Chuyến viếng thăm cấp quốc gia của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Washington trong hai ngày 10 và 11 tháng 4, mặc dù bị lu mờ bởi tình hình chiến sự tại dải Gaza, vẫn không làm kém đi tầm mức quan trọng của nó đối với an ninh của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Kishida chú trọng tới kế hoạch nâng tầm hợp tác quân sự giữa hai quốc gia lên mức cao nhất từ trước tới nay trong bối cảnh lo ngại về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và tham vọng của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng của họ trên khắp Thái Bình Dương.
Trong các thoả thuận ký kết với nhau, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ tăng cường mối quan hệ quân sự giữa hai nước – trong đó có sự thay đổi về cơ cấu điều hành lực lượng quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản và hợp tác chặt chẽ hơn với bộ chỉ huy liên quân mới của Nhật Bản. Bên cạnh đó, hai quốc gia cũng sẽ đưa ra kế hoạch trong tương lai để có thể cùng hợp tác sản xuất vũ khí và khai thác sức mạnh công nghiệp của Nhật Bản.
Tăng cường sự hợp tác nói trên để nhằm mang lại sự phối hợp ăn khớp hơn giữa quân đội 2 nước trong trường hợp xảy ra xung đột trong khu vực. Trong đó những xung đột có khả năng xảy ra cao nhất sẽ là một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan, đảo quốc tự trị mà Bắc Kinh vẫn thường xuyên tuyên bố là một phần lãnh thổ của họ, hoặc có thể là hành động gây hấn nào đó của Bắc Hàn, mà hồi đầu năm nay đã tuyên bố Nam Hàn là kẻ thù số 1 và đang tiếp tục thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác của họ với Nga.
Nhật Bản được xem là một đồng minh vững chắc và tin cẩn của Hoa Kỳ ở Á Châu, đã cùng với các đồng minh phương Tây khác áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga kể từ sau khi ông Vladimir Putin xua quân xâm lăng Ukraine.
Cải cách cơ cấu quân đội
Hiện tại, Hoa Kỳ đang duy trì khoảng 54,000 binh lính ở Nhật Bản bao gồm nhiều binh chủng. Lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản, do một vị tướng 3 sao chỉ huy, có nhiệm vụ điều phối tất cả mọi hoạt động liên quan. Tuy nhiên, vai trò hoạt động của quân đội này rất hạn chế.
Theo một phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, các chi nhánh quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản nằm dưới quyền kiểm soát của bộ chỉ huy đặt tại Hawaii. Một cơ cấu quân sự như vậy bị cho là quá lỏng lẻo trong khi phải đối phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng cao ở khu vực Châu Á. Trong tương lai gần, cơ cấu quân sự này sẽ phải thay đổi để bộ chỉ huy ở Nhật Bản được nhiều quyền hạn và tự do hơn trong việc điều phối hoạt động của họ để có thể phản ứng nhanh và chính xác hơn một khi tình hình trở nên cấp bách.
Nhật Bản cũng đã gia tăng chi tiêu quân sự trong những năm gần đây, một chính sách do ông Kishida thúc đẩy. Ngân sách ban đầu cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 yêu cầu chi tiêu quân sự là ¥7.95 nghìn tỷ, tương đương $52 tỷ. Con số này tăng 47% so với ngân sách của 2 năm trước.
Tháng 3 năm tới, Nhật Bản dự định thành lập một bộ chỉ huy tác chiến liên quân thường trực mới cho quân đội của họ, được gọi là Lực lượng Phòng vệ. Bộ chỉ huy này được lãnh đạo bởi một vị tướng 4 sao có thẩm quyền chỉ đạo tất cả các binh chủng và phối hợp hoạt động chặt chẽ với lực lượng Hoa Kỳ.
Mở rộng hợp tác
Ngoài sự hợp tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông Kishida còn muốn mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ để duy trì trật tự toàn cầu dựa trên các quy chế tự do, cởi mở và luật pháp quốc tế, đặc biệt là sau cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Với tư cách là thành viên của nhóm G7, Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và ủng hộ viện trợ quốc tế cho Ukraine, với mức viện trợ đến nay là hơn $7 tỷ cho Ukraine và các nước xung quanh đã tiếp nhận người tị nạn do hậu quả của cuộc xung đột. Hơn nữa, tại 2 hội nghị thượng đỉnh của NATO được tổ chức kể từ cuộc xâm lăng của Nga, ông Kishida đã chỉ ra rằng những gì đang xảy ra ở Châu Âu cũng có thể dễ dàng xảy ra ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và nhấn mạnh đến việc Nhật Bản coi hành động gây hấn của Nga là một hành động mang tính thách đố toàn cầu.
Tuy nhiên, năm 2024 là năm bầu cử của cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, và rất có thể cả hai quốc gia sẽ có lãnh đạo mới vào năm tới. Câu hỏi là nếu có thay đổi lãnh đạo thì sự việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách liên minh mới và tình hình ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và xa hơn nữa?
Cần chiến lược và phối hợp nhất quán
Theo nhận định của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), thách thức về sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có tầm quan trọng to lớn đối với quyền lợi của Nhật Bản. Do đó, bất kỳ sự thay đổi lãnh đạo nào cũng đặt ra câu hỏi về chính sách cạnh tranh mang tính chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh. Giống như Hoa Kỳ, Nhật Bản phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại và đầu tư, tuy nhiên, do vị trí địa lý của Nhật Bản nằm sát bên cùng với sự hiện diện quân sự ngày càng mở rộng của Bắc Kinh trên khắp khu vực khiến Tokyo bắt buộc phải lo lắng. Hơn nữa, một cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan chắc chắn sẽ liên quan đến Nhật Bản, là nơi có hơn 50,000 lính Mỹ đóng ở đây và một căn cứ hải quân dành cho Hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ. Do đó, chiến lược và phối hợp nhất quán cho liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản được coi là một điều bắt buộc đối với Tokyo.
Tuy nhiên, trong trường hợp có thay đổi lãnh đạo ở Nhật Bản thì điều này có thể sẽ không làm thay đổi hướng đi chiến lược của quốc gia này. Chính sách an ninh, tự do và mở rộng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương do chính phủ của cựu Thủ tướng Shinzo Abe đề ra sẽ tiếp tục định hướng chính sách của Nhật Bản đối với khu vực, cho dù đó là ông Kishida hay bất kỳ ai kế nhiệm ông trong vai trò thủ tướng, cũng như việc tiếp tục cam kết gia tăng đầu tư của Nhật Bản vào quân đội và mở rộng khả năng của nó. Một điều quan trọng nữa là để giúp những chính sách an ninh mới của Nhật Bản được dễ dàng thực hiện và đạt được hiệu quả, quốc hội Nhật Bản cần phải thay đổi bản hiến pháp hoà bình mà quốc gia này áp dụng kể từ sau Thế chiến II cho tới nay, là điều mà ông Kishida đang kêu gọi.
Kết luận
Với những chính sách an ninh mới và mối quan hệ ngoại giao ngày càng thắt chặt hơn với Hoa Kỳ cho thấy vai trò đồng minh của Nhật Bản đối với Hoa Kỳ ngày càng trở nên quan trọng. Nhật Bản rất cần sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, và ngược lại, Hoa Kỳ rất cần tới sự hợp tác của Nhật Bản do vị trí địa lý của quốc gia này, với mục tiêu chung là để đối đầu và ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc.
VH