Một cuộc phong tỏa Đài Loan của Trung Quốc sẽ là một hành động chiến tranh có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu: kích động sự đáp trả bằng quân sự từ Đài Loan, buộc Hoa Kỳ phải quyết định có nên đưa quân đội đến để giúp bảo vệ đảo quốc này hay không, làm gián đoạn thương mại toàn cầu và thúc đẩy các quốc gia châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc, sau nhiều thập niên xây dựng và được lệnh từ lãnh tụ Tập Cận Bình là phải nhanh chóng hiện đại hóa quân đội cho tới năm 2027, đã chứng tỏ rằng họ có đủ khả năng để làm được điều đó. Trong các cuộc tập trận ngày càng phức tạp, các lực lượng của quân đội Trung Quốc có thể bao vây Đài Loan và mô phỏng các cuộc phong tỏa.
Với việc Trung Quốc ngày càng tổ chức các cuộc tập trận nhiều hơn thì nguy cơ Bắc Kinh có thể quyết định chuyển từ tập trận sang chiến tranh mà không báo trước cũng ngày càng lớn hơn. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để chiếm giữ đảo quốc này.
Phong tỏa là một trong những chiến thuật quân sự có nhiều khả năng nhất mà Tập Cận Bình và các cố vấn quân sự của ông chọn để buộc Đài Loan phải đầu hàng Bắc Kinh dưới nhiều áp lực. Lý do là vì một cuộc xâm lăng toàn diện sẽ là một thách thức lớn đối với một quân đội Trung Quốc chưa từng được thử thách trên chiến trường từ gần nửa thế kỷ qua.
Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc gần đây cho thấy có nhiều dấu hiệu Bắc Kinh có thể sẽ thực hiện một cuộc phong tỏa.
Trung Quốc cũng không giấu diếm về ý định này của họ. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, Trung Quốc đã sử dụng một con số kỷ lục 125 máy bay quân sự, bao gồm chiến đấu cơ phản lực, trực thăng và máy bay không người lái để tham gia vào cuộc tập trận trên không và trên biển quy mô lớn vào tháng 10 năm ngoái mô phỏng một cuộc phong tỏa Đài Loan. Trong khi quân đội Trung Quốc mô tả sự kiện này là cuộc tập trận chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng chiến đấu, trong đó bao gồm các cuộc tấn công trên biển, trên bộ và phong tỏa hải cảng.
Lực lượng và kế hoạch của Trung Quốc
Trung Quốc có một lực lượng quân đội đáng kể để tấn công Đài Loan: Không quân của họ hiện có khoảng 1,900 chiến đấu cơ phản lực và 500 máy bay ném bom, trong khi lực lượng hỏa tiễn của họ có hơn 3,000 hỏa tiễn có khả năng bắn tới Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan mới đây đã xác định rằng loại chiến tranh sử dụng máy bay không người lái là một lĩnh vực quân sự mà số vũ khí loại này của quân đội Trung Quốc đang ngày càng gia tăng và là mối quan tâm của chính phủ Đài Loan.
Trong các kịch bản phong tỏa do các chuyên gia quân sự của Hoa Kỳ, Đài Loan và các quốc gia đồng minh khác nêu ra thì khi cuộc tấn công trên không của Trung Quốc bắt đầu, hải quân của họ – hiện nay là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với hơn 370 tàu chiến – đã sẵn sàng đưa vào vị trí cho một cuộc phong tỏa.
Quy mô của số lượng tàu chiến của Trung Quốc hiện nay là kết quả của một kế hoạch xây dựng và phát triển hải quân kéo dài của họ cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Trung Quốc hiện là quốc gia đóng tàu đứng đầu thế giới về số lượng, bao gồm cả các loại tàu chiến cho lực lượng hải quân đang phát triển của họ. Vào năm 2000, Hoa Kỳ có nhiều tàu chiến hơn, nhưng Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ hai thập niên sau đó. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, Trung Quốc được dự kiến sẽ có 425 tàu chiến vào năm 2030, nhiều hơn hải quân Hoa Kỳ hơn một phần ba.
Trong khi các hàng không mẫu hạm của Trung Quốc được coi là kém khả năng hơn so với các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện đang ra sức cố gắng để bắt kịp Hoa Kỳ. Sau khi đưa thêm chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai vào hoạt động vào năm 2019, Trung Quốc dự kiến sẽ hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba trong năm nay. Và trong hạm đội gồm 59 tàu ngầm, 6 tàu ngầm có gắn hỏa tiễn đạn đạo chạy bằng năng lượng nguyên tử của Trung Quốc đều trực thuộc các bộ chỉ huy sẽ tham gia vào một cuộc xung đột trực tiếp với hải quân Đài Loan, theo nhận định của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ.
Sự gia tăng sức mạnh hải quân của Trung Quốc cũng đã mở rộng phạm vi hoạt động địa lý của họ. Các giới chức Đài Loan cho biết, trong các cuộc tập trận hồi tháng 12 vừa qua, Trung Quốc đã sử dụng hơn 90 tàu hải quân và tàu tuần duyên cùng với hàng nghìn binh lính. Các tàu của họ đã xuất hiện gần Đài Loan, ở các vùng biển gần Nhật Bản và Nam Hàn, và trong khu vực Biển Đông.
Chiến tranh mạng là một lĩnh vực khác mà Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển khả năng của họ và có thể được đưa vào sử dụng trong trường hợp Đài Loan bị phong tỏa. Theo các giới chức quân sự Đài Loan cho biết, hầu như các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Trung Quốc xung quanh Đài Loan đều đi kèm với sự gia tăng các cuộc tấn công mạng, và nếu một cuộc phong tỏa xảy ra thì các cuộc tấn công mạng cũng không nằm ngoài kế hoạch đó. Và trong một số sự việc xảy ra gần đây, việc cắt dây cáp quang ngầm là điều khó tránh và cũng khó bảo vệ cho các đường nối Internet của Đài Loan với thế giới bên ngoài.
Điểm yếu của Đài Loan
Đài Loan lệ thuộc vào nhập cảng tới 96% nhu cầu năng lượng của họ, từ dầu hỏa, than đá tới khí đốt tự nhiên của ngoại quốc. Một hòn đảo bị phong tỏa sẽ phải cần một kho dự trữ năng lượng dồi dào, còn không thì phải đầu hàng Bắc Kinh hoặc phải hoạt động trong bóng tối vì thiếu điện. Một lỗ hổng an ninh khác là đảo quốc Đài Loan phải nhập cảng khoảng 70% nguồn cung cấp lương thực.
Với một cuộc phong tỏa, Trung Quốc có thể thăm dò khả năng phòng thủ của Đài Loan trong khi tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế của đảo quốc này và làm suy yếu ý chí chống cự của dân quân Đài Loan.
Nếu không phong tỏa, Bắc Kinh có khả năng thực hiện việc cô lập, trong đó các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc có thể sẽ chặn các tàu chở hàng nhập cảng thiết yếu cho sinh hoạt của dân chúng và sự tồn tại của đảo quốc này.
Bảo vệ Đài Loan
Hầu hết các chuyên gia quân sự đều đồng ý rằng lực lượng quân sự của Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc xâm lăng đổ bộ qua eo biển Đài Loan có chiều rộng 110 dặm. Biển ở đây thường động và các vách đá cao, bãi lầy và bờ biển có đặt các chướng ngại vật của Đài Loan khiến tàu thuyền khó có thể đổ bộ. Các hệ thống hỏa tiễn chống hạm của Đài Loan, nhiều trong số đó được mua từ Hoa Kỳ, cũng là những vũ khí nhằm răn đe tham vọng của Bắc Kinh.
Lập trường của tổng thống Hoa Kỳ về Đài Loan có thể đóng vai trò quan trọng nhất trong các tính toán của Bắc Kinh về việc có nên hành động hay không. Triển vọng về phản ứng quân sự của Hoa Kỳ để giúp Đài Loan cho đến nay vẫn là điều khó đoán mặc dù trong chuyến công du chính thức đầu tiên tới Á châu mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã đưa ra thông điệp trấn an các đồng minh Á châu của Hoa Kỳ đang ngày càng phải đối đầu với những hành động hung hăng của Trung Quốc rằng chính quyền Donald Trump cam kết sẽ bảo vệ an ninh của họ.
Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), trong ngắn hạn, chiến thuật cô lập có nhiều khả năng xảy ra hơn là một cuộc phong tỏa hoặc xâm lăng toàn diện. Với bước đi này của Trung Quốc cũng là cách để thăm dò mức độ phản ứng của Hoa Kỳ và các đồng minh.
VH