Kinh tế thế giới phát triển, và qua đó, giới nhà giàu thuộc hàng tỷ phú cũng ngày càng nhiều, đếm không hết. Tuy nhiên, nếu chỉ tính với những người có tài sản từ $50 tỷ trở lên thì thế giới hiện nay có 24 người. Người ta gọi nhóm nhà giàu ngoại hạng này là siêu tỷ phú.
Năm 1987, lần đầu tiên tạp chí tài chính Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới, gồm 140 cá nhân có tổng tài sản lên tới $295 tỷ. Vào thời điểm đó, người giàu nhất thế giới là Yoshiaki Tsutsumi của Nhật Bản, một nhà kinh doanh bất động sản, có giá trị tài sản là $20 tỷ.
Hiện nay, người giàu nhất thế giới là Elon Musk, với tài sản là $419.4 tỷ, nhiều hơn gấp khoảng 21 lần tài sản của Tsutsumi ở thời kỳ đỉnh điểm của ông này, và gấp hơn hai triệu lần giá trị tài sản ròng trung bình của một gia đình người Mỹ, theo số liệu của công ty phân tích tài sản toàn cầu Altrata.
Cũng theo Altrata, tính đến đầu tháng 2, tài sản của những siêu tỷ phú này chiếm hơn 16% tổng tài sản của tất cả các tỷ phú, tăng khá nhiều so với mức 4% vào năm 2014. Tổng giá trị tài sản ròng của họ lên tới $3.3 nghìn tỷ, tương đương với tổng sản lượng nội địa (GDP) của nước Pháp. Trong số 24 người đó, 16 người đủ điều kiện để được gọi là “centi-billionaires”, nghĩa là họ có giá trị tài sản ròng ít nhất $100 tỷ.
Siêu tỷ phú thời cũ
Phần lớn trong nhóm siêu tỷ phú thế giới này là những doanh nhân làm giàu trong lĩnh vực kỹ thuật, hoặc trong những ngành kỹ nghệ mà sự phát triển mạnh là nhờ những tiến bộ về kỹ thuật. Trong số 10 nhân vật giàu nhất trong danh sách siêu tỷ phú, có 6 người nằm trong nhóm nói trên. Trong tổng số 24 siêu tỷ phú, chỉ có 3 người là phụ nữ. Và chỉ có 7 người nằm ngoài Hoa Kỳ, trong số đó có 3 người Âu châu và 4 Á châu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự nổi lên của những siêu tỷ phú này đánh dấu một sự chuyển đổi trong thành phần của những người siêu giàu trên thế giới. Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những nhân vật giàu có nhất là những nhà kỹ nghệ: John D. Rockefeller xây dựng Standard Oil thành một công ty năng lượng độc quyền, Andrew Carnegie thống trị ngành kỹ nghệ thép và Cornelius Vanderbilt tích lũy được một gia tài đồ sộ bằng việc kinh doanh ngành đường sắt. Khối tài sản khổng lồ của họ được trải rộng trên các ngành kỹ nghệ định hình nên một kỷ nguyên kinh tế dựa trên sản xuất và cơ sở hạ tầng thuộc về vật thể. Qua công ty Standard Oil, John D. Rockefeller chính thức trở thành tỷ phú đầu tiên trên thế giới vào năm 1916.
Trong thời kỳ đó, giá trị của một công ty được tính bằng tài sản hữu hình như bất động sản và máy móc, hơn là các loại tài sản trí tuệ và những hứa hẹn phát triển và thu lời trong tương lai khiến giá trị của công ty được đẩy lên cao trên thị trường chứng khoán như hiện nay.
Siêu tỷ phú thời mới
Các tỷ phú trong ngành kỹ thuật hiện nay chiếm một phần đáng kể trong nhóm siêu tỷ phú. Ngoài ông Elon Musk, người giàu nhất thế giới, còn có Jeff Bezos, nhà sáng lập công ty Amazon, Larry Ellison, nhà đồng sáng lập công ty Oracle, Mark Zuckerberg, nhà sáng lập công ty Meta (Facebook), và Steve Ballmer, cựu tổng giám đốc của công ty Microsoft.
Tài sản của họ gần như hoàn toàn liên quan đến giá cổ phiếu và do đó cũng là giá trị của các công ty mà họ thành lập. Các ông Bezos, Zuckerberg và Jensen Huang của công ty sản xuất chip Nvidia gần đây đều chứng kiến tài sản của họ tăng/giảm hàng chục tỷ Mỹ kim chỉ trong một năm, tùy thuộc vào sự nhận định tốt/xấu của các nhà đầu tư. Do đó, quy mô tài sản của họ không ai có thể bì kịp – và tính biến động của những tài sản đó vì vậy cũng là vô song.
Không giống như các thế hệ trước, khi tài sản được vun đắp và tích lũy trong nhiều thập niên, nền kinh tế do kỹ thuật thúc đẩy ngày nay cũng cho phép các nhà sáng lập công ty tích lũy được những khối tài sản khổng lồ, nhưng chỉ trong thời gian ngắn vài năm. Ví dụ, trước khi bị bắt vào năm 2022, Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX, hiện đang nằm tù, đã nắm trong tay khối tài sản trị giá $26 tỷ trước khi 30 tuổi.
Thừa kế và tự lập
Theo giáo sư Steven Kaplan, thuộc khoa kinh doanh của Đại học Chicago, cho biết trong 40 năm qua đã có những thay đổi lớn về kỹ thuật, và điều đó đã cho phép một số doanh nghiệp phát triển rất nhanh và làm tăng giá trị tài sản của một số cổ đông lên rất cao. Walmart là một ví dụ, Amazon là một ví dụ khác. Đây là những doanh nghiệp không thể phát triển lên đến mức này nếu không có kỹ thuật.
Nhìn vào danh sách của nhóm siêu tỷ phú hiện tại cũng cho thấy sự chuyển dịch từ những người giàu nhất thế giới nhờ thừa kế tài sản qua sự gia tăng con số của các tỷ phú tự lập.
Theo phúc trình của tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation, trong số khoảng 97 tỷ phú được thừa kế tài sản nằm trong danh sách Forbes 400 (những người giàu nhất thế giới) năm 2005 hiện vẫn còn sống, có ít hơn một nửa trong số này là vẫn còn tên trong danh sách ngày nay. Nhóm những người thừa kế và vẫn còn trong danh sách ngày nay có khả năng bị tụt hạng trong bảng xếp hạng của Forbes cao gấp ba lần so với khả năng tăng lên.
Ảnh hưởng của họ
Sự bùng phát về giá trị tài sản ròng của các tỷ phú diễn ra vào thời điểm khi mà tình trạng chênh lệch kinh tế ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ. Theo số liệu của chính phủ liên bang, năm 2024, 1% các gia đình giàu nhất nước Mỹ nắm giữ $49.2 nghìn tỷ tài sản, tương đương khoảng 30% tổng tài sản của cả nước. Vào cuối thập niên 1980, 1% các gia đình giàu nhất chỉ nắm giữ 23%.
Sự nổi lên của các siêu tỷ phú đặt ra những câu hỏi căn bản về tương lai của sự phân phối của cải và sức mạnh kinh tế ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu. Các kinh tế gia và chính trị gia hiện vẫn có những quan điểm khác biệt về tầm quan trọng của việc cho phép tài sản của các tỷ phú không bị giới hạn như một cách để khuyến khích họ đưa ra những sáng kiến và phát minh mới, hoặc liệu xã hội có thể hoạt động một cách công bằng khi để quá nhiều vốn tập trung vào tay một số ít người hay không.
Một điều không thể phủ nhận là sự tập trung của cải vào trong tay một số ít doanh nhân kỹ thuật mang lại cho những cá nhân này những ảnh hưởng lớn chưa từng có trước đây đến các chính sách của chính phủ, đến truyền thông và xã hội. Ông Musk kiểm soát SpaceX, Tesla và X, ảnh hưởng đến đủ mọi thứ, từ thám hiểm không gian đến diễn đàn trực tuyến, cũng như gần đây hơn là được Tổng thống Trump lắng nghe. Ông Bezos làm chủ tờ Washington Post, một trong những tờ nhật báo lớn nhất nước Mỹ. Ông Zuckerberg điều hành Instagram, Facebook và Threads, là những mạng xã hội được hàng tỷ người sử dụng trên thế giới. Những siêu tỷ phú này hoạt động và điều hành trong bối cảnh các ngành liên quan tới kỹ thuật số hầu như chỉ bị chính phủ và luật pháp kiểm soát và giám sát rất hạn chế.
VH