Hiếm khi người ta thấy hai đảng đối lập ở tại quốc hội cùng đồng ý với nhau về một vấn đề nào đó. Vậy mà hôm thứ Tư 13/3 vừa qua, Hạ viện đã thông qua một dự luật với số phiếu bầu áp đảo 352-65 buộc TikTok phải cắt đứt liên hệ với công ty mẹ là ByteDance ở Trung Quốc hoặc phải đối diện với lệnh cấm ở Hoa Kỳ. Dự luật này vẫn cần phải được Thượng viện chấp thuận và chưa rõ có thành công hay không

Cấm TikTok – the verge   

TikTok nói rằng dự luật trên nếu được đem ra áp dụng sẽ đóng cửa diễn đàn này ở Hoa Kỳ. Lời tuyên bố trên thực ra không đúng. TikTok có 2 lựa chọn, hoặc là bán cho một công ty khác hoặc mất quyền hoạt động ở Hoa Kỳ. Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại quốc hội cũng đã từng đưa ra tối hậu thư tương tự cho Grindr, một ứng dụng hẹn hò của người đồng tính do một công ty Trung Quốc làm chủ, vào năm 2019. Cuối cùng, Grindr đã chọn giải pháp bán ứng dụng này.

Rủi ro an ninh

Quốc hội Hoa Kỳ trong mấy năm qua đã nhiều lần tranh luận về việc làm thế nào có thể giảm thiểu những rủi ro an ninh quốc gia về quyền sở hữu của công ty Trung Quốc đối với TikTok vốn ngày càng có nhiều người sử dụng. Hiện nay có khoảng 170 triệu người Mỹ sử dụng TikTok và ứng dụng này là nguồn cung cấp tin tức và tìm kiếm thông tin hàng đầu của những người trẻ.

Năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đòi ByteDance phải bán TikTok, nhưng lệnh hành pháp của ông đã bị chặn tại tòa án, một phần là vì tổng thống không có thẩm quyền pháp lý như Quốc hội. Dự luật lần này được bảo trợ bởi 2 dân biểu Mike Gallagher (Cộng hòa Wisconsin) và Raja Krishnamoorthi (Dân chủ Illinois) vừa được thông qua tại Hạ viện là nhằm mục đích vượt qua được trở ngại pháp lý nói trên.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Cấm TikTok hoạt động được xem như là biện pháp cuối cùng, mặc dù ByteDance đưa ra nhiều lý do nhưng vẫn không đủ thuyết phục về sự minh bạch của họ. Hàng loạt bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng diễn đàn này cho các chiến dịch gián điệp trên mạng ảo và gây ảnh hưởng chính trị ở Hoa Kỳ đặc biệt là cuộc bầu cử TT Mỹ vào Tháng 11 sắp tới.

Dự luật được thông qua tại Hạ viện với số phiếu 352-65 – Zumapress

TikTok tự kiểm duyệt

Nhiều bản phúc trình chỉ ra cho thấy những video đăng trên diễn đàn có nội dung về cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, về vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, Tây Tạng và các nội dung nhạy cảm về chính trị khác ở Trung Quốc đều bị chặn trên TikTok. Một nghiên cứu vào Tháng 12 của Viện Nghiên cứu Lây truyền Mạng (NCRI) tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa các đề tài hashtag đăng trên Instagram và TikTok. Ứng dụng TikTok cũng đã khuếch đại một số nội dung khiến có thể tạo ra mối bất hòa ở người Mỹ. Các video ủng hộ Hamas có xu hướng được coi nhiều hơn các video ủng hộ Israel. Các video quảng bá về “bức thư gửi nước Mỹ” năm 2002 của Osama bin Laden lan truyền rộng rãi trên TikTok vào mùa thu năm ngoái.

Phản ứng của TikTok trước những cáo buộc cho rằng thuật toán (algorithm) của họ bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát? Vào tháng 1, TikTok hạn chế quyền truy cập của các nhà nghiên cứu vào các dữ liệu hashtag của họ khiến cho việc nghiên cứu trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, cho đến nay TikTok vẫn không thể giải thích tại sao những video có nội dung gây chia rẽ ở Mỹ lại được lan truyền rộng rãi, trong khi những video có nội dung nhạy cảm đối với đảng cộng sản Trung Quốc thì lại rất ít người xem. TikTok tìm cách đánh tan mối lo ngại về ông chủ đứng đằng sau họ, tức đảng cộng sản Trung Quốc, bằng một dự án có tên Project Texas, là nơi lưu trữ các dữ liệu của người sử dụng TikTok ở Mỹ trên máy chủ của công ty Oracle và cho phép công ty nhu liệu này của Hoa Kỳ được quyền truy cập vào hệ thống thuật toán của họ.

Cựu Tổng thống Donald Trump từng theo đuổi lệnh cấm TikTok. REUTERS

Kiểm soát từ Trung Quốc

Xem thêm:   Dinh Độc Lập biểu tượng tinh thần quốc gia

Tuy nhiên, thuật toán của TikTok vẫn được kiểm soát bởi các kỹ sư ByteDance ở Trung Quốc. Theo một bản tin hồi tháng 1 cho biết, trong khuôn khổ nội bộ, các giám đốc điều hành của TikTok nói rằng đôi khi họ cần chia sẻ các dữ liệu của người sử dụng ở Hoa Kỳ với ByteDance để huấn luyện cho các thuật toán và loại bỏ những nội dung có vấn đề ra khỏi trang mạng của họ. Vậy, những nội dung có vấn đề là gì? Các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông ư? Hay việc đàn áp và bỏ tù người Duy Ngô Nhĩ?

Rủi ro an ninh quan trọng khác liên quan đến TikTok là hoạt động gián điệp trên mạng ảo. Ứng dụng này thu thập các thông tin nhạy cảm của người sử dụng ở Mỹ, chẳng hạn những đề tài mà họ tìm kiếm, những trang mạng họ truy cập và những địa điểm mà họ lui tới. Các dữ liệu này có thể và sẽ được chuyển về Trung Quốc. Trong một đoạn ghi âm nội bộ bị rò rỉ do cơ quan truyền thông Buzzfeed đưa tin, một giới chức điều hành của TikTok nói rằng, “Tất cả mọi dữ liệu đều xem được ở Trung Quốc.”

Nhân viên của ByteDance đã từng cố truy tìm những ai đã rò rỉ thông tin nội bộ bằng cách theo dõi các nhà báo Mỹ. Sau khi vụ theo dõi này bị phát giác, ByteDance đã đổ lỗi cho rằng đây là “hành vi sai trái của một số cá nhân” không còn làm việc với công ty. Nhưng điều này không có nghĩa là trong tương lai ByteDance sẽ không làm theo lệnh của Bắc Kinh là theo dõi người sử dụng TikTok ở Mỹ.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Đối với ông Tập Cận Bình, không có lằn ranh phân biệt giữa chính phủ và các công ty tư nhân. ByteDance tuyển dụng hàng trăm nhân viên trước đây từng làm việc tại các cơ quan truyền thông nhà nước. Một cựu giám đốc kỹ thuật tại trụ sở của ByteDance ở Hoa Kỳ đã cáo buộc rằng đảng cộng sản Trung Quốc “có đặt một văn phòng hoặc một đơn vị đặc biệt” ngay trong công ty mà đôi khi được gọi là ‘Ủy ban’.

TikTok trên màn hình điện thoại – Alamy Stock

Kiểm soát an ninh quốc gia

Luật pháp Trung Quốc đòi hỏi ByteDance phải tuân thủ các yêu cầu của Bắc Kinh trong việc giám sát người sử dụng. Đây là lý do tại sao không có giải pháp nào khác để giảm thiểu rủi ro về an ninh liên quan đến TikTok ngoài việc buộc họ phải bán cho một công ty khác không thuộc Trung Quốc.

Ở đây, dự luật này của Hạ viện không nhắm tới việc hạn chế các quyền được ghi trong Tu chính án thứ nhất mà chỉ nhắm tới việc kiểm soát an ninh quốc gia. Hơn nữa, luật pháp của Hoa Kỳ cũng có điều khoản hạn chế quyền sở hữu của ngoại quốc đối với các đài phát sóng.

Trung Quốc trước đây đã từng ngăn chặn các công ty truyền thông xã hội của Hoa Kỳ nếu các công ty này không tuân thủ chế độ kiểm duyệt của họ. Kết quả là chỉ một thời gian ngắn sau, những trang mạng như YouTube, Facebook và Twitter (hiện nay là X) đã phải ngưng hoạt động ở Trung Quốc. Dự luật của Hạ viện chỉ nhằm ngăn cản Bắc Kinh áp dụng các biện pháp kiểm soát và giám sát ngôn luận chính trị của họ ở Hoa Kỳ.

Dự luật của Hạ viện đang nằm trong tay của Thượng viện để chờ được thông qua. Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký thành luật một khi được thông qua ở cả hai viện.

VH