Có lẽ không ai hát bài Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước hay hơn Kim Tước; với bài này, Kim Tước đoạt giải nhất tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Hà Nội và từ đó chị đi vào nghề ca hát sau khi di cư vào Nam. Thính giả nghe nhạc tiền chiến trước 75 chắc hẳn không quên một giọng hát thánh thót, trong trẻo của Ca sĩ Kim Tước, một giọng hát rất mẫu mực về kỹ thuật.

Tất cả chúng tôi, một số bạn bè và thân hữu của Ca sĩ Kim Tước, liên lạc, tìm đến nhau, để cùng tổ chức một buổi ca nhạc “bỏ túi” cho bà trước khi bà rời tiểu bang California, Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ có vỏn vẹn hai ngày để chuẩn bị. Thư mời hoả tốc gởi đi tối Thứ Bảy, buổi trình diễn vào trưa Chủ Nhật ngày Feb, 5,2023 tại Viện Việt Học là một quyết định rất nhanh, gọn, của Bác sĩ Nhãn khoa Phạm Ðỗ Thiên Hương, làm người nhận kinh ngạc. Buổi họp mặt như một lời chia tay trước khi nữ danh ca Kim Tước rời Little Sài Gòn, là nơi bà rất yêu mến, để về tiểu bang khác sinh sống với con trai.

Ca sĩ Kim Tước

Theo lời kể của em gái bà, ca sĩ Hồng Tước, sau bao nhiêu năm bặt tiếng không còn hát, trước đó vài hôm bỗng dưng bà nổi hứng hát ca. Bệnh mất trí nhớ của bà mới đây trở nặng, lúc quên, lúc nhớ, thì hiện tại và quá khứ thường lẫn lộn, không còn phân biệt nổi nữa. Thấy bà thích hát, Hồng Tước dẫn bà đến nhà Hoài Khanh chơi để hát cho vui. Không ngờ, bà đã nổi hứng hát liên tiếp cả chục bài. Giọng ca con Sẻ Vàng Kim Tước vẫn thánh thót, chắc khoẻ và cao vút khiến người nghe sững sờ kinh ngạc. Hồng Tước nhanh tay thu lại và gởi đến vài người bạn thân để chia sẻ. Thiên Hương nghe xong vô cùng xúc động, mà không cầm được nước mắt. Tuần tới bà sắp rời Cali không biết bao giờ mới được gặp lại, thế là cô đứng ra điều hợp, buổi họp mặt hình thành.

Thiên Hương, Hồng Tước, Mê Linh, Kim Tước.(Lê Hùng)

Cùng với sự trợ lực của phu quân là anh Ngà, Thiên Hương đã sắp xếp chương trình và mời được những người đã từng đệm đàn cho Ca sĩ Kim Tước hát trước đây như Pianist Thụy Khanh, Guitarist Dũng và Thu An Violonist. Ngoài ra còn có hai tay đàn Guitar phụ lực là Doãn Hưng và Hoàng Hà. Ban Tam Ca Tiếng Hát Nửa Vời và Ca sĩ Mê Linh cũng được mời đến góp tiếng hát. Bác sĩ Thiên Hương là Du Ca Trưởng của đoàn Du Ca Nam Cali, cô đã từng được vinh danh vì những nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa Việt.

Xem thêm:   Việt kiều mua nhà đất

Cũng vì thời gian gấp rút và chỗ ngồi giới hạn nên số người tham dự chỉ trong vòng thân hữu nhưng lại khiến bầu không khí ấm áp và thân tình hẳn lên. Những gặp gỡ, chào hỏi, cái bắt tay, ôm choàng mừng rỡ thương yêu trong tiếng hát hết lòng của “Hát cho nhau nghe”, như một chất xúc tác cho mọi người xích lại gần nhau.

Bác Sĩ Phạm Đỗ Thiên Hương

Cảm động nhất là phút NS Lê Văn Khoa và CS Kim Tước gặp nhau. Hai ánh mắt của hai nghệ sĩ cùng một thế hệ, chạm nhau mừng mừng tủi tủi. Cánh tay người nhạc sĩ 90 tuổi, tóc bạc phơ nắm lấy cánh tay người ca sĩ 85 tuổi sao đậm đà thắm thiết tình thân đến vậy. NS Lê V Khoa không nén được cảm xúc kể, “Người đầu tiên hát nhạc của tôi là Kim Tước, khi ấy KT còn trẻ lắm. Hồi đó tôi có đến nhà cô nhờ hát vì các nhạc sĩ lớn khuyên tôi nên để KT hát do chất giọng của cô phù hợp hơn cả. Khi nhận nhạc bản đầu tiên của tôi, cô cầm mà chẳng nói năng gì, không nói nhận lời mà cũng chẳng từ chối. Khi ra về lòng tôi rất băn khoăn không biết cô có chịu hát hay không, vì lối nhạc tôi viết rất khó hát, các ca sĩ thường họ ngại lắm. (Dưới sân khấu Kim Tước nói vọng lên “Vậy mà hát nhiều lắm, hát dài dài, hát gần hết nhạc của LVKhoa luôn ..”). Sau, khi nghe được KT hát nhạc của tôi, tôi vui lắm, không biết để đâu cho hết.”

CS Jimmy Nhựt Hà đã lên kể tóm tắt về cuộc đời ca nhạc của CS Kim Tước và anh có nhắc tới Tam Ca Mộc-Kim-Châu (Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà) trong  Ban Tiếng Tơ Ðồng ngày xưa. Sau này ở hải ngoại, Ban tam ca Quỳnh Giao, Kim Tước, Mai Hương cũng đã tạo được tiếng vang nhiều khán thính giả hâm mộ và thương mến.

Em Phạm Mê Linh

Quan khách hiện diện hôm đó có ÔB NS Lê Văn Khoa-Ngọc Hà, ÔB NS Võ Tá Hân, NV Nhã Ca, TT Kiều Chinh, CS Khánh Ly, Chủ Bút Việt Báo Nina Hoà Bình, CS Ái Phương, ÔB CS Vũ Anh, Guitarist Nguyễn Phương Thảo, CS Jimmy Nhựt Hà và nhiều khuôn mặt thân quen của Viện Việt Học, Du Ca, Các em bên Hướng Ðạo đến phụ giúp cho Trưởng Thiên Hương.

Xem thêm:   JO Paris 2024 - một Thế Vận Hội thành công ngoài mong đợi (kỳ 2)

Thiên Hương đã khai mạc và giới thiệu chương trình ca nhạc. Hai bài hát “Ðêm Ngắn Tình Dài, Hình Ảnh Một Ðêm Trăng” đã do ban tam ca Tiếng Hát Nửa Vời với Hồng Tước, Minh Ngân, Thiên Nga trình bày. CS Kim Tước cũng được mời lên hát chung vì tất cả những bài hát được lựa chọn ngày hôm nay đều là những bài mà bà đã từng hát qua. Xen kẽ là những bài hợp ca, đồng ca được tất cả mọi người cùng góp giọng, hát cho vui, bầu không khí đong đầy tình thân ấm áp. Những Mùa Hợp Tấu, Tiếng Hát Ðường Xa, Ô Mê Ly, Xuân Miền Nam, Dừng Bước Giang Hồ đã khơi lại ký ức xa xưa của một thời Tiền Chiến xưa cũ. Những Hà Nội, Huế, Sài Gòn, của những con đường, bóng dáng, hàng cây, bờ hồ, người và cảnh, cuộc sống và nơi chốn là những thước phim được quay ngược, quay chậm. Âm nhạc và ca từ, giọng hát và tâm hồn hoà quyện như thực như mơ.

NS Lê Văn Khoa và CS Kim Tước gặp gỡ

Khi người ca sĩ chính của buổi họp mặt cất tiếng hát một mình, lúc ấy Kim Tước mới thật sự trở về cái thủa người thiếu nữ đôi mươi của Hà Thành 5 cửa ô ngày xưa. “Tiếng thời Gian” của Lâm Tuyền được giọng hát cao vút cất lên làm ngưng đọng cả không gian và thời gian.

Mưa rơi hiu hắt, ai sầu mùa đông.

Không gian u ám sương mờ, mờ buông.

Xa trong đêm vắng chuông buồn, buồn ngân.

Mùa đông xưa rét mướt, bến sông, ngừng chân

Chờ ai trong tê tái, lắng nghe, chuông than.

Thời gian trôi tan tác, mang theo, ngày xuân

Mưa đêm nay khóc thầm
Cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian.

Nhã Ca, Khánh Ly, Kiều Chinh và Kim Tước trong đêm nhạc

Tiếng hát của bà thanh thoát, chậm rãi trôi theo giòng nhạc trong tiếng violon nhịp nhàng như tiếng lòng nức nở của một kẻ tha phương đang dừng chân dưới mưa dầm, thầm mơ ước về một chốn dừng chân êm ấm đời mình. Những lời kể lể ấy lại ngân nga trong bài hát “Tiếng Dương Cầm” của Văn Phụng trong ký ức một đêm xuân ngất ngây. Người lữ khách lang thang trong cơn mưa phùn đi tìm kẻ yêu đàn và tình cờ sao lạc chân vào một thế giới thánh thót trong veo những giọt dương cầm xanh thẳm. Như mơ, như thơ, khán giả cũng lạc vào rừng âm thanh dìu dặt của tiếng hát con chim Sẻ Vàng đang say sưa cất cao giọng hót.

Xem thêm:   "Phố đèn đỏ" Việt bên Đức

Sau đó, là một sự sắp xếp khéo léo của chương trình để hai thế hệ khác nhau cùng hát bài hát “Ðêm Màu Hồng” của Phạm Ðình Chương phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Em Phạm Mê Linh, một ca sĩ cháu đầy tiềm năng đứng bên bà Kim Tước đầy điêu luyện, thế mà hai giọng hát cứ quyện lấy nhau như một.

Vòng tay, vòng tay dĩ vãng.
Vòng tay, vòng tay bát ngát

Em là lá biếc, là mây cao, là tiếng hát

Sớm mai khua thức nhiều nhớ thương, nhiều nhớ thương

Em là cánh hoa, là sương khói (khói sóng) …

Ðêm màu hồng…

Hình lưu niệm. (Lê Hùng)

Em Phạm Mê Linh lên hát một bài đơn ca “Hương Xưa” của Cung Tiến. Giọng hát của em trong, vững vàng và cao vút. Mê Linh là Thiếu Trưởng của đoàn nữ hướng đạo Liên Ðoàn Hướng Việt, Ca Trưởng phụ trách tập dợt cho ban hợp ca Ước Mơ Việt gồm 56 ca viên. Em vừa tốt nghiệp cử nhân ngành Thanh Nhạc tại Ðại học Chapman (Orange, California) vào tháng 5/2022. Trong buổi Senior Recital để ra trường, Mê Linh đã trình diễn xuất sắc 12 nhạc phẩm bằng 5 thứ tiếng: Anh, Ðức, Ý, Pháp, và Việt.

Ca sĩ Khánh Ly theo lời yêu cầu đã lên trình bày bài “Có Nghe Ðời Nghiêng” của Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Vũ Anh và Ngọc Hà cũng cùng góp giọng trong những bài hợp ca cùng Kim Tước.

Thật là một buổi họp mặt ấm cúng và đầy tiếng hát và cung đàn. Mọi người ai cũng chúc cho CS Kim Tước còn hát được dài dài, và mãi mãi.

TTT