một buổi nhạc thính phòng dành cho thân hữu nên các chi tiết của phần giới thiệu đơn giản, không rườm rà và trịnh trọng. Không khí thân mật khiến mối giao cảm giữa người hát và người nghe gần gũi và lắng đọng hơn.

Những ca khúc sống mãi trong lòng người của Phạm Ðình Chương như các khúc dạo đầu của cơn mưa phùn rải lộc thơm vào không gian buổi sáng. Những “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội, Ðợi chờ, Người đi qua đời tôi, Xóm đêm, Dạ tâm khúc, Nửa hồn thương đau, Ðêm nhớ trăng Sài Gòn” đã đi qua không gian và thời gian mấy mươi năm, vẫn thẩm thấu rồi đọng lại trong tâm tưởng những người yêu mến nhạc của ông. Các tiếng hát, Bích Liên, Thu Vàng, Thương Linh, Jimmy Nhựt Hà, Nathan, và ban hợp ca Cát Trắng đã chuyển tải được tất cả thật sâu sắc cả ý lẫn lời.

Ban hợp ca Cát Trắng

Ca khúc bất hủ của NS Phạm Ðình Chương “Ðất lành” trong cuốn phim đoạt giải danh dự của Ðại Hội điện ảnh ngày xưa đã được ban hợp ca Cát Trắng trình bày. Mối tình yêu quê hương đất nước và con người bỗng dậy lên trong tôi như men rượu nếp thơm vào mùa lúa chín. “Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa, Em đất Thanh Nghệ, anh nhà Cà Mau”. Tất cả được PÐC “Se duyên Nam Bắc ngọt ngào tình yêu, ngọt ngào tình yêu.” Hình ảnh một ban Thăng Long ngày cũ bỗng sống lại trong lòng người nghe. Khán giả vỗ tay nhiệt liệt.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Khánh Ly, nữ hoàng chân đất của thập niên 60, đêm này dù bị bệnh cảm nặng vẫn đến hát và cảm ơn Việt Báo đã có ân tình sâu nặng với bà. Bà đặc biệt trình bày những ca khúc của thi/nhạc sĩ Trần Dạ Từ cho phần kế tiếp. Sài Gòn Blues của ông đã chinh phục hồn tôi và bao khán giả.

Ca sĩ Bích Liên

Thành phố oan trái.

Ngọn lửa đỏ cháy mãi

Thời trẻ trung rồ dại của ta

Thành phố yêu ma

Còn nhớ ta

Con thiêu thân rụng cánh đêm nào

Em yêu, em có nghe

Thành phố ấy vẫn thở

Thành phố ấy vẫn gọi

Thành phố ấy em có nghe

Vẫn thì thầm những hẹn hò trong ta

Ca Sĩ Thu Vàng

Sài Gòn đối với tôi và nhiều người tha hương lúc nào cũng là một vết thương chưa lành, bỗng nhoi nhói đau khi có người chạm đến. Sài Gòn của Trần Dạ Từ, của tôi, của chúng ta, bất giác trồi lên khi nghe tiếng gọi yêu thương, tiếng gọi thì thầm của những hẹn hò, tiếng gọi của nụ hôn ngày mới lớn. Giọng hát Khánh Ly vì bị cảm nên khàn hơn, buồn hơn, làm cung điệu chùng xuống. Nỗi bi thảm của sự chia ly, tự dưng dìm tôi sâu hơn vào cảm xúc. Bà than vãn bạn bè bảo sao chỉ có mình bà hát nhạc TDT. Có lẽ không phải vì nó quá khó hát, mà có lẽ vì không ai có thể hát nó đạt hơn bà.

Bài hát thứ nhì “Gội đầu” nghe ra thì quái dị như một bức tranh hiện thực miêu tả trần trụi hành động “gội cái đầu chua lè, bê bết”. Tuy nhiên nó lại ẩn tàng mang một nhắn nhủ, một cương quyết tẩy trần trí não dơ bẩn, tham sân si, ăm ắp bể dâu. Gội đầu đi. Hãy gội đầu để ngày sau còn nhìn ra nhau.

“Gội đầu mà gội đầu. Gội cái đầu chua lè / Gội cái đầu cay sè / Gội sạch nhé / Gội cho ngày sau nhìn ra nhau.”  và  “Bê bết lâu rồi. Ơi cái đầu xấu xí/Cay cú, cuồng si./Gội đầu.Gội đầu đi. Tử biệt. Sinh ly./Gội đầu bằng bão tố. /Gội đầu bằng nắng lửa/ Ôi cái đầu bể dâu…”

Ca sĩ Jimmy Nhựt Hà

Có ngồi nghe Khánh Ly hát, xem cách nhả chữ, từng câu, từng câu một của bà. Hoà cùng tiếng đàn piano của Hoàng Công Luận nhấp mạnh theo, chắc nịch từng nhịp một, mới thấy các thứ ấy quyện vào nhau làm nên một bài hát sâu sắc lạ lùng. 60 năm ca hát đã trui rèn một Khánh Ly hát được những bài hát dưới dạng thơ ca một cách lão luyện. Nhất là cái loại thơ không lãng mạn, không âu yếm, ướt át mà lại chua lè, cay sè, ẩn giấu những ý tưởng thâm sâu, đắng ngắt.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Năm 2015 tôi từng nghe bà hát bài này, nhưng tôi thích cái giọng khàn bệnh, tông thấp, chín muồi của bà hôm nay hơn. Có lẽ vì càng ngày bà càng cúi xuống để gần hơn với ý nghĩa của bài hát, của câu “gội cái đầu tuyết sương”. Rồi có một ngày cái đầu tuyết sương không cần gội, mà thời gian cũng tự nhiên xoá đi trí nhớ, để cái đầu chỉ còn một khoảng trống thênh thang của bệnh mất trí nhớ. Ôi làm sao khi ấy còn nhìn ra nhau!!!

Hai bài tình ca nữa của TDT được Khánh Ly diễn đạt cho tình yêu đôi lứa là “Anh yêu em vậy thôi” và “Trời đất biết ta”.

Phần cuối chương trình dành cho dòng nhạc Cung Tiến với những ca khúc mới và cũ. Sự hiện diện của ông bà Cung Tiến cùng gia đình và nữ tài tử Kiều Chinh đã thắt chặt thêm tình thân giữa họ và Việt Báo. Nữ ca sĩ Bích Liên trình bày một cách xuất sắc những nhạc khúc mới rất khó hát của Cung Tiến dù chưa tập dợp, chứng tỏ bà có một năng lực phi thường. Ðó là các bản “Mắt biếc, Ðêm, Khói hồ bay”. Ca sĩ Thu Vàng đã đưa người nghe trở về khung trời xưa ngời ngời men nhớ của “Nguyệt Cầm, Hoài cảm”. Riêng “Lệ đá xanh”, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền là một bài rất khó hát, mà Thu Vàng vẫn làm người nghe say đắm đến những câu cuối. Hai bài “Thu Vàng và Hương xưa”, đã được hợp ca như một lối trình bày khác đi làm khán giả kinh ngạc.

Buổi trình diễn không thể thiếu tiếng Piano của Ðỗ Bằng Lăng, Hoàng Công Luận, Diễm Uyên. Guitar: Doãn Quốc Hưng, Lê Hùng. Violin -Hoàng Công Luận. Cello- Ái nữ của Ðỗ Bằng Lăng.

TTT