Hồng Kông đang thực sự biến thành một trong những thành phố của Trung Quốc chứ không còn là một khu vực bán tự trị dưới nhãn hiệu “một quốc gia, hai thể chế” như thế giới vẫn thấy kể từ năm 1997 sau khi Vương quốc Anh bàn giao lãnh thổ này lại cho Trung Quốc.

Chỉ trong ít ngày sau khi đảng cộng sản Trung Quốc, bất chấp dư luận quốc tế, cho áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông vào ngày 30 tháng Sáu, bộ mặt của thành phố đã thay đổi quá nhanh. Từ việc bổ nhiệm một ủy viên cực bảo thủ của đảng để làm việc với vị hành chánh trưởng quan và giám sát công việc thực hiện luật mới, cho đến việc thu hồi những cuốn sách được cho là mang tính nhạy cảm về chính trị từ các kệ sách ở thư viện công cộng, tình hình của Hồng Kông sẽ còn trở nên tồi tệ nhiều hơn nữa trong tương lai. Các trường học đã được khuyến cáo phải tự kiểm duyệt và học sinh bị cấm không được hát bài “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” (Glory to Hong Kong), một bài hát vẫn thường được hát trong các biểu tình trước đây.

Vào ngày 8 tháng Bảy, chính quyền Bắc Kinh đã cho thành lập một trụ sở mới ở Hồng Kông có tên gọi là Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia. Trụ sở này hiện được đặt tạm thời tại một khách sạn sang trọng trong khi chờ đợi di chuyển sang một văn phòng thường trực nay mai. Giám đốc của văn phòng này là Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong), một nhân vật bảo thủ và giáo điều đến từ tỉnh Quảng Ðông bên cạnh. Năm 2011, Trịnh đã giúp chính quyền trung ương đắc lực trong việc đàn áp cuộc nổi dậy đòi đất đai và đòi dân chủ của người dân làng Ô Khảm (Wukan). Cuộc nổi dậy này đã gây được sự chú ý của dư luận toàn cầu. Năm 2016, người dân tại đây lại nổi dậy lần nữa và lại bị đàn áp, và cho đến nay tình hình bất ổn vẫn còn âm ỉ.ss

Chiếu theo luật an ninh mới, trong những trường hợp được cho là “nghiêm trọng” hoặc “phức tạp”, văn phòng này sẽ được toàn quyền điều tra và bắt giữ bất cứ ai bị khép vào tội vi phạm chiếu theo luật an ninh mới: lật đổ, xúi giục, ly khai và thông đồng với nước ngoài. Ðiều đáng nói là những tội trạng trên trong luật mới chỉ được viết rất là chung chung và mơ hồ, và không ai có thể giải thích chính xác hành động ở mức độ nào thì bị coi là vi phạm.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Ðể hỗ trợ cho công tác thi hành luật an ninh của văn phòng là một uỷ ban có tên gọi là Uỷ ban Bảo vệ An ninh Quốc gia. Uỷ ban này đã trao thêm nhiều quyền hạn cho cảnh sát Hồng Kông, trong đó có quyền được tiến hành việc lục soát mà không cần có lệnh toà án, cho đóng băng tài sản của bất cứ ai bị tình nghi là vi phạm luật an ninh quốc gia và người này có thể bị dẫn độ về hầu toà tại Trung Quốc với một hệ thống luật pháp rất ư là tuỳ tiện. Hiện nay cảnh sát Hồng Kông có quyền yêu cầu xoá bất kỳ tin nhắn nào được đăng trên internet bị xem là đe dọa đối với an ninh quốc gia và tác giả của nó sẽ bị cấm vĩnh viễn không được sử dụng những diễn đàn này. Các công ty kỹ thuật như Facebook, Google, Microsoft và Twitter đã phản ứng mạnh nói rằng họ sẽ không hợp tác, và như vậy rất có thể trong tương lai các trang mạng xã hội của những công ty này có thể bị cấm hoạt động tại Hồng Kông như họ đã bị cấm hoạt động tại Hoa lục từ bao lâu nay. Nhiều công ty đa quốc khác cũng đang duyệt xét xem họ có nên tiếp tục ở lại Hồng Kông hay chuyển văn phòng sang một quốc gia khác, như Singapore chẳng hạn.

Các ký giả ngoại quốc cũng đã nhận được lệnh cảnh báo rằng họ có thể bị trục xuất nếu “vượt quá giới hạn” trong việc đưa tin tức bất lợi về chính trị cho Hồng Kông.

Cảnh sát được trao thêm quyền để đàn áp người dân – nguồn NBC News

Nhiều chính quyền quốc gia trên thế giới đã có phản ứng mạnh. Hai nước Úc và Tân Tây Lan đã hủy bỏ thoả thuận dẫn độ với Hồng Kông. Riêng nước Úc còn cho phép các du học sinh và khách du lịch Hồng Kông có thể gia hạn thời gian ở lại trong 5 năm và trong tương lai có thể xin để được cư trú vĩnh viễn

Tương tự, Canada cũng đã quyết định hủy hiệp ước dẫn độ và khuyến cáo người dân Canada không nên du lịch Hồng Kông trong lúc này.

Chính phủ Vương quốc Anh đang bàn thảo để sửa đổi luật để nay mai cho phép khoảng 3 triệu người dân Hồng Kông được phép tới cư trú và sau 5 năm có quyền xin gia nhập quốc tịch.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Ðài Loan cũng lên tiếng cho biết bất cứ người dân Hồng Kông nào có nguy cơ bị bách hại bởi luật an ninh mới đều được phép tới đảo quốc này lánh nạn.

Nhưng phản ứng mạnh nhất có lẽ là từ phía Hoa Kỳ. Ðầu tháng Bảy vừa qua, lưỡng viện quốc hội đã cho thông qua Luật Tự trị Hồng Kông. Luật này nhắm vào những giới chức Trung Quốc nào tham gia vào việc thi hành luật an ninh quốc gia mới, cũng như những ngân hàng và công ty nào làm ăn kinh doanh với họ. Luật này dự kiến sẽ được Tổng thống Trump ký ban hành trong những ngày sắp tới, và hiện tại nhiều ngân hàng quốc tế đang cho xem xét lại danh sách những khách hàng Trung Quốc của họ để khỏi vi phạm với luật mới của Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross mới đây cũng cho biết là chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu tiến trình để chính thức chấm dứt quy chế đặc biệt đối với Hồng Kông.

Dựa trên một thoả thuận chung ký kết giữa Vương quốc Anh và chính quyền cộng sản Trung Quốc, sau khi Hồng Kông được bàn giao lại thì lãnh thổ này vẫn được giữ quyền tự trị cho đến năm 2047 theo mô hình “một quốc gia, hai thể chế”. Mặc dù đã trở thành một phần của Trung Quốc, Hồng Kông tiếp tục được cai trị theo luật pháp riêng của họ, bao gồm những quyền tự do về dân sự và kinh tế là những thứ mà người dân tại Hoa lục không hề được hưởng.

Quy chế đặc biệt mà chính quyền Washington trao cho Hồng Kông là để thừa nhận sự khác biệt này. Theo Luật Chính sách Hoa Kỳ-Hồng Kông năm 1992, Hồng Kông được đối xử đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ trong các lãnh vực liên quan đến các giao dịch tài chính, di trú và thương mại.

Người biểu tình ủng hộ biện pháp mạnh với Hồng Kông – nguồn GettyImages

Chỉ riêng trong lãnh vực thương mại, quy chế đặc biệt này đã cho phép các cuộc trao đổi thương mại mỗi năm giữa hai bên lên tới khoảng $38 tỷ.

Dựa trên quy chế đặc biệt, đồng đô la Mỹ được trao đổi tự do với đồng đô la Hồng Kông, nhờ vậy đã biến thành phố này trở thành một nơi đặc biệt hấp dẫn cho các công ty Mỹ đến để làm ăn. Hồng Kông được hưởng ưu đãi về thương mại, nghĩa là trong các mặt hàng xuất cảng và nhập cảng không bị đánh thuế hay chỉ bị đánh thuế rất ít. Người Mỹ đi du lịch Hồng Kông được miễn thị thực, tạo điều kiện cho các giám đốc doanh nghiệp Mỹ ra vào Hồng Kông một cách dễ dàng.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Nếu Hoa Kỳ chấm dứt quy chế đặc biệt này cho Hồng Kông, tất cả những quyền lợi trên sẽ chấm dứt.

Tuỳ thuộc vào phản ứng của Washington, việc loại bỏ quy chế đặc biệt có thể sẽ đưa đến tình trạng Hoa Kỳ sẽ đối xử với Hồng Kông giống như cách Hoa Kỳ đối xử với bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc. Ðiều đó có nghĩa là thuế quan sẽ cao hơn, kể cả những loại thuế quan được ban hành trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay. Việc di chuyển giữa hai nơi cũng sẽ bị giới hạn. Nhiều doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ dọn đi nơi khác.

Hoa Kỳ sẽ đặt Hồng Kông dưới sự kiểm soát chặt chẽ trong việc xuất cảng những mặt hàng kỹ thuật cao mang tính nhạy cảm tương tự như Hoa Kỳ đang áp đặt cho các công ty Trung Quốc.

Việc loại bỏ quy chế đặc biệt cũng có thể dẫn đến sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các khoản đầu tư vào Hoa Kỳ của các công ty Hồng Kông. Trong những năm gần đây, Washington ngày càng tạo khó khăn hơn cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào Hoa Kỳ.

Những điều nói trên mới chỉ là những phản ứng đầu tiên của Hoa Kỳ và một số quốc gia trên thế giới đối với luật an ninh mới mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lên đầu người dân Hồng Kông. Trong tương lai sẽ còn cần thêm nhiều luật lệ nghiêm ngặt hơn nữa và thế giới tự do phải tỏ ra cương quyết hơn khi đối đầu với Trung Quốc. Người dân Hồng Kông đã từng kêu gọi thế giới phải có những biện pháp mạnh đối với chính quyền Hồng Kông trong những cuộc biểu tình trước đây. Có thế, trong tình hình hết sức bi đát hiện nay, người dân Hồng Kông mới còn chút hy vọng để tiếp tục tranh đấu.

Cuộc bầu cử hội đồng lập pháp Hồng Kông vào tháng Chín tới đây có thể là cơ hội cuối cùng để người dân Hồng Kông bày tỏ ý nguyện và ý chí tự do của họ. Mọi con mắt đang hướng về cuộc bầu cử này để xem Trung Quốc còn giở thêm trò gì nữa.

VH