Các ngoại trưởng của 32 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa mới gặp nhau tại Brussels, Bỉ, hôm thứ Năm 4/4 để đánh dấu 75 năm kể từ ngày thành lập liên minh này.
Một lễ kỷ niệm lớn hơn được dự trù sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng 7 tới đây để các nguyên thủ của NATO gặp nhau tại Washington, là nơi hiệp ước thành lập NATO được ký kết vào ngày 4 tháng 4 năm 1949.
Kể từ đó đến nay, con số các quốc gia thành viên của liên minh đã tăng gần gấp ba so với 12 thành viên sáng lập trong thời kỳ đầu, với Phần Lan và Thụy Điển là hai thành viên mới nhất được gia nhập trong thời gian ngắn kỷ lục và nay cũng sẽ được núp dưới chiếc dù bảo đảm an ninh tập thể của NATO.
Lời hứa bảo đảm an ninh đó được ghi trong Điều 5 của Hiệp ước Washington quy định rằng một cuộc tấn công vào bất kỳ quốc gia thành viên nào của NATO sẽ phải nhận được sự đáp trả thống nhất từ các thành viên khác. Điều 5 này chỉ được sử dụng một lần duy nhất, đó là sau cuộc tấn công của tổ chức Al-Qaeda vào đất nước Hoa Kỳ năm 2001.
Thành công và thất bại
Trong số những thành công đạt được kể từ sau chiến tranh lạnh và sau khi khối cộng sản sụp đổ có thể kể đến như chiến dịch không kích năm 1999 chống lại Nam Tư lúc đó đang trong tình trạng hỗn loạn để chấm dứt cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào nhóm người thiểu số Albania ly khai ở Kosovo và nỗ lực ngăn chặn cuộc nội chiến tại Macedonia năm 2001.
Ở mặt khác là việc tham gia vào cuộc chiến tại Afghanistan. NATO nắm quyền chỉ huy an ninh của khu vực vào năm 2003 và nó trở thành cuộc tham gia lâu dài nhất, tốn kém nhất và thiệt hại nhất trong lịch sử của liên minh. Điểm nổi bật của sự thất bại được đánh dấu bằng một cuộc rút lui hỗn loạn vào tháng 8 năm 2021, xoá sạch đi nhiều thành quả mà NATO đã đạt được ở đó trong gần hai thập niên.
Việc trước mắt
Một trong những công việc quan trọng trước mắt của NATO là tìm người kế nhiệm Tổng thư ký Jens Stoltenberg khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm nay.
Hiện đang có nhiều cuộc tranh luận về việc ai sẽ là người lãnh đạo tiếp theo của NATO và điều này làm nổi bật một đặc điểm cho thấy cả ưu và khuyết điểm của tổ chức: NATO có rất ít quy định bằng văn bản và hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, thường có nghĩa là các quyết định phải được thông qua. Điều đó mang lại sự linh hoạt nhưng đôi khi cho phép chỉ cần một thành viên có thể ngăn chặn bất cứ một quyết định hay hành động nào của tổ chức.
Khi NATO được thành lập như một liên minh quân sự trải dài hai bên bờ Đại Tây Dương bao gồm Hoa Kỳ, Canada và 10 đồng minh Tây Âu vẫn còn đang hồi phục sau Thế chiến II, sự đồng thuận thường có nghĩa là đồng ý theo với nguyện vọng của Washington.
Đa dạng và phức tạp
Trong một phần tư thế kỷ qua, NATO đã phát triển và nay bao gồm thêm 15 quốc gia mà trong thời kỳ chiến tranh lạnh là những quốc gia đối đầu từ phía bên kia bức màn sắt. Sự đa dạng về quan điểm mà việc mở rộng mang lại đã khiến nhiều quyết định nay trở nên phức tạp. Những thay đổi chính trị ở các quốc gia thành viên khác, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, đã làm giảm khả năng sẵn sàng tuân theo đường lối của Hoa Kỳ.
Thêm vào sự phức tạp nói trên, quá trình lựa chọn thành viên mới của NATO trở nên công khai hơn nhiều so với trước đây, khi liên minh này có ít thành viên hơn, thu hút ít sự chú ý hơn và không quan tâm nhiều đến chính trị quốc tế như bây giờ. Chỉ cần một thành viên không đồng ý, như trường hợp Thuỵ Điển mới đây bị Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản, khiến cho NATO có vẻ như đang có nhiều lục đục nội bộ và tình trạng căng thẳng gia tăng giữa các thành viên.
Vấn đề tìm người kế nhiệm chức vụ tổng thư ký hiện đang ngày càng trở nên cấp bách vì các nhà lãnh đạo liên minh muốn vấn đề kế nhiệm phải được giải quyết trước khi Liên Âu (EU) bắt đầu lựa chọn đội ngũ lãnh đạo tương lai theo sau cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào đầu tháng 6 này. Người đứng đầu NATO có truyền thống là gốc Châu Âu, và mối lo ngại ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương là nếu chức vụ này không sớm tìm được người nắm giữ, nó sẽ trở thành một vấn đề không chính thức trong các cuộc đàm phán về việc sắp xếp nhân sự cho các chức vụ hàng đầu của EU sắp tới đây.
Một quy luật bất thành văn của chính trị Châu Âu là khi công dân của một quốc gia được chọn vào một vị trí quan trọng, quốc gia đó sẽ bị loại khỏi cuộc tranh cử cho các vị trí cấp cao khác. Trong số 32 thành viên của NATO, có 23 nước là thuộc EU, nên nếu các cuộc chạy đua cho các chức vụ lãnh đạo trùng nhau, nhiều khả năng những người này sẽ tạo ảnh hưởng lẫn cho nhau để được lợi thế.
Tổng thư ký tương lai
Liên minh NATO trong mấy năm gần đây cũng hy vọng sẽ tìm được người đảm trách chức vụ cao nhất của tổ chức – vốn luôn do nam giới nắm giữ – là một phụ nữ có địa vị chính trị cao. Những cái tên được đưa ra bàn tán công khai dạo gần đây bao gồm Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức, và Thủ tướng Estonia Kaja Kallas.
Bà Kallas nhận được nhiều sự ủng hộ của các thành viên trước đây nằm dưới sự ảnh hưởng của Moscow, cũng là những quốc gia chịu áp lực lớn nhất từ cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine. Các chính trị gia và các phân tích gia từ Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đã tạo được thêm uy tín và ảnh hưởng trong liên minh trong những năm gần đây vì đã cảnh báo trước rằng Nga sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định an ninh và kinh tế của Châu Âu.
Các quốc gia thuộc khu vực Trung Âu trong mấy năm gần đây cũng ngày càng bày tỏ sự bất mãn rằng họ hầu như không được xem xét đến các vị trí cấp cao của NATO, mặc dù tính trên tỷ lệ GDP, họ chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn so với hầu hết các thành viên Tây Âu khác. Tất cả các tổng thư ký của NATO đều là từ các quốc gia Tây Âu. Phó Tổng thư ký hiện tại là Mircea Geoana là người Romania, và là giới chức cao cấp nhất có gốc gác từ khu vực Trung Âu cho tới nay. 8 chức vụ tiếp theo đó tính theo cấp bậc đều do các giới chức từ các quốc gia thành viên đầu tiên của NATO nắm giữ.
Mùa hè năm ngoái, sau khi nỗ lực tìm một phụ nữ có đầy đủ uy tín cho chức vụ tổng thư ký đã không thể đạt được sự đồng thuận, các thành viên đã âm thầm thay đổi ưu tiên tìm người của họ. Vào tháng 10, Thủ tướng Hoà Lan sắp mãn nhiệm là Mark Rutte – một nhà lãnh đạo quốc gia lâu năm rất có uy tín và được nhiều người coi trọng – đã tuyên bố tham gia vào cuộc chạy đua cho chức vụ tổng thư ký. Ngay lập tức ông được coi là người dẫn đầu cuộc đua và nhận được sự ủng hộ từ nhiều thành viên. Nếu không có bất kỳ trục trặc hay phản đối mạnh từ một thành viên nào, Mark Rutte rất có thể sẽ là tổng thư ký tương lai của NATO.
Mặc dù vẫn luôn có một vài bất đồng trong số các thành viên của NATO, nhưng cho đến nay, đây là liên minh quân sự vững chắc nhất so với bất kỳ liên minh quân sự nào khác bởi vì mục đích của nó là bảo vệ an ninh lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên chứ không phải đi quấy rối. Và như Tổng thư ký Jens Stoltenberg phát biểu trong một bài diễn văn mới đây tại Brussels: “Chỉ với 14 đoạn văn trên vài trang giấy. Chưa bao giờ có một tài liệu nào có ít chữ như vậy mà lại mang ý nghĩa rất lớn đối với nhiều người đến vậy. Rất nhiều an ninh. Rất nhiều thịnh vượng và rất nhiều hòa bình.”
VH