Với tất cả những rủi ro về an ninh trên thế giới vẫn chưa giải quyết xong thì nay người ta lại có thêm một nỗi lo ngại nữa là sự hoạt động trở lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) sẽ làm tăng thêm sự bất ổn an ninh tại nhiều khu vực trên thế giới.
Người dân Nga là nạn nhân của cuộc tấn công vào hôm thứ Sáu 22/3 khi các tay súng xông vào một địa điểm tổ chức ca nhạc ở Moscow, khiến cho tính tới nay có 143 người thiệt mạng. Hồi cuối tháng 1 năm nay, một số tên khủng bố đánh bom cảm tử của ISIS đã giết chết hơn 80 người ở Iran, và điều không ai có thể nghi ngờ rằng sớm hay muộn các tên tự xưng là chiến binh thánh chiến cũng sẽ tìm cách nhắm mục tiêu vào người dân Mỹ.
Ông Vladimir Putin đang cố tình quy kết cuộc tấn công giết người này có liên quan tới chính phủ Ukraine và phe cánh của ông ta thì tìm cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Nhưng các bằng chứng cho đến nay đều chỉ ra cho thấy thủ phạm là ISIS, bao gồm cả việc ISIS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công và đăng một đoạn video ghi lại một phần vụ việc diễn ra trong toà nhà, có thể là do từ một trong những tay súng đã quay lại. Hoa Kỳ cho biết họ đã cảnh báo chính phủ Nga rằng có thể có một cuộc tấn công của ISIS sẽ xảy ra, nhưng ông Putin đã công khai bác bỏ cảnh báo của Hoa Kỳ và cho là tin tức sai lệch.
Đổ lỗi cho Ukraine có thể giúp ông Putin đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận về quyết định trước đó của ông là bác bỏ những tin tức tình báo của Hoa Kỳ và kết quả là cuộc tấn công đã cướp đi rất nhiều sinh mạng vô tội. Và việc đổ lỗi cho Ukraine cũng là cách để đánh lạc hướng một điều thực tế là an ninh Nga yếu kém đến mức những tên giết người có thể điên cuồng xả súng trong suốt một tiếng đồng hồ ở ngay sát thủ đô Moscow và bằng cách nào đó đã trốn thoát trong một chiếc xe hơi một cách dễ dàng cho đến khi bị bắt lại mấy ngày sau đó.
ISIS ở Afghanistan
Điều quan trọng hơn hết cần được nói tới ở đây là cuộc tấn công này được thực hiện bởi ISIS, là tổ chức khủng bố vốn đang hồi sinh trở lại với một nơi trú ẩn khá an toàn ở Afghanistan kể từ khi Tổng thống Joe Biden rút quân vào năm 2021. Chi nhánh ISIS-Khorasan đang cạnh tranh với Taliban và Al Qaeda để giành quyền thống trị của phong trào gọi là thánh chiến, trong khi chính quyền Taliban thì thiếu khả năng, và có lẽ cũng không quyết tâm lắm, trong việc loại bỏ ISIS ở Afghanistan.
Không phải lo quân đội Hoa Kỳ tấn công vào nơi ẩn náu của họ, các thủ lĩnh ISIS có thể dồn sức tập trung sửa soạn và chuẩn bị các kế hoạch tấn công ở ngoại quốc, như họ đã thực hiện thành công ở Iran và ở Moscow.
Dạo gần đây, người dân Mỹ không bị tấn công, dù ở trong hay ngoài nước, là điều may mắn nhưng không ai có thể bảo đảm cho sự an toàn đó trong tương lai. Sự hồi sinh của ISIS cho thấy có lý do chính đáng để Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện quân sự ở một mức độ giới hạn tại Syria và Iraq như một biện pháp kiểm soát và ngăn chặn sự trở lại hoạt động mạnh mẽ của tổ chức này như hồi năm 2014. Những tiền đồn của Hoa Kỳ tại Syria và Iraq rất quan trọng đối với việc thu thập tin tức tình báo, và có lẽ chúng đóng một vai trò không nhỏ trong việc thu thập tin tình báo mà Hoa Kỳ có trong tay về một cuộc tấn công ở Moscow.
ISIS ở Syria
Kể từ khi tổ chức tự xưng là đế quốc Hồi giáo caliphate bị đánh bại vào năm 2019, cho đến nay, sau 5 năm, vẫn còn nhiều chục nghìn thường dân vẫn đang bị giam giữ trong các trại tị nạn ở khu vực đông bắc Syria, trong đó chứa chấp rất đông những gia đình của các chiến binh ISIS và một vài nhóm người khác vô tình bị cuốn hút vào cuộc hỗn loạn của chiến tranh trong khu vực.
Các trại tị nạn này là một phần của một vấn đề lớn hơn. Hiện có khoảng 9,000 tay súng ISIS đang bị giam giữ riêng biệt trong một mạng lưới các trung tâm giam giữ ở trong cùng khu vực.
Trại tị nạn và trung tâm giam giữ được bảo vệ bởi Lực lượng Dân chủ Syria, là một lực lượng của người Kurd đã tham gia cùng Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống ISIS và hiện đang được sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ.
Thử thách trước mắt đối với Hoa Kỳ và các đồng minh quốc tế là làm thế nào để giảm bớt hoàn cảnh khó khăn của thường dân đang sống trong các trại tị nạn và ngăn chặn nỗ lực của các phần tử ISIS ngoan cố đang sống trà trộn và tìm cách cấy đặt tư tưởng cực đoan vào trong đầu óc của người dân trong trại.
Tuy nhiên, câu hỏi khó khăn hơn là làm thế nào để bảo đảm cho hàng chục nghìn dân tị nạn trong trại và các chiến binh ISIS đang bị cầm tù được hồi hương về lại quê quán của họ trước khi khu vực bị tàn phá bởi tình trạng hỗn loạn hơn nữa. Nếu một chính phủ Hoa Kỳ tương lai thay đổi chính sách ngừng hỗ trợ cho Lực lượng Dân chủ Syria, hoặc rút binh lính về nước, an ninh tại các trại tị nạn và các trung tâm giam giữ có thể sụp đổ đưa tới khả năng châm ngòi cho sự hồi sinh mạnh hơn nữa của tổ chức ISIS.
Khủng bố phải bị tiêu diệt
Điểm qua các sự kiện như việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10, phản ứng dữ dội trên toàn cầu chống lại chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, một chuỗi thành công của các tổ chức thánh chiến ở Châu Phi, sự thất bại trong việc đánh chặn các cuộc tấn công của nhóm Houthi ở Hồng Hải và mới đây là cuộc tấn công táo bạo ở ngay trung tâm quyền lực của ông Putin – dường như khủng bố đang thành công.
Không hẳn là các tổ chức khủng bố đều cùng một phe. Từ chính quyền Iran cho đến lực lượng dân quân mà chính quyền này đã sản sinh ra trên khắp khu vực Trung Đông, khủng bố gốc Shiite thù ghét khủng bố gốc Sunni cũng ngang bằng như họ thù ghét nền văn minh phương Tây. Trong khi ngay trong nội bộ của Sunni cũng đang có chia rẽ. ISIS thù ghét Al Qaeda và cả hai đều thù ghét Shiite. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được Iran thuộc dòng Shiite trang bị vũ khí, huấn luyện và tài trợ cho Hamas thuộc dòng Sunni để sát hại người Do Thái, cũng như không ngăn cản các hình thức hợp tác mang tính chiến thuật khác khi mục tiêu là tàn sát người Mỹ, người Nga, người Châu Âu hoặc bất cứ người dân nào khác trên thế giới.
Những chiến thắng nói trên nâng cao tinh thần của các tổ chức khủng bố và giúp họ chiêu mộ những thành viên mới dễ dàng hơn. Một điều rõ ràng là sự hồi sinh của ISIS và những tổ chức khủng bố khác sẽ chỉ khiến cho tình trạng an ninh trên thế giới đã bất ổn lại càng trở nên bất ổn hơn, và cái giá khá đắt của sự bất ổn đó là sự thiệt hại nhân mạng của thường dân vô tội. Do đó, các tổ chức khủng bố tội ác này cần phải bị tiêu diệt bằng bất cứ giá nào.
VH