Nhắc tới tài tử điện ảnh nổi tiếng Kiều Chinh hầu như người Việt nào cũng biết. Tài năng và sự đóng góp rất nhiều của bà trong ngành nghệ thuật thứ bảy đã được nhiều người biết đến trong suốt hơn 60 năm hoạt động tích cực. Bà đã được vinh danh và trao nhiều giải thưởng không những trong lãnh vực diễn xuất mà còn trong những hoạt động từ thiện do nhân cách đáng kính của bà.
Nhớ đến Kiều Chinh, người ta thường nhớ tới hình ảnh một người phụ nữ đẹp, tóc dài quá vai, ngôi chẻ giữa, thường xuất hiện trong các tà áo dài ở các buổi hội họp, tiếp tân, liên hoan phim hay trao giải thưởng điện ảnh. Hình ảnh nhẹ nhàng, thùy mị, thanh thoát ấy là hình ảnh một người con gái hay phụ nữ Việt Nam, rất Việt Nam. Đẹp làm sao chiếc áo dài Việt dịu dàng ôm ấp một vóc dáng thanh nhã của Kiều Chinh phất phới giữa nền thảm đỏ Hollywood.
Trong một ngày vinh danh trọng đại, được lãnh giải Life Time Achievement Award tại Global Film Festival, San Francisco, Tài tử Kiều Chinh đã mặc một chiếc áo dài. Chiếc áo gấm màu vàng cam bà mặc là một thiết kế độc đáo của nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã tôn được vẻ đẹp trang trọng và sáng ngời của bà trên nền thảm đỏ.
Không thể chối cãi, chiếc áo dài VN đã góp phần tạo nên một diện mạo Kiều Chinh không lẫn lộn giữa bao nhan sắc từ khi bà bước vào nghề từ năm 20 tuổi cho đến khi trở thành một tài tử điện ảnh VN được biết đến nhiều nhất bên ngoài biên giới, cho đến nay.
Năm 1961, Theo chân Đoàn Văn nghệ Việt Nam do Hoàng Thi Thơ thành lập bà đi lưu diễn ở Paris, Pháp. Kiều Chinh đã thủ vai chính trong vở nhạc kịch Ả Đào Say cùng ban nhạc Lữ Liên trình diễn trước bao nhiêu khán giả của nước Pháp . Chiếc áo dài lụa đỏ trong cung cách người thiếu nữ trẻ Việt Nam ấy không biết đã làm đắm say bao khách đa tình nặng lòng vương vấn.
Người phụ nữ trong chiến tranh là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Từ vai trò một người tình đến người vợ rồi người mẹ, phụ nữ VN đã cam chịu bao mất mát, chia ly, đổ vỡ và hậu quả đau thương của cuộc chiến. Hình ảnh người thiếu nữ đương xuân trong chiếc áo dài đen khăn choàng đỏ bên hàng rào kẽm gai, đi tìm người yêu ngoài chiến trường là một hình ảnh gây nhiều ấn tượng. Vai trò mà Kiều Chinh đã đóng trong phim “Người tình không chân dung” đã lột tả được phần nào phong cách diễn xuất của bà vào năm 1971. Cuốn phim sau này đã được tái bản và trình chiếu trong Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (Vietnamese International Film Festival) tại Hoa Kỳ năm 2003.
Vào năm 1975, khi Kiều Chinh đang thực hiện cuốn phim Full House ở Singapore thì Sài Gòn thất thủ. Bà sang Hoa Kỳ định cư và tiếp tục sự nghiệp diễn xuất của mình trong bộ phim M*A*S*H (1977), bộ phim gần như dựa trên câu chuyện về cuộc đời của bà.
Sự nghiệp diễn xuất của bà tiếp tục không những với các bộ phim truyền hình như The Children of An Lac (1980), The Letter (1982), The Girl Who Spelled Freedom (1986) mà còn trong những phim truyện khác, Gleaming the Cube (1988), Catfish in Black Bean Sauce (1999), What’s Cooking (2000), Face (2002), Returning Lyly (2002). Năm 1993, Kiều Chinh vào vai Suyuan, một phụ nữ Trung Quốc trong cuốn phim The Joy Luck Club của Wayne Wang.
Ở Hoa Kỳ, giải cao quý nhất của ngành điện ảnh Mỹ thì có Oscar, về truyền hình thì có Emmy. Năm 1996, Viện Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Mỹ (Academy of Television Arts and Sciences) đã trao giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez / KTTV.
Bà đã duyên dáng tươi tắn trong tà áo dài đen, kiềng vàng, nổi bật trên nền thảm đỏ ngày được trao giải Emmy.
Năm 2005, Kiều Chinh vào vai một người bà với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu trong cuốn phim Vượt sóng, có tên tiếng Anh là Journey from the Fall của đạo diễn Hàm Trần. Vượt Sóng là cuốn phim đầu tiên và có ngân sách lớn nhất nói về người tỵ nạn Việt Nam, cuốn phim theo dấu các gia đình Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc, về các trại cải tạo, về kinh nghiệm của các thuyền nhân và những khó khăn ban đầu khi họ được định cư tại Hoa Kỳ.
Trong ngày nhận giải Golden Torch Award, Kiều Chinh trong chiếc áo dài nâu vừa trang nhã vừa kiều diễm với mái tóc búi cao đã làm nên vóc dáng một phụ nữ thuần Việt rất độc đáo và rất… Hà Nội. Chiếc áo tuyệt đẹp Kiều Chinh mặc này là một chiếc áo cổ do nhà nghiên cứu, sưu tập đồ cổ, phục chế trang phục Việt, Trịnh Bách sưu tầm và thiết kế riêng cho bà.
Trên thảm đỏ rực rỡ của điện ảnh bà cũng từng đồng hành và chụp hình chung với các tài tử màn bạc khác như tài tử Tippi Hedren sắc nước hương trời của một thời. Chiếc áo bà mặc do nhà thiết kế Thụy Cúc tạo kiểu.
Nhà thiết kế Thụy Cúc cũng đã thiết kế một chiếc áo tuyệt đẹp khác cho bà là chiếc áo “Trống Đồng” bà mặc chụp ở thư viện Nixon. Đẹp làm sao màu xanh ngọc gắn liền với sự an nhiên, hoà trộn cùng tông nâu an bình, cân bằng năng lượng làm nổi bật màu cam nâu đỏ của trống đồng. Cộng thêm khăn choàng, trang sức và phong cách, kiểu dáng Kiều Chinh, tất cả đã hòa quyện làm nên một bức tranh Việt, nền nã, tinh tế và kiêu hãnh.
Khác với các nữ tài tử khác khi xuất hiện trước công chúng trong những dịp trọng đại họ mặc quần áo thời trang, hở cổ, kiểu cách lạ lẫm thu hút ống kính của nhiếp ảnh gia. Kiều Chinh của chúng ta chỉ xuất hiện với chiếc áo dài vừa kín đáo vừa làm tôn vẻ đẹp của người phụ nữ VN. Trong đêm trao giải Tiên Phong Trailblazer Award bà mặc một chiếc áo dài lụa nâu mềm mại với chuỗi ngọc nâu nhã nhặn, làm sáng lên một phong cách an nhiên, tự tại.
Trong quá trình hoạt động diễn xuất trên 60 năm, bà từng xuất hiện trên 100 cuốn phim truyện dài và TV. Kiều Chinh đã nhận được nhiều giải thưởng khắp nơi trên thế giới, từ Việt Nam, Đông Nam Á, Châu Âu đến Hoa Kỳ.
Nữ tài tử Kiều Chinh đã được The Asian World Film Festival (AWFF) trao tặng giải thưởng “Snow Leopard Lifetime Achievement Award” (giải Thành Tựu Trọn Đời Snow Leopard) tại Los Angeles, California, vào tháng 3 năm 2021.
Những chiếc áo dài của bà đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên có lẽ niềm vui, sự hãnh diện và trang trọng vẫn là lúc bà mặc vào chiếc áo dài. Trong lần vinh danh này bà mặc chiếc áo dài nâu đen bên ngoài phủ choàng bằng chiếc áo khoác gấm vàng óng lên nhận giải thưởng. Chiếc áo này do Thái Nguyên thiết kế.
TTT