Trong không khí Giáng Sinh, trong một Club House ấm cúng của khu Royal Garden Estate Mobile Home, Westminster, có một buổi họp mặt đông đảo thân mật nhưng không kém phần trang trọng, và đầy ắp tình cảm. Họp mặt và tiệc “Mừng Thượng Thọ và Vinh Danh Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ” do 5 hội đoàn đứng ra tổ chức, đó là Hội Giáo Chức Việt Nam-Nam California, Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn, Viện Việt Học, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, và Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An.
Bãi đậu xe của Club House sáng Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Hai, 2022, chật kín không còn chỗ đậu. Con số người tham dự càng lúc càng tăng, dù ban tổ chức đã bảo nhỏ “Chúng tôi không dám loan báo rộng rãi trong cộng đồng vì chỗ ngồi hạn chế, chỗ đậu xe không đủ”.
Giáo Sư Nguyễn Văn Khanh (cựu giám đốc Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do (RFA)), từ Washington DC đã bay về dự lễ vì là học trò của thầy ở Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn năm xưa. Ông kể rằng, ông nhớ mãi mấy câu tâm sự và dạy dỗ của thầy Doãn “Nghề giáo không được cái gì cả, chỉ được hai điều, thứ nhất là tình thầy trò, thứ nhì là tình đồng nghiệp.” và “Trên tấm bảng đen khốn khó, người ta đã cố vẽ lên những vòng hạnh phúc, Vòng hạnh phúc của nước Việt Nam nằm trong tay các anh chị.” . Do đó ông đã hãnh diện vì là học trò của thầy và lại là đồng nghiệp với thầy. Ông thêm “Tuy hầu hết mọi người biết đến thầy Doãn trong vai trò Nhà Văn, nhưng riêng tôi, tôi biết đến thầy trong vai trò của một người cha, người mẹ và một người thầy. Bởi vì thầy nghiêm với anh em chúng tôi như một người cha, chăm sóc chúng tôi như một người mẹ và hướng dẫn chúng tôi như một người thầy, ấy là điều đáng quý.”
Cảnh Giáo Sư/ Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ trong chiếc áo dài the đen và khăn đóng cười tươi được Giáo Sư Trần Huy Bích cùng con gái cụ Doãn là Doãn Liên dìu vào là một hình ảnh vô cùng rạng rỡ, mở đầu cho buổi họp mặt. Sống đến con số bách niên mà cụ Doãn vẫn nhìn tráng kiện, hồng hào, đi đứng được, phải nói là cụ có một sức khoẻ tinh thần và thể chất phi thường. Cách đây ba, bốn năm trong các buổi sinh hoạt Du Ca hay Chợ Tết Sinh Viên, cụ vẫn đứng hay ngồi đánh nhịp và lẩm nhẩm hát theo các bài hát của đoàn Du Ca. Không biết bí quyết sống của cụ là gì mà dù trải qua 14 năm lao tù Cộng Sản với tội “Biệt Kích Văn Hoá”, cụ vẫn sống kiên cường, mãnh liệt.
Giáo Sư/Nhà Thơ Ðỗ Quý Toàn đã lên tóm tắt tiểu sử cụ Doãn với quá trình giảng dạy, làm hiệu trưởng và sự nghiệp văn chương cùng các tác phẩm của cụ. Ông không quên nhắc đến bài thơ nổi tiếng của Thanh Tâm Tuyền là bài “Nhịp ba” đã đề tặng cụ Doãn Quốc Sỹ. Trong phần diễn đọc “Nhịp Ba”, ông nhấn mạnh những câu thơ mà trong đó có hình ảnh bất khuất của những người chiến đấu cho Tình Yêu Tự Do như cụ Doãn hay những người còn sống kiên cường sau lao tù Cộng Sản, khiến ai cũng cảm động.
Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
lưỡi lê thấu phổi
tim còn nhảy đập
nhịp ba nhịp ba nhịp ba
tình yêu tự do mãi mãi
đất nước ào ào vỗ nhịp
triều biển chập chùng
Hà Nội Huế Sài Gòn
ôm nhau nức nở
có người cầm súng bắn vào đầu
đạn nổ nhịp ba
không chết
anh ngồi nhổm dậy
khoẻ mạnh lạ thường
bước ai thánh thót
nhịp ba
tình yêu
tự do
mãi mãi
tình yêu tự do mãi mãi
(Nhịp Ba-Thanh Tâm Tuyền)
Tiếp đó là một món quà ý nghĩa, một Slide Show tựa đề “Bố” do sự góp công của gia đình ông được trình chiếu cho mọi người xem. Khách tham dự còn được tặng một món quà quý giá là Giai Phẩm Thư Quán Bản Thảo với tựa đề “Hành trình của một dòng sông” dầy trên 200 trang. Giai phẩm được chấp bút với các cây viết như Trần Hoài Thư, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Mạnh Trinh, Doãn Tư Liên v.v. trong chủ đề “Mừng sinh nhật thứ 100 của Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ”.
Giáo sư Nguyễn Ðình Cường đã diễn ngâm 3 bài thơ của người mến mộ viết tặng cụ Doãn. Bài “Tóc trắng và con đường mùa thu” của Nhà Văn Trần Mộng Tú, Bài thơ “Tiễn Thầy” của Nguyễn Ðức Vĩnh và một bài nữa của một tác giả khuyết danh không rõ tên.
Tóc Ta trắng và lá Thu màu đỏ
Bầu trời trên cao mây nhẹ nhàng bay
Lưng vẫn thẳng Ta chẳng cần gậy chống
Một trăm năm coi nhẹ như một ngày
Ta vẫn một tấm Gìn Vàng Giữ Ngọc
Dòng Sông ơi Ðịnh Mệnh chảy về đâu
Khu Rừng Lau xác xào trong trí nhớ
Gió từ đâu thổi tạt tới phương này
(Tóc trắng và con đường mùa thu -Trần Mộng Tú)
Giáo Sư Trần Huy Bích đã đại diện 5 Hội đoàn của ban tổ chức trao tặng cụ tấm Plaque Mừng Thọ 100 tuổi và Vinh Danh GS Doãn Quốc Sỹ: “Nhà Giáo Dục gương mẫu, Nhà Văn Hoá giàu tâm huyết, Bậc Quốc Sỹ được kính ngưỡng của dân tộc.”
Hội trưởng Hội Ái Hữu Viện Ðại Học Vạn Hạnh đã đại diện hội phát biểu cảm tưởng. Ông rất xúc động khi xem slide show về sự tù đày của cụ Doãn. Ông biết các thầy cô hiện diện cũng từng bị tù Cộng Sản và trong đó có cả GS Ðoàn Viết Hoạt là nhà đấu tranh cho dân chủ mà cũng là Cựu Phó Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh đã từng bị 8 năm tù Cộng Sản. Ông rất cảm phục thầy là một vị thầy đạo đức, tận tụy, một tinh thần đấu tranh bất khuất chống bạo quyền, một tâm hồn vị tha không thù hận. Ông thay mặt hội nhớ ơn công sức thầy đã đóng góp nhiều sáng tạo về văn hoá, và giáo dục nhân bản cho nhiều thế hệ VN chúng ta hôm nay và ngày mai.
Các đại diện của gia đình Sư Phạm Sài Gòn, Viện Việt Học, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, và Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An lần lượt lên tặng quà và Mừng Thọ cụ Doãn.
Ðại diện Hội Nhà Văn, Nhà Thơ Trúc Chi đã lên chúc mừng. Hiện diện có Nhà Văn Tràm Cà Mau, Phạm Tín An Ninh, Nguyễn Văn Sâm, Ngự Thuyết v.v.
Phần văn nghệ phụ diễn do cô Kim Ngân của Viện Việt Học phụ trách đã giúp cho không khí buổi tiệc thêm phần phong phú. Buổi lễ bế mạc với niềm vui gặp gỡ của nhiều giáo chức lâu ngày được gặp lại và mọi người ai cũng phấn chấn vì dù ở hải ngoại tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn được kính ngưỡng và gìn giữ.
TTT
Tác phẩm đã xuất bản
Nổi tiếng nhất là bộ trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau gồm 4 tập:
– Ba sinh hương lửa – Người đàn bà bên kia vĩ tuyến – Tình yêu thánh hóa – Đàm thoại độc thoại. Bộ tiểu thuyết này đã được ví như “Chiến tranh và hòa bình” của Leo Tolstoy
Sợ Lửa (1956), U Hoài (1957), Gánh Xiếc (1958), Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng Sông Định Mệnh (1959), Hồ Thuỳ Dương (1960), Trái Cây Đau Khổ (1963), Người Việt Đáng Yêu (1965), Cánh Tay Nối Dài (1966), Đốt Biên Giới (1966), Sầu Mây (1970), Vào Thiền (1970), Khu Rừng Lau [7], Người Vái Tứ Phương, Dấu Chân Cát Xóa, Mình Lại Soi Mình.