“Không ham nên ít hố! Chứ không phải không hố!” – Đó là lời phát biểu chứa đầy phát… giác của một vị cao niên có tu dưỡng giữa thời đại hễ mở mắt là gặp kẻ gian tà, khi tôi hỏi: Bác có hay bị lừa không?
Tại sao tôi nói “mở mắt là gặp kẻ gian tà” mà không nói “ra cửa là gặp kẻ gian tà”? Vì thời nay, con người ta không cần phải ra khỏi cửa là gặp người xấu hoặc bị người xấu lừa, họ chỉ cần mở mắt và làm một công việc quen thuộc: cầm cái điện thoại thông minh lên, thế là bị lừa. Bởi có quá nhiều người bị lừa mà nhiều khi người ta thấy đâu cũng tệ. Ví dụ câu chuyện cảm động được kèm video, hình ảnh chứng minh rõ ràng dưới đây nhưng cư dân mạng cũng bẻ lái qua một cái kết tối hù hơn cả tiền đồ chị Dậu (nhân vật chính tác phẩm Tắt đèn): “Cụ ông hơn 90 tuổi ngày nào cũng đạp xe kiếm ve chai ngang nhà mình nên mình hay được cho đồ và tiền ông ăn sáng. Tự nhiên sáng nay mở cửa thấy hai chậu hoa dừa hai bên nhà, cỏ thì được mần sạch, xem camera thì ra là ông tặng, còn tưới cây cho nữa chứ. Thấy thương quá! Xem xong cảm thấy vui và hạnh phúc thiệt”
Bình luận đầu tiên: Ông lụm ve chai thì tiền đâu mua bông tặng, chắc lụm chậu bông ở nhà đầu xóm?
Bình luận thứ 20: Thấy ông vậy chứ không phải vậy đâu nha mọi người, đừng tưởng ông đi lượm ve chai là nghèo, nhà mấy chục tỷ đấy…
Bình luận thứ 21: Giàu vậy thì mốt đừng ai cho tiền ổng nữa nhé …
…
Bản thân tôi, đọc xong hàng loạt bình luận cũng nghiêng ngả như ngọn cỏ dại ven đường nhựa, lo né xe cộ qua lại luýnh quýnh quên luôn cách nhìn câu chuyện trên một cách trong ngần như thuở mới đọc (cách đây 2 phút)? Trách ai, ai trách, bây giờ trách ai … Chính tôi đôi khi cũng mém ăn phải cú lừa từ những kẻ xấu trên mạng lẫn ngoài đời, may mà tài khoản của tôi không có tiền nhiều nên những kẻ bị lừa là kẻ xấu.
Ngoài đời thì không nói, đôi khi tôi đọc tin rồi tức tối nghĩ sao người ta có thể cho một người lạ “mượn” hàng tỷ đồng mà không có chút gì bảo đảm sẽ thu hồi vốn, để cuối cùng phải báo công an rồi ngồi chờ trong vô vọng (vì cũng không có ai bảo đảm sẽ bắt được thủ phạm). Trong khi, họ cảnh giác với 2 chậu bông dừa của ông lão hơn 90 tuổi hành nghề lụm ve chai? Tại sao, những kẻ bị lừa – nạn nhân đều cảm thấy xấu hổ nhục nhã, thậm chí không muốn tố cáo câu chuyện mình bị lừa ra công khai, vì tất cả các cú lừa thành công từ mạng ảo đều xuất phát từ lòng tham của nạn nhân (không tham tài thì cũng là tham sắc), nhưng vẫn có nhiều người bị lừa suốt nhiều năm trôi qua, và những người bị lừa toàn là người có tiếng, có tiền trong xã hội. Đây là một bài viết thông báo từ một người có hơn 100 ngàn người theo dõi trên mạng xã hội (tôi tạm giấu tên):
“Thông báo tới tất cả. Hiện facebook của mình đang bị tấn công dữ dội. Nên mình sẽ kể đầu đuôi câu chuyện mình đang mắc phải như thế này: Đầu tiên là mình xin lỗi vì chuyện này ảnh hưởng tới gia đình mình, tất cả những người bạn, những người anh em xung quanh. Mình được một tài khoản zalo (mạng xã hội trong nước) kết bạn, sau đó rủ rê chat với nội dung không lành mạnh. 2 ngày sau là nội dung như mọi người đã thấy (kẻ xấu tung ra). Tổ chức này, hack rất ghê, họ nói sẽ tung lên mọi nền tảng, sau mấy ngày tống tiền mình dữ dội. Mình đã gặp phòng điều tra hình sự ngay lúc sự việc xảy ra, và đội hình sự đã vất vả điều tra ngay cả tuần qua. Chuyện mình làm sai là có. Mình có lỗi rất nhiều, nhất là với vợ, người đã lúc nào cũng bên cạnh quan tâm, chăm sóc mình. Những sai lầm xảy ra, một phút nông cạn này mình sẽ trả một cái giá rất đắt, mình biết. Nhưng làm sai thì phải chấp nhận. Mình không biện minh gì hết. Trường hợp này có rất nhiều nạn nhân, mình được biết sau kết quả điều tra, có cả những nạn nhân có địa vị. Nếu mình không nói ra, bọn này – cả một tổ chức, sẽ ép đến khi nạn nhân không còn gì nữa. Đối tượng sẽ gửi hình ảnh, mồi chài câu chuyện đến lúc nạn nhân muốn gọi video call… sau đó thì mọi thứ sẽ nằm gọn trong máy chủ của bọn nó. Một lần nữa, xin cúi đầu xin lỗi vì sự nhục nhã do sai lầm cá nhân của mình mà làm cho mọi người khi lướt Facebook hay những nền tảng khác phải chịu thấy sự xấu xa, xin cúi đầu tạ lỗi.”
Ông cụ 90 tuổi hàng ngày nhận yêu thương nên ông trả lại chậu bông dừa còn bị cư dân mạng nghi ngờ. Còn các anh các chị, có mần gì cho các nàng, các chàng ở cõi mạng ảo đâu mà khi không được nhận hình ảnh tươi mát của họ rồi tin là của trời cho? Trong khi thủ đoạn này không hề mới lạ, nó đã xảy ra hàng chục năm nay, như một người bạn tôi ở Canada kể:
Tôn Thất Hòa: “Tối tối anh hay nhận được các tin nhắn của các em ở Cali, Úc, Canad,…với avatar và hình ảnh trên Facebook rất lung linh, hay đăng nhiều câu triết lý. Các em này sẽ hỏi vu vơ kiểu “Anh ơi. Anh có phải con bà bảy bán chè ở Mỹ Tho không anh?”, “Anh ơi. Hình này anh chụp ở đâu mà đẹp vậy?”, “Anh ơi. Anh đặt hàng bên em sao không tới lấy vậy?” … Nếu trả lời thì cứ mỗi ngày lại nhận thêm vài tin nhắn kiểu: “Anh ơi. Anh đang làm gì nè?”, “Anh ơi. Hôm nay anh đi làm về mệt không?”… Anh nào yếu bóng vía thì cứ vậy mà bị dính sâu vào câu chuyện, xong tụi nó gửi hình ảnh, lấy thông tin, chat chít qua lại … và tống tiền. Nó có hệ thống, nhìn cái biết liền à. Anh nhận rất nhiều tin nhắn như vậy hơn 1 năm nay. Ban đầu nghĩ chắc bị nhầm gì đó, nhưng từ tin nhắn thứ ba trở đi là biết ngay có phong trào gì đó không lành mạnh. Tụi nó thường nhắm vào các đối tượng có gia đình (để sau này tống tiền dễ như trường hợp trên), những người độc thân, nhắm thấy có nhu cầu làm quen, những người ít hiểu về công nghệ và mạng xã hội … Nói chung, nó đặt 100 cái bẫy thì cũng chụp được 1-2 con mồi.”
Thiệt là hên, bạn tôi không nằm trong 1-2 con mồi đó, tôi cũng vậy. Lý do của bạn tôi là do bản có vợ, bản tôn trọng cuộc sống hôn nhân thiệt sự hơn là hoa trong gương, trăng dưới nước. Còn tôi, một mỹ nữ luống tuổi, cuộc sống cuộn tròn trong mớ hỗn độn cơm-áo-gạo-tiền, không có thời gian để nhếch mép cười nửa miệng khi thấy một chàng trai trẻ quăng cho một cái tin nịnh hót chào mời lên chuyến tàu phiêu lưu tình ảo. Nên tới bây chừ, hộp tin rác tràn ngập những câu hỏi không lời đáp. Lý do quan trọng hơn nữa là, mỗi lần tôi thấy nick lạ mở lời “chào người đẹp” là tôi không cần biết đây là kẻ lừa đảo, không cần coi thêm nội dung đằng sau.
Nói gì nói, phụ nữ vốn nhẹ dạ cả tin hơn đàn ông, nên dễ bị lừa hơn, không chỉ bởi những kẻ trên mạng mà còn bởi kẻ trên … giường của quý mợ mỗi đêm. Như câu chuyện “cảnh giác” dưới đây:
“Đợi lão chồng ngủ say, Anna mới lục điện thoại của lão xem thế nào. Trong danh bạ, cô thấy có 3 số được ghi là “Hiền dịu nhất đời”, “Giọt lệ đài trang” và “Quý bà trong mộng”… Máu ghen dồn lên mặt, Anna liền bấm gọi ngay các số đó, để xem mấy con bồ của lão chồng mắc dzịch là đứa nào? Gọi theo số đầu tiên, bên kia có tiếng mẹ chồng trả lời. Hoá ra “Hiền dịu nhất đời” chính là người mẹ cưng lão vô tội vạ. Còn “Giọt lệ đài trang” là số em gái út nhõng nhẽo của lão. Khi gọi “Quý bà trong mộng” thì điện thoại của Anna đổ chuông. Cô liền khóc vì hối hận đã nghĩ oan cho chồng, hôm sau rút hết tiền ở ngân hàng về tặng lão. Khi được nghe Anna kể lại chuyện đó, bà mẹ chồng liền đi mua tặng lão một chiếc đồng hồ vàng. Còn khi em gái lão biết chuyện, nó liền đi mua tặng anh trai cái xe hơi đời mới. Lão chồng Anna rất lấy làm xúc động vì những tình cảm đó, thậm chí lão còn rơm rớm nước mắt. Không lâu sau, lão gom hết tiền bạc, quà tặng, qua nhà con khác ở, là cái con mà được ghi trong danh bạ là “Thợ điện mát dây”.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn