Cuộc chiến tại Ukraine nay không chỉ đang xảy ra ở Ukraine mà trong một ý nghĩa nào đó đã lấn vào trong nội địa nước Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh động viên lính trừ bị để tiếp viện cho quân số bị tổn thất khá nặng nề tại chiến trường trong nhiều tháng qua. Nói cách khác, ông Putin đang phải đối mặt với những thất bại.

Putin và thất bại trước mắt – nguồn New Statesment 

Bài diễn văn dài 15 phút là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sau bảy tháng diễn ra cuộc xung đột quân sự lớn nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến II, Nga đã không có đủ khả năng để chống lại Ukraine và phương Tây trong thế đoàn kết đối đầu với cuộc xâm lược. Lệnh động viên của Nga cũng đã đưa ra một thử thách mới đối với những quốc gia hỗ trợ cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột và đã gửi hàng tỷ Mỹ kim viện trợ quân sự tới Ukraine.

Ông Putin nhấn mạnh rằng ông chỉ ra lệnh huy động một phần quân đội bằng cách triệu tập những lính trừ bị và chuyên gia có kinh nghiệm quân sự cần thiết để hỗ trợ cho cái mà điện Kremlin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Lệnh động viên này sẽ lấy từ số lính trừ bị có thể lên tới 300,000 và những người lính này sẽ được đưa ra tiền tuyến để giúp bảo vệ cho các vùng lãnh thổ mà Nga đang chiếm đóng. Ðây cũng là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nga nhìn nhận những tổn thất quân sự tại Ukraine kể từ tháng 3 và cho biết có 5,937 lính Nga đã tử trận trong các cuộc giao tranh. Ðây là con số quá thấp so với những ước tính từ các chính phủ phương Tây nói rằng có thể có tới 15,000 lính Nga đã bị giết.

Tổn thất của Nga – nguồn BBC

Mặt trái của lệnh động viên

Con số 300,000 lính Nga trừ bị có thể sẽ phải nhập ngũ mới nghe có vẻ như là một con số khá lớn. Tuy nhiên, việc kêu gọi nhập ngũ trên là cách gián tiếp thừa nhận rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang gặp phải thất bại và quân số hiện tại của họ ngoài chiến trường đang bị kiệt quệ và không đủ.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Lính trừ bị nói chung không hẳn là có khả năng sẵn sàng chiến đấu để có thể đưa ngay ra tiền tuyến. Họ sẽ cần được huấn luyện lại vì rất nhiều trong số này là những cựu chiến binh và thậm chí chưa từng tham chiến, họ không phải là lính chuyên nghiệp. Quốc hội Duma của Nga cũng đang cho thông qua một đạo luật nhằm trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những ai trốn lính hoặc đào ngũ, điều này cho thấy mối lo ngại rằng có nhiều người có thể sẽ không trình diện hoặc sẽ không chịu chiến đấu nếu họ phải nhập ngũ.

Đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân

Cũng trong bài diễn văn trên, ông Putin một lần nữa nhắc lại lời đe dọa về việc sử dụng vũ khí hạt nhân mà ông đã từng nói tới trong những ngày đầu của cuộc chiến. Lời đe doạ trên được đưa ra để mớm cho kế hoạch mà chính quyền Kremlin hiện đang chuẩn bị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý gấp rút để sáp nhập vào với Liên bang Nga bốn khu vực đang bị chiếm đóng: Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 bằng một cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Ông Putin sử dụng những lá phiếu gian lận này để khẳng định tính hợp pháp cho việc chiếm đất của ông ở Ukraine.

Lời đe dọa ngầm của ông Putin là, nếu Ukraine tiếp tục đòi chiếm lại những vùng lãnh thổ này, ông ta sẽ có lý do sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để bảo vệ những vùng đất mà nay được coi là lãnh thổ của Nga. Một điều chắc chắn cuộc trưng cầu dân ý của ông Putin sẽ thắng thế là vì hàng triệu cử tri ủng hộ Ukraine đã bỏ chạy kể từ cuộc xâm lược của Nga vào năm 2014 và họ bỏ chạy thêm một lần nữa kể từ khi bắt đầu xảy ra chiến tranh vào đầu năm nay.

Biểu tình chống đối sau lệnh động viên – nguồn Getty Images

Mưu đồ sáp nhập

Xem thêm:   Ham & hố

Nhưng ngoài Nga và lác đác một vài quốc gia đồng minh của Nga như Venezuela và Syria thì sẽ chẳng có một quốc gia nào khác trên thế giới công nhận các phiếu bầu trên là hợp pháp. Theo kết quả một cuộc khảo sát của tổ chức phi lợi nhuận International Republican Institute hồi năm ngoái, chỉ có 21% cư dân khu vực Kherson và 32% cư dân Zaporizhzhia mô tả thái độ của họ đối với Nga là nồng ấm. Phần đông dân chúng ở cả hai khu vực này ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO. Và đó là trước khi Nga bắt đầu ném bom các thành phố của Ukraine.

Mưu đồ sáp nhập trên cũng mang đến những rủi ro về chính trị đối với ông Putin nếu như Ukraine vẫn tiếp tục chiếm lại những phần lãnh thổ của họ bị chiếm đoạt trước đây. Ông Putin sẽ phải giải thích lý do vì sao quân đội của ông đang dần bị mất đất mà ông vừa tuyên bố là thuộc về Nga. Có thể ông sẽ sử dụng tới vũ khí nguyên tử, và lời đe dọa này phải được xem xét một cách nghiêm chỉnh. Nhưng một quyết định như vậy chắc chắn sẽ chỉ khiến NATO hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine và một số ít quốc gia còn ủng hộ cuộc chiến mà ông Putin phát động sẽ phải suy xét lại.

Trong cuộc gặp gỡ hai tuần trước, Thủ tướng Ấn Ðộ đã công khai chỉ trích ông Putin đã gây ra chiến tranh. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc chiến của Nga ngày càng hững hờ hơn, mặc dù họ vẫn vui vẻ mua được dầu và khí đốt với giá rẻ mạt. Lãnh tụ độc tài Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần qua nói rằng Nga cần phải rút khỏi lãnh thổ của Ukraine, kể cả Crimea. Các quốc gia Tây Âu dường như cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để chịu đựng một mùa đông lạnh giá với nguồn cung cấp khí đốt của Nga bị cắt giảm. Nói cách khác, những toan tính của ông Putin đã không đạt được mục đích.

Quân đội Ukraine treo cờ trong một khu vực vừa chiếm lại – nguồn CNN

Để chấm dứt chiến tranh

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, tất cả những điều trên có được phần chính là từ sự hy sinh và kiên trì của quân đội Ukraine trong việc chống lại Nga đạt được kết quả tốt hơn nhiều so với dự kiến của các chuyên gia phương Tây. Nó cũng chứng minh sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho Kyiv, mặc dù hơi chậm chạp trong những tháng đầu nhưng hiện đang tạo ra sự khác biệt mang tính quyết định với hệ thống hoả tiễn Himars chính xác và tầm bay xa hơn.

Lệnh động viên của ông Putin cho thấy chiến tranh vẫn chưa đến hồi kết thúc. Lựa chọn tốt nhất của Nga vào thời điểm này là tìm kiếm một thỏa thuận thương lượng với Ukraine, nhưng chính phủ Kyiv hiểu rằng bây giờ là cơ hội tốt nhất để đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ của họ. Một thỏa thuận ngừng bắn vào lúc này sẽ chỉ cho Nga có thêm thời gian để củng cố quân đội cũng như sự chiếm đóng của họ và tiến hành một cuộc tấn công khác trong tương lai.

Một thỏa thuận ngừng bắn sớm cũng ít có khả năng xảy ra khi thế giới biết thêm nhiều hơn về những hành động tàn bạo của Nga ở những khu vực mà họ chiếm đóng trước đây và nay đã được quân đội Ukraine giải phóng. Bằng chứng mới nhất là từ thị trấn Izyum mới được giải phóng, nơi mà các giới chức điều tra của Ukraine tìm ra được những mồ chôn tập thể. Cũng giống như hai thị trấn Irpin và Bucha nằm ở ngoại ô Kyiv, một số xác chết tại đây cho thấy có dấu hiệu bị hành hạ. Chính phủ Ukraine có lý do để yêu cầu thành lập một toà án tội phạm chiến tranh.

Một thoả thuận ngừng bắn chỉ có thể xảy ra nếu như Nga hoàn toàn từ bỏ cuộc xâm lược và trả lại hết những vùng đất mà họ chiếm được. Nếu Nga không đáp ứng được những đòi hỏi trên thì đây là thời điểm cần phải gia tăng việc gửi thêm vũ khí cho quân đội Ukraine, bao gồm xe tăng, chiến đấu cơ và hoả tiễn tầm xa. Ðây là con đường ngắn nhất để thuyết phục ông Putin rằng kế hoạch xâm lược của ông ta đã thất bại và ông cần phải cắt giảm tổn thất bằng cách ngưng ngay cuộc chiến.

VH