Gần đây, Cục Đường cao tốc Việt Nam có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải nước này xem xét nâng tốc độ với một số tuyến cao tốc đủ điều kiện kỹ thuật lên 90km/giờ. Tuy nhiên, ngay cả khi đề xuất này được phê duyệt, hệ thống đường cao tốc VN vẫn được nhiều người nhận định là có tốc độ khá thấp.

Nạn kẹt xe thường xuyên ở cao tốc Long Thành – Dầu Giây   

Đường cao tốc hay đường làng?

Ðường cao tốc không xa lạ với nhiều nước trên thế giới. Song nó là câu chuyện khá lằng nhằng ở VN. Sau khi có đường cao tốc đầu tiên Sài Gòn – Trung Lương hồi tháng 2/2010, các dự án khác được khai triển dồn dập gần như khắp cả nước. Theo thống kê hiện có 13 đường cao tốc tại VN với tổng chiều dài 1852 km (đang thi công tiếp gần 1700 km). Những con số này là tín hiệu đáng mừng nhưng kèm theo đó là nhiều ý kiến băn khoăn về quy hoạch cùng kỹ thuật thi công.

Các tuyến cao tốc VN hiện có và dự kiến xây dựng thêm

Ví dụ, tuyến Sài Gòn – Trung Lương đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian đi từ Sài Gòn về Tiền Giang còn 30 phút thay vì 90 phút như trước. Quy hoạch là đường loại A, vận tốc 120km/giờ, có 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Tuy nhiên, không lâu sau khi đưa vào sử dụng, lưu lượng xe và số vụ tai nạn ngày càng tăng khiến cơ quan quản lý phải cho giảm tốc độ tối đa từ 120 km/giờ xuống 100 km/giờ và tốc độ tối thiểu từ 80 km/giờ xuống 60 km/giờ (thực tế tốc độ lưu thông trên cao tốc này bình quân chỉ 60 – 70km/giờ). Tại tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là trục giao thông kết nối Sài Gòn với miền Tây, mật độ xe ở đây rất lớn nhưng chỉ có 4 làn xe, đường khá hẹp, lại không có làn dừng khẩn cấp. Tốc độ lưu thông tối đa trên tuyến này chỉ đạt 80 km/giờ là nỗi lo lắng của nhiều người khi lúc nào cũng chực tắc nghẽn và tai nạn vẫn hay xảy ra. Tương tự, tuyến Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây là tuyến kết nối Sài Gòn với Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên nhưng chỉ có 4 làn xe và cũng đang quá tải. Hoặc tệ nhất là cao tốc Nội Bài – Lào Cai (262km), quy định vận tốc tối đa 100km/giờ, tối thiểu 60km/giờ, đưa vào sử dụng hơn 8 năm qua nhưng chỉ có 2 làn xe. Đoạn đường Yên Bái – Lào Cai dài hơn 124km không có dải phân cách cứng, khá chật hẹp, trong khi lưu lượng xe cao nên thường xảy ra tai nạn giao thông. Cần lưu ý trên thế giới hiện nay, tốc độ trung bình của đường cao tốc là 100 – 120 km/giờ. Do đó, tốc độ 60 – 80 km/giờ như VN hiện nay là quá thấp, không thể gọi là cao tốc mà nhiều người thường qua lại các tuyến này vẫn bảo “vận tốc kiểu này chả khác gì chạy trên đường…làng!”.

Xem thêm:   Bacharach & Todd

Những bất cập của cao tốc VN

Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải VN giải thích rằng các đoạn,  tuyến cao tốc (như Bắc Nam) được xây dựng dự kiến với tốc độ 100 – 120 km/giờ. Tuy nhiên, trước mắt đầu tư với 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp nên phải hạn chế tốc độ 80km/giờ nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Giải thích này là không sai, song với việc giới hạn tốc độ tối đa 80km/giờ dễ gây ra khó chịu cho hầu hết tài xế rằng vì sao với tốc độ này mà gọi là cao tốc để làm gì?

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai chỉ có 2 làn xe

Ông Thành (giảng viên Trường ĐH Giao thông Vận tải, quận 9, Sài Gòn) cho biết: “Tốc độ đường cao tốc phụ thuộc vào lưu lượng xe, phẩm chất xây dựng, thời tiết. Thường, tốc độ lớn nhất của đường cao tốc ở các nước quy định khoảng 130 – 150 km/giờ, khi thời tiết xấu có thể điều chỉnh xuống 80 – 90 km/giờ. Nên biết theo tiêu chuẩn quốc tế, loại đường này có chiều rộng 28m – 32m, 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Nhưng ở VN nhiều tuyến cao tốc hiện chỉ có 4 làn, thậm chí có tuyến 2 làn. Đường hẹp, nhiều giao lộ, không có trạm dừng nghỉ, thiết kế hạ tầng chưa bảo đảm vì vậy đã xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc như vụ trên đoạn La Sơn – Túy Loan ngày 23/1/2024 hay vụ trên đoạn Cam Lộ – La Sơn ngày 18/2/2024 … Tôi biết nhiều nước trên thế giới không ai làm đường cao tốc như VN. Người ta xây dựng là nhằm tiết kiệm thời gian, phát triển kinh tế. Song với mạng lưới đường cao tốc “rùa bò” và lắm bất cập, không những không sử dụng hiệu quả về giao thông lẫn về mặt kinh tế mà còn gây thêm rắc rối, phiền hà cho người dân”

Xem thêm:   Chợ nhỏ truyền thống ở Berlin

Các tuyến cao tốc đã đưa vào sử dụng nhiều năm qua với những bất cập có thể dễ hiểu như việc quy hoạch thiếu tầm nhìn, chưa nhận thức được sự quá tải trong tương lai gần; một số nơi thiếu kinh phí đầu tư (hoặc chậm châm rót) nên thường chỉ 2 – 4 làn đường…Vậy nhưng một số tuyến xây dựng sau này vẫn tiếp tục giẫm chân vào các sai lầm trước, thậm chí tệ hơn. Phải chăng phẩm chất đường cao tốc phụ thuộc vào năng lực của từng đơn vị thi công mà Chính quyền không có phương án giám sát, điều chỉnh? Khi đường cao tốc không có làn dừng khẩn cấp chẳng khác một trò chơi mạo hiểm dành cho người lưu hành mà những tai nạn liên hoàn cùng những vụ kẹt xe kéo dài triền miên chính là bài học nhãn tiền. Ngoài ra, đường này cần có thêm hạ tầng hỗ trợ là đặt các trạm dừng nghỉ. Bởi lẽ chúng thường được chọn lựa cho hành trình dài, nếu không có nơi vệ sinh cá nhân sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường và những bất tiện khác về sửa chữa, cấp cứu. Nếu tuyến đường chỉ thiết kế 2 làn xe và hạn chế tốc độ dưới 80km/giờ, có nên hào hứng gọi là cao tốc để nhằm thu lệ phí giao thông đắt đỏ?

Tai nạn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn

NS