Mỗi khi có ai đó hỏi “Quê bạn ở đâu?”, tôi thường thiệt tình trả lời có pha chút tự hào: “Quê mình ở Sài Gòn”.
Niềm tự hào của tôi không xuất phát từ cảm giác mình là “công dân thành phố” như cách nhiều người vẫn tự cao hay có phần khoe khoang khi so sánh về gốc gác của mình với “dân tỉnh lẻ”, “dân tứ chiếng”. Tôi có niềm tự hào của một người được sinh ra và trưởng thành ở một nơi (có lẽ là) hơn hẳn những địa danh khác trên khắp đất nước này ở chỗ: khiến bao người từ các vùng đất khác nếu lỡ đặt chân đến đều quyến luyến, yêu thương và khao khát được ở lại nơi này.
Có lẽ vì sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên tôi không có cảm giác “mang ơn” như cách những người từ nơi khác đến, ở lại rồi yêu thương Sài Gòn vì được nơi này che chở, cưu mang. Bù lại, tôi yêu “quê” mình bằng thứ tình cảm gì đó khó gọi thành tên, đó không hẳn là sự gắn bó do “ở đâu quen đó” như bao nhiêu người khác có được với xứ sở chôn nhau cắt rốn của mình. Kiểu tình cảm mà tôi chỉ nhận ra khi có dịp rời xa, hơn cả tình cảm của một người dành cho người yêu của mình, chưa xa đã nhớ, đã gần lại còn muốn gần thêm. Dù đôi khi thấy mình vô lý và hơi thiên vị, chứ cách tôi yêu Sài Gòn có lẽ cũng bình thường thôi, giống như những người khác yêu nơi mình sinh ra và lớn lên, bất kể đó là nơi nào trên trái đất này.
Tôi cũng chưa từng nghĩ mình yêu Sài Gòn đến thế, cho đến khi có dịp sống xa nhà một thời gian. Nơi tôi đến là một thành phố của xứ sở được cho là “giấc mơ”, là “thiên đường” khiến nhiều người từng ước mơ được một lần đặt chân đến. Nói “thành phố” chứ ở đây không có cảnh người xe qua lại tấp nập, từ sáng sớm đến tối mịt đều nhộn nhịp như Sài Gòn. Dù là nhà ở phố nhưng cảnh tượng những chiếc xe hơi đóng kín cửa như những chiếc hộp kim loại đẹp đẽ, sang trọng lướt qua một cách lạnh lùng, vội vã vẫn khiến tôi có cảm giác cô đơn và lạc lõng, tôi thấy nhớ Sài Gòn da diết, thứ cảm giác tôi chưa từng kinh nghiệm trước đó khi còn ở quê nhà. Chỉ đến khi rời xa, mới nhận ra mình đã trót “để quên con tim” nơi ấy mất rồi.
Tôi nhớ có đọc được bài báo, nội dung đại ý “Việt Nam là một trong những nơi ít cô đơn nhất để sống”. Tôi đồ rằng bài báo ấy nói về cuộc sống ở Sài Gòn chứ không phải bất kỳ nơi nào khác trên dải đất hình chữ S này khi bước ra cửa đã thấy nụ cười, đã nghe câu hỏi thăm từ người hàng xóm ngay bên cạnh, lời chào mời từ một người bán hàng dạo, hay một ánh mắt nhìn từ một người xa lạ vô tình lướt qua. Tôi đã từng đi đến một vài nơi cả trên đất nước mình lẫn những đất nước xa lạ khác nhưng phải thú thật rằng không ở đâu tôi thấy được tự nhiên, thoải mái mà không phải giữ kẽ như trên chính mảnh đất Sài Gòn, nơi mà tôi chẳng phải sợ thất thố trong chuyện nói năng, chẳng gặp khó khăn trong chuyện ăn uống, chẳng lo bị dòm ngó, đánh giá qua lớp áo xống bên ngoài, hoặc ái ngại cách chi tiêu, ứng xử của mình có thể khiến tôi bị “dán nhãn” gì đó như hoàn cảnh sống, giai tầng mà mình đang thuộc về chẳng hạn…
Cũng như bao nhiêu người khác khi đối mặt với những điều bất như ý trong cuộc sống, tôi cũng từng khao khát về một vùng đất tươi đẹp hơn, vùng đất ấy không khiến tôi lo lắng cho sự sống còn của bản thân và của những người thân thương, ruột thịt của mình bởi bầu không khí trong lành, không có thiên tai, bão lụt, không có những tệ nạn xã hội hay bệnh tật và những mối lo ảnh hưởng đến cộng đồng khác. Chỉ đến khi có được kha khá kinh nghiệm sống ở những nơi khác, tôi mới nhận ra: ở bất kỳ đâu trên trái đất này cũng đều tồn tại những điều bất như ý, cuộc sống này chẳng thể hoàn hảo như những gì con người ta vẫn mải mê kiếm tìm. Tôi nhận ra, trái tim mình từ lâu đã thuộc về nơi tôi được sinh ra, lớn lên và gắn bó trong khi tôi còn lẩn thẩn đi tìm hạnh phúc ở đâu đâu.
Có những lúc, ngồi trong những chiếc xe hơi đóng cửa bít bùng lao đi vun vút trên những đường phố hoa lệ nơi xứ người, không dưng tôi nhớ đến những lần chạy xe gắn máy dưới trời nắng chói chang giữa Sài Gòn được ai đó chạy theo nhắc gạt cái chân chống lên hoặc cảnh báo khi tôi bất cẩn để vạt áo chống nắng vướng vào bánh xe nguy hiểm; tôi thấy nhớ những người lạ mặt nhiệt tình chỉ đường khi thấy tôi ngáo ngơ trước những ngã ba, ngã tư chưa biết rẽ tiếp hướng nào; và nhiều lắm những bình trà đá 0 đồng dành cho khách qua đường không phân biệt giàu nghèo; những quán cơm thiện nguyện hay bán với giá rẻ như cho dành cho người nghèo tôi chưa từng ghé vào nhưng luôn cảm kích trước tấm lòng của chủ quán và những người phục vụ… “Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài”, phải chăng Sài Gòn của tôi cũng giống như ngụ ý của câu ca dao kia: dẫu không hào nhoáng, xa hoa nhưng luôn cởi mở, bao dung và hào sảng trước bao thân phận con người, chẳng phân biệt hèn – sang, già – trẻ?
Là một người thích được đi đó đây nhưng trở về nhà sau những chuyến đi, tôi thấy vạn vật xung quanh mình như gần gũi hơn, lung linh, đẹp đẽ hơn. Những hàng cây kèn hồng khi vào mùa trên đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) hoặc đại lộ Bến Chương Dương (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) như một phiên bản khác của hoa “anh đào” ở “quê” mình trở nên rực rỡ hơn khiến tôi bớt mơ mộng được một lần thưởng lãm hoa anh đào ở xứ sở mặt trời mọc hoặc ở tận nước Mỹ xa xôi. Tôi thấy vui hơn khi ngồi bên bờ kênh Nhiêu Lộc ngắm nhìn thành phố thay vì cứ hoài mộng về một chuyến đi đến xứ sở của những kênh đào Venice. Chẳng phải vì không có được thứ mình yêu nên phải yêu lấy điều mình đang có. Cái đẹp của những địa danh nổi tiếng khiến những ai có dịp đặt chân đến trầm trồ mãn nhãn, còn những điều giản dị mới khiến tôi thấy gần gụi và nhung nhớ khi rời xa.
Mỗi khi bức bối chuyện gì đó ở nơi mình đang cư ngụ, người ta hay so sánh, mơ mộng về một nơi nào đó lý tưởng hơn, ưu việt hơn. Bản thân tôi cũng không tránh khỏi những so sánh tương tự nhưng tôi thường tự nhủ: hãy cho phép bản thân thể nghiệm, đi xa để tự cảm nhận, ra đi là để trở về, để thấy:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn” (*)
Đi thật xa để khi trở về còn biết chắc mình thương ai, phù hợp với ai hay điều gì.
Trong khi có người yêu Sài Gòn vì những hàng cây xanh mát, vì những công trình kiến trúc lịch sử mang dấu ấn trăm năm, vì những chân tình, hồn hậu, vì lối ăn ở sau trước, nghĩa tình thì tôi yêu Sài Gòn chẳng vì một lý do cụ thể nào. Dù Sài Gòn với ai đó là “hòn ngọc Viễn Đông” nhưng với tôi, “hòn ngọc” đó vẫn có vết xước chỗ này chỗ nọ. Nhưng yêu nhau củ ấu cũng tròn, với tôi, đã yêu là không so sánh. Nếu ví Sài Gòn như một cô gái đáng yêu thì nói như lời bài hát Vì đó là em của nhạc sĩ Diệu Hương, tôi yêu cô gái ấy đơn giản vì đó chính là cô chứ không phải một ai khác, thế thôi!
VL
(*): thơ của Chế Lan Viên