“Trí lực siêu phàm” là tựa đề tiếng Việt của phim Limitless (2011) – một bộ phim đề tài Khoa học viễn tưởng nhưng mô tả rất hay rất thật về ham muốn vô đáy của nhân loài.

“Brain rot” (thối não) – từ của năm 2024 – Nguồn: Facebook
Phim xoay quanh nhân vật chính Eddie Morra – một tay nhà văn bệ rạc, ý tưởng cạn kiệt, tình duyên tan nát, bỗng dưng đổi đời nhờ viên thuốc NZT-48 – thứ thần dược hứa hẹn khai thác 100% khả năng não bộ, đập tan cái lý thuyết “chỉ dùng 20%” mà người đời hay đồn. Từ một kẻ “táo bón” văn chương, Eddie bỗng thay đổi chóng mặt: việc đầu tiên anh làm là dọn nhà sạch sẽ trong vài giờ (có lẽ biên kịch và đạo diễn bộ phim tin là thiên tài không thích ở dơ), viết xong cuốn sách dang dở – trở thành nhà văn thần sầu, giúp vợ ông chủ nhà làm báo cáo luật 50 trang chỉ bằng ký ức từ cuốn sách anh từng lướt qua, “ngủ” với vợ chủ nhà hoặc bất kỳ cô gái nào anh muốn – thỏa mãn cái tôi cũng như mơ mộng thầm kín của anh trước đó…
Thuốc trị bệnh vốn đã có 3 phần độc, huống chi là loại thuốc «trôi nổi» có tác dụng thần sầu này. Và «tác dụng phụ» đầu tiên mà nhân vật chính nhận ra là mỗi viên chỉ có công hiệu một ngày, sau một ngày thì anh trở về con người cũ, thậm chí phờ phạc yếu đuối và kém thông minh hơn chính anh ngày chưa biết tới loại thuốc này – khi còn là nhà văn «táo bón» ý tưởng… Trong cái rủi có cái may, anh «tình cờ» lượm được cả kho thuốc khổng lồ cướp được từ tay Vernon Gant – người giới thiệu và «từ thiện» cho anh viên thuốc NZT-48 đầu tiên, giờ đã chết một cách bí ẩn.
Như chuột sa hũ gạo, Eddie bỏ nghề viết lách, nhảy sang làm trader chứng khoán, kiếm tiền như nước, chuyển nhà penthouse, thuê trợ lý, tán lại người yêu cũ, thuê vệ sĩ… Nghe sướng quá ha? Nhưng không, cuộc sống mới kéo theo cả đống rắc rối: anh bị bọn truy lùng thuốc NZT-48 đuổi giết, mất trí nhớ tạm thời kiểu “fugue” – tỉnh dậy trong khách sạn với một ả lạ hoắc mà chẳng nhớ gì, rồi bị bác sĩ cảnh báo não sẽ teo, thậm chí toi mạng nếu lạm dụng… Nhưng nếu ngưng dùng thuốc thì sẽ mất tập trung và rồi cũng mất mạng. Cỡ nào cũng mất mạng, nên nhân vật chính của chúng ta tiếp tục dùng thuốc, rủ những người thân cận dùng thuốc. Một chi tiết gần cuối, khi hết viên thuốc cuối cùng… Eddie đã tìm ra “bí kíp” mới là uống máu kẻ thù – một người từng dùng NZT-48…

Ham muốn của con người là “không giới hạn” – Nguồn: Facebook
Sau khi chiến thắng kẻ thù, sống sót và thành công, có tiền thì Eddie tiếp tục tìm đỉnh cao mới – quyền lực. Anh ta tranh cử Thượng viện Mỹ và có tham vọng sẽ là một Tổng thống Mỹ thông minh và nổi tiếng nhất lịch sử…
Phim ảnh thường hay giễu lại hoặc “tiên tri” những hành động, ham muốn lẫn nỗi sợ của con người, và Limitless không ngoại lệ. Không biết may hay hên, tới nay, viên thuốc giúp “trí tuệ siêu phàm” trong bộ phim trên chưa có thật ngoài đời (hoặc đã có nhưng chưa được công bố?), chứ không thì chắc giờ cả thế giới đã xếp hàng để được mua (cũng không biết khi tất cả con người đều có “trí tuệ siêu phàm” thì thế giới có tốt hơn không?). Cũng không biết xui hay rủi, nhân loại từ lâu đã tạo ra một thứ tương tự – một “món quà” giúp con người tưởng mình có “trí tuệ siêu phàm”, tinh thông trên trời dưới biển chỉ sau vài “câu lệnh”, đó là AI – trí tuệ nhân tạo. Nó là một bộ máy kết hợp giữa công cụ có khả năng tìm kiếm mọi thứ trên internet và một công cụ có khả năng “biên tập” những dữ liệu được lùng sục từ internet trên.
Hãy nhìn mà xem, sự giống nhau giữa NZT-48 và AI đáng sợ đến mức nào. Trong phim, NZT-48 giúp Eddie nhớ mọi thứ anh từng lướt qua, tính toán nhanh như máy, dự đoán trước đối thủ 50 bước. AI thì sao? Chỉ cần vài câu lệnh, nó có thể tạo ra quảng cáo “nét như Sony” từ tay một người nghiệp dư, nó còn có thể giúp “dân chuyên” tiết kiệm hàng giờ làm việc. Từ viết lách, thiết kế đến giao dịch tài chính, AI đều có thể… Chính vì sự thú vị, hay ho, làm cái gì cũng nhanh, cũng gọn. Nên nhân loài xài riết rồi ghiền, mấy cha nội làm AI thì khoái chí, cứ tung ra mấy cái công cụ càng ngày càng thông minh. Nhưng cái giá phải trả là gì? Hết thuốc NZT-48, Eddie có thể chết vì ngu đi, vì yếu đi, vì nghèo đi hoặc vì bị giết. Sự tiện lợi và hiệu quả của AI cũng khiến con người ngày càng ỷ lại, nên khi AI không ở bên hoặc lỡ tin tưởng AI quá đà mà không kiểm tra kỹ thông tin, người dùng có thể trở thành một cỗ máy có máu có thịt – nhưng “đơ” khi cúp điện, mất kết nối với internet.

Một sản phẩm từ AI chỉ sau vài câu lệnh đơn giản – Nguồn: Facebook
Để minh chứng cho sự lệ thuộc này, hãy nghe anh chàng Hong Phuc Nguyen (một chuyên gia AI/ML – nghề ngày nào cũng dính với AI như keo dán sắt) kể về “Hội Chứng AI Brain” trong bài viết trên Facebook của mình. Nguyên văn như sau:
“Hội chứng AI Brain của những người đã quen dùng AI
Là người làm nghiên cứu khoa học và làm sản phẩm AI, dĩ nhiên mình là người dùng AI hàng ngày hàng giờ trong mọi công việc, diễn ra liên tục suốt hơn 5 năm qua từ lúc mình bắt đầu nghiêm túc đầu tư sự nghiệp vào AI/ML. Điều này dẫn đến một hiện tượng là não của mình tiến hoá dần theo hướng tích hợp AI vào mọi workflow suy nghĩ, não luôn có sự hỗ trợ của AI. Điều này diễn ra dần dần, chậm chậm và khó nhận biết.
Cho đến một ngày, một trong số các công cụ AI mà chúng ta thường dùng – vốn là cầu nối giữa bộ não của chúng ta với AI – bị ngưng hoạt động. Ví dụ: ChatGPT “ngỏm” – báo lỗi, Copilot lăn quay, hay Cursor… chặn mình vì dùng trên nhiều máy tính quá… Mình chợt nhận ra rằng não mình không thể suy nghĩ độc lập nữa khi không có AI trợ giúp trong workflow đó nữa. Cụ thể là mình ngồi 15 phút trước cái thông báo này (hình) và không biết viết tiếp đoạn code trên màn hình kiểu gì nữa.
Thú vị là mình có đọc một bài báo sáng nay về việc các Quỹ đầu tư kỹ thuật định lượng (Quant Fund) lớn trên thế giới dần chuyển qua ứng dụng AI trong các hoạt động đầu tư thay cho các mô hình Quant truyền thống; vì có một hiện tượng mà các trader của các quỹ Quant này bị là sau khi họ dùng các mô hình AI quá nhiều trong giao dịch, não của họ bị tiến hoá theo hướng luôn suy nghĩ theo cách mà các mô hình AI xử lý thông tin. Họ bị phụ thuộc và không thể nghĩ theo cách thường được nữa; họ gọi nó là Hội Chứng AI Brain. Có vẻ con người với sự tác động của AI sẽ thành một thứ Cyborg (nửa người nửa máy) ở cấp độ trí não ngay từ bây giờ rồi – một việc vừa tích cực vừa tiêu cực. Tích cực là hiệu suất của não bộ sẽ cao hơn. Tiêu cực là không thể suy nghĩ mà không cần AI được nữa. Well, cứ đi tiếp coi sao…” – Facebook Hong Phuc Nguyen

Người lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo (AI) rất dễ chới với khi “mất net” – Nguồn: Hong Phuc Nguyen
Hai khái niệm là bổ trợ hoặc phụ thuộc nó rất gần nhau. Chính tôi, từ khi rành bàn phím, đã từ lâu tôi không còn viết thư tay, không còn biên nhật ký trên sổ lưu bút, cũng không còn nhận ra chữ của mình mỗi khi cần viết mấy dòng ngắn – bởi nó xấu hoắc. Cũng từ rất lâu, tôi quên luôn cách tính nhẩm, vì đã quen cộng trừ nhân chia bằng máy tính. Bởi vậy, viễn cảnh mất AI là mất não không khó xảy ra, khi nhân loài để AI làm hết mọi thứ. Sau AI (với tham vọng thay thế con người trong những việc sáng tạo, chữ nghĩa, công nghệ) là những phiên bản robot hình người đang được tạo ra ngày một hoàn hảo (với tham vọng dần thay thế con người trong những công việc từ nặng nhọc tới nhẹ nhàng…) rồi từ từ có thêm Robot được tích hợp AI, chúng có thể sáng tác, dạy học, nấu cơm, sản xuất, ra chiến trường, cầm kỳ thi họa biết hết… Lúc đó, nhân loài sẽ làm gì?
Không biết lúc đó nhân loài sẽ làm gì, nhưng ít nhất trong 5 năm gần đây, nhân loài đang bị tiến hóa ngược vì có đại đa số đồng bào chọn không làm gì. Vì vậy, khắp mạng xã hội hoặc khắp các tờ báo nổi tiếng, nội dung được AI tạo ra dày đặc và mất kiểm soát. Không chỉ nội dung AI, mạng xã hội, TikTok, YouTube, cái gì cũng nhanh, cũng ngắn, cũng nhảm… (các nhà khoa học gọi là “nội dung trực tuyến rác – tầm thường) làm đầu óc nhân loài ngày càng mất tập trung, mất sự nhạy cảm, dễ bị dẫn dắt và nóng giận… Đọc báo trong nước và thế giới mỗi ngày sẽ dễ dàng thấy các tin tức chứng minh sự xấu xí và suy bại trong địa cầu ngày càng nhiều. Kết quả (có lẽ bạn biết rồi), năm 2024, Oxford chọn từ “brain rot” (não tàn) là từ của năm 2024. (Từ này không phải mới, từ hồi 1854 đại thi hào Henry David Thoreau đã xài để chửi mấy đứa thích đơn giản hóa mọi thứ tới mức ngu đi.)
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận các phát minh mới, chối bỏ chúng, nhưng chính mỗi người trước khi muốn dùng AI thì phải học, phải đọc, phải nghiên cứu kỹ… để biết cách kiểm tra, tổng hợp, chỉnh sửa, phát triển những thông tin mà mình nhận được từ AI. Việc học rất quan trọng, Eddie Morra có thể giỏi hơn, thành công hơn ngay sau khi nuốt viên thuốc NZT-48 thần kỳ là nhờ anh đã nhớ lại mọi thứ mà anh đã học, đã lướt qua, đã tiếp xúc… Chứ cùng một viên thuốc đó mà một kẻ lưu manh, chuyên lừa gạt, không nghề nghiệp, không học hành, không đam mê, không từng nghiên cứu hay không theo đuổi công việc gì nuốt vào, chắc người này cũng chỉ biết thông minh hơn trong lãnh vực lừa gạt.
Từ “trí lực siêu phàm” cho tới “não tàn” chưa bao giờ dễ như vậy. Nếu con người – nhất là những người mần sáng tạo cứ mê mẩn AI, các công nghệ mới mà quên mất chính mình mới là “trùm cuối” (người tạo ra công nghệ, trí tuệ nhân tạo) rồi không tiếp tục phát triển ý tưởng, AI cũng sẽ không thể tiếp tục phát triển, tới một ngày chắc “não” (dữ liệu) AI cũng… tàn (tụt hậu).
DU
Bà Tám ở Sài Gòn